Kích thích não sâu (Deep brain stimulation)
Kích thích não sâu DBS là một phương pháp can thiệp đầy hứa hẹn dành cho những chứng bệnh thần kinh và tâm thần khó chữa. Còn rủi ro của nó là gì?
Năm 1963, nhà sinh lý học thần kinh José Delgado đã chứng minh cho hiệu quả của kích thích não điện tử xâm lấn. Ông đã cấy các điện cực vào não của một con bò đực rất hung dữ, và sau đó cùng con vật này tham gia một cuộc đấu bò, trang bị một máy phát tín hiệu cầm tay để kích hoạt các điện cực từ xa. Khi con bò đực bắt đầu lên cơn (tấn công), Delgado đã nhấn một nút trên bộ truyền tín hiệu của ông, khiến con bò đực phải kìm lại.
Hai năm sau, thí nghiệm này đã xuất hiện trên trang nhất của Thời báo New York, và cảnh phim vẫn còn sức hấp dẫn người xem cho đến ngày nay. Thí nghiệm của Delgado đánh dấu mối quan tâm ngày càng tăng của giới khoa học trong việc sử dụng phương pháp kích thích thần kinh xâm lấn từ giữa thế kỷ 20. Các thủ thuật cung cấp kích thích điện đến não bộ thông qua các điện cực cấy ghép bằng phẫu thuật bắt đầu được sử dụng trong việc điều trị cơn đau mãn tính, các chứng rối loạn chức năng vận động chẳng hạn như bệnh Parkinson, động kinh và các bệnh tâm thần. Để đạt được những mục tiêu đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ này để kích thích (và do đó, xác định được) các khu vực bị trục trặc của não bộ. Sau khi các khu vực bị suy yếu, hư hỏng được xác định thông qua kích thích thần kinh thì phẫu thuật thần kinh xâm lấn sẽ loại bỏ những vùng được nhắm đến bằng một kỹ thuật được gọi là lesioning.
Các nhà nghiên cứu thời kỳ đó cũng tự hỏi liệu chỉ mỗi mình kích thích thần kinh thì có thể sửa đổi hành vi và trạng thái cảm xúc hay không. Nhưng các thử nghiệm sơ bộ là đáng ngờ về mặt đạo đức. Trong số những vụ tai tiếng lớn nhất đó là nỗ lực dùng kích thích thần kinh để để 'chữa trị' cho một người đồng tính vào năm 1972, một năm trước khi đồng tính luyến ái bị xóa khỏi Sổ tay thống kê và chẩn đoán các chứng rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM). Ở đây, bác sĩ tâm thần Robert Heath và nhóm của ông tại Đại học Tulane đã kích thích điện từ vào vùng vách ngăn của não bộ. Vùng này gắn liền với trải nghiệm khoái cảm. Sau đó cho ‘bệnh nhân’ nam xem phim về quan hệ tình dục khác giới. Khi ‘quá trình điều trị’ có tiến triển, bệnh nhân tiếp tục nhận được kích thích trước khi quan hệ tình dục với một gái mại dâm do các nhà nghiên cứu thuê.
Những thí nghiệm như vậy (cùng với sự phản đối kịch liệt việc phẫu thuật thùy trán--frontal lobotomy, cắt đứt một cách thô bạo các kết nối ở vỏ não trước trán, trung tâm của tính cách và suy nghĩ) gây ra phản ứng dữ dội. Với sự ra đời của những loại thuốc mới mạnh mẽ trong ngành tâm thần thì việc sử dụng kích thích thần kinh xâm lấn bị coi là lạc hậu và độc ác.
Nhưng ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Khi những hạn chế và tác dụng phụ của dược phẩm tâm thần ngày càng rõ ràng hơn thì các nhà nghiên cứu bắt đầu xem xét lại kích thích thần kinh xâm lấn – đặc biệt là một phiên bản an toàn và chính xác hơn của công nghệ này, được gọi là kích thích não sâu (DBS), đã được phát triển trong việc điều trị các chứng rối loạn chức năng vận động trong nhiều thập kỷ kể từ đó. So sánh giữa DBS hiện đại và kích thích thần kinh của những năm 1950 là rất nổi bật. Kích thích thần kinh buổi sơ khai dựa vào phương pháp phẫu thuật mở, liên quan đến việc tạo ra một lỗ hổng lớn trong hộp sọ, và một đường rạch vào bỏ não để cấy các điện cực, thường dẫn đến tổn thương và nhiễm trùng não. Việc đặt điện cực không chính xác là một rủi ro nghiêm trọng.
Ngược lại, phương pháp phẫu thuật DBS hiện đại sử dụng một khung ‘lập thể--stereotactic’ giữ đầu của bệnh nhân tại chỗ và hệ thống lập bản đồ máy tính để tạo ra hình ảnh 3D của não bệnh nhân. Việc này có thể được dùng để xác định cấu trúc thần kinh, đảm bảo vị trí chính xác của các điện cực. Hơn nữa, trong DBS hiện đại, các điện cực cấy ghép được liên kết với một thiết bị giống như máy điều hòa nhịp tim được gọi là máy phát xung cấy ghép (IPG) dưới xương đòn. IPG được lập trình để gửi các xung điện đến các điện cực, cá nhân hóa kích thích cho riêng người đó.
