Dùng lòng từ bi để hóa giải cảm giác nuối tiếc - lời khuyên của một nhà khoa học hành vi-thần kinh

dung-long-tu-bi-de-hoa-giai-cam-giac-nuoi-tiec-loi-khuyen-cua-mot-nha-khoa-hoc-hanh-vi-than-kinh

Cũng như những cảm xúc tiêu cực khác, việc trốn tránh, phủ nhận hay tìm cách dập tắt cảm giác nuối tiếc là vô dụng.

Một người bạn của tôi – chúng ta hãy gọi anh ấy là “Jay” – từng làm việc cho IBM tại thành phố New York hồi đầu thập niên 90. Anh ấy là một lập trình viên và kiếm được mức lương khá tốt. Thỉnh thoảng các đối thủ và startup tiếp cận để lôi kéo Jay về công ty họ. Anh đã nhận được một lời mời từ một tổ chức tuy nhỏ nhưng thú vị ở Seattle, nhưng mức lương thì bèo bọt và phần lớn gói lương thưởng là cổ phần của công ty. Sau khi tham khảo ý kiến từ cha mẹ và bạn bè, Jay từ chối lời mời và ở lại IBM. Kể từ đó anh ấy vẫn luôn sống trong tiếc nuối. Công ty nhỏ đó là Microsoft.

Hối tiếc là một phản ứng rất thực trước một sự việc đáng thất vọng trong cuộc đời bạn, một lựa chọn bạn đã đưa ra mà không thể thay đổi, những lời nói không thể rút lại của bạn. Dường như nó là một trong những cảm xúc mà bạn không thể giũ sạch, một cảm xúc tiêu cực và nặng nề xâm chiếm tâm trí, có thể kéo dài nhiều phút, nhiều ngày, nhiều năm hay thậm chí cả cuộc đời. Các nghiên cứu hình ảnh tiết lộ: cảm giác nuối tiếc cho thấy hoạt động gia tăng ở một vùng não bộ được gọi là vỏ não trán ổ mắt giữa (medial orbitofrontal cortex).

Việc xử lý cảm giác nuối tiếc thậm chí còn khó khăn hơn vì nó liên quan đến nhiều cảm xúc tiêu cực khác: hối hận, buồn bã và bất lực. Nuối tiếc có thể làm gia tăng mức độ stress của chúng ta, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và làm mất cân bằng hệ miễn dịch và hocmon. Tiếc nuối không chỉ là cảm xúc khó chịu mà còn gây hại cho sức khỏe.

Là một nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép tại trường Y thuộc Đại học Virginia, tôi đã tiến hành nghiên cứu về những cảm xúc gây căng thẳng. Thông qua nghiên cứu này, tôi đã giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua hối tiếc, tiếp tục cuộc sống của họ và trưởng thành. Tin tốt là: Người ta có thể vượt qua cảm giác hối tiếc thông qua những biện pháp can thiệp như trị liệu tâm lý và các chiến lược dựa trên bằng chứng (evidence-based strategies.)

Trị liệu tâm lý có thể giúp những người quá mệt mỏi với cảm giác nuối tiếc đối mặt với cảm xúc của họ và xây dựng đức tính kiên cường. FatCamera/E+ via Getty Images

MỘT CẢM GIÁC BẾ TẮC

Về cơ bản thì có 2 dạng nuối tiếc: chúng ta có thể nuối tiếc về những việc mình đã làm (nuối tiếc liên quan đến hành động) – hoặc nuối tiếc về những việc mình không làm (nuối tiếc liên quan đến không-hành động).

Nghiên cứu cho thấy những nuối tiếc liên quan đến hành động, dù đau đớn, nhưng thúc đẩy con người học hỏi từ lỗi lầm và bước tiếp. Còn nuối tiếc liên quan đến không-hành động – những điều chưa làm, những cơ hội bị mất – thì khó khắc phục hơn. Kiểu nuối tiếc này nhiều khả năng dẫn đến trầm cảm, lo âu, cảm giác bế tắc cùng cảm giác khát khao không biết điều gì sẽ xảy ra nếu mà...

Cũng như những cảm xúc tiêu cực khác, việc trốn tránh, phủ nhận hay tìm cách dập tắt cảm giác nuối tiếc là vô dụng. Về lâu dài, những chiến thuật này chỉ làm tăng cảm giác tiêu cực và kéo dài thời gian khổ sở của bạn vì chúng. Thay vì bị mắc kẹt, người ta có thể tìm cách kiểm soát những cảm xúc đó bằng 4 bước: 

  1. Đầu tiên, chấp nhận sự thật rằng bạn đang có cảm xúc đó; 
  2. xác định lý do tại sao bạn lại cảm thấy nuối tiếc; 
  3. cho phép bản thân học hỏi từ chúng, 
  4. và cuối cùng, buông xả chúng và tiến về phía trước.

Bạn có thể buông xả những cảm xúc nuối tiếc này bằng cách huân tập lòng từ bi dành cho bản thân. Có nghĩa là cần nhắc nhở rằng bạn là con người, bạn đang cố gắng hết sức và bạn có thể học hỏi từ những quyết định trong quá khứ và trưởng thành. Dành cho bản thân lòng trắc ẩn có thể giúp bạn chấp nhận và vượt qua nuối tiếc.

