Hiệu ứng Matthew

hieu-ung-matthew

Năm quan trọng nhất, ảnh hưởng đến sự nghiệp học thuật, tương lai của một cá nhân nhất là vào năm lớp 3.

Lý do duy nhất vì sao chúng ta không nên tung hô, tưởng thưởng thành tựu của những học sinh sáng giá là để tránh phê phán, trực tiếp hay gián tiếp, nhược điểm nơi các em còn lại.

Tôi vẫn còn nhớ ngày bị lôi ra khỏi lớp 5 để theo học lại lớp toán cơ bản với một nhóm những đứa trẻ khác trong chương trình Năng khiếu Học thuật (sau đổi lại thành Triển vọng và Tài năng) và giờ khi nghĩ lại tôi nhận ra mục đích duy nhất chương trình này phục vụ là khiến các trẻ bình thường không nổi trội như tôi ngày đó tin rằng các em tầm thường, không có triển vọng nào trong tương lai.

Như để hiện thực hóa khát vọng của tôi về bình đẳng, công bằng giữa các học sinh, chương trình “Không thờ ơ với năng khiếu trẻ nhỏ” (viết tắt là NCLB) xuất hiện và cắt giảm một phần ba ngân sách nhà nước đầu tư vào việc giáo dục trẻ có tiềm năng trong 5 năm sắp tới. Song như một trò hề, NCLB lại thành công trong việc cào bằng, cào lún những đứa trẻ: chương trình khiến năng khiếu của tất cả bọn chúng tôi sút giảm rõ rệt.

Những chương trình cho trẻ có thiên phú vốn hoạt động giống như NCLB là một trong nhiều ca điển hình mà các nhà xã hội học gọi là hiệu hứng Matthew. Được nghĩ ra bởi nhà xã hội học Robert Merton, hiệu ứng Matthew có tên gọi bắt nguồn từ một đoạn trong kinh Tân Ước: “Với những ai được trao tặng từ trước, anh ta sẽ có ngày một nhiều hơn; nhưng kẻ chẳng có gì lúc ban sơ sẽ bị tước dần đi thứ anh ta gầy dựng” đại để có thể dịch là ai thành công ngay từ khi bắt đầu sẽ có nhiều cơ hội để ngày càng vươn xa hơn nữa ngược lại, ai chưa thành công sẽ dần dần bị thành công khước từ bỏ quên.

Vốn dĩ từ đầu được ứng dụng vào các ngành khoa học tái diễn mô tả tình huống, lĩnh vực mà đồng thời gặt hái được nhiều thành công từ các ý tưởng của những lão làng trong nghiên cứu cũng như từ công trình tìm tòi của những người vô danh, hiệu ứng Matthew đã và đang được nhận ra ở cả trong kinh tế, chính trị, giáo dục và nhiều lĩnh vực phạm trù khác.

Người tiên phong trong việc nghiên cứu hiệu ứng Matthew ở lĩnh vực giáo dục là Keith Stanovich, hiện đang giảng dạy tâm lý học ứng dụng và sự phát triển của con người tại đại học Toronto. Stanovich sử dụng thuật ngữ nhằm miêu tả hiện tượng về khả năng thực hành các kĩ năng đọc ở người mới bắt đầu. Thông qua quan sát, mô tả của Stanovich, người ta nhận ra những ai sớm bắt được chìa khóa then chốt, bản chất trong việc sử dụng, thành thạo các kỹ năng đọc sẽ đạt được nhiều thành công khi học hành về sau, trong khi đó ở một số chật vật, thất bại vào ba, bốn năm đầu trường lớp sẽ phải chật vật hơn trong cuộc sống sau này nếu phải học thêm nhiều kĩ năng mới khác. Đó là bởi vì những trẻ bị thua kém, bị vượt mặt khi học đọc sẽ đọc ít đi, điều này càng làm tăng khoảng cách về mặt trình độ giữa chúng và bạn cùng lứa. Để rồi sau này, khi học sinh cần “đọc để học” (mà chặng đường trước đó là học để đọc), khó khăn khi đọc sẽ khiến chúng chật vật hơn nhiều trong hầu hết các môn học. Càng ngày càng ngày chúng bị bỏ xa hơn trong trường lớp, thua kém bạn bè đồng trang lứa của mình.

