Kích động ngầm – cuộc chiến ai cũng bị tổn thương
Vì sao trong một số gia đình hai con trở lên, bao giờ cũng có một đứa con cưng, không bao giờ bị chỉ trích hay phê phán?
Triangulation - tạm dịch là chiêu thức "tam giác" hay "kích động ngầm" là một chiêu thức cực kỳ tinh vi mà những kẻ thao túng ưa thích. Những người có nhân cách độc hại như ái kỷ hay thái nhân cách, họ xuất hiện ở tập thể nào cũng sẽ ngấm ngầm tạo ra một mớ hỗn độn ở tập thể đó.
Chính những mâu thuẫn nội bộ, ganh đua ngầm và tâm lý nghi ngờ lẫn nhau giữa các thành viên trong tập thể sẽ giúp kẻ thao túng có được sức mạnh và sự kiểm soát.
Một số bác sĩ tâm lý nước ngoài sử dụng thuật ngữ "dirty manipulation tactic" – tạm dịch là "thủ đoạn thao túng bẩn thỉu" để nói về chiêu thức "tam giác". Vậy, những kẻ thao túng đã sử dụng chiêu thức này như thế nào? Tam giác là một chiến thuật thao túng hình thành thế tam giác trong một mối quan hệ đáng ra chỉ có hai người.
Source: Photo by ryota nagasaka on Unsplash
Kiểu tam giác thứ nhất, người thao túng sẽ không giao tiếp trực tiếp với đối phương mà sẽ sử dụng người thứ ba để chuyển tiếp thông tin, do đó hình thành nên một tam giác.
Kiểu tam giác thứ hai là một hình thức gây chia rẽ, theo đó kẻ thao túng sẽ xen vào một mối quan hệ giữa hai người nào đó và kiểm soát giao tiếp giữa họ, từ đó gây xích mích, chia rẽ.
Kiểu tam giác thứ ba là liên tục so sánh hoặc đối xử không công bằng để tạo ra sự ganh đua, chia rẽ giữa hai người bị so sánh, thậm chí khiến cho họ chiến đấu chống lại nhau.
Khi bạn thấy bản thân đang ở trong bất kỳ một hình tam giác nào như vừa đề cập, thì đó chính là tín hiệu báo động đỏ cho thấy, bạn đang phải đối mặt với kẻ thao túng và người đó đang ở rất gần bạn.
Trong một gia đình, mà thông thường đó sẽ là kiểu gia đình rối loạn chức năng (tiếng Anh là "dysfuntional family"), người bạo hành sẽ thường xuyên bạo hành tinh thần những người trong gia đình. Họ sử dụng chiêu thức tam giác để tạo ra mâu thuẫn và cạnh tranh ngầm giữa những thành viên bằng cách đối xử với những đứa trẻ hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ, trong gia đình của người ái kỷ sẽ luôn có một đứa là con cưng, là đứa con không bao giờ bị chỉ trích hay phê phán và thường được đưa lên bệ để khen ngợi. Ảnh của chúng với cha mẹ ái kỷ sẽ được dán ở đâu đó mà không hề có mặt của đứa còn lại. Chúng thường được ưu ái dành cho những cái nhìn trìu mến, với tông giọng ngọt ngào và cách xưng hô khác hẳn với những đứa còn lại.
Ngược lại, với những trẻ bị coi là con ghẻ, điều duy nhất mà chúng có thể làm là trở thành cái gai trong mắt cha mẹ chúng. Mọi thứ mà chúng cố gắng thể hiện đều xứng đáng bị coi thường, chỉ trích hay cười nhạo. Kể cả khi chúng mang thành tích về nhà thì cũng sẽ như một gáo nước lạnh dội vào mặt cha mẹ ái kỷ cùng đứa con cưng của họ.
Thành tích và những lợi thế mà những đứa con ghẻ có thường được xem như một mối đe dọa hơn là món đồ trang sức làm đẹp mặt cha mẹ ái kỷ. Bên ngoài nhìn vào sẽ chẳng thể hiểu được cảm giác của những đứa trẻ bị xem như con ghẻ trong gia đình rối loạn chức năng thời hiện đại.
Chúng như bị kẹt lại trong cạnh đáy của hình tam giác, cô đơn, uất ức, căm ghét kẻ bạo hành mà không thể tâm sự cùng ai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những đứa con cưng cũng không hề sung sướng hơn là bao. Việc thường xuyên được đưa lên bệ để ca tụng khiến chúng lúc nào cũng phải sống trong lo sợ một ngày nào đó chúng sẽ bị hạ bệ.
