Giảm đau sau chia tay

giam-dau-sau-chia-tay

Theo các nhà khoa học, có một số việc nên làm để đẩy nhanh quá trình "liền sẹo cho vết thương lòng".

Một số nghiên cứu của Anh ước tính, trung bình mỗi người sẽ trải qua hai mối quan hệ trước khi ổn định với một mối quan hệ được coi là lâu dài.

Nếu bạn gặp cảm xúc tồi tệ khi chia tay, hãy tin rằng điều đó bình thường. Kết quả một cuộc thăm dò năm 2018 từ YouGov cho thấy, 58% người trưởng thành nói rằng các cuộc chia tay có xu hướng "kịch tính/tồi tệ". Chỉ 25% cảm thấy "bình thường/không quá khó khăn".

Đau đớn khi chia tay là một cảm giác không dễ chịu. Khoa học thần kinh chỉ ra nỗi đau chia tay có thể kích thích nhiều vùng não giống như nỗi đau thân thể. Các chuyên gia tâm lý khẳng định, khi một người đang đau đớn, rất khó để thuyết phục họ "thực ra tốt hơn mức họ đang nghĩ".

Nhưng theo thời gian, cơn đau sẽ giảm đi. Nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học xã hội thực nghiệm năm 2017 đã phát hiện ra, khi một mối quan hệ yêu đương tan vỡ, một người bình thường đánh giá mức độ căng thẳng của mình ở mức 3 (trong tổng số 7 mức). Mỗi tuần, con số này giảm trung bình khoảng 0,07. Ví dụ, nếu nỗi đau sau khi chia tay là 3,5, sau khoảng 6 tháng nó mới giảm một nửa.

Sau một mối quan hệ lâu dài, việc chia tay có thể khiến một người cảm thấy "mình sẽ không bao giờ tìm lại được tình yêu". Tuy nhiên, họ sẽ làm được và có thể sớm hơn.

Ảnh minh họa: Medical News Today

Theo các nhà khoa học, có một số việc nên làm để đẩy nhanh quá trình "liền sẹo cho vết thương lòng".

Nghĩ về những thứ xấu xí của người cũ

Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tại Đại học Missouri (Mỹ) đã mời những người đang buồn bã sau khi chia tay thử các kỹ thuật khác nhau nhằm giảm bớt cảm giác yêu thương đối với người yêu cũ, từ đó giảm bớt tâm trạng khó chịu của họ.

Các nhà nghiên cứu đã đo lường hiệu quả của từng phương pháp bằng cách cho những người tham gia xem ảnh của đối tác cũ, trong khi quan sát hoạt động não bộ của họ trên điện não đồ và hỏi họ cảm thấy thế nào. Khi những người tham gia được hướng dẫn suy nghĩ về những điều họ thực sự không thích ở người cũ, ví dụ, bằng cách tập trung vào những câu hỏi như "Thói quen khó chịu của người cũ của bạn là gì?". Khi đó, cảm xúc yêu đương của họ đã giảm tới 18%.

Đi chơi

Một chiến lược khác được Đại học Missouri thử nghiệm là làm cho bản thân phân tâm. Những người tham gia được hướng dẫn suy nghĩ về những điều tích cực trong cuộc sống, chẳng hạn như món ăn yêu thích, điểm đến yêu thích. Kết quả của thử nghiệm này cho thấy, mặc dù tình cảm dành cho người yêu cũ không giảm, nhưng tâm trạng của người tham gia được cải thiện trung bình 8%.

Lời khuyên cho một người sau khi chia tay là thay vì cứ luẩn quẩn với suy nghĩ "mình đã yêu người cũ nhiều thế nào", hãy suy ngẫm về việc anh/cô ấy ngoáy mũi, xì hơi... Nếu vấn đề của người đó là cảm giác chán nản, hãy làm điều gì đó vui vẻ và thú vị để chiếm lĩnh tâm trí, ví dụ như đọc một cuốn sách hay, đi du lịch...

Mở một bản nhạc buồn

Điều này nghe có vẻ phản tác dụng, nhưng các nhà nghiên cứu lại chỉ ra tác dụng bất ngờ. Nghiên cứu đăng trên tạp chí The Arts in Psychotherapy chỉ ra, mọi người tìm đến nhạc buồn để giúp bản thân hiểu và tìm thấy ý nghĩa trong cảm xúc của chính mình. Những bài hát chia tay có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn trong đau khổ và bớt đơn độc trong nỗi bất hạnh của mình. Ngồi lại với những cảm xúc tồi tệ của bạn thay vì đẩy chúng ra xa là điều quan trọng đối với sự phát triển và hạnh phúc về mặt cảm xúc của bạn.

Bên cạnh việc chỉ ra cách để giảm đau lòng khi chia tay, các chuyên gia cũng chỉ ra sai lầm khiến nhiều người càng chìm sâu vào đau khổ là liên tục theo dõi người cũ trên mạng xã hội. Sự giám sát như vậy là một sai lầm lớn đối với hạnh phúc.

Nghiên cứu về việc theo dõi trên Facebook cho thấy nó liên quan đến sự đau khổ, khao khát, cảm giác tiêu cực và ham muốn tình dục lớn hơn đối với người bạn cũ. Nó cũng kìm hãm sự phát triển cá nhân sau sự chia rẽ.

 

Thùy Linh (Theo Atlantic)

Theo vnexpress

menu
menu