“Khả năng đọc bị hạn chế dẫn đến nhiều hậu quả về nhận thức, hành vi, ý chí sẽ làm cản trở sự phát triển hoàn thiện của hoạt động trí não cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu chuyên môn”, Stanovich phát biểu. “Càng để điều này diễn ra lâu, càng chật vật hơn khi nỗ lực hoàn thiện vấn đề liên quan đến nhận thức hành vi. Nói đơn giản, dễ hiểu song đáng buồn như lời một đứa trẻ 9 tuổi bị thụt lùi trong việc đọc so với bạn mình, rằng “Khả năng đọc ảnh hưởng đến mọi thứ em làm”. 

Nhà xã hội học Daniel Rigney, tác giả của cuốn sách “Hiệu ứng Matthew: Làm thế nào để ưu điểm hiện tại phát triển xa hơn nữa?” bổ sung thêm rằng: “Các nhà tâm lý học giáo dục nhận thấy rằng những trẻ thích đọc có xu hướng đọc ngày một nhiều hơn. Đọc nhiều hơn giúp chúng dần hoàn thiện kĩ năng đọc cũng như đánh thức nơi chúng niềm say mê tìm kiếm trí thức nhân loại từ sách vở. Theo cách thức này, hiệu ứng đã tác động vào chính nó, tạo ra một vòng phát triển khép kín, không chịu tác động bên ngoài. Đứa trẻ ghét đọc sẽ đọc ít đi, kìm hãm sự tiến bộ của khả năng đọc cũng như thành công trong học tập, biến việc đến trường trở thành một trải nghiệm ngày một tồi tệ hơn.

Khi thiếu vắng đi động lực, những trẻ mắc kẹt trong góc khuất không thoát ra được sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai dù đôi lúc không hoàn toàn là lỗi của riêng cá nhân chúng.

Thấu hiểu được vấn đề nền tảng thiết yếu này là điều vô cùng cần thiết với những ai hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và dịch vụ cộng đồng, ví dụ như các công việc hỗ trợ cộng đồng vốn hằng ngày phải chứng kiến cuộc sống của những học sinh, đồng nghiệp đang chịu tác động, ảnh hướng của hằng hà sa góc khuất.”

Để làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, một số người đọc kém phải nhận thang điểm thấp khi làm thử các bài kiểm tra IQ bởi lẽ đa phần những bài này lấy thông tin đánh giá từ khả năng đọc hiểu. Nhiều năm trôi qua, khoảng cách giữa người đọc tốt và đọc kém ngày càng tăng lên. Đối với nhiều trẻ chật vật với điểm số thời tiểu học, thất bại khi đọc viết càng trở nên ám ảnh. Hầu hết những trẻ được đánh giá là gặp khó khăn trong việc học, thiếu thiên tư, năng khiếu đều phải nỗ lực nhiều hơn cả khi đọc- viết.

Hiệu ứng Matthew đã dẫn tới nhiều vấn đề pháp lý trong vài năm qua, điển hình là vụ kiện vào năm 1997 của James Brody với trường công Dare County. Sau khi làm bài kiểm tra IQ vào năm lớp 3, James Brody được chấp nhận vào cách thức giáo dục đặc biệt. Trải qua ba năm trong nền giáo dục ấy, cậu được kiểm tra lại. Theo như bài kiểm tra mới, IQ của James giảm từ 127 xuống còn 109. Hai năm sau đó, khi James một lần nữa kiểm tra lại chỉ số IQ của mình, kết quả còn rơi xuống thấp hơn. Các chuyên gia cho rằng kết quả IQ giảm sút của James là một ví dụ cho hiệu ứng Matthew, là bằng chứng rằng James đã không nhận được giáo dục đúng cách, đúng phương pháp. Thẩm phán Bộ luật Hành chính và Cán bộ Đánh giá thống nhất rằng trường đã không cung cấp cho James nền giáo dục cần thiết, phù hợp với cậu.

Trong bản luận văn khoa học có tên “Chứng khó đọc: Thực chất nó là gì?, luật sư Emerson Dickman (bản thân cũng chịu sự dày vò, những khó khăn từ chứng khó đọc) viết rằng: “Để được nhận dịch vụ, hỗ trợ đặc biệt đến từ các trung tâm giáo dục, Qui chế Liên bang yêu cầu trẻ em cần thỏa mãn “cách biệt rõ rệt giữa khả năng nhận thức và hoàn thiện hành vi.” Bởi lẽ hội tụ được điều kiện trên có nghĩa là đứa trẻ ấy bị thiểu năng và không thể đáp ứng được đòi hỏi bình thường trong cuộc sống, không đề cập đến lý do gặp trở ngại trong học tập (lý do chúng ta hay lấy ra để thở than song đó chỉ là một khuyết điểm nhỏ so với năng khiếu, thế mạnh ẩn tàng nơi trẻ). Nói cách khác, một đứa trẻ với chứng khó đọc không thể hay không nên nhận lấy sự hỗ trợ đặc biệt trong học tập khi bạn bè đồng trang lứa với tiềm năng, trí tuệ như nó vẫn đang cố gắng học đọc để ngày một tiến bộ hơn. Lý do là vì hiệu ứng Matthew đã trở nên quá phổ biến trong toàn hệ thống giáo dục, hệ thống trường học trên thế giới, các nhà nghiên cứu được tạo thêm điều kiện (hay có thể là họ phải cần thêm nửa thế kỉ nữa) để tìm hiểu rõ hơn tác động của nó.

