Khoa học về sự nghiện

khoa-hoc-ve-su-nghien

Khi ta trở thành nô lệ của màn hình

Đối với nhiều người, nghiện là một từ đáng sợ. Trong nền văn hóa đại chúng, nó gợi lên hình ảnh về những kẻ nghiện ma túy sẵn sàng ăn cắp cả đồ nữ trang của mẹ mình. Nhưng đối với các nhà tâm lý học, nghiện có một định nghĩa cẩn trọng hơn, và không có những yếu tố cụ thể và sống động đó. Dưới đây là một định nghĩa đại diện:

Nghiện là trạng thái trong đó một người sử dụng chất gây nghiện hoặc thực hiện một hành vi mà phần thưởng của nó khuyến khích sự lặp đi lặp lại hành vi đó, bất chấp những hệ quả có hại.

Cho đến gần đây, người ta vẫn mặc nhiên cho rằng nghiện chỉ áp dụng với đồ uống có cồn hay ma túy, tức những chất gây nghiện chứa các hợp chất có khả năng tác động đến trí tuệ, trực tiếp làm thay đổi trạng thái của não bộ. Tuy nhiên, vào giai đoạn thế kỷ 20 nhường chỗ cho thế kỷ 21, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy các hành vi không tham gia vào việc tiêu thụ các chất gây nghiện cũng có thể trở thành hành vi nghiện nếu chiếu theo định nghĩa trên. Chẳng hạn, một báo cáo kết quả khảo sát năm 2010, đăng tải trên tạp chí American Journal of Drug and Alcohol Abuse, kết luận rằng “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các biểu hiện nghiện trong hành vi giống với các hình thức nghiện chất gây nghiện ở rất nhiều khía cạnh.” Bài viết này nêu ra hai ví dụ rất điển hình cho các trạng thái rối loạn dạng này là cờ bạc và nghiện internet. Khi Hiệp hội Tâm thần học hoa Kỳ xuất bản ấn bản thứ năm của cuốn cẩm nang Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM-5) vào năm 2013, họ cũng lần đầu tiên đưa nghiện hành vi vào danh sách các hội chứng có thể chẩn đoán.

Điều này lại đưa chúng ta trở về với Adam Alter. Sau khi nghiên cứu các công trình tâm lý học liên quan và phỏng vấn những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, anh rút ra hai điều. Thứ nhất, các công nghệ mới đặc biệt phù hợp đối với việc dung dưỡng các hình thức nghiện hành vi. Như chính Alter đã thừa nhận, các loại nghiện hành vi liên quan đến công nghệ thường diễn ra ở mức “ôn hòa” hơn so với các hình thức phụ thuộc vào hóa chất do ma túy và thuốc lá gây ra. Nếu tôi buộc bạn phải bỏ Facebook, có lẽ bạn sẽ không phải lên cơn vã thuốc hay phải lẻn ra ngoài vào nửa đêm để đến một quán internet cho thỏa cơn nghiện. Tuy nhiên, những chứng nghiện này vẫn có thể gây hại tới sức khỏe của bạn. Có thể bạn không lẻn ra ngoài để vào facebook cho bằng được nhưng nếu như ứng dụng này lúc nào cũng sẵn sàng trong chiếc điện thoại nằm nhỏ gọn trong túi áo của bạn thì một chứng nghiện hành vi ở mức độ ôn hòa sẽ khiến bạn cứ chốc chốc lại phải bật điện thoại lên để vào Facebook.