Vì thế, chúng phải ra sức phấn đấu để đạt được thành tích tốt nhất, hoặc phải khôn ngoan xảo quyệt đủ để chơi khăm bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, để leo lên những đỉnh vinh quang mà nhiều người mơ ước, hoặc phải gian dối ngụy tạo thành tích nhằm giữ vững ngôi vị.
Chiêu thức tam giác còn được thể hiện bằng việc người ái kỷ sẽ thực hiện những hành vi gây nghi kị, đấu đá, chỉ trích lẫn nhau và gây chia rẽ giữa các thành viên, trong khi ái kỷ chỉ việc tọa sơn xem hổ đấu. Ví dụ, họ sẽ kể cho các thành viên nghe những phiên bản khác nhau của cùng một câu chuyện, với những tình tiết thêm mắm thêm muối để biến họ trở thành những nạn nhân đáng thương của những đứa con bất hiếu. "Bố về mà dạy con gái yêu của bố đi, nó nằm ườn ra cả ngày. Mẹ nói thì nó cãi mẹ không ra gì", "Đấy, con xem, em con nó hỗn láo với mẹ như thế, mà bố con thì như bù nhìn. Mẹ hy sinh cho cái nhà này để rồi nhận về kết cục như thế này đây." Hay "Bố mày ngu đần biết cái gì mà làm, mày ra mày nói với bố mày đi, làm thế người ta cười cho". "Mày đi mà nói với mẹ mày ấy, ở được thì ở không ở được thì cút".
Thay vì nói chuyện trực tiếp với người mà họ cho là có vấn đề, người ái kỷ sẽ tìm cách thông qua một bên thứ ba để tạo thành một hình tam giác, từ đó tạo lợi thế cho họ trong việc thao túng đối phương. Khi sử dụng chiêu thức tam giác, họ chỉ cần núp về phía sau ngắm nhìn các thành viên trong gia đình giao đấu. Chiêu thức này hợp lý đến mức, dù liên tục bị giật dây và kích động tấn công một thành viên nào đó trong gia đình, nhưng những thành viên đó không hề nghi ngờ, họ luôn sẵn sàng xông vào đả kích, chỉ trích nhau ngay khi nhận được kích hoạt từ kẻ châm ngòi.
Nếu bạn từ chối tham chiến, có nghĩa rằng bạn từ chối thực hiện một nghĩa vụ nào đó đáng ra bạn phải thực hiện (như dạy dỗ con cái, làm trung gian hàn gắn tình cảm của bố mẹ), đồng thời bạn xứng đáng bị lên án hay thậm chí là trở thành nạn nhân tiếp theo với hành vi từ chối đó. Thế nên, thường thì mọi người sẽ ngay lập tức tham chiến mà không cần đắn đo suy nghĩ, cũng không mấy khi dành nhiều thời gian để kiểm chứng cẩn thận các thông tin, chứng cứ mà họ nhận được. Hậu quả là gì?
Các thành viên trong gia đình khó có thể xây dựng những mối quan hệ bền chặt mà không nghi kị hay hiềm khích lẫn nhau. Để lấy lòng phụ huynh ái kỷ, các bạn trẻ được dạy rằng, chúng cần phải bóc mẽ nhau, chỉ trích nhau, thậm chí là đánh nhau trước mặt cha mẹ chúng.
Trong gia đình rối loạn chức năng, trẻ con sẽ được nuôi dạy theo kiểu phụ huynh hóa (tiếng Anh là "parentification"). Khi đó, chiêu thức tam giác sẽ được thể hiện ở việc, con trẻ phải đảm nhiệm vai trò là cầu nối trung gian để chuyển tiếp thông tin, thậm chí phải trở thành hòa giải viên bất đắc dĩ cho cha mẹ của chúng. Chúng sẽ là cái hố rác để cha mẹ đóng vai người đồng phụ thuộc trút mọi bực tức khi bị bạo hành bởi người bạn đời.
