Hiện tượng tâm lý mà ai cũng từng gặp phải - Hội chứng vịt con

hien-tuong-tam-ly-ma-ai-cung-tung-gap-phai-hoi-chung-vit-con

Hội chứng vịt con (Baby duck syndrome) hay trong giới khoa học gọi đó là tâm lý ấn tượng (Imprinting) là thuật ngữ được dùng để mô tả theo tình huống của vịt con mới nở.

Mình nghĩ rất nhiều lần trong trong cuộc sống, anh em đã từng ít nhất một lần có những trải nghiệm hay ấn tượng đầu tiên cực kỳ đặc biệt đến mức xem nó là một khuôn mẫu hay tiêu chuẩn để cân đo đong đếm cho những lần sau. Lấy ví dụ như chiếc điện thoại đầu tiên có thể không tốt bằng chiếc hiện tại nhưng đối với bạn, đó vẫn đóng vai trò quan trọng và tự hào mỗi khi nhắc về nó. Thật ra, trong tâm lý học hiệu ứng ấy được gọi là “Hội chứng vịt con”. Không chỉ trong đời sống mà hiệu ứng này còn được áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác để thu hút khách hàng.

Hội chứng vịt con (Baby duck syndrome) hay trong giới khoa học gọi đó là tâm lý ấn tượng (Imprinting) là thuật ngữ được dùng để mô tả theo tình huống của vịt con mới nở. Theo đó, các chú vịt con mới nở sẽ theo bản năng và nhận vật thể chuyển động đầu tiên là mẹ của mình. Dù cho đó có thật sự là vịt mẹ hay gà hay bất cứ con hay thứ gì, chúng đều sẽ mặc định và đi theo không rời. Trên thực tế dù mang tên “hội chứng vịt con” nhưng ban đầu nó được phát biểu dựa trên gà bởi Sir Thomas More vào năm 1516. Sau này hiệu ứng này được nghiên cứu và phổ biến bởi nhà khoa học người Áo có tên là Konrad Lorenz trên con ngỗng. Nhưng do sai sót trong một bản dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh tên loài vật đã bị thay đổi. Lorenz nhanh chóng nhận ra hội chứng này cũng xảy ra ở trong đời sống con người chỉ là chúng ta không nhận thấy mà thôi. Hội chứng này trở nên nổi tiếng là nhờ vào cuốn sách King Solomon's Ring.

Ở con người hiệu ứng vịt con dùng để chỉ việc một người xem vật thể, trải nghiệm, cảm xúc đầu tiên là tốt nhất và dùng nó làm một khuôn mẫu chuẩn mực. Dù cho thứ đến sau có tốt hơn thì đối với họ, cũng không thể bằng thứ ban đầu, tương tự như tình yêu đầu ở một số người. Chẳng hạn như khi bạn đang xem đến phân nửa một bộ phim truyền hình dài tập thì bỗng nhiên một diễn viên trong số đó bị thay thế thành người khác, bạn sẽ cảm thấy người diễn viên mới này sẽ không thể hay như người cũ được. Cũng như việc bạn bỗng vô tình nghe được một bài hát mới và tra trên mạng tìm kiếm thì phát hiện bản bạn nghe chỉ là bản cover chứ không phải bản chính. Nhưng vì tâm lý ấn tượng ban đầu, bạn vẫn sẽ cảm thấy bản chính không hay bằng.

Nếu một người đang học cách sử dụng hệ điều hành Linux thường sẽ không còn thấy hứng thú để thử các hệ điều hành thay thế khác. Tương tự như một số người đã quen với kiểu gõ Telex sẽ cảm thấy khó khăn khi buộc chuyển sang VNI. Chính điều này là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất bởi tâm lý của người dùng khi đã quen và hài lòng với những món cũ, họ sẽ mất đi sự quan tâm để khám phá cũng như đón nhận thứ mới. Bên cạnh đó, hội chứng vịt con cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thói quen sử dụng của khách hàng, dù cho việc thay đổi đó có thể phù hợp hơn với nhu cầu của họ.

Dù đây là hội chứng mà hầu như ai cũng mắc phải và thường không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu bạn nào muốn thay đổi và tránh thì hãy khám phá nhiều thứ cùng một lúc và luôn cho bản thân nhiều sự lựa chọn để không rơi vào một thói quen nào đó. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tự thúc đẩy bản thân để vượt qua cảm giác khó chịu ban đầu để thử những điều mới và biết đâu sự thay đổi lại đem lại nhiều điều bất ngờ. Tuy nhiên đều quan trọng nhất vẫn là ở bản thân chúng ta, cần phải luôn làm chủ và nhận thức được đâu là tốt và xấu để thay đổi phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Nếu cứ mãi giữ những quan điểm lạc hậu và không chịu thay đổi thì chúng ta sẽ bị tụt hậu so với xã hội và thế giới.

 

Theo Uxdesign, Easytechjunkie, (a)

Tác giả: Rubi Lee

Nguồn bài: https://tinhte.vn/thread/hien-tuong-tam-ly-ma-ai-cung-tung-gap-phai-hoi-chung-vit-con.3279977/?fbclid=IwAR3QBW8UibV2a_TDidUIwQGHgAZdINZ9v8E2Km7bD-Ihb4ZngXTbrexDS-E

menu
menu