Hiệu ứng Lucifer và lằn ranh giữa người tốt – kẻ xấu

hieu-ung-lucifer-va-lan-ranh-giua-nguoi-tot-ke-xau

Bạn có thấy bản thân là người rất tốt nhưng trong một số hoàn cảnh nhất định, vì “dòng đời xô đẩy” mà mình có những hành động không được tốt đẹp? 

Đã bao giờ bạn chứng kiến một người từng rất tốt trong quá khứ nhưng rồi lại trở nên vô cùng xấu xa, thậm chí là độc ác? Bạn có thấy bản thân là người rất tốt nhưng trong một số hoàn cảnh nhất định, vì “dòng đời xô đẩy” mà mình có những hành động không được tốt đẹp? 

Nếu như đáp án của bạn cho các câu hỏi trên là “có” và mong muốn tìm ra lời giải đáp thì hiệu ứng Lucifer có thể là một góc nhìn tâm lý cực kỳ hữu ích. Hiệu ứng giúp bạn lý giải nguyên nhân vì sao một người rất tốt trong quá khứ có thể trở thành một kẻ độc ác trong tương lai. Ngoài ra, nó còn giúp bạn có thêm góc nhìn tâm lý sâu xa về lời khẳng định rằng bất kỳ ai cũng có thể là một kẻ độc ác. 

Hiệu ứng Lucifer là gì?

Trong Kinh Thánh, Lucifer vốn là thiên thần mà Chúa hết mực yêu quý. Lucifer có nghĩa là ánh sáng (light-bringing), hay còn gọi là sao mai trong buổi sớm (the morning star). Tuy nhiên, hắn đã phản bội lại đức tin vì cho rằng mình mới là kẻ mà loài người phải phục tùng và sùng bái. Lucifer đã kêu gọi những thiên thần khác cùng nổi loạn và khơi mào cho cuộc chiến tranh trên thiên đàng. Kết quả là hắn cùng các thiên thần nổi loạn đã bị đánh bại và trục xuất khỏi thiên đàng, đẩy xuống địa ngục và trở thành quỷ dữ Satan. 

Hình ảnh Lucifer được nhắc đến như sự chuyển đổi từ thiên thần thành quỷ dữ, là biểu tượng cho việc một người lương thiện trở nên xấu xa. Hiệu ứng Lucifer nói lên sự biến đổi của con người theo hướng tiêu cực. Cuốn sách The Lucifer Effect được viết bởi Philip Zimbardo – cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Mỹ (American Psychological Association) và là giáo sư Đại học Stanford. Dựa trên quá trình nghiên cứu hơn 30 năm về những hành động trái đạo đức và những biến đổi tâm lý, Zimbardo đã lý giải các yếu tố để biến một người bình thường hoặc người tốt trở thành kẻ độc ác với tên gọi: hiệu ứng Lucifer.

Bất kỳ ai cũng có thể làm việc xấu

Đã bao giờ bạn nghe câu chuyện về một người nhìn thấy món đồ rất giá trị trong hoàn cảnh mà chỉ có anh ta/cô ta ở đó? Ở trong hoàn cảnh không ai nhìn thấy ngoại trừ chính bản thân, lòng tham của người đó nổi lên và họ thực hiện hành vi “ăn cắp vặt”, một điều mà người này vốn dĩ không bao giờ làm trong quá khứ. Đây có thể là một ví dụ hết sức quen thuộc giúp chúng ta củng cố kết luận không rằng bất kỳ ai cũng có thể làm việc xấu. 

Nghe có vẻ cực đoan vì nhiều người có thể nói rằng họ sinh ra vốn dĩ đã là người tốt và chắc chắn sẽ không bao giờ làm việc xấu. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Với nhiều người, không làm việc xấu là bởi vì họ KHÔNG Ở TRONG HOÀN CẢNH CHO PHÉP MÌNH THỰC HIỆN. Nếu ở trong hoàn cảnh khác, nhiều khả năng họ vẫn sẽ làm. 

