Học Cách Yêu Cơ Thể Bạn

hoc-cach-yeu-co-the-ban

Bạn có cảm thấy không hài lòng với những gì bạn nhìn thấy trong gương không? Để đạt được sự tự tin về bản thân mình là một hành trình rất khó khăn, nhưng nó rất xứng đáng.

Những điều cần biết

Bạn thấy gì khi nhìn chăm chú vào gương? Tôi không hỏi câu này với nghĩa ẩn dụ, mà là một câu hỏi theo nghĩa đen. Bạn có thích vẻ bề ngoài của mình không? Bạn có nhận ra ngay những khuyết điểm - chiếc mũi mà bạn mong muốn được nhỏ hơn, một cái bụng mà bạn muốn được phẳng hơn, đôi chân mà bạn ước được dài hơn hoặc có khả năng chạy nhanh hơn không? Những suy nghĩ và cảm xúc mà bạn có về ngoại hình của mình là trọng tâm của nghiên cứu về tự cảm nhận ngoại hình cơ thể.

Nếu bạn không cảm thấy hoàn toàn tự tin về ngoại hình của mình, bạn nên biết rằng bạn không hề đơn độc. Trong một cuộc khảo sát gần đây dành cho người dân ở Mỹ, 55% phụ nữ và 42% nam giới cảm thấy không hài lòng với ít nhất một yếu tố trong ngoại hình của họ. Mức độ lo lắng của mọi người về cơ thể của bản thân rất đa dạng, từ việc không thích một đặc điểm cụ thể nào đó cho đến tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng được gọi là rối loạn mặc cảm ngoại hình, khi mà mọi người chú ý đến mức ám ảnh về ngoại hình của họ. Những người mắc chứng rối loạn này thường hạn chế các tương tác xã hội và thường xuyên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như rối loạn ăn uống và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Cảm giác lo lắng về hình thể không chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài mà có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mọi người. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là việc phát triển những cảm nhận tích cực về cơ thể của bản thân có thể mang lại những hệ quả tích cực cho cả sức khỏe và thể chất và tinh thần. Chẳng hạn như một người bạn của tôi, Ann. Mặc dù là một người tương đối mảnh mai, cô ấy vẫn dành phần lớn thời gian của tuổi trưởng thành để lo lắng về cơ thể và cân nặng của mình. Cô ấy luôn do dự lựa chọn giữa chế độ ăn kiêng hạn chế (trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm) và thói quen ăn uống 'đều đặn'. Cô ấy cũng lo lắng về trang phục mà mình mặc. Có lẽ điều khiến cô ấy bối rối nhất là tác động của sự tự ti về cơ thể đối với các mối quan hệ và sức khỏe tâm thần nói chung. Trong một vài ngày, cô ấy muốn tránh mọi người hoặc không đi làm chỉ vì cảm nhận của mình về bản thân, và cô ấy phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng.

Các nhà nghiên cứu về tự cảm nhận ngoại hình cơ thể, chẳng hạn như tôi muốn giúp những người như Ann, nhưng không loại thuốc nào có thể chữa khỏi sự bất mãn về cơ thể. Điều này nghe có vẻ khác thường, nhưng việc thay đổi ngoại hình không thể làm thay đổi vĩnh viễn những cảm nhận của bạn về hình ảnh cơ thể của chính mình. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn vừa có một kiểu tóc mới đẹp tuyệt. Lúc đầu, bạn cảm thấy như một phiên bản tốt hơn của chính mình và những người khác có thể nhận xét rằng kiểu tóc của bạn khiến bạn trông tuyệt vời đến thế nào. Sau đó, một vài tuần trôi qua, khi mà cả bạn và những người xung quanh đều đã quen với kiểu tóc mới của bạn; nó không còn làm cho bạn cảm thấy đặc biệt nữa. Điều tương tự cũng có xu hướng xảy ra đổi với bất kỳ sự thay đổi nào về ngoại hình của bạn; động lực thúc đẩy cảm nhận cơ thể của bạn có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Đây là lý do tại sao việc cải thiện các khía cạnh nhận thức và cảm xúc của về tự cảm nhận ngoại hình cơ thể của bạn là rất quan trọng.

