Hiệu ứng dư vị sau ân ái (Afterglow)
Cường độ của cơn cực khoái thật thăng hoa tuyệt vời, nhưng cocktail tình yêu nhẹ nhàng diễn ra sau đó mới là thứ giúp mối quan hệ bền vững
Hãy phân tích một câu chuyện hay kịch bản, và bạn có thể chia câu chuyện thành các phần: dẫn truyện, sự cố kích động, cao trào, xung đột, đỉnh điểm, thoái trào và kết thúc. Tình dục cũng giống như vậy. Tuy nhiên, cho dù đó là một câu chuyện hay giao hợp, chúng ta thường tập trung vào những phần đưa chúng ta đến lên đỉnh và cực khoái–Big-O, nơi tập trung phần lớn sự căng thẳng. Các tạp chí thì cho lời khuyên về cách đưa bạn tình lên đỉnh hay làm sao để có màn dạo đầu tốt hơn, nhưng chúng ta hiếm khi nói về những phần sau đó. Thật đáng tiếc, vì theo các nghiên cứu gần đây thoái trào là nơi bắt nguồn của phần lớn sự thỏa mãn của mối quan hệ.
Bạn có lẽ đã từng nghe đến thuật ngữ ‘afterglow’, được định nghĩa là cảm xúc của sự thỏa mãn và gần gũi xuất hiện sau khi quan hệ. Đó là cảm giác khiến hai người đang ướt đẫm mồ hôi muốn âu yếm nhau hơn là lao vào phòng tắm. Hiện tại, Amy Muise, một nhà tâm lý tại đại học York, Canada, báo cáo rằng dường như chính cuộc tâm tình nhạt nhẽo trên giường, chứ không phải ‘hâm nóng’ quá nhiều, mới là thứ khiến tình yêu bền lâu.
Muise, người nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của tình dục đến các mối quan hệ, đã cùng các đồng nghiệp tìm hiểu phần nào của tình dục khiến mọi người cảm thấy gắn kết hơn với bạn đời của mình. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên tạp chí Archives of Sexual Behavior, họ đã báo cáo rằng chính những chuyện diễn ra sau màn ân ái. Các nhà nghiên cứu đã biết được rằng khoảng thời gian của ‘dư vị hậu-ân ái’ dao động từ 0 phút đến vài giờ. Và những người dành nhiều thời gian để âu yếm nhau thì hài lòng hơn với các mối quan hệ của họ.
Đi ngược lại với những điều mà anh trai của người bạn của anh họ bạn có thể đã từng nói với bạn, Muise cũng phát hiện thấy rằng dư vị sau ân ái thậm chí còn quan trọng với sự thỏa mãn của mối quan hệ hơn cả khoảng thời gian của màn dạo đầu hay cuộc ân ái. ‘Khi bạn xem tạp chí Cosmo hay những thứ đại loại thế, bạn nghe rất nhiều đến khúc dạo đầu và dành thời gian để thử nhiều tư thế. ‘Điều đó có thể khá quan trọng,’ bà ấy nói với tôi. Nhưng khi nhóm của bà thêm những ảnh hưởng của dư vị sau ân ái vào dữ liệu của họ thì nó hoàn toàn xóa sạch bất kỳ trắc trở mà tình dục đem đến đối với sự thỏa mãn trong mối quan hệ.
Bản thân dư vị sau ân ái có thể chủ yếu là một loại cocktail tình yêu hóa học, và những gì chúng ta biết về các khía cạnh thần kinh của mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng đến từ một loài gặm nhấm khiêm tốn được gọi là chuột đồng. Những sinh vật đào hang này sống ở đồng cỏ khắp Bắc Mỹ, có đôi tai tròn nhỏ, và không lớn hơn lòng bàn tay của bạn. Nhưng không giống như 97 phần trăm các loài động vật, chúng hình thành các mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng. Trong hơn 4 thập kỷ, loài chuột đồng này chịu trách nhiệm cho nhiều phát hiện lớn về lý do tại sao con người kết đôi và yêu nhau. Thật là một sự tình cờ thú vị khi bản thân từ ‘vole’ (chuột đồng) là một phép đảo chữ cái của từ ‘love’ (yêu)–mặc dù chuột đồng là một trong số ít những loài chuột gắn bó với bạn đời của nó.