Phát hiện thứ hai của Alter trong quá trình nghiên cứu dường như còn đáng lo ngại hơn nữa. Đúng như Tristan Harris đã cảnh báo, trong nhiều trường hợp, các đặc tính gây nghiện của các công nghệ mới không xuất hiện một cách tình cờ mà là những đặc điểm thiết kế đã được thực hiện một cách cẩn thận

Từ các kết luận của Alter, người ta không khỏi đặt ra một thắc mắc: Vậy thì cụ thể yếu tố nào đã khiến các công nghệ mới trở thành công cụ phù hợp để dung dưỡng các hình thức nghiện hành vi? Trong cuốn sách Irresistible (Không thể cưỡng lại) xuất bản năm 2017, trong đó Alter trình bày chi tiết về những kết quả nghiên cứu của mình về chủ đề này, anh đã khám phá nhiều “thành phần” đa dạng góp phần khiến cho một công nghệ cho trước trở thành chất gây nghiện đối với não bộ con người và dung dưỡng những thói quen sử dụng không lành mạnh. Trong cuốn sách dài này, tôi muốn nhấn mạnh một chút đến hai lực lượng đặc biệt liên quan đến chủ đề của cuốn sách này; đây cũng là 2 yếu tố liên tục trở đi trở lại trong nghiên cứu của chính tôi về việc các công ty công nghệ đã khuyến khích hành vi nghiện như thế nào: củng cố tích cực định kỳ thôi thúc tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội.

Não bộ của chúng ta đặc biệt nhạy cảm với các lực lượng này. Đây là thông tin quan trọng vì nhiều ứng dụng và website khiến người dùng liên tục kiểm tra điện thoại thông minh và mở các thẻ trên trình duyệt web thường làm được như vậy là bởi chúng đã khai thác tận dụng những đặc điểm này để tạo sức hấp dẫn khó cưỡng lại cho bản thân chúng. Để hiểu rõ hơn về nhận định này, chúng ta hãy cùng phân tích cả 2 lực lượng trên.

Củng cố tích cực định kỳ

Từ thí nghiệm nổi tiếng của Michael Zeiler với những chú chim bồ câu hồi thập niên 1970, các nhà nghiên cứu đã biết được rằng phần thưởng được cho bất ngờ thường hấp dẫn hơn nhiều so với phần thưởng đã biết trước. Tính khó dự đoán hàm chứa trong nó một điều gì đó giúp giải phóng dopamine nhiều hơn - đây là một chất dẫn truyền thần kinh chủ đạo để điều tiết cảm thức của chúng ta về sự thèm muốn. Trong thí nghiệm gốc của Zeiler, ông cho những chú chim bồ câu mổ vào một cái nút có thể chứa thức ăn trong đó. như Adam Alter đã chỉ ra, hành vi cơ bản này đã được mô phỏng lại thành các nút phản hồi gắn ở hầu hết các bài đăng trên các trang mạng xã hội kể từ sau khi facebook ra mắt biểu tượng “Thích” vào năm 2009.

“Có thể khẳng định nút Thích đã làm thay đổi rất nhiều các yếu tố tâm lý học liên quan đến việc sử dụng facebook,” Alter viết. “Khởi thủy, Facebook chỉ đơn thuần là một cách thức thụ động để cập nhật tình hình về đời sống của bạn bè, nhưng giờ đây nó đã mang tính tương tác rất cao, với hình thức nút phản hồi khó dự đoán giống hệt chiếc nút đã khuyến khích những chú chim bồ câu của Zeiler.” Tiếp đến, Alter ví hành vi đăng tải nội dung trên nền tảng mạng xã hội của người dùng như một trò “đánh bạc”: Liệu bạn có nhận được nhiều lượt thích không (hay được thả tim, chia sẻ lại), hay nội dung đó sẽ bị ngó lơ và không hề nhận được bất kỳ phản hồi nào? Khả năng đầu tiên sẽ tạo ra cái mà một kỹ sư của Facebook ví như “những tiếng chuông thánh thót của niềm hoan hỉ giả mạo”, trong khi khả năng thứ hai lại tạo ra một cảm giác không mấy vui vẻ. Dù khả năng nào diễn ra thì kết quả cũng vẫn là một điều khó dự đoán - và, như những kiến thức trong lĩnh vực tâm lý học về sự nghiện đã cho chúng ta biết, điều này càng khiến cho hoạt động đăng tải nội dung và định kỳ kiểm tra mạng xã hội trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, phản hồi trên mạng xã hội không phải là hoạt động trực tuyến duy nhất sở hữu đặc tính củng cố khó dự đoán này. Nhiều người cũng đã từng gặp hiện tượng này: Khi họ truy cập vào một website nội dung vì một mục đích cụ thể nào đó - chẳng hạn truy cập một website tin tức để cập nhật bản tin dự báo thời tiết - thì 30 phút sau họ mới chợt dừng lại và nhận ra rằng nãy giờ mình vẫn vô thức bấm vào hàng loạt các đường dẫn để lướt qua hết mục nọ đến mục kia. Hành vi này cũng có thể bắt nguồn từ phản hồi khó dự đoán: phần lớn các bài báo đều nhàm chán, nhưng thi thoảng bạn lại gặp được một bài có thể khơi dậy trong bạn những cảm xúc mạnh, chẳng hạn thổi bùng một cơn giận dữ về sự đúng sai hay phá lên cười. Có thể ví mỗi cú nhấp chuột vào một tựa đề hấp dẫn hay mỗi động tác mở một thẻ mới để truy cập một đường dẫn lý thú như một lần nhấn nút chơi trên chiếc máy đánh bạc.