Tôi đã là một nhà tâm lý học, giáo sư và nhà nghiên cứu về tự cảm nhận cơ thể trong gần 25 năm. Trong bài viết này, tôi đưa ra các đề xuất dựa trên bằng chứng để cải thiện tự cảm nhận cơ thể của bạn, cho dù bạn đang cảm thấy không hài lòng về cơ thể ở mức độ nhẹ hay nghiêm trọng hơn. (Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng về tự cảm nhận cơ thể ở mức độ nghiêm trọng, tôi khuyên bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ một nhà trị liệu và tôi có cung cấp thêm các nguồn bên dưới.) Một số gợi ý trong số này có thể dễ thực hiện hơn những gợi ý khác; Tất cả chúng ta đang sống trong một thế giới tập trung vào ngoại hình. Nhưng việc áp dụng các chiến lược cải thiện cảm nhận về cơ thể này có thể giúp bạn hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Tôi khuyến khích bạn nên thử chúng trên con đường phát triển một mối quan hệ thoải mái hơn với cơ thể của bạn.

Những việc cần làm

Suy ngẫm về giá trị bản thân

Tất cả chúng ta khi lớn lên đều được nghe về tầm quan trọng của việc không đánh giá mọi thứ qua vẻ bề ngoài. Nhưng tất cả chúng ta đều lớn lên trong một thế giới coi trọng ngoại hình của con người. Nếu chúng ta hoàn toàn phớt lờ vẻ ngoài của chính mình, chẳng bao giờ nghĩ đến những gì chúng ta mặc, chúng ta có thể bị coi là lập dị hoặc kỳ lạ. Tuy nhiên, chúng ta có quyền lựa chọn về mức độ quan tâm và số năng lượng dùng để dành cho vẻ ngoài của mình. Chúng ta nên cố gắng sống với những giá trị đích thực.

Nichole Wood-Barcalow, một nhà tâm lý học ở Ohio, người điều trị cho những bệnh nhân có chứng ám ảnh về cơ thể và lo lắng về ăn uống, đồng thời là đồng tác giả của cuốn Positive Body Image Workbook (2021) (Tạm dịch: Sổ tay Giúp Bạn Tự Tin về Cơ thể (2021)), gợi ý rằng chúng ta nên dành thời gian để xem xét một cách xác đáng về những gì chúng ta coi trọng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghĩ về những gì bạn mong muốn đạt được trong cuộc sống của mình. Có thể bạn đang hướng tới sự thành công trong nghề nghiệp hoặc có thể bạn muốn tập trung nhiều nhất vào mối quan hệ của mình với những người khác. Hãy cân nhắc những gì mà bạn muốn người khác đánh giá về bạn. Bạn có phải là một người bạn hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy không? Bạn có phải là một người vui tính khi ở cùng mọi người không?

Sự tán thưởng về vẻ đẹp hoặc sự ngưỡng mộ của người khác có thể là các thành phần trong hệ thống giá trị của chúng ta. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta sẽ coi trọng lòng nhân ái, những điểm khác biệt và tính bình đẳng hơn chăng? Mặc dù đã có nhiều cải tiến trong thời gian gần đây, nhưng ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp hiếm khi quảng bá hình ảnh và quảng cáo mà trong đó bao quát mọi hình dạng, kích cỡ, màu sắc và trạng thái khả năng khác nhau của mọi người. Chúng ta nên xem xét lại những ngành nghề làm ảnh hưởng không tốt đến cảm nhận của chúng ta về bản thân. Hơn nữa, chưa chắc những người mà chúng ta quan tâm và yêu thích đang có mặt trong cuộc sống của chúng ta vì ngoại hình của họ; chúng ta nhìn nhận vẻ đẹp của họ theo nhiều cách khác nhau.