Việc dán mác lên học sinh sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chúng như thế nào?

Vào những năm 1970, Robert Rosenthal thực hiện một nghiên cứu điều tra về chức năng, cách thức tác động của những lời dự đoán tiềm năng phát triển trong lớp học. Ông thực hiện một loạt các bài kiểm tra chỉ số thông minh cho học sinh trung học cơ sở ở một lớp vào đầu năm học, chọn ra ngẫu nhiên 20% trong số đó và yêu cầu các giáo viên gọi chúng là những học sinh mang tiềm năng to lớn được mong đợi sẽ thu về nhiều kết quả học tập mĩ mãn trong năm học tiếp theo. Cuối năm học, Rosenthal quay trở lại và thực hiện lại bài kiểm tra IQ để chứng kiến, xem xét mức độ tiến bộ trong quá trình thể hiện ở lớp của toàn bộ học sinh.

Những học sinh được nhận xét ngẫu nhiên là “nhân tố tiềm tàng” cho thấy sự nỗ lực vượt bậc, hơn hẳn những em khác. Rosenthal đưa đến kết luận rằng càng đặt nhiều sự mong đợi vào những em được tin là mang triển vọng hơn sẽ thúc đẩy chúng nỗ lực để đạt được đến kết quả cao hơn nữa. Trong khi đó những học sinh bị nhìn nhận là tầm thường, không đáng mong đợi cuối cùng sẽ kết thúc chẳng mấy khả quan.

Nhiều thí nghiệm, nghiên cứu sau đó diễn ra vào những năm 1990 và đầu 2000 cũng đã đi đến kết quả tương tự. “Các nhà tâm lý học phát triển đồng tình rằng năng khiếu bẩm sinh cộng với môi trường bên ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi hay cản trở cho sự tiến bộ trong kĩ năng đọc”, Rigney nhấn mạnh. “Những học sinh có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ cũng như được lớn lên, phát triển trong môi trường xã hội đòi hỏi giao tiếp hiển nhiên hưởng lợi thế gấp đôi, gấp ba lần. Cùng lúc đó, học sinh bị hạn chế về mặt ngôn ngữ chưa kể phải trải qua nhiều trở ngại kinh tế- xã hội trong đời sống thường ngày như cá mắc cạn, khó khăn chất chồng nhân đôi. Điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của chúng khi mà nhịp điệu sống hiện đại đòi hỏi con người phải nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác và hiển nhiên đọc là điều kiện tất yếu tối quan trọng.

Bởi lẽ, khó khăn khi đọc thường chuyển hóa cũng như làm tồi tệ hơn bất lợi về mặt kinh tế, về mặt cá nhân. Dù có hay không, ít hay nhiều, những học sinh hãy còn ít tuổi nhưng phải chật vật với chứng khó đọc rồi đây học vấn tương lai, các mối liên hệ xã hội, khả năng tài chính về sau này của chúng cũng bị tác động, ảnh hưởng nặng nề. Có một chiều kích, xu hướng xã hội quen thuộc mà ai cũng ngầm hiểu rõ: người đọc thành thạo thường chọn bạn là những ai đọc rộng hiểu nhiều, trong khi đó người ít đọc lại tìm kiếm bạn bè sẽ chia sẻ những thói quen chung.

Ở bất kì hình thức, dạng nhóm bất lợi nào nảy sinh từ hiệu ứng Matthew, các nhà nghiên cứu đồng tình  rằng cần bắt đầu càng sớm càng tốt, bắt đầu ngay từ hôm nay nếu các giáo viên có ý định giúp đỡ học sinh của mình và ngăn chặn tầm ảnh hưởng của hiệu ứng.