Năm 1992, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những con chuột đồng cái độc thân được nhốt chung với một con chuột đực trong ít nhất 24 giờ ‘biểu lộ sự thiên vị mạnh mẽ’ đối với chàng ta so với một con chuột đực xa lạ–cho dù cả hai đã giao phối với nhau chưa. Nếu những con chuột được nhốt cùng nhau trong ít hơn 24 giờ mà không có giao phối thì không có mối quan hệ nào được hình thành. Điểm trái khoáy là những con chuột cái ‘ăn ở và giao phối trong 6 giờ’ có dấu hiệu gắn bó với con đực đó. Giống như con người, chuột đồng có thể hình thành những mối gắn bó mà không cần phải quan hệ tình dục trước tiên, nhưng tìm hiểu lẫn nhau theo ý nghĩa trong Kinh thánh sẽ giúp mối quan hệ nhanh chóng trở nên bền chặt hơn.
Và tất cả bắt đầu với một loạt hóa chất có giá trị về mặt dược phẩm chuyển động rất nhanh trong não bộ. Trong quá trình quan hệ tình dục, bộ não tràn ngập các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, oxytocin, testosterone và vasopressin, v.v.. Mỗi loại hóa chất này đóng nhiều vai trò khác nhau. Mặc dù dopamine thường được coi là một hóa chất gắn liền với phần thưởng (và làm cho những hành vi khoái lạc từ việc dùng ma túy đến đánh bạc hay quan hệ tình dục trở nên gây nghiện), nhưng nó còn đóng một vai trò phức tạp hơn thế nhiều. Bệnh Parkinson giết chết các nơ-ron tạo ra dopamine dẫn đến chứng run và tê cứng các chi. Tương tự như vậy, người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường có mức dopamine thấp, giúp lý giải về tình trạng suy giảm động lực và thiếu chú ý gắn liền với tình trạng này. Đối với những người bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), dopamine thường tràn ngập bộ não trong những khoảng thời gian lo lắng. Chúng đều cách tình yêu rất xa.
Tình dục là một chất xúc tác, kích hoạt các nơ-ron giải phóng dopamine, oxytocin và những hóa chất khác gắn liền với sự kết đôi và tình yêu
Tuy nhiên, nhiều triệu chứng của stress–sự cảnh giác tăng cao, khó ngủ, chán ăn– có thể gần như phởn phơ bởi một mối tình mới. Với bản chất kép của nhiều hóa chất trong số đó, không ngạc nhiên khi oxytocin (đôi khi còn được gọi là ‘hocmon âu yếm’) không chỉ thúc đẩy sự gắn bó cặp đôi mà còn có thể tăng cường những ký ức về trải nghiệm xã hội tiêu cực. Lần đầu tiên được phát hiện ở loài chuột đồng, oxytocin được giải phóng khi quan hệ tình dục cho phép các cặp đôi hình thành mối gắn bó một vợ một chồng. Khi các nhà nghiên cứu cắt dòng oxytocin, những con chuột đồng này hành xử giống như những người anh em họ không chung thủy của chúng. Theo nhiều phương diện, các hóa chất gắn liền với tình dục và sự kết đôi cho bộ não biết rằng thời điểm này là quan trọng và đáng chú ý–hậu quả ra sao cũng được.
Nhà thần kinh học Martin Portner sống ở Brazil, đã viết trên tạp chí Scientific American Mind năm 2008, rằng con người cần nhiều hơn kích thích để trải nghiệm một cơn cực khoái: ‘Nó đòi hỏi sự giải phóng những ức chế và kiểm soát mà trong đó trung tâm cảnh giác của não bộ ở nam giới bị tắt; còn ở nữ giới, nhiều vùng khác nhau của não bộ liên quan đến việc kiểm soát ý nghĩ và cảm xúc trở nên ngừng bặt.’ Pháo hoa chỉ đáng chú ý khi chúng diễn ra trên bầu trời đêm tối. Portner viết rằng, bộ não phụ nữ có xu hướng trải nghiệm tác động này mạnh mẽ hơn nam giới. Trong một nghiên cứu năm 2009 trên Human Brain Mapping, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng kích thích bộ phận sinh dục dẫn đến sự vô hiệu hoá ở những phần não bộ gắn liền với việc ức chế phản ứng cảm xúc. Thay vì là một tín cho thấy chẳng có chuyện gì xảy ra trong não bộ, thời gian nghỉ ngơi này có thể là cái cho phép hai bên hạ thấp cảnh giác của họ sau khi làm tình và cho phép hình thành những kết nối sâu sắc hơn.