Sống với các giá trị đích thực có thể hiểu là là hãy trân trọng cơ thể của chúng ta và của những người khác như chúng vốn có. Điều này có thể bắt đầu bằng việc hiểu rõ rằng một số người bẩm sinh có thân hình tương đối nhỏ, và một số người khác có thân hình lớn hơn; Kích thước cơ thể của mọi người không nhất thiết phải là dấu hiệu trực tiếp cho thấy thói quen hoặc sức khỏe của họ. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều có một khoảng kích thước tự nhiên mà cơ thể ta chỉ dao động quanh mức đó kể cả khi chúng ta ăn uống đủ chất và thực hiện các hoạt động thể chất lành mạnh. Không phải ai cũng sẽ trở nên thon thả - ngay cả khi họ duy trì những thói quen lành mạnh.

Nhà tâm lý học Renee Engeln ở Illinois đề cập đến nỗi ám ảnh mang tính văn hóa của chúng ta về vẻ bề ngoài là "bệnh làm đẹp". Không phải là cô ấy không coi trọng lý do chúng ta quan tâm đến vẻ ngoài của mình. Cô ấy gợi ý rằng vấn đề xảy ra khi chúng ta quá quan tâm đến ngoại hình của mình so với những vấn đề khác - được cho là quan trọng hơn - trong cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian và năng lượng tinh thần cho việc chú ý đến ngoại hình của mình, chúng ta có thể sẽ có ít thời gian và năng lượng hơn để dành cho sở thích cá nhân, bạn bè hoặc gia đình.

Thực hành lòng biết ơn với cơ thể bạn

Bạn có bao giờ nhìn vào gương và cảm thấy biết ơn thay vì chỉ phê phán hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu tập trung vào những phần cơ thể mà bạn yêu thích? Nghiên cứu cho thấy rằng việc thể hiện sự trân trọng với cơ thể của chúng ta thực sự có thể cải thiện mức độ tự cảm nhận ngoại hình cơ thể.

Vậy bạn phải bắt đầu từ đâu? Khi giọng nói chỉ trích bên trong bạn bắt đầu bật ra một suy nghĩ chẳng hạn như ước gì mũi của mình nhỏ lại, hãy đáp lại điều đó bằng suy nghĩ Tôi yêu mái tóc của mình. Đối với hầu hết mọi người, giọng nói chỉ trích từ bên trong có thể khá dễ bị lung lay. Điều này thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nếu bạn lập một danh sách các bộ phận trên cơ thể mà bạn thích - hoặc ít nhất, có thể cảm thấy ổn - thì việc tự động làm dịu đi những suy nghĩ phản biện bên trong bạn sẽ trở nên tự nhiên hơn. Vì vậy, hãy dành thời gian suy nghĩ và liệt kê các đặc điểm cơ thể mà bạn thực sự thích, và đưa danh sách này vào sử dụng.

Bạn cũng có thể cố gắng tạo nên một thói quen, chẳng hạn như bày tỏ lòng biết ơn về cơ thể của bạn mỗi tối trong khi bạn đánh răng. Bí quyết là hãy kết hợp bài thực hành về lòng biết ơn của bạn với một hành vi khác mà bạn đã có thói quen thực hành hàng ngày. Bằng cách này,các hành vi theo thói quen giống như một lời nhắc nhở bạn hãy luôn thực hành bài tập về lòng biết ơn.

Tập trung vào chức năng

Cơ thể của chúng ta không chỉ là bề mặt ngoài; chúng đảm nhận các chức năng quan trọng giúp cho chúng ta sống và trải nghiệm mọi thứ trên đời. Việc tập trung vào chức năng của một bộ phận cơ thể nhiều hơn thay vì chỉ chú ý vẻ bề ngoài của nó có thể là một bước hữu ích trong việc hướng tới sự tự tin với cơ thể của mình.