Những trải nghiệm đầu đời ảnh hưởng đến tương lai học thuật của học sinh như thế nào

Trong một bản luận văn 2012, nhà tâm lý học Schwartz Fellow Annie Murphy Paul báo cáo rằng năm quan trọng nhất, ảnh hưởng đến sự nghiệp học thuật, tương lai của một cá nhân nhất là vào năm lớp 3. “Đây là năm mà học sinh chuyển từ giai đoạn học đọc- tìm đoán nghĩa của từ thông qua việc vận dụng kiến thức về bản chữ cái- sang giai đoạn đọc để học,” cô nói. “Những cuốn sách lúc này đòi hỏi ở trẻ khả năng vận dụng linh hoạt, thành thạo khả năng đọc bằng việc lấp đầy những nghi vấn , trả lời các câu hỏi về thái dương hệ, Chiến tranh với người bản địa, hay cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, không còn nữa sách minh họa với chỉ dẫn đơn giản, vui tươi, đầy màu sắc. Với những trẻ tới giai đoạn này nhưng chưa thấy sự tiến bộ, thuần thục ở khả năng đọc, chúng sẽ rớt lại phía sau và hầu hết trong số chúng đều nhận thấy khoảng cách giữa mình và bạn ngày càng xa xôi, cách biệt.”

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 bởi Donald J.Hernandez, một giáo sư xã hội học tại trường Cao đẳng CUNY- Hunter Collge, đã tìm ra rằng với những đứa trẻ lớp 3 thiếu hụt mất sự thuần thục khi đọc có xu hướng bỏ học trung học những năm sau này gấp tới 4 lần.

“Câu chuyện theo mô típ kiểu này xuất hiện quá thường xuyên: chật vật vào năm học lớp ba sẽ dẫn tới sút kém vào năm học lớp bốn- giai đoạn mà kỹ năng đọc để học chiếm ưu thế trên con đường tiếp thu tri thức. Khi bạn bè đồng trang lứa kiên nhẫn thu nhặt kiến thức, học từ mới từ ngữ cảnh, kẻ đọc yếu lại chọn cách đọc với mục đích giải trí, bớt căng thẳng sau mỗi ngày làm việc. Song, một vòng tuần hoàn khắc nghiệt khác bắt đầu: bài tập ở nhà có đòi hỏi ngày càng cao về nền tảng kiến thức, thấu hiểu các vấn đề chuyên môn như văn học, trừu tượng siêu hình và kỹ thuật. Không chỉ thế, các lớp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội như toán, lịch sử yêu cầu khả năng phân tích ngữ cảnh khiến cho người gặp khó khăn đọc dần dà tụt hẳn về sau”.

Rigney tin rằng dường như sự năng động và nhận thức xã hội của quá trình dạy-học đọc cũng có ảnh hưởng tới khả năng học toán. Bởi lẽ những số liệu vốn được xây dựng nên từ những thành tựu ban đầu ngày càng trở nên phức tạp cũng là lúc những ai rối loạn với con số ngày càng chậm tiến, rơi rớt lại phía sau.

Hiệu ứng Matthew trong hệ thống xã hội

Hiệu ứng Matthew cũng được nhận ra khi đối chiếu trên những vấn đề rộng lớn hơn ví dụ như tại một vùng bang hay trong hệ thống xã hội.Trong cuốn “Hiểm họa bất bình đẳng” của mình, Jonathan Kozol miêu tả sự chênh lệch giữa trường học ở khu ổ chuột với trường học nơi dân cư giàu có dư dả. Trường học khu ổ chuột đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp liên quan đến đói nghèo, tỉ lệ thất nghiệp cao gắn liền với tỉ lệ tội phạm nơi cộng đồng dân cư sinh sống, sự cách biệt thua kém rõ rệt so với tầng lớp trung lưu, cũng như bất ổn định ngay tại gia đình. Những vấn đề trên trở nên ngày càng nghiêm trọng cũng chính là lý do vì sao trường học thiếu vốn, không đủ khả năng duy trì chưa đề cập đến nâng cao chất lượng dạy và học. Bởi lẽ giáo dục công lập ở Mỹ phần lớn được tài trợ thông qua thuế bất động sản ở địa phương, điều đó cũng đồng nghĩa với hiện trạng khi mức thuế vượt quá khả năng chi trả của người dân, tài trợ giáo dục cho mỗi trẻ ở khu vực này thấp hơn hẳn những em ở các trường giàu có hơn.

