Khoa học phía sau hiện tượng Deja Vu
Deja vu: những trò lừa của não bộ, hay tiên đoán tương lai?
Thậm chí những người lý trí nhất trong số chúng ta cũng có thể trải nghiệm hiện tượng này: bạn đang nói chuyện phiếm với bạn bè hay khám phá một nơi bạn chưa từng đặt chân đến khi đột nhiên một cảm giác lướt qua trong bạn: bạn đã trải qua chính xác thời khắc này trước đây. Sự tương đồng thật sự quá mức, và điều đó đúng ra không phải là tương đồng gì cả. Cảm giác đó trở nên mạnh hơn rồi giảm dần, sau đó hoàn toàn biến mất, tất cả chỉ trong một vài giây. Có phải bạn đã nhìn thấy tương lai? Khả năng nhiều là bạn không thể xác định chính xác bạn đã trải nghiệm tình huống trong linh cảm đó ở thời điểm nào trong quá khứ.
Deja vu là một từ tiếng Pháp có nghĩa đen là “đã thấy” và được thống kê xuất hiện ở 60-70% dân số, thường ở độ tuổi từ 15 đến 25. Vì Deja vu diễn ra rất bất thường và rất nhanh – và xảy ra ở những người không có bệnh tật gì – khiến cho nó rất khó để nghiên cứu, và tại sao cũng như như thế nào mà hiện tượng xảy ra cũng chỉ là vấn đề suy đoán. Các nhà phân tích tâm lý có lẽ xem nó là đặc trưng cho cách suy nghĩ có tính ao ước; một số nhà tâm lý lại cho rằng sự kết nối nhầm lẫn của bộ não làm cho ta lầm tưởng hiện tại là quá khứ. Còn những nhà hỗ trợ tâm lý thậm chí tin rằng hiện tượng này có liên quan đến trải nghiệm của tiền kiếp. Vậy chúng ta biết được gì chắc chắn về những gì thật sự xảy ra trong một khoảnh khắc Deja vu?
Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng Deja vu xảy ra khi có một sự kết nối nhầm lẫn ở não trong suốt quá trình nó cố gắng không ngừng để tạo ra những nhận thức trọn vẹn về thế giới của chúng ta với rất ít thông tin đầu vào. Hãy nghĩ về ký ức: ký ức chỉ cần một chút thông tin của các giác quan (như mùi hương quen thuộc chẳng hạn) để đem đến một sự gợi nhớ rất chi tiết. Deja vu được cho rằng là một dạng xáo trộn giữa thông tin đầu vào của các giác quan và kết quả dầu ra của quá trình gọi lại ký ức. Tuy nhiên, lý thuyết mơ hồ này không giải thích tại sao khoảnh khắc ta trải nghiệm trong Deja vu không nhất thiết phải là một sự kiện trong quá khứ thật sự.
Một lý thuyết khác có liên quan cho rằng Deja vu là một khoảnh khắc hoạt động không đúng giữa các mạch trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn trong não. Các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng thông tin chúng ta có được từ môi trường xung quanh có thể bị “rò rỉ” và đi tắt không đúng chu trình đến khu vực trí nhớ dài hạn thay vì trí nhớ ngắn hạn, bỏ qua cơ chế vận chuyển đến vùng lưu trữ như thông thường. Khi một khoảnh khắc được trải nghiệm – và hiện tại khoảnh khắc này mới này ở vùng trí nhớ ngắn hạn – nó có cảm giác như chúng ta đang gợi nhớ lại ký ức trong quá khứ xa xôi.
Một giả thuyết tương tự xem Deja vu là một sự sai lệch về mặt thời gian; trong khi chúng ta nhận thức một khoảnh khắc, các thông tin giác quan đồng thời được chuyển hướng đến khu lưu trữ trí nhớ dài hạn, tạo nên một sự trì hoãn và có lẽ, cảm giác không yên rằng chúng ta đã trải nghiệm khoảnh khắc đó trước đây.
Một đặc điểm chung của tất cả những trải nghiệm Deja vu là: chúng ta hoàn toàn ý thức được chúng đang diễn ra, có nghĩa là không cần toàn bộ não bộ để tạo ra hiện tượng này.
Qua nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã xác định chính xác được những xáo động của vùng giữa thuỳ thái dương (medial temporal lobe) là “thủ phạm” phía sau hiện tượng Deja vu. Những nghiên cứu ở các bệnh nhân động kinh được tiến hành bằng các điện cực cấy vào não chứng minh rằng kích thích ở vùng vỏ não xung quanh khe Rhinal (rhinal cortex) có thể thực sự tạo nên một khoảnh khắc Deja vu.
Một nghiên cứu đăng vào số tháng 3 của tạp chí Clinical Neurophysiology đã phân tích các mẫu tín hiệu điện não đồ từ các vùng vỏ não xung quanh khe Rhinal, hồi hải mã (có liên quan đến quá trình hình thành ký ức) và hồi hạnh nhân (liên quan đến cảm xúc) ở các bệnh nhân động kinh, những người có thể được kích thích điện não để trải nghiệm Deja vu.
Các nhà nghiên cứu (từ Pháp! – còn ai tốt hơn?) nhận thấy rằng các sự phát tín hiệu điện neuron một cách đồng bộ giữa vùng vỏ quanh khe Rhinal với hồi hải mã hay hồi hạnh nhân được tăng cường khi kích thích để tạo ra hiện tượng Deja vu. Điều này có nghĩa là một sự đồng kích thích trùng hợp nào đó ở các cấu trúc vùng giữa thuỳ thái dương có thể “kéo cò” cho sự hoạt hoá hệ thống tìm gọi ký ức.
Trong lúc nguyên nhân và cơ chế chính xác của hiện tượng Deja vu vẫn còn là một bí ẩn, đừng lo lắng – nếu nó xảy ra với bạn, thì bạn vẫn hoàn toàn bình thường. Thực ra, hãy thả mình trong giây phút đó và cảm nhận cái cảm giác lạ lùng đó lướt qua bạn. Hay cứ giả như mình là một nhà tiên tri.
Trần Đình Tuấn dịch
Nguồn: http://www.psychologytoday.com/blog/brain-babble/201208/the-neuroscience-d-j-vu