Khi tài năng vẫn chưa đủ: tầm quan trọng của lòng kiên trì

khi-tai-nang-van-chua-du-tam-quan-trong-cua-long-kien-tri

Ai ai cũng đều có tài năng. Phẩm chất hiếm có lại chính là sự can đảm để đi theo con đường của mình.

Họa sĩ vẽ tranh biếm họa Gary Larson, tác giả của The Far Side, từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn rằng vào buổi sáng ngày thứ hai học mẫu giáo, khi mẹ anh đến đánh thức mình, anh lăn qua và rên rỉ, “Lại phải đi học nữa à?”

Trong tất cả các đặc điểm cần có để có thể đi đến thành công, không đặc điểm nào, tôi nghĩ, quan trọng bằng tính kiên trì, sự sẵn sàng gắn bó với mục tiêu, khả năng ngồi vào bàn và làm việc ngày này qua ngày khác, như thể nó thật sự quan trọng, như thể công việc bạn làm trên thế giới này, hay dịch vụ bạn cung cấp hoặc niềm đam mê bạn nuôi dưỡng, tất cả đều tạo nên sự khác biệt. Và thật sự là như vậy.

Source: Fer Gregory/Shutterstock

Đam mê, suy cho cùng, không chỉ đơn thuần là về sự phấn khích, mà nó còn là sự bền bỉ. Đôi khi nó còn bao gồm cả ý chí phi thường và sự kiên nhẫn trong nhiều năm. Giả sử nguồn cảm hứng sáng tạo hoặc sự say mệ của bạn không được cân bằng với khoảng thời gian dài nỗ lực làm việc thì nhìn chung nó sẽ không thể có được kết quả tốt. Tác giả Malcolm Gladwell thậm chí còn tính toán rằng, để đạt được sự thành thạo trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần ít nhất 10.000 giờ thực hành tận tâm tận ý. Nếu thực hiện phép toán đơn giản ta sẽ có được: 90 phút mỗi ngày trong vòng 20 năm. Mặc dù vậy, đa phần mọi người sẽ bỏ qua công đoạn khó nhọc và đi ngay đến phần mà họ giỏi.

Sự bền bỉ cũng tức là nhận thức được rằng để thành công cần có thời gian và nó chỉ có thể đạt được bằng quá trình tích lũy sức lao động một cách chậm rãi từ ngày này sang ngày khác, kết quả của vô số bước tiến nhỏ và thành tựu nhỏ. Đôi khi nó sẽ được đền đáp tương đối nhanh chóng, như khi Voltaire sáng tác Candide chỉ trong ba ngày. Trong những trường hợp khác, bạn có thể sẽ mất đến một phần ba cuộc đời cho một sáng tác, như James Joyce đã làm khi ông dành hơn 17 năm để viết Finnegans Wake.

Dù thời gian phải tốn là bao nhiêu thì yếu tố không thể thiếu vẫn là tính kỷ luật và sự tận tâm để theo đuổi đam mê mặc cho nó dẫn ta đến đâu, từ lần khai mở ý tưởng đầu tiên, qua vô số lần chỉnh sửa để đến thành phẩm cuối cùng, sau đó là vươn ra thế giới (vì tất cả các niềm đam mê là để phục vụ). Mọi người đều có tài năng, nhưng phẩm chất hiếm có hơn lại là sự can đảm để đi đến bất cứ nơi nào nó dẫn đến, đặc biệt là về phía phần rìa của bản đồ nơi có rồng ẩn náu.

Nhà văn Michael Ventura gọi đó là “tài năng trong phòng kín”, một thuật ngữ mà ông đặt ra trong một bài tiểu luận bàn về sự bấp bênh của cuộc đời viết lách, nhưng nó cũng dành cho bất kỳ ai làm công việc sáng tạo. Nếu bạn không có “tài năng trong phòng kín”, những tài năng khác đều trở nên vô giá trị. Viết là việc bạn làm một mình trong phòng, và trước khi bất kỳ vấn đề nào về văn phong, nội dung hoặc hình thức có thể được bàn đến, thì các câu hỏi cơ bản đặt ra là: Bạn có thể ở trong căn phòng đó bao lâu? Bao nhiêu giờ một ngày? Cách bạn hành xử trong căn phòng đó như thế nào? Bạn có thể quay trở lại đó bao nhiêu lần? Bạn có thể chịu đựng nỗi sợ hãi (hay kiểm soát được niềm phấn khích) đến mức nào khi ở một mình trong phòng? Và cuối cùng, bạn có thể duy trì hoạt động này trong bao nhiêu năm?