Một điều hiển nhiên rằng trường học dư dả về mặt tài chính sẽ đầu tư nhiều tiền hơn vào việc nuôi dưỡng, đào tạo một đứa trẻ, chúng sẽ được hưởng cơ sở vật chất tốt hơn, được dạy dỗ bởi các giáo viên có kinh nghiệm, được tạo điều kiện phát triển tiềm năng của mình để rồi tất cả những điều này sẽ lặp lại liên tục trong tương lai.

Theo lời Rigney, “Dù rằng chính phủ các bang nhìn chung đang cố gắng xóa bỏ sự chênh lệch tiền thuế địa phương nhằm tạo nên sự bình đẳng hơn trong nguồn đầu tư vào trường giàu trường nghèo, bình đẳng đích thực hiếm khi nào có thể đạt được tới. Sự phát triển toàn diện, công bằng trong hết thảy các khía cạnh khác đòi hỏi mức đầu tư vào các trường trung lưu thành thị phải ngang bằng với khu ổ chuột, khu vực nông thôn. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách tăng thuế hoặc thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các khu vực nhằm chiếm lấy ưu tiên từ chính phủ, và chẳng có phương án nào trong hai phương án trên khả thi, đáng giá.”

Thay vào đó, một số tiểu bang đã và đang hiện thực hóa toàn diện từ trong ra ngoài bằng cách khiến học sinh gặp khó khăn hơn khi chuyển đến lớp có trình độ tiếp theo. Chính sách “giữ nước” này mới được thông qua gần đây ở Arizona, Florida, Indiana, Oklahama và đang được xem xét cân nhắc tại Colorado, Iowa, New Mexico và Tennessee. Tuy vậy rất nhiều nhà giáo dục cho rằng kìm hãm trẻ chưa bao giờ là câu trả lời cho vấn đề trước mắt.

“Hiệu ứng Matthew thực tế có một khía cạnh tích cực rất quan trọng,” Paul phát biểu. “Đầu tư đúng thời điểm có thể khiến hiệu ứng này thay đổi chiều hướng, chuyển từ một vòng lặp khép kín đầy bất ổn thành hệ thống ổn định mang cấu trúc mở hơn.” Cách thức cô đề nghị ở đây không phải là kìm hãm trẻ mà chú trọng vào vai trò của cha mẹ, gia đình trong việc giúp trẻ học đọc. Cha mẹ sẽ tạo lập kế hoạch cá nhân cho con mình, kế hoạch ấy có thể bao gồm sự giúp đỡ, kèm cặp chuyên môn từ các chuyên gia, người hỗ trợ hoặc tham gia vào khóa học hè. Paul nói “Điều quan trọng nhất là phải bắt đầu vào hành động, không phải quan niệm rằng khó khăn liên quan đến việc đọc phải được trẻ giải quyết tự thân.”

Với phương thức như vậy, một số cách để bạn có thể chủ động tránh đi hiệu ứng Matthew trong lớp học của mình:

  1. Nếu bạn chủ trương dạy học sinh càng sớm càng tốt, cẩn thận. Bởi lẽ đây là những năm đầu vô cùng quan trọng, thiết yếu trong quãng đời học sinh, không chỉ đơn thuần là giữ chúng vào qui củ mà còn cần phải cân nhắc đến cả những thành công tương lai của chúng. Nếu một học sinh cảm thấy tù túng, mệt mỏi, hoài nghi vào năm lớp ba thì nhiều khả năng cậu sẽ phải mang sự bất ổn về bản thân ấy theo suốt quãng đường học tập của mình.
  1. Loại bỏ đi tư tưởng chỉ những ai sáng giá, tiềm năng nhất mới có thể nỗ lực dẫn đầu. Phần lớn những trẻ được coi là đầy tiềm năng chỉ đơn giản là khá hơn, sáng dạ hơn bạn đồng trang lứa của chúng khi khởi đầu. Khi được cha mẹ, thầy cô thúc đẩy tạo điều kiện và tưởng thưởng cho năng khiếu, sự sáng dạ nơi mình, các học sinh ấy sẽ ngày càng phát triển, được mài giũa thành ngôi sao sáng như bây giờ. Cần nhớ rằng các học sinh khác cũng có thể đạt được thành tựu tương tự nếu chúng được khuyến khích ngay từ những bước đầu tiên.
  1. Tìm hiểu về hoàn cảnh sống cũng như nền tảng kiến thức, trình độ hiểu biết nơi học sinh của mình. Khi một học sinh lần đầu vào lớp bạn phụ trách, đưa cho cậu ta một bài kiểm tra và trò chuyện với cậu về cuộc sống thường ngày. Bằng cách này, bạn sẽ tránh đi việc khiến cậu chán nản cũng như không nắm bắt được học sinh mình. Đồng thời bạn cũng có thêm thông tin, cái nhìn toàn diện về môi trường học tập, môi trường kinh tế xã hội nơi học sinh mình sinh sống.
  1. Tạo một môi trường phù hợp. Theo lời của Malcolm Gladwell, tác giả của cuốn “Những kẻ xuất chúng”, “Cây sồi cao nhất không chỉ bởi nó mọc từ trái sồi cứng cáp nhất mà còn vì chẳng có cây nào che khuất đi ánh sáng mặt trời, mặt đất xung quanh mỡ màu, không lấy một con thỏ nhai lấy khi nó còn là cây non, và cũng chẳng bị một người tiều phu nào đốn trước khi nó kịp trưởng thành.” Hãy làm tất cả những gì có thể trong năng lực của bạn để phát triển tiềm năng nơi học sinh mình.
  1. Tạo điều kiện, cơ hội như nhau cho cả học sinh “tiềm năng” hay “tầm thường”. Đây thực chất nên trở thành hành động hiển nhiên nên được thực hiện thường xuyên. Trong thực tế, ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn khi phải tránh tìm kiếm cho mình học sinh yêu thích cũng như giữ bình tĩnh với những học sinh trung bình, yếu kém. Nhưng nếu chúng ta biến điều đó thành một thói quen và đừng để bản thân nghĩ nhiều về nó, rồi ta sẽ có cách để thu hẹp khoảng cách giữa những học sinh của mình. Thế nên, ví dụ như, nếu bạn thấy mình luôn gọi học sinh sáng dạ, lanh lợi nhất lớp mỗi khi cô bé giơ tay, chọn một học sinh khác để chúng thấy mọi người đều có giá trị, khả năng như nhau.
  1. Khi chứng kiến học sinh tuột dốc, đừng chần chừ mà không hành động. Tương tự như việc cho ý kiến nhận xét kịp thời, khi nhiệm vụ vẫn còn là mối bận tâm của người học sinh, điều nhất thiết là phải chỉ ra cho chúng thấy được đâu là vấn đề, đâu là hạn chế cần khắc phục ngay lúc ấy. Không chỉ vì tâm trí của học sinh hãy còn xoay quanh bài học, nhiệm vụ được giao mà còn vì chúng sẽ bận tâm, chú ý vào vấn đề hơn hẳn lúc chúng trở về và rồi phải vật lộn với đống bài tập chất ngất. Nên nhìn nhận một cách khách quan tổng quát rằng những khuyết nhược nơi học sinh đâu chỉ đơn thuần là bắt chúng làm việc cật lực hơn nữa. Ngược lại, người giáo viên cần phải biết làm việc, đào sâu vào trong năng lực học tập nơi học sinh mình nếu nhận thấy chúng không bắt lại được nhịp điệu khi xưa, tiếp tục trượt dài tuột dốc.