Chức năng cơ thể là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả nhiều chức năng vật lý của cơ thể chúng ta: thở, ngủ, đi bộ, ca hát, khiêu vũ, tương tác với người khác và bất cứ điều gì khác mà cơ thể có thể làm. Mặc dù nhiều người cảm thấy không hài lòng với cơ thể của họ hoặc thậm chí "gây chiến" với chúng, nhưng cơ thể của chúng ta không hề cố tìm cách ngăn cản chúng ta sống cuộc sống của mình. Có một cách để thay đổi thái độ của bản thân về khả năng của cơ thể là thông qua việc viết và suy nghĩ. Trong một nghiên cứu, những người phụ nữ được yêu cầu viết một bản danh sách về 10 chức năng của cơ thể họ và những chức năng đó đóng góp như thế nào đối với sức khỏe của họ. Những phụ nữ tham gia bài tập đơn giản này đã cho thấy những cải thiện về mức độ tự cảm nhận cơ thể trong quá trình nghiên cứu.

Hãy thử tập trung vào chức năng cơ thể của chính bạn - và thậm chí lên danh sách những cách mà cơ thể giúp ích cho bạn. Sau đó việc xem lại danh sách của bạn có thể thúc đẩy cảm giác tự tin của bạn với cơ thể sau bất kỳ sự cải thiện ban đầu nào.

Khởi động bộ lọc bảo vệ

Một phần quan trọng của việc phát triển sự tự tin về cơ thể là điều hướng những tác động bên ngoài có thể khiến bạn cảm thấy không hài lòng với cơ thể của mình. Ở đây tôi sẽ tập trung vào quản lý việc bạn sử dụng các sản phẩm truyền thông khiến bạn không hài lòng với cơ thể mình. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là bạn có thể thấy được lợi ích từ việc nhận thức rõ hơn về cách mà những người và môi trường khác nhau tác động đến cảm giác của bạn, và sau đó phản ứng lại với những cảm giác đó theo những cách mang tính bảo vệ.

Các nhà nghiên cứu về tự cảm nhận cơ thể gọi việc tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự cảm nhận cơ thể là "bộ lọc bảo vệ". Điều này không giống như việc tránh né các tình huống gây lo lắng hoặc hành vi gây ám ảnh; bạn có thể hoạt động với một trạng thái tâm lý bình thường trong khi vẫn tránh được những chương trình nổi tiếngnhất định trên mạng xã hội. Một số hình thức truyền thông nên được né tránh hoàn toàn so với những hình thức khác. Ví dụ: bạn có thể quyết định không xem các chương trình truyền hình như Next Top Model hoặc The Bachelor, những chương trình mà những người phụ nữ đặc biệt đóng vai trò khách quan trong việc tập trung vào ngoại hình của họ. Bạn có thể từ chối mua hoặc lướt qua các tạp chí có đầy các bài báo và quảng cáo với hình ảnh những người phụ nữ quá gầy hoặc bán các sản phẩm làm đẹp.

Phương tiện truyền thông xã hội đặt ra những thách thức và cơ hội nhất định khi nói đến sự tự cảm nhận cơ thể của bạn. Bởi vì hầu hết các hình thức truyền thông xã hội đều có nội dung được sắp xếp dựa trên sở thích và cách sử dụng của riêng bạn, nên bạn có thể định hình thế giới truyền thông xã hội của mình để được bảo vệ. Có thể bạn cần phải bỏ theo dõi những người có sức ảnh hưởng, những người nổi tiếng và thậm chí có thể là bạn bè, những người thể hiện những giá trị đối lập với mục tiêu tự tin về cơ thể mà bạn đang hướng tới. Thay vì tương tác với những người trên phương tiện truyền thông xã hội mà chỉ tập trung nhiều vào ngoại hình của bản thân họ - và mỹ phẩm hoặc quần áo mà họ cảm thấy giúp làm nâng cao vẻ ngoài - bạn có thể tham gia vào nhóm những người hoạt động trong phong trào yêu cơ thể, kết nối với các chuyên gia sức khỏe tâm thần và những người khác giúp cung cấp những công cụ và lời khuyên để hỗ trợ bạn trong hành trình hướng tới sự chấp nhận bản thân.