Dĩ nhiên, các công ty công nghệ nhận thức được rõ sức mạnh của sự phản hồi tích cực khó dự đoán này, và họ đã điều chỉnh các sản phẩm của mình dựa theo đó để làm gia tăng hơn nữa sức hấp dẫn cho chúng. Như kẻ tố giác Tristan Harris đã giải thích: “Các ứng dụng và website rải rác nhiều phần thưởng khác nhau với tần suất định kỳ trên các sản phẩm của mình bởi vì chiến lược này mang lại những kết quả kinh doanh tích cực.” Những thẻ thông báo được thiết kế hấp dẫn, hay cảm giác êm mượt trên đầu ngón tay khi lướt web thường đều đã được điều chỉnh một cách thận trọng để tạo ra những phản ứng mạnh mẽ. Như Harris đã chỉ ra, biểu tượng thông báo của facebook ban đầu có màu xanh dương để hài hòa với tông màu tổng thể của website này, “nhưng không ai động vào nút đó cả.” Vì thế họ chuyển sang màu đỏ- màu sắc tượng trưng cho sự cảnh báo - và tỉ lệ nhấp chuột vào đó gia tăng đột biến.

Nhưng có lẽ gây ngạc nhiên nhất là sự thừa nhận của Sean Parker, chủ tịch sáng lập của Facebook. Tại một sự kiện tổ chức vào mùa thu năm 2017, Parker đã thẳng thắn nói như sau về việc lạm dụng sự chú ý của người dùng mà facebook, công ty cũ của anh đang triển khai:

Quy trình tư duy khi xây dựng các ứng dụng này, mà facebook đứng hàng đầu, chỉ xoay quanh các vấn đề: “Chúng tôi có thể làm gì để tiêu thụ thời gian và sự chú ý có ý thức của các bạn càng nhiều càng tốt?” Và điều đó có nghĩa là thi thoảng chúng ta cần phải khiến lượng dopamine của các bạn tăng vọt, bởi vì sẽ có người nhấn nút thích hay bình luận trên một bức ảnh hoặc một bài đăng của bạn trên trang.

