Đức phật chỉ ra 5 chướng ngại ngăn cản chúng ta sống hết mình và cách để vượt qua chúng
"Có 2 lỗi thường mắc phải trên con đường làm chủ bản thân: Không bắt đầu thực hiện, và không đi đến cuối đường." – Đức Phật
Tôi đang có một cuộc đấu tranh nội tâm khi tôi muốn tập trung vào chánh niệm.
Hơn nữa, chính những người tu hành là những người có những nguyên tắc làm việc kỳ quặc nhất. Họ dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc ngồi thiền. Và thật khó có thể làm được như vậy ngày qua ngày cho tới cuối cuộc đời. Tôi nhận ra rằng, cách tốt nhất để hiểu được sức mạnh thực sự của chánh niệm là phải nghiên cứu sâu về tâm trí của những nhà tu hành đó. Và lựa chọn tốt nhất chính là người tu hành cao nhất của Phật giáo – Đức Phật.
Lý do mà tôi đã dành vài tuần để đọc về Đạo phật và hiểu được các nguyên tắc mà Đức phật đã truyền dạy là vì, các nhà tu hành thường làm chủ được tâm trí của mình. Đó là lúc tôi bắt gặp khái niệm về Năm chướng ngại. Năm chướng ngại là những trở ngại mà mỗi nhà tu hành phải vượt qua hàng ngày trên con đường hướng tới sự tự do của mình. Tuy nhiên, Năm chướng ngại không chỉ dành riêng cho người tu hành mà còn áp dụng được với những người bình thường chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được Năm chướng ngại và nghe theo những lời khuyên từ Đức phật về cách để vượt qua chúng, ta cũng có thể học cách khai phá tiềm năng cực hạn của bản thân.
Vì vậy mà tôi đã dành thời gian suy nghĩ về những điều này để cố gắng tìm ra xem chúng đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi như thế nào. Tôi viết lại những suy nghĩ của mình vào nhật ký. Tôi gợi ý bạn cũng nên làm như vậy. Tôi sẽ chia sẻ bức ảnh ở cuối bài viết này nếu bạn cần tham khảo!
1. THAM DỤC: GIỐNG NHƯ MỘT KHOẢN VAY
Trong Đạo phật, việc nuông chiều bản thân theo những cảm giác của mình được xem như một khoản vay. Khoản vay của sự hài lòng trong hiện tại luôn luôn phải trả giá bằng những điều khó chịu khi những điều tốt đẹp đó biến mất. Trên thực tế, nói một cách ẩn dụ, ngay cả các "ngân hàng cuộc sống" cũng sẽ đòi một khoản lãi đối với khoản vay này, và những thương tổn từ đó luôn nhiều hơn những sự vui vẻ đã vay mượn.
Tất cả những khoảng thời gian tôi dùng để cày phim ở trường trung học thay vì làm những việc khác, đã lấy đi giấc mơ đại học của tôi, và tôi đã phải sắp xếp lại tất cả. Tôi đã thỏa hiệp với điều đó, nhưng tôi vẫn nhận thức được những gì mình đang bỏ lỡ.
Những món ăn nhanh mà tôi say mê vài năm trước đã lấy đi của tôi một thân hình lực lưỡng mà tôi hằng mong ước.
Tóm lại, việc trả lại các khoản vay là rất tệ.
Câu hỏi cần trả lời:
Có thú vui theo cảm xúc nào mà tôi say mê khiến nó trở thành chướng ngại trên con đường phát triển của mình?
Thuốc giải độc:
Để vượt qua chướng ngại, các nhà sư thường dành thời gian suy tưởng về vô thường. Họ dành thời gian suy nghĩ về việc làm sao mà tất cả các thú vui xác thịt đều có thời hạn quá ngắn. Và việc thực hành không chỉ là "để biết". Tất cả chúng ta đều biết rằng thú vui của chúng ta là vô thường; tuy nhiên, ngay cả khi đó, chúng ta cũng không thể chống lại chúng. Đó là vì có một khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết và hành động. Việc suy nghĩ về sự vô thường của bất kỳ ham muốn xác thịt nào mà bạn đang bị sa lầy vào cũng là một cách để thu hẹp khoảng cách đó
Hãy xác định những thú vui xác thịt mà bạn đang chìm vào và bắt đầu dành thời gian - ví dụ, 5 phút - mỗi sáng để chiêm nghiệm tính vô thường của thú vui riêng đó.
2. SÂN HẬN HAY SỰ THÙ HẰN: NHƯ MỘT CĂN BỆNH
Sân hận hay sự thù hằn là sự phản kháng mà chúng ta bộc lộ ra đối với mọi người hoặc với các tình huống, dưới dạng nỗi giận dữ, cay đắng, oán giận hoặc thù địch. Sự thù hằn thường được so sánh với bệnh tật. Giống như một căn bệnh cướp đi của bạn niềm vui và sự tự do về sức khỏe, sự thù hằn cướp đi niềm vui và sự tự do bình yên của bạn.