Trong suốt quá trình trên, hết lần này qua lần khác, bạn sẽ phải đối mặt với thách thức của tính kỷ luật đơn giản, tuy không dễ, nhưng rất đơn giản. Bạn chỉ việc chọn lựa giữa làm hoặc không làm, và công việc của bạn sẽ tự động được giải quyết đâu vào đấy. Bạn có hoặc không thể hiểu rằng mọi công việc trên đời này đều thường yêu cầu người thực hiện phải có sự kiên nhẫn như một người thợ dệt hoặc người thợ cày, và đôi khi nó sẽ khiến bạn mãi giậm chân tại chỗ như con thú bị nhốt, nhưng số phận của mọi niềm tin là phải trải qua thử thách. “Chúng ta không đủ hiểu biết về tương lai để cho phép bản thân tuyệt vọng” - Sam Keen viết trong tác phẩm Fire in the Belly. “Tuyệt vọng là sự ngấm ngầm kiêu ngạo, nó như muốn nói rằng: Tôi đã nhìn thấu được tương lai và tôi thấy nó không khả quan gì. Hy vọng lại bắt nguồn từ niềm tin vào những điều chưa biết. Làm việc, chờ đợi và hy vọng. Thế là đủ."

So với tài năng, kiên trì là một đức tính khiêm tốn, thậm chí bị đánh giá thấp. Nhưng đó là một phẩm chất thiết yếu. Nhờ có đức tính kiên trì mà những nhiệm vụ và công việc của bạn mới có thể hoàn thành. Không có nó, những phẩm chất và tài năng của bạn sẽ không bao giờ được nhìn nhận. Nhưng sự kỷ luật cần có để duy trì tính kiên trì không chỉ phát sinh từ ý chí đơn thuần, hay từ việc gồng mình lên để làm cho xong việc, và chắc chắn nó không phải từ sự sợ hãi, mặc dù sẽ có những ngày bạn cảm thấy cực kỳ nặng nề và mệt mỏi để hoàn thành công việc.

Kỷ luật là một sản phẩm vô tình từ sự cam kết của bạn đối với lòng tự trọng và sự trung thực của bản thân, để làm những gì mình yêu thích và những việc mình phải làm. “Những người tìm được lý do để sống”, một nhà triết học Freidrich Nietzsche đã từng nói rằng, “có thể chịu đựng bất cứ khó khăn nào”. Dường như có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự kiên trì và mức độ ý nghĩa của một công việc đối với bạn. Ở một mức độ thực sự sâu sắc, bạn biết tại sao điều đó có ý nghĩa, tại sao nó lại đủ quan trọng để bạn phải theo đuổi-- và tại sao mình lại bận tâm đến nó? Và bạn phải có câu trả lời cho câu hỏi đó nhằm thỏa mãn sự hoài nghi trong mình.

Thật không may, kỷ luật dường như là một từ ngữ mang tính tiêu cực. Khi tôi nghĩ về nó, hình ảnh hiện lên trong đầu tôi là những trận đòn roi và những lần đi đến văn phòng thầy hiệu trưởng. Kỷ luật khiến ta liên tưởng đến hình phạt. Nhưng thật ra, kỷ luật không phải thứ gì khác hơn là sự nỗ lực tập trung cần thiết để hoàn thành công việc. Chính việc sống không có kỷ luật mới là hình phạt, bởi vì thiếu đi nó, bạn sẽ trôi dạt trong sự vô định, và những ước mơ cũng cứ thế mà ngày càng xa khỏi tầm tay.

Sau khi Michelangelo qua đời, một mảnh giấy được tìm thấy trong phòng làm việc của ông, trên đó là những dòng nhắn gửi nhà ông viết cho người học trò của mình, một thông điệp hùng hồn của sự bền bỉ: “Hãy vẽ đi Antonio, cứ vẽ Antonio, vẽ và đừng để lãng phí thời gian”.

Dịch: Hoang Nguyen

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/passion/201906/talent-is-not-enough-the-importance-persistence

Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn

menu
menu