Liệu pháp mới đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc điều trị các chứng rối loạn chức năng vận động cho những bệnh nhân ốm yếu nhất, và tính an toàn và hiệu quả của nó đã được xác định vững chắc trong các thử nghiệm lâm sàng. Năm 2017, công ty thiết bị y tế Medtronic của Mỹ thông báo rằng họ đã cấy ghép thiết bị của mình cho 150.000 bệnh nhân trên toàn thế giới. Cũng giống như Delgado đã tạm dừng cơn điên của con bò đực bằng cách nhấn một cái nút, thì giờ đây, bệnh nhân cũng có thể giảm bớt các cơn run gây suy nhược và các cử động không mong muốn bằng cách kích hoạt hệ thống DBS của họ.
Vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng về việc liệu sự kích thích có làm giảm cơn run bằng cách ức chế, kích thích hay làm gián đoạn hoạt động não bộ nào đó hay không. Nhưng bất luận là các cơ chế tiềm ẩn nào, thì tác dụng điều trị cụ thể phụ thuộc vào vùng não bộ nào được kích thích. Thật vậy, DBS đến các vùng khác nhau của não đang được nghiên cứu trong một loạt các tình trạng bệnh nghiêm trọng mà các phương pháp điều trị hiện tại vẫn không hiệu quả. Chúng bao gồm cơn đau mãn tính, động kinh, bệnh Alzheimer và các chứng rối loạn ý thức chẳng hạn như hôn mê. Và công việc đang được triển khai để kiểm tra DBS ở bệnh tâm thần, với một số kết quả hứa hẹn, mặc dù còn sơ bộ, đối với chứng chán ăn tâm thần, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và trầm cảm.
Liệu pháp này rất hiệu quả, nhưng các biến chứng và tác dụng phụ vẫn có thể nghiêm trọng. Trước hết, ở đây chúng ta đang nói về phẫu thuật thần kinh. Mặc dù DBS hiện đại an toàn hơn so với các hình thức kích thích thần kinh xâm lấn trước đây, song nó vẫn đi cùng với những rủi ro đáng kể. Tất nhiên là có những rủi ro vật lý trong phẫu thuật liên quan đến chính quy trình phẫu thuật thần kinh, bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn ở) rủi ro xuất huyết, nhồi máu vỏ não và co giật. Về lâu dài, cũng có những rủi ro đi cùng với việc duy trì hệ thống DBS, bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn ở) nhiễm trùng, lead-migration và bào mòn da.
Chụp X-quang màu các phần xuyên qua đầu của bệnh nhân cho thấy các điện cực (đường sáng) của máy kích thích não sâu (DBS) được cấy vào não bộ. Ảnh: Zephyr / Thư viện ảnh khoa học
Chỉ nội những vấn đề này đồng nghĩa với việc người ta thường chỉ xem xét đến DBS dành cho những ai đang phải chịu nhiều đau đớn, và tất cả các phương pháp điều trị khác đều đã thất bại. Do đó, những ứng viên thích hợp cho DBS thử nghiệm thường là một nhóm bệnh nhân rất dễ bị tổn thương.
Một nguy cơ khác gần đây đã trở nên nổi tiếng đó là sự thay đổi tính cách cực kỳ nghiêm trọng, với những trường hợp hiếm gặp về những cá nhân có tâm trí thăng bằng trước đây trở nên hung hăng, lãnh đạm hoặc tự tử.
Ở một số ít trường hợp, việc kích thích nhân dưới đồi (một khu vực não bộ nằm bên dưới Đồi thị, điều chỉnh đầu ra từ hạch nền, và là mục tiêu ưa thích của DBS cho người mắc bệnh Parkinson) có liên quan đến những thay đổi cực đoan ở tâm trạng và hành vi, khiến cuộc sống bị gián đoạn và đảo lộn.
Những bệnh nhân bị ảnh hưởng có thể trở thành con bạc khát nước và mất sạch tiền tiết kiệm cả đời hoặc rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Trong một trường hợp được báo cáo, hành vi cờ bạc của một bệnh nhân trở nên ‘bệnh hoạn’ tới mức anh ta phải bán nhà để trả nợ; vợ anh ta đòi ly hôn, và bệnh nhân thì tìm cách tự vẫn.
Những người khác thì có thể trở nên cuồng dâm và hưng cảm. Đã có báo cáo về những bệnh nhân đã xuất hiện những ham muốn tình dục bất thường mà họ cảm thấy không thể kiểm soát được. Một quý ông bảo thủ, trưởng thành, lại bắt đầu quyết liệt đòi thỏa mãn ham muốn tình dục mỗi đêm sau khi điều trị DBS. Một báo cáo khác mô tả một phụ nữ mất hết khả năng kiềm chế vì DBS, và uốn éo trước mặt các thành viên nam giới trong gia đình, đòi quan hệ tình dục.
