Hoàn toàn muốn, hoặc không - Quy tắc hẹn hò quan trọng nhất mà mọi người cần hiểu

hoan-toan-muon-hoac-khong-quy-tac-hen-ho-quan-trong-nhat-ma-moi-nguoi-can-hieu

Hãy nghĩ về điều này: Bạn có từng cố gắng làm vui lòng một người, dù người đó chẳng cảm thấy thích thú gì nơi bạn không?

Hãy nghĩ về điều này: Bạn có từng cố gắng làm vui lòng một người, dù người đó chẳng cảm thấy thích thú gì nơi bạn không?

Trong quan hệ nam nữ, có một tình trạng mơ hồ thường xảy ra khi một trong hai người yêu đối phương nhiều hơn tình cảm đối phương dành cho họ. Với nam giới, họ thường băn khoăn liệu có nên tiếp tục kiên trì theo đuổi một người khi người ấy tỏ ra thờ ơ với họ. Còn với phụ nữ, họ trăn trở về việc phải làm gì khi một người đàn ông khiến họ cảm thấy mơ hồ trong cảm xúc.

“Cô ấy nói cô ấy không có hứng thú, nhưng cô ấy vẫn tán tỉnh, giờ tôi phải làm sao đây?”

“Tôi biết cô ấy thích tôi, nhưng cô ấy đễ nhỡ cuộc gọi của tôi và cũng không gọi lại, tôi phải làm gì đây?”

“Anh ấy hiếm khi ở cạnh tôi. Nhưng mỗi khi ở cạnh, anh ấy lại đối xử với tôi rất tốt. Điều đó nghĩa là thế nào?”

Đa phần các lời khuyên trong lĩnh vực hẹn hò, tán tỉnh được sinh ra để giải quyết tình trạng mơ hồ này. Bạn nên nói thế này. Nhắn tin cô ấy thế này. Gọi anh ấy chừng này lần.

Phần lớn các lời khuyên này đều máy móc và cố gắng phân tích hành vi đối phương hơn là đưa ra hành động cụ thể.

Sự rắc rối khi phải đương đầu với tình trạng này khiến nhiều người phải bày mưu tính kế, kịch hóa mối quan hệ và cố gắng chiến thắng trò chơi tình cảm. Nhờ đó bạn được nghe các câu chuyện như đàn ông phải làm những việc A,B,C để thân thiết với phụ nữ. Rồi thì khi nào là lúc đàn ông nên chuyển dần từ tình bạn sang tình yêu.

Những lời khuyên này có thể làm nhiều người hào hứng – những người đang lạc lối trong mối quan hệ. Tuy nhiên chúng không đề cập đến một điều, và đó lại là điều quan trọng nhất: Nếu bạn rơi vào tình trạng mơ hồ đó khi bắt đầu cưa cẩm, bạn đã thua cuộc rồi.

Hãy trả lời câu hỏi của tôi: Tại sao bạn lại muốn ở bên cạnh một người mà người ấy không hề thấy hào hứng khi ở cạnh bạn? Nếu họ không cảm thấy hạnh phúc với bạn bây giờ, điều gì khiến bạn nghĩ họ sẽ thấy vui khi ở cạnh bạn về sau? Vì sao bạn phải nỗ lực thuyết phục ai đó hẹn hò với bạn khi mà họ không hề bỏ một tí sức lực gì để làm điều ngược lại?

Bạn cố gắng làm vậy để thể hiện gì? Rằng bạn tin rằng mình cần phải thuyết phục người khác để họ ở cạnh mình?

Bạn sẽ không mua một con chó lúc nào cũng cắn bạn. Và bạn cũng không làm bạn với người luôn sẵn sàng bỏ rơi bạn. Bạn cũng không làm một công việc không mang lại cho bạn một đồng lương nào. Vậy việc gì bạn phải cố gắng tán tỉnh một người trong khi người ấy không hề muốn hẹn hò với bạn? Lòng tự trọng của bạn đâu rồi?

Nhà tài chính Derek Sivers từng viết một trang blog mà trong đó ông có nói rằng “Nếu tôi không nói ‘Tuyệt vời’ môt thứ gì đó, tôi sẽ nói không.” Tư tưởng ấy đã giúp anh ấy rất nhiều trong thế giới kinh doanh va giờ tôi cũng muốn áp dụng nó khi hẹn hò. Và để đơn giản, tôi đã nghĩ ra một quy ước dễ nhớ :” Hoàn toàn muốn, hoặc không!”

Quy ước “Hoàn toàn muốn, hoặc không!” có nghĩa là nếu bạn muốn quen một ai đó, trong bất cứ trường hợp nào, người đó phải khiến bạn phải thốt lên rằng “Hoàn toàn muốn” để bạn có thể có động lực để tiến xa hơn với họ.

Quy ước này còn có nghĩa rằng nếu bạn muốn làm quen với một ai đó, trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng phải đáp lại tương tự để bạn có thể tiến xa hơn với họ.