Điều thú vị hơn là hiệu ứng Lucifer lý giải những người làm việc xấu không phải là người tàn ác hay có bản chất xấu xa bẩm sinh. Các nhà tâm lý học và di truyền học đã nghiên cứu và khẳng định, những đặc điểm bẩm sinh được dựa trên các yếu tố như thuộc tính về di truyền học, nhân cách và bệnh lý. Người thực hiện hành vi xấu xa có thể là một người rất bình thường về mặt tâm lý và tinh thần, chỉ khác là họ được đặt vào một hoàn cảnh quá lý tưởng để làm điều không đúng đắn. Khi một người được đặt vào hoàn cảnh khác thì tâm lý của họ có thể thay đổi hoàn toàn.

Thí nghiệm nhà tù Stanford

Một thí nghiệm nổi tiếng minh chứng cho kết luận trên là thí nghiệm nhà tù Stanford được thực hiện vào tháng 8/1971. Giáo sư tâm lý học Philip Zimbardo đã đưa những nam sinh viên trẻ vào một nhà tù giả tại Stanford, đồng thời ngẫu nhiên phân số sinh viên này thành hai nhóm: cai ngục và tù nhân. 

28 sinh viên được chọn là những người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu, tâm lý và sức khỏe bình thường, không hề có tiền án trong quá khứ. Có thể khẳng định rằng nhóm sinh viên này là những người không hề có tiền sử bất ổn về mặt hành vi. Không những thế, thí nghiệm cũng yêu cầu các nam sinh viên thực hiện hàng loạt bài kiểm tra tính cách để đảm bảo họ không có sự lệch lạc đáng kể nào về đặc điểm tính cách. 

Sau khi các sinh viên này được phân thành hai nhóm, nhóm “cai ngục” (những người đóng vai cai ngục) được trang bị dùi cui bằng gỗ, đồng phục và kính râm phản quang. Khi đến nhà tù, các “tù nhân” (những người đóng vai tù nhân) bị cảnh sát thật bắt. Họ bị lột trần truồng, diệt chấy rận và gán cho các con số thay vì tên thật. Mỗi tù nhân ở riêng trong một phòng nhỏ. Không lâu sau, thí nghiệm này đã vượt ngoài tầm kiểm soát khi các “cai ngục” có những hành vi trừng phạt “tù nhân”. 

Một số “tù nhân” từ chối làm theo hướng dẫn của “cai ngục”. “Cai ngục” đã trả đũa bằng cách dùng bình chữa cháy tấn công họ, buộc họ phải đi vệ sinh vào một cái thùng đặt trong phòng giam và sau đó không cho đổ đi. “Cai ngục” lột sạch quần áo và lấy đi nệm của “tù nhân”, khiến họ phải ngủ trên sàn lạnh. Một “tù nhân” tuyệt thực bị giam cầm trong phòng nhỏ tăm tối và thường xuyên bị la mắng. Những “cai ngục” đã trở nên bạo lực và độc ác hơn dự kiến. 

Chỉ sau 6 ngày, tác giả nghiên cứu đã phải hủy bỏ thí nghiệm. Những sinh viên đóng vai “tù nhân” bị hoảng loạn tinh thần và không một ai tin rằng những sinh viên trong vai “cai ngục” lại có thể trở thành những kẻ tàn bạo, lạm quyền. Một sinh viên bình thường chắc chắn không dám thực hiện những hành động bạo lực. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh đặc biệt, với quyền lực trong tay và ở trong một hệ thống cho phép thực hiện những hành vi đó thì nhóm sinh viên này đã làm điều không ai nghĩ đến.

Khi người tốt dám làm việc xấu

Bây giờ thì bạn đã hiểu vì sao một người có thể làm những điều trái ngược với bản chất của mình. Để tổng quát hóa, bạn có thể tóm tắt lại như sau (lưu ý, đây không phải công thức mà chỉ giúp bạn dễ hình dung hơn): 

Hiệu ứng Lucifer = Hoàn cảnh (Situation) + Quyền lực (Power) + Hệ thống (System) 

Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài ví dụ.