‘Tình dục là một chất xúc tác,’ theo Larry Young, một nhà nghiên cứu tại đại học Emory ở Georgia người nghiên cứu về sinh học thần kinh của các mối quan hệ xã hội (và ông cũng đã làm việc với loài chuột đồng trong nhiều thập kỷ). Ông mô tả tình dục như thứ gây ra một ‘sự kích hoạt các nơ-ron’ giải phóng dopamine, oxytocin và những hoá chất khác mà chúng ta gắn liền với tình yêu và sự kết đôi. ‘Nếu tôi đưa vợ đi ăn tối với hoa và nến trên bàn ăn thì tôi có thể đảm bảo rằng nàng sẽ giải phóng dopamine và oxytocin,’ ông ấy nói với tôi. ‘Nhưng tình dục là một thứ gì đó thực sự phóng đại tình hình.’
Để tìm hiểu bí mật của tình dục và sự gắn kết, các nhà khoa học đã đặt mối quan hệ của những ‘đôi vợ chồng’ chuột đồng dưới sự căng thẳng khó mà tưởng tượng nổi. Khi các nhà nghiên cứu muốn chứng minh rằng chuột đồng thực sự chung thủy, họ đã đặt bẫy gần nơi sống của loài động vật này và liên tục bắt hết đôi này đến đôi chuột khác. Trong một trường hợp, cùng một đôi chuột đồng bị tóm và sau đó bị tóm lại, nhưng chúng vẫn ở bên nhau 20 tuần sau đó. Trong một nghiên cứu về sự đau buồn, chuột đồng đực và cái được nhốt ở bên nhau đủ lâu để tạo thành một cặp đôi. Sau đó nhà nghiên cứu đưa chuột cái đi mất. Chuột đực trở nên suy nhược trầm cảm. Khi bị buộc phải bơi trong nước, những con chuột sầu khổ sẽ ít cố gắng hơn và bỏ cuộc sớm hơn. Có ít hơn 20 phần trăm chuột đồng mất bạn tình đi tìm bạn tình mới. Bất kỳ ai từng tan nát cõi lòng vì tình đều hiểu cảm giác này: Sự vắng bóng như ảo mộng của người tình mà bạn hy vọng sẽ quay trở lại qua cánh cửa, cảm giác rệu rã vì trống vắng
Nếu không có những nghiên cứu này thì chúng ta có lẽ đã chẳng hay biết gì về những hóa chất như oxytocin hoặc dopamine và sự hiện diện của chúng trong quá trình quan hệ tình dục tác động như thế nào đến mối quan hệ sau đó. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều nghiên cứu về phản ứng của cơ thể trước chuyện ấy với sự trợ giúp của những tình nguyện viên thiện chí, nhưng họ không thể nào thực hiện được các thí nghiệm có kiểm soát đối với sinh học thần kinh của các mối quan hệ ở con người. Hóa chất của sự đau buồn, ở con người, sẽ rất khó, nếu không nói là không thể nghiên cứu được. Ở chuột đồng, chúng ta có thể làm những việc như ngắt các thụ thể dopamine để xem điều này ảnh hưởng ra sao đến mối gắn kết của chúng, hay đo lường nồng độ oxytocin trước, trong và sau khi mối quan hệ kết thúc. Còn với con người thì họ không đời nào cho phép toàn bộ quá trình tán tỉnh và cuộc sống với một người tình mới diễn ra trong phòng thí nghiệm.
‘Những loài động vật chung thủy,’ dù là chuột đồng hay con người, ‘đã phát triển một hệ thống có thể kết hợp khoái lạc của tình dục với thông tin xã hội về cá nhân đó,’ Young nói. Điều này là quan trọng. Phần lớn thế giới động vật không coi tình dục là một trải nghiệm xã hội. Ngay cả những kẻ ham thích quyến rũ phụ nữ nhất trong thế giới loài người cũng liên kết những ký ức về tình dục tốt và xấu với người mà họ từng lên giường. Nhưng điều này không giống như tình yêu.