Như bạn có thể thấy, quy ước này ám chỉ rằng mỗi người trong mối quan hệ đều phải cảm thấy hứng thú với sự có mặt của người còn lại. Vì sao? Bởi vì những người hấp dẫn, tự chủ và tự trọng không có thời gian cho những ai họ không hứng thú cũng như những ai không hứng thú khi ở cạnh họ.

Điều này nghe có vẻ hơi lý tưởng, nhưng Quy ước “Hoàn toàn muốn, hoặc không!” mang lại rất nhiều lợi ích trong quá trình hẹn hò của bạn:

1. Không bị phân vân bởi những người không có hứng thú đối với bạn. Chấm dứt những cơn đau đầu khó nghĩ. Chấm dứt việc ước ao và hi vọng. Chấm dứt sự tuyệt vọng và giận dữ theo sau đó. Bắt đầu nuôi dưỡng lòng tự trọng của mình. Trở thành người từ chối chứ không phải người bị từ chối.

2. Không còn phải thuyết phục người khác rằng bạn phù hợp với họ. Chúng ta đều đã từng như thế. Chúng ta cứ mãi lấp lửng về một người nào đó, nhưng chúng ta vẫn cứ mãi theo đuổi người ấy vì không có ai khác tốt hơn. Và chúng ta cứ hy vọng vào chút tình cảm được trao ngược lại. Dừng lại đi!

3. Những vấn đề sẽ được giải quyết ngay lập tức. Nếu ai đó vờn bạn, làm kiêu hay ép bạn làm một điều gì đó bạn không chắc chắn, câu trả lời của bạn bây giờ thật dễ dàng. Hay như tôi vẫn thường nói: “Nếu bạn phân vân, thì bạn đã có câu trả lời”.

4. Hãy thiết lập một quan điểm rõ ràng và củng cố nó. Giữ vững quan điểm ấy không chỉ giúp bạn tự tin và thu hút hơn, mà còn giúp duy trì sự hấp dẫn đối với đối phương về sau.

5. Biết được mối quan hệ tiến triển đến đâu. Khi bạn không lãng phí thời gian của mình cho những người bạn không thực sự thích cũng như những người không thích bạn, bạn sẽ nhận ra mình có được những mối quan hệ rõ ràng, với những người không làm bạn cảm thấy mơ hồ. Tuyệt vời phải không nào!

Quy ước “Hoàn toàn muốn, hoặc không!” có thể áp dụng cho mọi thứ: hẹn hò, tình dục, và kể cả tình bạn. Bạn có thể không hề quen biết gì nhân viên pha chế đang đứng tại quầy bar đó. Nhưng họ hấp dẫn và muốn được cùng ai đó qua đêm. Nếu câu trả lời của bạn là “Hoàn toàn muốn” vậy thì còn ngần ngại gì nữa.

Có một chàng trai đối xử rất tốt với bạn, ngoại trừ việc anh ấy không gọi cho bạn suốt vài tuần liền hay thỉnh thoảng đột nhiên biến mất sau một chầu rượu? Bạn luôn tự hỏi mình anh ấy có thật sự thích bạn? Liệu có phải anh ta quá bận không? Trông có vẻ không phải là “Hoàn toàn muốn” nhỉ, quá nhiều câu hỏi để bạn phân vân. Nói lời tạm biệt là vừa vì tình cảm của anh ta không rõ ràng.

Bạn đang hôn một cô gái đắm đuối tại nhà riêng của mình và mỗi lần bạn muốn cởi áo của cô ấy, cô ấy liền gạt tay bạn ra. Cô ấy không “Hoàn toàn muốn” và bạn không nên ép buộc cô ấy. Chuyện ấy thú vị nhất khi đó là một cuộc tình đam mê, cả hai đều thốt lên rằng “Hoàn toàn muốn” khi họ cùng nhau nhảy cẫng vào giường. Nếu cô ấy không hứng thú đến vậy, thì sẽ không có chuyện ấy.

(Một gợi ý nho nhỏ đây: Đây là thời điểm tốt để thăm dò xem cô ấy không thoải mái về việc gì hay cô ấy trông chờ điều gì về bạn. Lối hành xử này thường sẽ giải quyết được mọi vấn đề).

Bạn muốn hẹn hò với cô gái vừa gặp cuối tuần vừa rồi nhưng cô ấy luôn làm lơ với những tin nhắn và cuộc gọi của bạn? Bạn không biết phải nói hay làm gì, đặc biệt là khi cô ấy cuối cùng cũng chịu đi chơi với bạn? Vậy thì, bạn tôi ơi, đây chắc chăn không phải là một câu trả lời “Hoàn toàn muốn” mà là một chữ không to tướng. Hãy xóa số điện thoại của cô ấy và tìm người khác.

Hoàn toàn muốn, hoặc không!” có thể áp dụng trong các mối quan hệ nữa. Bạn gái tôi quen một anh chàng lập gia đình vì với anh ta “Hôn nhân dường như là một việc đúng đắn cần phải làm”. Bốn năm sau, anh ta ngoại tình mỗi khi anh ta có cơ hội. Cuộc hôn nhân này không phải là một câu trả lời “Hoàn toàn muốn” đối với anh ta hay nói cách khác, là “Không”.