Toàn bộ động lượng của mạng xã hội - bao gồm đăng tải nội dung đó - dường như đóng vai trò then chốt cho các dịch vụ này, nhưng như Tristan Harris đã chỉ ra, đó thực ra chỉ là một phương án trong số rất nhiều phương án lựa chọn về cách thức hoạt động của các trang này. Xin lưu ý, các trang mạng xã hội thời kỳ đầu hầu như không nhấn mạnh đến chức năng phản hồi - sự hoạt động của chúng chỉ tập trung vào việc đăng tải và tìm kiếm thông tin. Khi giải thích lý do vì sao mạng xã hội lại có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mình, mọi người thường nêu ra những đặc điểm thời kỳ đầu này, khi mạng xã hội chưa có chức năng phản hồi. Chẳng hạn, khi giải thích cho việc họ sử dụng Facebook, nhiều người thường chỉ ra những lý do như vì Facebook giúp họ biết khi nào thì một người bạn sinh con - đây là luồng lưu chuyển thông tin một chiều, không đòi hỏi phản hồi (nó mặc định rằng mọi người đều “thích” tin tức này).

Nói cách khác, không có gì là cơ bản về đặc điểm phản hồi khó dự đoán thống trị hầu hết các dịch vụ mạng xã hội. Nếu tước bỏ hết các đặc điểm này, có lẽ bạn cũng không làm suy giảm giá trị mà phần lớn mọi người nhận được từ chúng. Sở dĩ động lượng này lại phổ biến đến vậy là vì nó phát huy tác dụng rất hữu hiệu trong việc khiến chúng ta không lúc nào rời được mắt khỏi màn hình. Trong đầu Harris đã nghĩ đến các lực lượng tâm lý học quyền năng này khi anh giơ chiếc điện thoại thông minh lên trong chương trình 60 Minutes và khẳng định với Anderson Cooper rằng “thứ này là một chiếc máy đánh bạc.”

Thôi thúc tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội

Như Adam Alter đã viết: “Chúng ta là loài sinh vật xã hội, nghĩa là chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn bỏ ngoài tai những gì người khác nghĩ về mình.” Dĩ nhiên, hành vi này mang tính thích nghi cao. Vào thời đại Đồ đá cũ, bạn phải cẩn thận quản lý vị thế xã hội của mình so với các thành viên khác trong bộ lạc bởi vì sự sinh tồn của bạn phụ thuộc vào điều đó. Tuy nhiên trong thế kỷ 21, các công nghệ mới đã đánh cắp sự thôi thúc từ bản năng sinh tồn sâu thẳm này để tạo ra những hình thái nghiện hành vi có thể mang lại lợi nhuận cho các công ty.

Chúng ta hãy quay trở lại với các nút phản hồi trên mạng xã hội. Ngoài việc cung cấp những thông tin phản hồi khó dự đoán như đã đề cập ở trên, sự phản hồi này còn liên quan đến sự chấp thuận của người khác. Nếu nhiều người nhấn vào biểu tượng hình trái tim nho nhỏ bên dưới bài đăng mới nhất của bạn trên trang mạng xã hội Instagram thì điều này giống như cả bộ lạc đang bày tỏ với bạn sự thừa nhận của họ - điều mà chúng ta vẫn thèm khát. Dĩ nhiên, mặt trái của sự thỏa thuận về tiến hóa này là khi thiếu những phản hồi tích cực, người ta có thể cảm thấy buồn bã và lo lắng. Đây là thông tin rất quan trọng đối với phần não vẫn còn mối liên hệ với thời kỳ Đồ đá cũ, và do đó nó có thể làm nảy sinh một nhu cầu cấp thiết là phải liên tục theo dõi sát sao thông tin “hệ trọng” này.

Không nên đánh giá thấp sức mạnh của thôi thúc tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội này. Leah Pearlman, người đảm nhiệm vị trí quản lý sản phẩm cho nhóm phụ trách phát triển nút “Thích” trên Facebook đã trở nên cảnh giác với những tác hại mà nó gây ra đến độ bây giờ, trên cương vị chủ sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, cô thuê riêng một chuyên gia quản lý mạng xã hội để giúp cô vận hành và quản lý tài khoản Facebook cá nhân để cô có thể thoát khỏi sự thao túng của Facebook đối với hôi thúc hòa nhập xã hội của con người. “Dù có nhận được thông báo mới nào hay không thì chúng ta cũng không có được cảm giác tích cực đúng như kỳ vọng,” Pearlman nói về trải nghiệm kiểm tra thông tin phản hồi trên mạng xã hội. “Bất kể chúng ta hy vọng sẽ gặp được gì, thì những gì chúng ta trông thấy cũng không thể thỏa mãn được các tiêu chí đã đặt ra.”