Sự thù ghét có thể thể hiện theo những cách nhỏ và lớn. Chẳng hạn, tôi ước mình không cần quan tâm đến khía cạnh tiếp thị của việc viết nội dung. Có rất nhiều điều để nói về nghề SEO, chuyển đổi các bài viết hoàn chỉnh của bạn thành 500 phần nội dung nhỏ, quảng cáo, v.v. Tôi chỉ muốn viết nội dung. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng tôi phải quan tâm đến tiếp thị một chút ít nhất là đủ để trưởng thành trong nghề viết nội dung ở thế giới hiện đại. Vì vậy, tôi cũng có thể chấp nhận điều đó và thậm chí quen thuộc với hoạt động tiếp thị trong khi làm việc của mình.
Câu hỏi cần trả lời:
Những tình huống nào mà tôi nhận thấy mình đang thể hiện những cảm xúc tiêu cực?
Thuốc giải độc:
Thuốc giải độc cho sự thù ghét trong Phật giáo là lòng nhân ái. Theo nghĩa rộng, nó chỉ đơn thuần là một bài thiền giúp bạn chuyển đổi cảm giác tiêu cực thành tích cực. Bạn phải nhận ra rằng những cảm xúc tiêu cực - bất kể chúng có hợp lý đến đâu – cũng đóng vai trò là những chướng ngại đối với sự phát triển của bạn và sẽ thật khôn ngoan nếu bạn chuyển chúng thành những cảm xúc tích cực hoặc ít nhất là từ bỏ những cảm xúc tiêu cực.
Chẳng hạn như, nếu có một số trở ngại trong con đường sự nghiệp của bạn mà bạn không thể kiểm soát được, thay vì phàn nàn về nó và sinh ra phản ứng tiêu cực, bạn có thể chỉ cần học cách hòa giải với nó. Và nó cũng có thể là điều gì đó có lợi cho bạn, nhưng dù sao thì bạn cũng cảm thấy không thích nó giống như tôi không thích công việc tiếp thị. Trong trường hợp đó, bạn có thể thử đảo ngược hoàn toàn cảm xúc. Bạn có thể cố gắng chuyển từ không thích thành thích và ghét thành yêu.
3. HÔN TRẦM (LƯỜI BIẾNG VÀ UỂ OẢI): NHƯ MỘT HÌNH PHẠT
Sự lười biếng là sự u mê của tâm trí và Trạng thái uể oải là sự nặng nề của cơ thể. Khi kết hợp với nhau, chúng được xem như tương đương với việc bị giam trong một phòng giam tối tăm, không thể di chuyển dưới ánh sáng mặt trời bên ngoài. Nói một cách đơn giản, đó là sự lười biếng: của trí óc và cơ thể.
Câu hỏi cần trả lời:
Tôi có đang cảm thấy không có động lực về tinh thần hay thể chất không?
Thuốc giải độc:
Người ta nói rằng một thiền giả khéo léo luôn cảnh giác theo dõi những dấu hiệu đầu tiên của sự lười biếng và trạng thái uể oải, điều này giúp họ nhận ra cách tiếp cận của nó và thực hiện những hành động cần thiết trước khi quá muộn. Sau đó, các nhà tu hành sẽ thực hiện các biện pháp đơn giản để khơi dậy năng lượng nhằm ngăn chặn việc sự lười biếng và trạng thái uể oải chế ngự họ. Họ chỉ cần một mẹo nhỏ là đi bộ nhanh hoặc tạt nước vào mặt.
Việc khơi dậy năng lượng phụ thuộc vào sở thích của từng cá nhân. Tôi thường nghe một số bài hát của Linkin’ Park nếu tôi cảm thấy mình đang lười biếng và đi dạo quanh nhà nếu tôi cảm thấy buồn ngủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là rèn luyện các giác quan để luôn cảnh giác với sự lười biếng và uể oải. Bởi vì chúng là những năng lượng xấu, ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và thật khôn ngoan nếu ngăn chặn chúng sớm trước khi chúng trở nên không thể kiểm soát được.
4. TRẠO CỬ (SỰ BỒN CHỒN): NHƯ MỘT NÔ LỆ
Sự bồn chồn được so sánh với việc trở thành nô lệ trong Phật giáo, liên tục phải nhảy theo mệnh lệnh của một ông chủ chuyên chế, người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo và vì vậy không bao giờ cho phép chúng ta dừng lại. Bản ngã của chúng ta là một ông chủ hống hách, ham muốn sự hoàn hảo, dẫn đến việc chúng ta bị choáng ngợp bởi một đống suy nghĩ bồn chồn.
Việc đó giống như tâm trí của chúng ta là một con khỉ, nhảy từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, không thể giữ nguyên được. Nó đối lập với sự điềm tĩnh. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, bình tĩnh sẽ trở thành một siêu năng lực khi nó thể hiện cái tôi tốt nhất của chúng ta trong thời điểm hiện tại.
Câu hỏi cần trả lời:
Tôi là người bình tĩnh hay bồn chồn? Nếu tôi bồn chồn, thì nguyên nhân của nó là gì?