Phương tiện truyền thông có ảnh hưởng tiêu cực đến những cảm nhận về cơ thể phần lớn bởi vì nó cung cấp vô vàn cơ hội để so sánh bản thân mình với người khác. Các nhà tâm lý học tin rằng việc chúng ta so sánh mình với những người khác là điều tự nhiên; đó là một cách để đánh giá hiệu quả hoạt động của chúng ta khi không có các chỉ số khách quan khác cho chúng ta so sánh. Và, khi đánh giá ngoại hình của chúng ta, cũng không có những thước đo thực sự khách quan. Vấn đề là chúng ta có xu hướng cảm thấy không ổn về bản thân và cơ thể của mình khi chúng ta nghĩ rằng mình không đạt tiêu chuẩn.

Chúng ta đặc biệt có thể cảm thấy tồi tệ khi so sánh bản thân với những người nổi tiếng và cá tính trên mạng xã hội. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng những so sánh này khiến chúng ta cảm thấy như thế nào và cố gắng hết sức để tránh chúng. Hãy nhớ rằng công việc của (hầu hết) những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng về cơ bản là phải trông ưa nhìn. Và họ có rất nhiều sự trợ giúp - từ nhà tạo mẫu tóc đến ánh sáng và các chuyên gia chỉnh sửa ảnh - vì vậy những người mà chúng ta nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông hiếm khi trông giống như vậy ở ngoài đời thực. Và ngay cả khi một số người trong số họ được như vậy, bạn cũng nên nhận ra rằng vẻ đẹp của người khác không làm cho vẻ đẹp của chính bạn bị giảm đi.

Sắp xếp lại mục tiêu của bạn cho việc tập thể dục và ăn uống

Những thói quen lành mạnh mà bạn duy trì có thể ảnh hưởng đến cảm nhận cơ thể của bạn, nhưng cách mà bạn nghĩ về thói quen của mình cũng rất quan trọng. Hãy để tôi cho bạn một ví dụ. Nếu bạn chạy bộ, nhưng bạn cho rằng việc đó là bắt buộc hoặc như một hình phạt (cho việc ăn nhiều? Để sống?), Bạn sẽ không thích việc chạy bộ đó. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chạy bộ là một việc mà bạn làm để giúp bản thân cảm thấy thoải mái, cải thiện sức khỏe và chăm sóc bản thân, bạn có thể thực sự thích chạy bộ hơn và dễ dàng duy trì hoạt động này hơn. Hơn nữa, tư duy này có thể sẽ giúp bạn yêu thích cơ thể của bạn thay vì luôn thấy mình xấu xí. Một trong những học trò cũ của tôi, Allie, gần đây đã chia sẻ rằng cô ấy đã thay đổi suy nghĩ về việc tập thể dục: "Em quyết định rằng mình chỉ cần vận động mỗi ngày và không phải lo lắng về việc tính toán xem “cường độ” tập luyện phải như thế nào.

Có một tài liệu tâm lý học khá bao quát về thiết lập mục tiêu và thành tích cho thấy rằng khi chúng ta đưa ra khung mục tiêu về những thứ chúng ta muốn làm (được gọi là mục tiêu tiếp cận) so với những thứ chúng ta muốn tránh (được gọi là mục tiêu né tránh), thì việc đạt được mục tiêu thường dễ dàng hơn. Một số lời giải thích đã được đưa ra cho điều này, nhưng một là có thể khó tránh được hoàn toàn một số suy nghĩ hoặc hành vi nhất định, làm cho các mục tiêu tránh né kém khả quan và khó đạt được hơn. Điều này có liên quan như thế nào đến tự cảm nhận cơ thể? Bạn khó có thể tránh được tất cả các hành vi góp phần gây ra sự thất vọng với cơ thể. Nếu mục tiêu của chúng ta là tránh hoàn toàn các loại thực phẩm mà chúng ta cho là không lành mạnh, thì chúng ta có khả năng thất bại. Nhưng nếu mục tiêu của chúng ta là ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, chẳng hạn như một hoặc hai miếng trái cây mỗi ngày, chúng ta có cơ hội đạt được mục tiêu đó cao hơn. Khi chúng ta đạt được những mục tiêu quan trọng đối với mình, chúng ta cảm thấy tự hào có thể thúc đẩy chúng ta tiếp tục trên con đường sống lành mạnh về tâm lý và thể chất.