Mặc dù các quá trình hóa học diễn ra trong khi quan hệ tình dục hoặc trong suốt một mối quan hệ, thì bản thân dư vị sau ân ái và tình yêu lại phức tạp hơn rất nhiều. Như Young giải thích, từ lâu người ta đã biết rằng dopamine có liên quan tới bất cứ điều gì vui sướng–ăn chocolate, làm tình, đi tàu lượn siêu tốc (nếu bạn thích thể loại đó)–nhưng mãi cho đến chuột đồng thì các nhà nghiên cứu mới nhận ra bộ não cũng xem quá trình kết đôi là một phần thưởng. Nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đã thảo luận về tình dục như một thứ gì đó diễn ra với bộ phận sinh dục, trong khi những phần sâu sắc hơn của một mối quan hệ–ham muốn, kích thích, cực khoái, thậm chí là tình yêu–thì diễn ra trong não bộ.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những tác động xã hội của dư vị sau ân ái bằng cách hỏi những người tham gia về mức độ thỏa mãn của họ đối với người tình, thì lại chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của dư vị sau ân ái đối với não bộ. Những loài động vật không chung thủy thì không có trải nghiệm ‘dư vị sau ân ái’ cũng như chúng không dành nhiều thời gian để nghĩ về bạn tình của chúng.
Những khía cạnh cơ bản nhất của hiện tượng này vừa được hé lộ gần đây. Chẳng hạn, dư vị sau ân ái kéo dài bao lâu? Một nghiên cứu về những cặp vợ chồng mới cưới được công bố trên Psychological Science vào năm 2017 phát hiện thấy sự thỏa mãn tình dục gia tăng ‘vẫn ở mức cao trong khoảng 48 giờ sau khi làm chuyện ấy’, và những cặp đôi với dư vị sau ân ái mạnh hơn thì có mức độ hài lòng chung đối với hôn nhân cao hơn. Một trong những tác giả của nghiên cứu, Andrea Meltzer tại đại học bang Florida, nói với tôi rằng họ dùng các cặp đôi mới cưới một phần tại vì ‘họ làm chuyện ấy thường xuyên hơn, và chúng tôi có nhiều khả năng nắm bắt được chuyện tình dục trong khoảng thời gian 14 ngày mà chúng tôi đang nghiên cứu về họ’, chưa kể bà mong đợi các kết quả sẽ chuyển sang bất kỳ cặp đôi nào trong các mối quan hệ dài hạn.
Thực tế là hiệu ứng dư vị sau ân ái kéo dài 2 ngày sau khi quan hệ không có nghĩa là tất cả những cặp đôi nào muốn bên nhau trọn đời cũng nên lên lịch cho chuyện ấy vào mỗi đêm. Nhìn chung thì những cặp làm chuyện ấy nhiều hơn thì cảm thấy thỏa mãn hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 phát hiện thấy khi các cặp vợ chồng được giao bài tập về nhà là làm chuyện ấy nhiều gấp đôi so với bình thường, nó lại làm cho hạnh phúc bị giảm nhẹ. Kết quả này không phải là một bất ngờ lớn vì chỉ định chuyện tình dục tức là coi nó ngang hàng với những lời khuyên chẳng hạn như ‘hãy ăn bông cải xanh’ hay ‘đi tập gym 5 lần 1 tuần’.
Giống như việc giải phóng dopamine hay oxytocin, hiệu ứng dư vị sau ân ái làm gia tăng sự thỏa mãn với mối quan hệ dường như diễn ra ở cấp độ tiềm thức. Nghiên cứu của Meltzer không yêu cầu các cặp vợ chồng đánh giá mức độ hạnh phúc của họ đối với chuyện gối chăn, mà chỉ hỏi là họ có làm chuyện ấy không và nhìn chung thì họ cảm nhận như thế nào về mối quan hệ của họ. ‘Thông thường, người ta hay nói: “Tôi thấy hạnh phúc trong 30 phút [sau khi làm chuyện ấy]” nhưng dường như có một số mức độ mà người ta vẫn còn chưa ý thức được,’ bà giải thích.