Thuốc giải độc:
Các nhà sư Phật giáo được dạy cách chữa trị chứng bồn chồn bằng cách nuôi dưỡng sự hài lòng, điều này đối lập với mong muốn sự hoàn hảo và tìm kiếm lỗi sai. Đó là việc tập trung vào những điều đúng đắn ngay tại thời điểm này chứ không phải là những gì sai trái về điều đó. Thay vì nguyền rủa những khoảnh khắc như vậy, hãy biết ơn chúng và tìm niềm hạnh phúc trong đó.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân sâu xa khiến bạn bồn chồn. Nếu bạn đã trốn thuế trong mười năm, câu trả lời có thể là chỉ cần nộp thuế. Việc nuôi dưỡng sự hài lòng có thể không có tác dụng nếu như căn nguyên của sự việc không được loại bỏ.
5. HOÀI NGHI: NHƯ LẠC TRONG SA MẠC
Đức Phật mô tả sự hoài nghi giống như khi bị lạc trong sa mạc không có mốc định hướng nào trong tầm mắt. Sự hoài nghi phá vỡ sự đồng bộ của tâm trí với các hành động của nó. Ví dụ, nếu tôi bắt đầu nghi ngờ con đường trở thành một người viết nội dung của mình, tôi sẽ không thể viết với sự tập trung hoàn toàn. Nếu tôi liên tục thắc mắc về quyết định đi theo con đường đáng sợ này của mình, tôi sẽ sớm bỏ cuộc.
Tuy nhiên, tôi đã không hề nghi ngờ. Và nó còn là nhiều thứ hơn là một con đường sự nghiệp. Trên thực tế, việc hạ thấp nó xuống như vậy là một sự xúc phạm. Viết lách - như cách gọi của Liz Gilbert - là nhà của tôi. Sự hoài nghi giống như một sức nặng liên tục lôi kéo tâm trí của bạn, ngăn cản bạn làm những công việc tốt nhất của mình. Nói cách khác, để không trở nên hoài nghi, bạn phải hết sức tỉnh táo.
Câu hỏi cần trả lời:
Tôi có nghi ngờ hoặc thiếu quyết đoán về con đường mình đã chọn không?
Thuốc giải độc:
Các nhà sư luôn được yêu cầu tìm kiếm những câu trả lời rõ ràng từ các vị thầy của họ, nếu còn nghi ngờ về bất kỳ phương pháp thiền định nào. Và đó là những gì chúng ta có thể làm theo.
Chúng ta có thể xin lời khuyên của ai đó đã từng đi trên con đường mà chúng ta mới bắt đầu.
Sự nghi ngờ và thiếu quyết đoán sẽ từ từ hủy hoại năng lượng và hiệu suất làm việc của chúng ta. Do đó, nếu muốn dồn hết tâm trí cho một việc nào đó bạn phải giải thoát bản thân khỏi sự hoài nghi.
Tổng kết lại
Như tôi đã đề cập trước đó, tôi đã dành một khoảng thời gian để vượt qua năm chướng ngại, và tôi đã viết ra cách mà chúng có thể khiến tôi không thể hiện được tiềm năng thực sự của mình với tư cách là một người viết nội dung. Và đây là bức ảnh trang nhật ký của tôi.
Tôi có thể xác định ba trở ngại đầu tiên, còn hai trở ngại tiếp theo thì không dễ lắm. Mỗi người trong chúng ta nên nhận ra những trở ngại ngăn cản chúng ta phát huy tiềm năng thực sự của mình và cố gắng vượt qua chúng.
- Tham dục nói về việc quá ham mê thú vui trần tục có thể là trở ngại đối với cuộc sống tiềm năng của bạn. Hãy Cố gắng loại bỏ chướng ngại này bằng cách suy ngẫm về sự vô thường ít nhất 5 phút mỗi ngày.
- Sân hận là sự biểu hiện của những cảm xúc tiêu cực đối với những trở ngại không mong muốn hoặc những hành động cần thiết mà bạn cần thực hiện nhưng không nhất thiết phải yêu thích nó. Hãy chuyển đổi cảm xúc tiêu cực sang cảm xúc tích cực bằng cách rèn luyện lòng nhân ái.
- Hôn trầm là sự lười biếng về tinh thần và thể chất. Hãy rèn luyện cho tâm trí của bạn chú ý đến những dấu hiệu đầu tiên của những trở ngại này và thực hiện các hành động khơi dậy năng lượng trong bạn để ngăn chúng làm gián đoạn công việc của bạn.
- Trạo cử (sự bồn chồn) là trạng thái tâm trí bị choáng ngợp bởi những suy nghĩ. Để tạo ra sự bình tĩnh và quay trở lại khoảnh khắc hiện tại, hãy rèn luyện để bản thân hài lòng với hiện tại.
- Hoài nghi phá vỡ sự đồng bộ của tâm trí và hành động mong muốn của bạn. Để thoát khỏi sự hoài nghi, hãy tìm kiếm sự rõ ràng, đưa ra quyết định và không bao giờ nhìn lại.
----------
Tác giả: Akshad Singi
Link bài gốc: 5 Hindrances that may stop us from living up to our full potential
Dịch giả: ChamNguyen - ToMo - Learn Something New