  1. Kết hợp nhiều phương pháp, lý thuyết có thể giúp kỹ năng nơi người mới bắt đầu tiến bộ hơn. Dù rằng chỉ có duy nhất một nền giáo dục áp dụng cho tất cả mọi người cùng một phương thức tiếp cận, hướng dẫn cách đọc, New Zealand từ lâu đã và đang duy trì thứ hạng cao về số lượng những người biết chữ, đọc viết thành thạo theo nhiều nghiên cứu, các cuộc kiểm tra quốc tế. Để ngăn chặn, chống lại hiệu ứng Matthew trong việc đọc, các nhà cải cách giáo dục đã tiến hành đưa các tài liệu luyện đọc, cách thức học vào trong chương trình văn học hiện có nhằm giúp người học tiến bộ hơn thông qua nhận thức ngữ âm, mã hóa ký tự chữ cái. Thay đổi nhỏ này đã để lại tác động, ảnh hưởng rộng khắp khi nâng độ tuổi thành thạo kỹ năng đọc sách ở nước này lên 14 tháng sau hai năm triển khai, thực hiện.
  1. Học cách phát hiện những biểu hiện bất thường nơi người học. Đối với một số trẻ, cảm thức thất bại, áp lực kèm theo sự khinh bỉ, chán ghét bản thân mỗi khi phải đọc sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng đến độ chúng bắt đầu bộc lộ, thể hiện các hành vi gây rối ngay trong lớp. Thứ khởi đầu vốn chỉ là tí khác biệt trong kỹ năng đọc, trong khả năng tiếp thu kiến thức sau lại thành sự trượt dốc không phanh nơi trẻ. Học cách nhận ra những biểu hiện này để bạn, với vai trò là người giúp đỡ hỗ trợ cho trẻ, có thể đảo ngược chúng.
  1. Nếu bạn buộc phải xếp học sinh mình vào các chương trình hỗ trợ, đừng dùng lại các phương thức cũ vốn phần nào dẫn đến thất bại, thụt lùi nơi trẻ trước đây. Vào lúc khi cách biệt trong khả năng đọc ở New Zealand trở thành vấn đề đáng lo ngại, chính phủ nước này tiến hành một chương trình tên gọi “Phục hồi việc đọc”. Chương trình này thực hiện các cách thức như đặt học sinh vào qui củ dài hạn, khoanh vùng lại những bài học chúng chưa nắm được trên lớp. Song, bởi lẽ chẳng hề quan tâm đến việc thay đổi cách dạy, cách học mà học sinh tham gia chương trình không tiến bộ được thêm.
  1. Tạo điều kiện để các khác biệt về môi trường xuất hiện. McNaughton vào năm 1995 khẳng định rằng những hình thức hướng dẫn hiệu quả hơn hẳn là các cách tạo được cầu nối giữa gia đình và nhà trường. Điều này cho phép học sinh từ những vùng văn hóa nhỏ lẻ có thể tham gia, học hỏi các hoạt động trên lớp rồi áp dụng vào thực tiễn gia đình.
  1. Giữ được kì vọng cao nơi học sinh có hoàn cảnh bất lợi. Không nên tồn tại sự khác biệt trong đẳng cấp giữa những học sinh có hoàn cảnh không thuận lợi với vô vàn các hoàn cảnh đa dạng khác. Song nên có lấy cách nhìn nhận rằng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự hướng dẫn, giáo dục chi tiết, cặn kẽ cũng như nhiều thời gian hơn so với bạn bè đồng lứa trong việc nắm bắt được nền tảng vấn đề. Đừng bao giờ để học sinh nghĩ rằng bạn chịu thua, bỏ cuộc trước chúng.
  1. Giúp đỡ học sinh nhìn nhận được giá trị, năng lực bản thân. Kết quả của các thất bại liên tiếp trong học tập khiến nhiều học sinh hình thành nên định kiến về khả năng của bản thân mình. Chính vì không đặt nhiều hi vọng, mong đợi vào thành tích mình có thể đạt được đã khiến cho chúng không có được động lực so với các học sinh khác. Cố gắng giúp cho chúng hiểu được rằng chúng hoàn toàn có khả năng, có được cơ hội như các bạn của mình.
  1. Các học sinh khác nhau sẽ có những mặt nổi trội khác biệt nhau, chứ không hề là sự thua kém. Stubbs vào năm 1980 đã phân biệt hai thuật ngữ “thua kém” và “bất lợi”. Từ đó ông chỉ ra rằng sẽ chỉ khiến đưa đến kết quả không mong muốn nếu liên tục gắn mác học sinh mình mà chẳng xét đến hoàn cảnh xã hội, kinh tế gia đình. Lấy sự chán ghét, chật vật của học sinh khi học để đổ lỗi cho sự thiếu hụt, trượt dốc về mặt học vất chỉ củng cố hơn thất bại của chúng mà thôi.
  1. Lý do để giáo viên đưa ra lời hướng dẫn trực tiếp cho học sinh của mình. Ở New Zealand, trẻ em được coi là nhân tố chính yếu tự thân trong quá trình học ngôn ngữ. Ở đây trẻ em được tiếp xúc với văn chương cũng như được mong đợi sẽ tự mình tiếp thu, học hỏi, giáo viên chỉ là người đứng bên lề hỗ trợ các em. Song một số nghiên cứu chỉ ra rằng những hướng dẫn nước đôi, mù mờ thực chất chỉ làm kìm hãm khả năng học tập. Một trong những điều quan trọng nhất là khi họ phát hiện được rằng những chỉ dẫn trực tiếp trong khi đánh vần mang lại kết quả khả thi, hữu hiệu hơn: vào cuối năm học, sự cách biệt nơi khả năng đọc giữa các học sinh giảm đáng kể so với phương thức mô tả âm thanh của vần cho chúng.