Đôi khi, Quy luật “Hoàn toàn muốn, hoặc không!“ được áp dụng ở những mức độ khác nhau. Bạn có thể “Hoàn toàn muốn” làm bạn với ai đó, nhưng làm tình ư ? “Không”. Bạn có thể nói “Hoàn toàn muốn” trong việc gây ấn tượng với ai đó, nhưng chắc chắn là “Không” nếu bắt bạn dành nhiều thời gian cho họ. Áp dụng quy luậy này giúp bạn quyết định một việc gì đó tùy theo nhu cầu hiện tại của bạn.

Hoàn toàn muốn, hoặc không!” không nhất thiết có nghĩa là bạn phải yêu say đắm ngay từ lần gặp đầu tiên. Lại càng không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn cảm thấy đối phương là một nửa hoàn hảo của mình. Bạn chỉ cần “Hoàn toàn muốn” tìm hiểu người đó. Bạn “hoàn toàn muốn” gặp lại đối phương, vì bạn thấy rằng có duyên giữa hai người. Bạn cũng “hoàn toàn muốn” dành một thời gian vài tháng xả hơi khỏi một mối quan hệ nào đó để có thể nhìn lại những vấn đề của mối quan hệ đó.

Điều quan trọng là cả bạn và đối phương của phải cùng “hoàn toàn muốn” làm một việc gì đó, nếu không bạn chỉ đang lãng phí thời gian mà thôi.

 

Vẻ đẹp thật sự của Quy ước “Hoàn toàn muốn, hoặc không” nằm ở chỗ nó đơn giản hóa mọi vấn đề bạn đang gặp trong quá trình hẹn hò của bạn. Khi áp dụng quy ước này, bạn chỉ còn có thể gặp phải 2 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là có một số người không bao giờ trả lời “hoàn toàn muốn” với bất cứ ai họ gặp. Nếu bạn thờ ơ với tất cả những người bạn gặp gỡ, thì hoặc là tính cách của bạn có vấn đề hoạc là bạn đang xây dựng một rào chắn xung quanh mình vì không muốn bị tổn thương.

Hãy nhớ rằng chỉ có chính bạn mới có thể tìm thấy điều gì đó hay ho ở những người mà bạn gặp gỡ, chứ họ không có nhiệm vụ bộc lộ ra cho bạn thấy. Đây là cuộc sồng chứ không phải hội chợ triển lãm. Học cách tôn trọng những người mà bạn gặp là một kĩ năng cần phải rèn luyện. Điều đó không có nghĩa là bạn phải yêu quý tất cả những ai mà bạn gặp. Nó chỉ có nghĩa là bản thân bạn cũng phải có trách nhiệm trong việc tạo nên một mối quan hệ.

Vấn đề thứ hai đó là những người chưa bao giờ làm ai khác trả lời “hoàn toàn muốn” với họ. Nếu tất cả những người bạn gặp đều đáp lại một cách hờ hững hoặc từ chối thẳng thừng, đã đến lúc bạn cần phải xem lại và cải thiện chính mình. Hãy tự vấn bản thân điều gì ở bạn khiến người khác cảm thấy hào hứng. Nếu câu trả lời không quá tường minh, vậy bạn có nhiều việc phải làm rồi. Hãy xây dựng bản thân thành một người mà người khác có thể thấy hào hứng.

Và đây là một bài học vô đối về chuyện hẹn hò – nam, nữ, đồng tính, chuyển giới, song giới hay mọi thứ – lời khuyên chân thành nhất khi hẹn hò đó là hãy cải thiện chính mình. Tất cả mọi thứ khác đều để đánh lạc hướng, một cuộc chiến với cái tôi của bạn mà thôi. Bởi vì nếu bạn diễn xuất hoàn hảo, bạn có thể lừa ai đó hẹn hò, lên giường hay kể cả cưới bạn. Nhưng để có kết quả, bạn đã phải hy sinh đánh đổi một thứ: hạnh phúc của cuộc đời bạn.

Gyps

Dịch từ:

http://markmanson.net/fuck-yes

Về tác giả:

Mark là một cây bút chuyên viết về các chủ đề tâm lý. Anh có nhiều bài viết chất lượng cho các trang tin hàng đầu như Huffington Post,CNN Travel, Forbes, và Good Men Project. Anh chán ghét lối viết truyền thống “Tôi là chuyên gia, bạn là người có vấn đề. Làm như thế này để sửa lỗi đi”  và dùng cách viết “Tôi cũng như bạn, cũng mắc đầy lỗi. Mỗi khi gặp sự cố, tôi làm thế này này, bạn áp dụng thử xem có hiệu quả không. Vẫn không hiệu quả? Kệ m* nó đi”. Lối viết này của anh khiến mọi người rất thích thú và luôn hào hứng đón đọc bài viết mới của anh.

Nguồn dịch: http://antao.vn/hoan-toan-muon-hoac-khong/

menu
menu