Điều quan trọng là cần điều chỉnh lại các hành vi của chúng ta theo những cách làm cho những thói quen lành mạnh trở nên bền vững. Việc tự trừng phạt hoặc làm cho bản thân xấu hổ vì không làm tất cả những điều 'đúng đắn' hiếm khi là cách tiếp cận hiệu quả đối với sức khỏe (tinh thần hoặc thể chất) và có thể khiến ta càng thêm mất tự tin về cơ thể mình. Việc tạo thói quen lành mạnh cho bản thân có thể hiệu quả hơn trong việc đạt được sự thay đổi về lâu dài. Christie, một phụ nữ mà tôi làm việc cùng nói với tôi rằng cô ấy đã sử dụng phương pháp cải thiện từ từ cách đây vài năm để trở nên năng động hơn. Cô bắt đầu bằng việc tập thể dục hai ngày một tuần, khoảng 20 phút mỗi ngày, và từ từ tăng thời gian tập thể dục lên đến 40 phút, khoảng sáu lần mỗi tuần. Cô ấy nói với tôi, “Quan trọng nhất là đừng lo lắng nếu một ngày nào đó bạn không dành đủ thời gian cho việc tập thể dục hoặc bạn không có một buổi tập tốt. Sẽ có một số ngày như vậy."

Những điểm chính - Cách yêu cơ thể của bạn

  • Sự không hài lòng đối với cơ thể là bình thường và mọi người trải qua các mức độ khác nhau của nó. Việc tập trung nhiều vào ngoại hình có thể tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và sức khỏe tinh thần của bạn.
  • Bạn có thể học cách cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình, nhưng có thể bạn sẽ cần phải chú ý đến lối suy nghĩ và thói quen hiện tại của mình.
  • Bạn có thể bắt đầu thay đổi quan điểm về cơ thể mình bằng cách xem xét những gì bạn thực sự coi trọng - ngoài vẻ đẹp hình thể - và cách mà bạn có thể sống với giá trị của mình.
  • Một khía cạnh của việc sống với những giá trị thực sự có thể là chấp nhận cơ thể của chính bạn và của người khác. Một số người vốn có xu hướng có thân hình tương đối lớn, ngay cả khi họ đang sống lành mạnh.
  • Tự cảm nhận cơ thể có thể được cải thiện bằng cách tập trung vào các khía cạnh của cơ thể mà bạn thực sự đánh giá cao và những cách cơ thể giúp bạn trải nghiệm thế giới.
  • Bạn có thể bảo vệ sự tự tin với cơ thể của mình bằng cách lọc bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, chẳng hạn như các nội dung tập trung vào ngoại hình trên mạng xã hội và truyền hình.
  • Tự cảm nhận về cơ thể của bạn có thể sẽ tốt hơn nếu bạn nghĩ đến thói quen sức khỏe của mình - đặc biệt là cách ăn uống và hoạt động thể chất - về mặt tự chăm sóc bản thân thay vì tự trừng phạt hoặc trốn tránh.