  1. Giữ liên lạc với các bậc phụ huynh. Mặc dù nó có thể vượt quá khả năng bản thân bạn, nhưng cũng cần nhắc nhở bản thân rằng nhận thức được hoàn cảnh gia đình của học sinh chính là một trong nhiều công cụ hữu hiệu để chống lại hiệu ứng Matthew. Ít nhất cũng nên để cha mẹ chúng biết được ảnh hưởng của hiệu ứng này và thống nhất cùng họ trong việc giúp đỡ, giáo dục con em.
  1. Hỗ trợ, dạy kèm. Dạy kèm là cách thức đơn giản nhất và ít gây căng thẳng nhất đối với các nhà giáo dục, đặc biệt là những ai không đủ thời gian để giải thích chi tiết ý niệm, lý tưởng cho học sinh đang hoang mang của họ. Tất cả những học sinh chịu tác động, ảnh hưởng xấu từ hiệu ứng Matthew nên được tạo điều kiện để có thể học tập sau giờ ở lớp hay có được kế hoạch gia sư lâu dài.
  1. Tận dụng sự hỗ trợ nơi bạn bè đồng trang lứa của học sinh. Đôi khi một học sinh chỉ cách biệt chút đỉnh so với người bạn đi trước có thể tiến bộ hẳn lên nhờ vào sự động viên, khuyến khích từ đồng môn của mình. Bắt cặp học sinh có thành tích học tập tốt với những em yếu hơn có thể là một cách tốt để các em gặp khó khăn có được cảm giác nắm bắt rõ ràng hơn bài học của mình.
  1. Đối xử công bằng với các học sinh. Có thể suy luận từ câu chủ đề rằng giáo viên nên hạn chế, ngăn chặn hiệu ứng Matthew bằng cách khiến cho học sinh mình cảm thấy như là…học sinh. Nếu học sinh sáng dạ nhất của bạn luôn luôn giải đáp được những câu đố, trả lời chính xác các câu hỏi, hãy cân bằng sự tự tin này cho các học sinh khác bằng cách đặt ra một câu hỏi khác hay đưa ra nhiều câu hỏi mở về thế giới bên ngoài kia để nhắc nhở chúng còn lắm điều phải học hỏi. Nếu học sinh yếu kém trong lớp bạn cảm thấy không hứng thú, hào hứng, cần đảm bảo rằng chúng nhìn nhận, cảm thấy được rằng chúng là học sinh, là người kiếm tìm tri thức chứ không chỉ đơn thuần là người học sinh đang phải ngồi im và tiếp thu kiến thức một cách tẻ nhạt.
  1. Kiểm tra trình độ học sinh thường xuyên nếu có thể. Linh hoạt và áp dụng bài học vào nhu cầu thực tế của học sinh là cách thiết yếu để ngăn chặn hiệu ứng Matthew. Nhưng bạn sẽ không biết điều chỉnh ra sao cho phù hợp nếu bạn không đánh giá trình độ chúng ở đâu. Có rất nhiều cách thú vị để làm điều này mà trẻ em không cần phải lo âu về nó. Chỉ cần đảm bảo cách thức đánh giá, kiểm tra phù hợp đáng tin cậy thì bạn đề ra phương pháp nào cũng không gây vấn đề mấy: dù là tạo ra một máy quét hay yêu cầu học sinh thực hiện một bài thuyết trình về bài đã học cũng chẳng khác gì nhau.
  1. Tự vấn bản thân rằng bạn đang dạy dỗ hay đang truyền thụ tri thức. Trong bài diễn thuyết mới đây tại TED, ngài Ken Robinson đã mô tả sự khác biệt giữa nhiệm vụ cũng như cảm giác tự dựng nên của từ “dạy dỗ”. Khi chúng ta nói rằng chúng ta đang dạy dỗ một ai đó, có lẽ chúng ta cho mình cái quyền tự vỗ ngực đề cao bản thân, giá trị của mình. Cần đảm bảo rằng đừng đồng nhất nhiệm vụ dạy dỗ với cảm thức về vị trí, trải nghiệm bản thân khi truyền thụ lại tri thức. Cần tự hỏi, có thật là học sinh đã hiểu hết vấn đề này hay chưa, hay chỉ có mình ta tự nói, tự phụ về khả năng, giá trị bản thân?

Hiệu ứng Matthew đến nay vẫn còn là ẩn số chưa được giải mã hết và chúng ta chỉ mới chạm vào bề nổi của vấn đề này. Đâu là giải pháp, phương thức, đâu là mẹo độc giả muốn bổ sung thêm vào danh sách này?

 

Nguyễn Kiều Anh Trang dịch

Nguồn: http://www.opencolleges.edu.au/informed/features/the-matthew-effect-what-is-it-and-how-can-you-avoid-it-in-your-classroom

menu
menu