Nếu hiệu ứng dư vị sau ân ái không phải chỉ là sự hưng phấn ngắn ngủi được tẩm đầy endorphin đến từ những cử chỉ ôm ấp vuốt ve sau khi làm tình, mà còn là một cảm giác thỏa mãn còn nấn ná kéo dài nhiều ngày liền thì mọi chuyện trở nên sáng tỏ hơn khi tại sao người ta thường bỏ qua dư vị sau ân ái để nghiêng về mục tiêu đạt được cực khoái. Hiệu ứng vật lý của cơn cực khoái không chỉ đến ngay tức khắc, và chí ít ở đàn ông thì khó mà bỏ qua, mà nó còn đi cùng với làn sóng hưng phấn. Nói rằng: ‘Tôi muốn làm cho nửa kia của tôi lên đỉnh’ là một mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được. Nhưng khoảng thời gian dành cho âu yếm và kết nối sau tình dục bao nhiêu mới đủ để chạm đến quan niệm mơ hồ về sự thỏa mãn dài hạn thì vẫn còn chưa rõ ràng.
Một mối quan hệ thành công ở con người, không hình thành thông qua một mình chuyện tình dục thăng hoa, dù người ta chắc chắn có thể bắt đầu một mối quan hệ bằng một vụ nổ hóa học.
Và ít nhất ở con người thì hiệu ứng dư vị sau ân ái có thể không hoàn toàn do cực khoái gây ra mà còn bởi sự kỳ lạ và trần trụi cảm xúc của chuyện tình dục. ‘Tình dục bao gồm một mức độ dễ bị tổn thương nhất định,’ Muise nói. ‘[Nửa kia của bạn] không chỉ nhìn thấy cơ thể bạn mà còn cả những điều riêng tư về bạn, như những điều bạn thích và ghét.’ Ngay cả trong một mối quan hệ dài hạn thì sự cởi mở này cũng cũng có thể mang lại rủi ro. Song bà nói thêm, ‘Có rất nhiều cơ hội ở đó.’ Những cặp đôi có thể khỏa thân trước mặt nhau–về cảm xúc và thân thể–thì cảm thấy nhiều thỏa mãn hơn. Mặc dù những dạng thức khác của gần gũi như nắm tay hay ôm ấp trên sofa cũng quan trọng đối với mối quan hệ, nhưng trong các mối quan hệ một vợ một chồng thì tình dục là một dạng gần gũi độc nhất dành cho cặp đôi đó, nhằm để củng cố cho mối quan hệ mà họ chọn để tạo ra.
Xét cho cùng, một mối quan hệ thành công ở con người, không hình thành thông qua mỗi chuyện tình dục thăng hoa, dù người ta chắc chắn có thể bắt đầu một mối quan hệ bằng một vụ nổ hóa học. Hầu hết mọi người cam kết với mối quan hệ một vợ một chồng muốn nhận được nhiều thứ từ nửa kia của họ–sự hỗ trợ, thấu hiểu, tiếng cười–và chính những điều này lại đi đầu trong hiệu ứng dư vị sau ân ái của chuyện tình dục. Như những loài động vật không chung thủy đã dạy chúng ta, muốn quan hệ tình dục lại thì không giống như muốn nỗ lực để làm cho mối quan hệ trở nên bền chặt.
Trên cấp độ tâm lý và hóa học, sự căng thẳng tình dục và bản thân tình dục thì thật đáng nhớ và đầy sức mạnh. Đó là lý do tại sao chúng ta thường quanh quẩn với việc ‘sửa chữa’ hay hâm nóng lại đời sống chăn gối của chúng ta khi mối quan hệ có vẻ như đang trở nên nhạt nhẽo. Nhưng giống như một cuốn sách tuyệt vời với một cái kết tệ hại, chính việc một cặp đôi bỏ qua những cảm xúc sau khi ân ái mới quyết định cảm xúc của họ đối với nửa kia–chứ không phải họ đã có bao nhiêu cơn cực khoái.
Tác giả: Tove K Danovich
Photo by Timothy Shonnard/Getty
Dịch bởi: Chó béo cute
Nguồn: https://aeon.co/essays/why-post-sex-cuddles-and-pillowtalk-count-for-more-than-orgasm