Tìm hiểu thêm

Một số học giả và nhà hoạt động về tự cảm nhận cơ thể đã gợi ý rằng việc hướng tới sự tự tin với cơ thể có thể khiến bạn quá chú trọng vào ngoại hình của mình. Nói cách khác, đối với một số người, việc cố gắng cảm thấy hài lòng về ngoại hình của họ có thể liên quan đến việc suy nghĩ quá nhiều về ngoại hình của họ. Nếu điều này phù hợp với bạn, thì bạn có thể muốn hướng đến "quan điểm trung lập về cơ thể". Trong khi mục tiêu của việc yêu cơ thể là để cảm thấy hài lòng về cơ thể của bạn, thì mục tiêu của quan điểm trung lập về cơ thể là không thực sự nghĩ về cơ thể của bạn. Đối với một số người, quan điểm trung lập về cơ thể có thể là điểm dừng trên con đường hướng đến việc yêu cơ thể. Đối với những người khác, quan điểm trung lập về cơ thể là một đích đến thỏa đáng.

Quan điểm trung lập về cơ thể nghĩa là bất kỳ ai và tất cả mọi người đều đẹp vì trọng tâm là vẻ đẹp bên trong chứ không phải vẻ đẹp hình thể. Nó làm giảm áp lực phải cố gắng cảm thấy tích cực hoặc yêu thích những khía cạnh của cơ thể mà hiện tại bạn có thể không thấy vậy. Thay vì cố thuyết phục bản thân rằng bạn yêu toàn bộ cơ thể mình, bạn có thể đưa ra quyết định không quan tâm nhiều đến mỗi phần của ngoại hình.

Quan điểm trung lập về cơ thể có thể được so sánh với việc bạn không quan tâm việc bạn không phải là một nhạc sĩ tài ba, cũng không phải là một vận động viên tài năng, cũng không phải là một diễn giả có sức hút trước công chúng. Nếu bạn không mong đợi bản thân phải đạt được những điều này và không quan tâm việc bạn không sở hữu những phẩm chất này, bạn sẽ dành ít thời gian và năng lượng hơn để nghĩ về chúng. Ví dụ: ngoài việc đôi khi nói: "Tôi ước gì mình đã học chơi một loại nhạc cụ khi còn nhỏ", tôi chư từng khát khao có được thiên phú hoặc khả năng âm nhạc nhiều hơn vốn có. Tất nhiên, điểm khác biệt giữa những kỹ năng này và ngoại hình của bạn là bạn có thể (gần như chắc chắn) tránh việc chơi nhạc, chơi thể thao hoặc nói trước đám đông, nhưng bạn không thể giấu mãi vẻ bề ngoài của mình.

Nếu bạn quan tâm đến việc đạt được một trạng thái tâm lý trung lập hơn về cơ thể, bạn có thể muốn bắt đầu bằng những câu khẳng định nhấn mạnh sự tự chấp nhận bản thân. Khi tôi đang có một ngày cảm thấy tồi tệ về cơ thể mình (vâng, nó vẫn có thể xảy ra với tôi), tôi gọi ra một trong những câu thần chú cá nhân của mình: 'Tôi là một phụ nữ trung niên, một giáo sư, người vợ, là mẹ của hai thanh thiếu niên - và Tôi đang làm rất tốt. Không ai trong số những người mà tôi thực sự quan tâm lại quan tâm nhiều đến vẻ ngoài của tôi.” Lời khẳng định của tôi không nhất thiết là về những khía cạnh ngoại hình mà tôi thích, mà là lời nhắc nhở cho bản thân rằng ngoại hình không phải là điều mà tôi hoặc những người khác đánh giá cao nhất về tôi.

Tôi không tin rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần phải yêu cơ thể của mình từng giây phút mỗi ngày để có thể được hạnh phúc. Nhưng chúng ta cần phải quý trọng và tôn trọng cơ thể của mình. Chúng ta nên xem quá trình khám phá cảm nhận về cơ thể mình như một cuộc hành trình và hơn hết là tìm cách chăm sóc bản thân – cả cơ thể và tinh thần.

----------

Tác giả: Charlotte H Markey

Link bài gốc: How to love your body

Dịch giả: [ChamNguyen] - ToMo - Learn Something New 

menu
menu