Hôn nhân làm bạn thay đổi tính tình như thế nào
Người ta thường nói rằng các cặp vợ chồng ngày càng giống nhau hơn theo năm tháng. Nhưng liệu hôn nhân có thực sự thay đổi được tính cách của bạn?
Một nghiên cứu bởi nhà tâm lý học Justin Lavner (ĐH Georgia) đã cho thấy rằng hôn nhân có thể thay đổi tính cách của một người trong khoảng thời gian 1 năm đến 1 năm rưỡi sau khi kết hôn. Các nhà tâm lý học tin rằng tâm lý và tính cách của một người chịu ảnh hưởng bởi cách được nuôi dạy từ thời thơ ấu và môi trường sống và sẽ trở nên ổn định hơn, khó thay đổi hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn cho thấy rằng tính cách của bạn có thể thay đổi nhờ các sự kiện lớn trong đời, như hôn nhân chẳng hạn. Khi bạn cho một người khác bước vào cuộc đời của mình, bạn sẽ phải học cách làm quen với sự tồn tại của họ hằng ngày, dẫn đến sự thay đổi nhất định về tinh thần. Đây là giả thuyết mà Lavner và các đồng nghiệp đã đặt ra.
Trong nghiên cứu này, có khoảng 169 cặp đôi dị tính đã tham gia trả lời những câu hỏi về 3 cột mốc trong đời sống hôn nhân là 6, 12 và 18 tháng đầu tiên. Mặt khác, để đánh giá sự khác biệt, các nhà tâm lý học đã dựa trên lý thuyết Big Five - lý thuyết về 5 phần tính cách cơ bản nhất của con người bao gồm:
- Sự cấp tiến: khả năng tiếp nhận trải nghiệm, ý tưởng, sự vật, sự việc mới mẻ.
- Tính ý thức: chỉ bạn là người đáng tin cậy và ngăn nắp ra sao, như đi đúng giờ, giữ không gian sống của mình gọn gàng. Nếu tính ý thức thấp, bạn sẽ không cảm thấy căng thẳng về deadline, và bạn cảm thấy thoải mái trong môi trường bừa bộn của mình.
- Sự cởi mở: tính thích quan hệ xã hội, nếu sự cởi mở thấp, bạn thường không thích tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
- Sự hoà đồng: khả năng hòa nhập với mọi người. Nếu bạn có sự hoà đồng cao, bạn dễ dàng làm những việc người khác làm, dễ dàng đồng thuận với người khác. Ngược lại, bạn thích làm theo ý mình mà không để tâm đến ý kiến xung quanh.
- Tâm lý bất ổn: Nếu bạn có tâm lý bất ổn cao, bạn dễ "ba máu sáu cơn", khi vui khi buồn bất chợt và có cảm xúc không ổn định. Ngược lại, nếu cảm tính thấp, bạn thường cảm thấy "bình bình" và ít khi thay đổi cảm xúc mãnh liệt.
Các nhà tâm lý học dựa trên 5 yếu tố này để đánh giá sự thay đổi về tinh thần của các cặp đôi trong 18 tháng đầu và nhận lại những kết quả như sau: Trong 18 tháng đầu, những người vợ trở nên ít cấp tiến hơn, đồng nghĩa với việc họ đã quen với những điều hằng ngày của cuộc sống hôn nhân và không cần điều gì mới mẻ nữa. Trong khi đó, những người chồng lại có ý thức cao hơn, khi họ học được cách có trách nhiệm và đóng vai trò trụ cột và có trách nhiệm với hôn nhân. Tuy nhiên, phái nam cũng trở nên kém cởi mở hơn trong năm đầu tiên. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy các cặp đôi mới cưới có xu hướng thu về bên trong và không thường xuyên đi chơi, tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè như khi còn độc thân.
Nghiên cứu cũng cho thấy cả chồng và vợ đều trở nên kém hoà đồng hơn, nhất là những người vợ. Trong những năm đầu của hôn nhân, những người vợ trở nên tập trung vào cái tôi và ý muốn của mình hơn, đặt nặng bản thân hơn. Bên cạnh đó, sự cảm tính của cả hai cũng gặp nhiều thay đổi: đàn ông thường có cảm xúc vững vàng hơn, trong khi phụ nữ thì bất ổn định hơn.
Và có lẽ cũng không mấy ngạc nhiên khi nghiên cứu cho thấy sự thoả mãn trong hôn nhân tuột dốc không phanh vào tháng thứ 18. Trong đó, có một điều cần được chỉ ra là những đối tượng có tâm lý bất ổn thấp (cảm xúc ổn định) thường thỏa mãn hơn những ai dễ xúc động. Những người vợ có tâm lý bất ổn cao dễ dàng gặp phải trường hợp "hạnh phúc quá trớn" lúc mới cưới, rồi lại thất vọng khi tâm trạng trở về bình thường sau một thời gian.
Tuy kết quả đã khá rõ ràng, nhưng để chắc chắn, các nhà khoa học cũng đã phân tích cả những yếu tố như tuổi tác, sự sống thử trước khi kết hôn, con cái… Họ kết luận được rằng tuổi tác không ảnh hưởng nhiều đến sự thay đổi này, những người kết hôn trễ vẫn trải qua thay đổi tương tự với người kết hôn sớm. Ngoài ra thì việc sống thử trước hôn nhân thường giúp phái nữ ổn định về mặt cảm xúc hơn. Những ai có con cái trong thời gian kết hôn này cũng không có nhiều khác biệt, thậm chí, việc sinh con còn không ảnh hưởng nhiều đến tính cách như việc kết hôn, theo trang Psychology Today.
Từ các dữ liệu trên, các nhà khoa học cho rằng việc kết hôn có thể dẫn đến thay đổi về tính cách và tâm lý. Vậy nên, bạn cần hiểu rằng sau khi kết hôn, chồng hoặc vợ mình và cả chính bản thân bạn có thể có những thay đổi lớn và không còn là con người trước kia nữa. Nếu không học cách chấp nhận và điều chỉnh cảm xúc, hiện tượng thay đổi tính cách này có thể dẫn đến đổ vỡ. Mặt khác, nếu học cách kiềm chế cảm xúc và làm giảm độ cảm tính, các cặp đôi có thể sống bên nay một cách ổn định hơn và có cuộc sống hôn nhân thỏa mãn hơn.
Nguồn: Psychology Today