Một thôi thúc tương tự - thôi thúc điều tiết sự thừa nhận của xã hội - có thể giúp lý giải nỗi ám ảnh hiện nay của giới trẻ đối với việc duy trì các “streak” trên Snapchat với bạn bè, bởi vì một streak dài, không bị đứt quãng gồm những hoạt động liên lạc hàng ngày chính là lời xác nhận cho sự bền chặt trong mối quan hệ bạn bè. Nó cũng giải thích vì sao nhiều người lại cảm thấy cần phải ngay lập tức trả lời một tin nhắn gửi đến, ngay cả khi họ đang ở vào hoàn cảnh không phù hợp hoặc nguy hiểm (chẳng hạn, khi họ đang ngồi sau tay lái). Phần não bộ thời kỳ Đồ đá cũ của chúng ta xếp việc phớt lờ một tin nhắn gửi đến cùng nhóm với việc phớt lờ một thành viên trong bộ lạc đang muốn thu hút sự chú ý của chúng ta bên đống lửa chung: cả hai đều là những sai lầm về mặt xã hội có thể gây ra những mối nguy hiểm chết người.

Lĩnh vực công nghệ hiện nay đã trở nên vô cùng thuần thục trong việc khai thác và tận dụng bản năng tìm kiếm sự thừa nhận này. Đặc biệt mạng xã hội bây giờ còn được điều chỉnh một cách cẩn thận để có thể cung cấp cho bạn một dòng chảy thông tin dồi dào, theo đó cho bạn biết bạn bè nghĩ về bạn nhiều hay ít như thế nào. Tristan Harris nêu ra ví dụ về tính năng gắn thẻ tag người khác trong các bức ảnh đăng tải trên những dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Snapchat, và Instagram. Đối với người được gắn thẻ, thông báo mà họ nhận được về việc này mang lại cho họ một cảm giác mãn nguyện rằng bạn đang nghĩ đến họ. Như Harris đã chỉ ra, các dịch vụ mạng xã hội không bỏ cả núi tiền ra để đầu tư làm hoàn thiện tính năng gắn thẻ tự động bởi vì tính năng đó đóng vai trò then chốt tạo nên sự hữu dụng cho trang mạng xã hội của họ. Họ đầu tư phát triển tính năng này vì nó cho phép họ gia tăng một cách đáng kể những yếu tố gây nghiện đánh vào bản năng tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội ở người dùng.

Khi mô tả về triết lý thiết kế đằng sau các tính năng này, Sean Parker đã xác nhận: “Đó là vòng lặp phản hồi về sự chấp thuận của xã hội...Đó cũng là kẽ hở mà một hacker như tôi chắc chắn sẽ nghĩ ra bởi vì chúng tôi muốn khai thác những điểm dễ tổn thương trong tâm lý con người.”

Các công nghệ mới đầy sức lôi cuốn xuất hiện trong khoảng một thập niên trở lại đây là những công cụ đặc biệt phù hợp để dung dưỡng các hình thức nghiện hành vi, khiến người dùng sử dụng chúng với tần suất vượt quá ngưỡng hữu dụng và lành mạnh mà chúng có thể mang đến. Các công nghệ này được thiết kế nhằm mục đích kích thích hành vi nghiện. Xét trong bối cảnh này thì ám ảnh sử dụng công nghệ không phải do khiếm khuyết nào đó trong đặc điểm tính cách của con người, mà chính là kết quả của việc triển khai một kế hoạch kinh doanh mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.

 

Trích từ cuốn sách Lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport

menu
menu