1. Một người bình thường có thể rất tuân thủ luật khi tham gia giao thông. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vào đêm khuya, người đó lái xe trên ngã tư một mình và xung quanh không có cảnh sát giao thông? Khi đó, họ có thể tự cho mình một quyền lực là thoải mái vượt đèn đỏ mà không hề cảm thấy có lỗi. 

Cũng vẫn là ví dụ đó, trong trường hợp này, người lái xe vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Cảnh sát giao thông có thể “xử lý nhanh, không cần lập biên bản” nếu ở đó không có sự giám sát và người này được thực hiện quyền đó. Ngược lại, chuyện này sẽ không xảy ra nếu như camera được lắp đặt ở các ngã tư trên đường và thi hành chính sách “phạt nguội”. Điều này có nghĩa là khi một người vượt đèn đỏ, camera giao thông sẽ phát ra tín hiệu, đồng thời họ sẽ tự động bị xử phạt. Trong một thời hạn nhất định, người đó sẽ phải nộp phạt nếu không muốn bị tước giấy phép lái xe. Đây là cách mà rất nhiều nước phát triển áp dụng. 

Ở Singapore, khi đến trạm thu phí, chỉ cần tài xế để bánh xe lăn qua vạch vào vùng đường mới, tài khoản ngân hàng của họ sẽ được hệ thống tự động trừ tiền thay vì phải dừng lại đóng tiền mặt. Cảnh sát giao thông cũng rất ít khi xuất hiện trên đường, trừ khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Như vậy, chính phủ Singapore đã xây dựng một hệ thống đặt các tài xế vào hoàn cảnh mà họ không có quyền để thoải mái thực hiện hành vi sai luật. Cả cảnh sát cũng được đặt vào một hoàn cảnh mà mình không có quyền “xử lý nhanh mà không cần lập biên bản”. 

2️. Vì sao lại có những người đàn ông cực kỳ vũ phu với vợ? Liệu có phải bởi vì từ những ngày còn yêu nhau, họ đã bạo lực như vậy? Lý do là bởi vì họ được đặt vào một hoàn cảnh mà họ cho phép mình có quyền lực để làm như thế. Phụ nữ, đặc biệt là nhiều người ở thế hệ trước đây, có khuynh hướng nhẫn nhịn và cam chịu. Cộng thêm những định kiến của xã hội nên khi bị chồng đối xử tệ bạc, họ không dám kêu ca mà chỉ cam tâm chịu đựng. 

Chính vì lẽ đó, những người đàn ông kia mới có “cái quyền” để tiếp tục bạo hành. Thế nhưng, chẳng hạn khi một người phụ nữ dám lên tiếng vì quyền lợi của mình hoặc khi xã hội – những người hàng xóm láng giềng cũng lên tiếng thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng tâm lý con người vốn dĩ là “đèn nhà ai nhà đó rạng”, cho nên chỉ người trong cuộc mới có thể ra quyết định để giải quyết mọi chuyện.

Đừng để hoàn cảnh làm bạn thay đổi

Hiệu ứng Lucifer lý giải rất nhiều những hành vi thuộc về mảng tối của xã hội. Chẳng hạn như một người sa ngã vào nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, gian lận, ngoại tình, tham nhũng… khi họ rơi vào hoàn cảnh cho phép mình có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác thì đây không phải là một hiệu ứng tiêu cực. Hiệu ứng này giúp chúng ta chấp nhận sự thật rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một người dám làm những chuyện xấu vì chúng dễ thực hiện hơn là những điều tốt.

Do vậy, hiệu ứng Lucifer có thể coi là một nguyên tắc, một lời cảnh tỉnh để mỗi chúng ta cố gắng giữ phần “người” không thất thế trước phần “con”. Điều đó chắc chắn không hề dễ dàng bởi cuộc sống có nhiều khó khăn, cám dỗ nhưng đừng để hoàn cảnh biến đổi con người bạn. Khi hiểu về hiệu ứng Lucifer, chúng ta có thể điều chỉnh hoàn cảnh, tạo ra những ranh giới và nguyên tắc để không cho phép mình thực hiện hành vi xấu. 

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. 

Tìm đọc bộ sách HIỆU ỨNG LUCIFER 

Xem sách tại Shopee 

menu
menu