Khi người yêu bật khóc nức nở trong lúc tranh cãi

Có những cuộc tranh cãi mà trong đó, một người trở nên xúc động đến mức hành xử vượt xa mọi khuôn khổ của sự lịch thiệp thường thấy.
Có những cuộc tranh cãi mà trong đó, một người trở nên xúc động đến mức hành xử vượt xa mọi khuôn khổ của sự lịch thiệp thường thấy. Họ nói bằng giọng the thé, phóng đại mọi thứ, khóc lóc, van xin, lời nói trở nên lắp bắp, gần như không rõ nghĩa. Họ kéo tóc mình, cắn vào tay mình, thậm chí lăn lộn trên sàn nhà.
Không có gì ngạc nhiên khi đối phương – người vẫn giữ được vẻ bình tĩnh – cảm thấy vô cùng cám dỗ để kết luận rằng hành vi này là biểu hiện rõ ràng của sự điên loạn và lập tức bác bỏ đối phương trên cơ sở này. Để củng cố lập luận, người bình tĩnh ấy bắt đầu nói bằng giọng điệu dửng dưng, gần như đang nói với một chú chó mất trật tự hay một đứa trẻ hai tuổi đỏ mặt giận dỗi. Họ tuyên bố rằng, vì đối phương đã trở nên vô lý như vậy, cuộc tranh luận chẳng còn ý nghĩa gì để tiếp tục – một kết luận chỉ khiến người đang đau khổ càng rơi sâu hơn vào trạng thái kích động và quẫn trí.
Chúng ta dễ dàng nghĩ rằng, người mất bình tĩnh trong một cuộc tranh cãi cũng đồng thời đánh mất luôn sự đáng tin cậy của mình. Dù họ đang cố gắng trình bày điều gì, thì tất cả dường như đều vô nghĩa chỉ bởi trạng thái hỗn loạn mà họ thể hiện. Mọi sự chú ý liền dồn về việc họ đang hành xử tệ đến mức nào. Rõ ràng, trong bức tranh này: người bình tĩnh là người đúng, còn người đang gào thét và khóc lóc chỉ là một kẻ ngốc nghếch.
Thật không may, cả hai bên đều rơi vào một vòng luẩn quẩn không mang lại kết quả tích cực cho bất kỳ ai. Có lúc, người bình tĩnh quay sang nói: “Vì em đã phát điên, chẳng còn lý do gì để anh tiếp tục nói chuyện với em nữa.” Ý thức của người đang tức giận – rằng trong lúc họ đang bộc phát cơn cuồng loạn, họ đang tự tay phá hủy mọi cơ hội được lắng nghe và thấu hiểu – càng khiến nỗi hoảng loạn của họ tăng cao. Họ trở nên càng mất kiểm soát, càng phóng đại, và sự đáng tin của họ trong cuộc tranh luận lại càng suy giảm. Lời nhận xét rằng họ “điên” từ phía đối phương không chỉ làm sâu sắc thêm nỗi sợ rằng họ thật sự có vấn đề, mà còn khiến họ càng khó giữ được bình tĩnh hơn. Họ mất đi niềm tin rằng cảm giác đau khổ của mình, trong lý thuyết ít nhất, có thể được giải thích một cách rõ ràng nếu họ ngừng khóc.
“Anh sẽ không lắng nghe em thêm nữa nếu em cứ làm ầm lên như vậy,” người bình tĩnh có thể tiếp tục nói – càng thúc đẩy đối phương lao sâu hơn vào chính cái vòng xoáy cảm xúc mà họ đang cố trốn thoát. Người đang đau khổ dần trở thành một trường hợp lâm sàng, phù hợp để nghiên cứu tâm lý hơn là một con người bình thường. Họ bị “gắn mác”điên rồ, được nhìn nhận như một kẻ mất kiểm soát thay vì một con người vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng tạm thời đánh mất sự tự chủ của mình bởi họ đang phải đối mặt với một tình huống vô cùng khó khăn.
Ở phía ngược lại, người giữ bình tĩnh một cách vững vàng tự động được mặc định – bởi bản chất điềm tĩnh và kỹ năng đối nhân khéo léo – là người đứng đắn và hợp lý. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, lý thuyết mà nói, hoàn toàn có thể trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng, cố chấp và sai lầm – trong khi vẫn giữ giọng nói bình ổn đến đáng kinh ngạc. Và ngược lại, cũng có thể hoàn toàn đúng đắn dù ta đang đỏ hoe mũi, nức nở và nói không thành câu.
Chúng ta cần nuôi dưỡng một thái độ rộng lượng: sự giận dữ hay hành vi quá khích thường chỉ là biểu hiện của một nỗi tuyệt vọng sâu sắc khi một sự thật quan trọng nào đó trong mối quan hệ bị phớt lờ hoặc bác bỏ – mà không nhất thiết người mất kiểm soát ấy là kẻ xấu xa hay đáng sợ.
Dĩ nhiên, cách thể hiện như vậy là vô cùng thiếu hiệu quả. Rõ ràng, sẽ luôn tốt hơn nếu chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc và không để bản thân khóc. Nhưng việc ai đó bật khóc trong một cuộc tranh cãi không phải là điều không thể hiểu được, hay thậm chí là không thể tha thứ. Chứng kiến một người yêu thương đang quẫn trí quả thật khó chịu và đáng sợ, nhưng nếu nhìn với con mắt bao dung hơn, trạng thái nội tâm của họ cần sự cảm thông sâu sắc hơn là những lời khiển trách.
Chúng ta nên nhớ rằng chỉ một người đang cảm thấy như cuộc sống của họ bị đe dọa mới rơi vào trạng thái rối loạn trong một cuộc tranh luận. Và cũng nên giữ điều này trong tâm trí, vì sẽ có những lúc chính chúng ta rơi vào trạng thái mất kiểm soát, chứ không phải lúc nào cũng là người điềm tĩnh và lý trí. Hãy thử tưởng tượng một đoạn phim ngắn về bản thân ở những khoảnh khắc tệ nhất, rồi tua lại để thấy rằng những lần ta trông có vẻ điên cuồng cũng chỉ là biểu hiện bên ngoài của một nỗi đau thầm kín bên trong: ta không thể khiến người mình yêu thấu hiểu một điều quan trọng mà mình muốn nói.
Chúng ta có thể giữ bình tĩnh trước hầu hết mọi người trong cuộc sống. Nhưng khi ta mất bình tĩnh với người yêu, đó (ở khía cạnh tích cực nhất) là bởi ta đặt nhiều kỳ vọng vào họ và tương lai chung của cả hai. Đừng vội kết tội một ai đó chỉ vì họ đã hành xử bất thường. Họ không (chắc chắn là không) điên, cũng không đáng ghét. Thay vào đó, hãy có đủ độ lượng để nhận ra rằng: họ yêu và phụ thuộc vào ta nhiều hơn ta tưởng.
Nguồn: WHEN YOUR PARTNER STARTS CRYING HYSTERICALLY DURING AN ARGUMENT - The School Of Life