Đồng thời, theo yêu cầu của cha mẹ đồng phụ thuộc, chúng sẽ phải thay họ khuyên can người cha mẹ bạo hành bớt rượu chè, cờ bạc và bớt bạo hành người bạn đời, việc mà đáng ra phải thuộc trách nhiệm của cha mẹ chúng. Không cần nói thì các bạn cũng thừa hiểu rằng, việc này khó khăn và mạo hiểm như thế nào đối với một đứa trẻ chưa trưởng thành.
Source: Gemma Chua-Tran/Unsplash
Chiêu thức tam giác này không chỉ xảy ra với các thành viên trong gia đình mà có thể còn có thêm sự xuất hiện của người ngoài. Đó có thể là một cô bạn nhà bên, là đứa em họ hay chính là thằng bạn thân. Chiêu thức tam giác trong trường hợp này chỉ đơn giản là so sánh, so sánh và so sánh! Sau một thời gian liên tục bị cho vào thế tam giác kìm kẹp ba bề bốn bên, bạn sẽ chẳng còn muốn nhìn mặt chúng nó làm gì.
Nếu bạn ở trong mối quan hệ nam nữ, chiêu thức tam giác sẽ khiến bạn thường bị so sánh với những người cũ, với đồng nghiệp hay bạn bè của người ái kỷ. Đó có thể là một cô bạn gái nóng bỏng hay một đồng nghiệp thần tượng hay một bà mẹ chồng hay bà chị chồng siêu nhân.
Bị đặt trong thế đối trọng với những hình ảnh hoàn hảo đó, bạn như bị mắc kẹt trong mối quan hệ mà ở đó, bạn sẽ chẳng bao giờ là đủ tốt, kể cả khi bạn là siêu nhân trong mắt người ngoài. Mối quan hệ của bạn dường như quá đông đúc một cách bất thường đối với một mối quan hệ nam nữ chỉ có hai người. Cảm giác ghen ghét, đố kị trong bạn luôn bị kích hoạt hết lần này đến lần khác.
Ngay cả việc họ thường dán mắt vào những cô gái hấp dẫn trên mạng xã hội hay vô tình lướt qua ngoài đường cũng khiến bạn cảm thấy không thoải mái vì hành vi đó rõ ràng là có chủ đích chứ không phải chỉ vô tình thoáng qua. Không chỉ dừng lại ở việc bị so sánh với những đối tác khác để bạn phải liên tục chạy đua với họ trong những cuộc đua không mong muốn, mà bạn sẽ còn thấy rằng những người khác bỗng dưng biết mọi chi tiết trong mối quan hệ của bạn, vốn dĩ chỉ có hai người.
Người yêu hay người bạn đời ái kỷ sẽ luôn tìm cách kiếm chuyện làm quà, sẵn sàng tiết lộ những vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ với bạn cho rất nhiều bên thứ ba, với góc nhìn có lợi cho họ, ngấm ngầm chiêu mộ khỉ bay tấn công bạn. Chiêu thức tam giác cũng sẽ giúp người ái kỷ dễ dàng thao túng bạn khi họ không nói trực tiếp những điều họ muốn cho bạn mà sẽ chuyển tiếp thông tin thông qua bên thứ ba (như anh chị em hay bố mẹ, hay bạn bè, đồng nghiệp của bạn), từ đó họ dễ dàng kiểm soát và thao túng bạn mà không cần tốn nhiều công sức.
Đặc biệt, ngoại tình chính là một hình thức của chiêu thức tam giác. Bỗng nhiên, một bên thứ ba chễm chệ bước chân vào mối quan hệ của một cặp đôi. Bị đặt vào tình thế bất đắc dĩ này đồng nghĩa với việc bạn bị cạnh tranh và đe dọa về mọi mặt, bao gồm vị thế của bạn trong mối quan hệ, tiếng nói của bạn, tương lai, tiền bạc, công sức đóng góp và cả danh dự của bạn.
Tất cả mọi thứ. Với một hình tam giác như vậy, bạn trở thành người thua cuộc chỉ trong một nốt nhạc, còn đối phương thì đạt được mọi thứ, chính là những nguồn cung ái kỷ bao gồm nguồn cung tích cực cũng như những nguồn cung tiêu cực.
Với những người ái kỷ luôn cần phải có sự công nhận từ người khác để cảm thấy bản thân họ có giá trị, chiêu thức tam giác lôi kéo người thứ ba vào mối quan hệ và lợi dụng tiếng nói của bên thứ ba đứng về phía họ, chống lại người kia chính là thứ không thể thiếu của ái kỷ.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thủy