Chấp nhận rằng bạn đang có cảm giác nuối tiếc không đồng nghĩa bạn thích những cảm giác này. Mà chỉ có nghĩa là bạn BIẾT chúng đang có mặt ở đó. Nó cũng giúp xác định rõ bạn đang có những cảm xúc cụ thể nào. Thay vì tự nhủ, “Tôi cảm thấy tệ”, thì hãy nói rằng “Tôi đang cảm thấy tiếc nuối.” Nghe thì đơn giản, nhưng sự khác biệt ngữ nghĩa lại tạo nên tác động lớn về cảm xúc.

CHẤP NHẬN, THỪA NHẬN VÀ THA THỨ CHO BẢN THÂN  

Thừa nhận những suy nghĩ và cảm xúc của bạn có thể giúp thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực dữ dội. Trong trường hợp của Jay, anh ấy có thể nhắc nhở mình rằng hồi đó anh không có tài tiên tri. Thay vào đó, anh ấy đã đưa ra quyết định tốt nhất có thể, dựa trên thông tin anh có vào thời điểm đó, và trong những hoàn cảnh tương tự, hầu hết những người cùng thời với anh cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Phương pháp chú ý rồi sau đó tái cấu trúc suy nghĩ của bạn đôi lúc được gọi là tự đánh giá lại nhận thức (cognitive reappraisal). Nhìn nhận hoàn cảnh theo một cách khác có thể giảm bớt nuối tiếc và giúp bạn đưa ra quyết định trong tương lai.

Tha thứ cho bản thân vì những hành động đã làm hoặc không làm là một bước quyền năng để vượt qua tiếc nuối. Điều này đã được chính thức hóa thành một mô hình tâm lý nhận thức thường được sử dụng, gọi là REACH, trong đó yêu cầu mọi người nhớ lại tổn thương (đối mặt với nó), thấu cảm (tử tế và từ bi), rộng lượng tha thứ (cho chính mình), cam kết công khai (chia sẻ nó) rồi sau đó cứ tiếp tục tha thứ và luôn sống đúng với quyết định đó. Nghiên cứu cho thấy: 6 giờ làm việc cùng với một chuyên gia được đào tạo sử dụng mô hình này có thể mang đến một tác động tích cực.

Tác giả kiêm nhà báo Kathryn Schulz suy ngẫm về giá trị của việc học cách chấp nhận và giảng hòa với cảm giác nuối tiếc. (Video có phụ đề tiếng Việt)

Hiểu biết nhiều hơn = bớt nuối tiếc

Lúc đầu, Jay tìm cách gạt đi cảm giác nuối tiếc của anh ấy. Anh ấy tiếp tục đấu tranh với suy nghĩ về những điều anh đã bỏ lỡ. Anh ấy vẫn không thay đổi cho đến khi anh tiếp cận và khám phá những cảm giác tiếc nuối của mình, ban đầu là với một người bạn và sau cùng là nhà trị liệu.   

Cuối cùng anh đã chấp nhận nỗi đau của việc không biết chuyện gì có thể xảy ra, nhưng vẫn tự nhắc mình rằng vào thời điểm đó anh đã đưa ra quyết định thực sự khá hợp lý. Anh thể hiện lòng trắc ẩn dành cho bản thân, nói chuyện nhẹ nhàng với bản thân, giống như cách mà anh nói chuyện với một người bạn thân hay người thân yêu. Huân tập lòng từ bi đối với bản thân cho phép anh ấy xây dựng được tính kiên cường, bỏ lại những cảm xúc tiêu cực và cuối cùng là tha thứ cho chính mình.

Khi đưa ra các quyết định trong tương lai, Jay nhận ra tầm quan trọng của việc thu thập càng nhiều thông tin về cơ hội nghề nghiệp càng tốt. ANh thách thức bản thân để tìm hiểu, học hỏi về những tay chơi lớn trong lĩnh vực của anh. Làm thế giúp anh ấy vượt qua sự nuối tiếc của mình và tiếp tục tiến lên. Những cơ hội mới lại xuất hiện. Jay, hiện đang làm việc cho một công ty kỹ thuật máy tính lớn khác, đang chăm sóc bản thân khá tốt, và có thể thoát khỏi cảm giác nuối tiếc vì quyết định trong quá khứ của mình.   

 

Tìm đọc cuốn sách Tâm Từ Thực hành căn bản của Tác giả Bhante Henepola Gunaratana

Tu tập Tâm Từ là để hóa giải những sân hận, những nội kết trước đây mà ta đã từng có. Trong cuộc sống hàng ngày, không phải mọi điều đều thuận theo ý muốn của chúng ta. Khi mọi khó chịu, bất an… bị tích tụ, đè nén lại, giam cầm trong tâm thức của chúng ta mà không được hóa giải thì đến một lúc nào đó nó sẽ bùng nổ ra ở dạng này hay dạng khác, và nó sẽ làm hại chính cơ thể của chúng ta. Hoặc nó sẽ làm hại tâm tính của chúng ta, chúng ta vô tình trở thành một người cáu bẳn tự lúc nào không biết. 

Khi tu tập Tâm Từ, chúng ta dần dần nhận diện và làm chủ cảm xúc của mình, đào xới những ký ức ấm ức, ẩn ức từ thời thơ ấu đã bị dồn nén, hóa giải những tầng tâm thức sâu hơn nữa, từ từ gỡ bỏ những nội kết, những nỗi khổ niềm đau và chuyển hóa chúng.

Nguồn

https://www.google.com/amp/s/theconversation.com/amp/regret-can-be-all-consuming-a-neurobehavioral-scientist-explains-how-people-can-overcome-it-172466

menu
menu