Khi khác thì sự thay đổi có thể lành tính hơn. Một bệnh nhân được kích thích vùng nhân cạp, một phần của não trước liên quan đến phần thưởng và sự nghiện ngập, trước khi điều trị DBS thì anh ta không phải là một fan của âm nhạc. Nhưng, dưới sự kích thích, anh ta bất ngờ trở thành một fan bự của nhạc sĩ Johnny Cash, mua tất cả CD và DVD của ông ấy, và vứt sạch những bản nhạc khác mà trước đây anh ta từng yêu thích.
Những người ủng hộ DBS biện luận rằng những thay đổi nguy hiểm về tính cách, nếu chúng xảy ra, có thể được lập trình lại hoặc dập tắt. Họ nói rằng toàn bộ hệ thống DBS có thể (đối với một số bệnh nhân) được loại bỏ bằng một quy trình phẫu thuật thần kinh khác. Nói tóm lại, họ cho rằng tổn hại có thể đảo ngược. Nhưng tuyên bố về việc đảo ngược hoàn toàn những tổn hại có vẻ được đưa ra hơi sớm.
Ngoài ra còn có những vấn đề nan giải về đạo đức mà chúng ta phải đối mặt trong việc điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Làm thế nào chúng ta quyết định được bệnh nhân nào hội đủ điều kiện để được dùng thử DBS? Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua những trở ngại để đạt được sự chấp thuận hợp lệ đối với thủ thuật DBS? Khi nào là thời điểm thích hợp để bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn và loại thiết kế thử nghiệm nào đạt được sự cân bằng tối ưu giữa các mục tiêu khoa học và việc bảo vệ bệnh nhân? Tất nhiên, những câu hỏi như vậy đi đôi với các lĩnh vực nghiên cứu y khoa khác, nhưng chúng đặc biệt nổi bật trong các thử nghiệm DBS. Khi việc sử dụng công nghệ ngày càng mở rộng, nó đặt ra câu hỏi: khi nào thì các tác dụng phụ, bao gồm cả một tính cách mới và tính cách nguy hiểm tiềm ẩn, còn tồi tệ hơn bản thân căn bệnh?
Các nghiên cứu phỏng vấn những nhóm bệnh nhân đang trải qua việc điều trị DBS dành cho người mắc bệnh Parkinson và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) mang đến cái nhìn sâu sắc về những ảnh hưởng tinh thần và thay đổi tính cách gắn liền với sự kích thích, cũng như những khó khăn mà bệnh nhân và người chăm sóc có thể gặp phải. Một số bệnh nhân nói với người phỏng vấn rằng họ đang biến thành một ‘con người khác’ sau khi làm DBS. Những người khác thì cho biết về những tác dụng phụ không mong muốn là ‘quá sức’ đối với họ, và chúng không phải là một phần của con người họ. Cũng có những trường hợp mà bệnh nhân và người bạn đời bất đồng với nhau nếu người đó đã thay đổi sau khi điều trị, và không rõ sự thay đổi thì có lợi hay không. Trong một nghiên cứu phỏng vấn bệnh nhân ban đầu, vợ của một bệnh nhân nói rằng cô ấy không thể chịu nổi người chồng muốn sống như thời trai trẻ sau khi điều trị, và cô muốn chồng trở lại thành người đàn ông chín chắn hơn.
Nói chung, các nghiên cứu và các cuộc phỏng vấn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của cá tính/bản sắc (identity), quyền tự chủ và mối quan hệ của chúng ta với công nghệ y khoa. Nhưng chúng phải được đặt trong bối cảnh thích hợp. DBS được chứng minh là mang lại những lợi ích đáng kể về mặt lâm sàng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn chức năng vận động, và vẫn chưa rõ mức độ phổ biến của những trường hợp bị thay đổi nhân cách trở nên rối loạn, cực đoan. Một trở ngại cho việc điều tra nghiên cứu mức độ phổ biến đó là các công cụ đánh giá lâm sàng hiện tại không đủ chi tiết để nắm bắt được tất cả các tác động này. Mặc dù thiếu bằng chứng là bằng chứng của sự còn thiếu, điều quan trọng là chúng ta không phóng đại những báo cáo này, cũng như không phóng đại những lợi ích tiềm năng của DBS thử nghiệm.
Thêm nữa, dù một số thay đổi được quan sát thấy ở các bệnh nhân thường đáp ứng với kích thích, không phải lúc nào cũng rõ ràng rằng bản thân DBS chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc gây ra mọi thay đổi quan sát được ở bệnh nhân. Một số yếu tố khác cũng có thể chịu trách nhiệm. Những tình trạng thoái hóa thần kinh (chẳng hạn như bệnh Parkinson) thường chứng tỏ những thay đổi về tâm thần kinh có thể được thể hiện rõ ràng hơn bằng cách cải thiện tình trạng suy giảm chức năng của bệnh nhân. Ngoài ra, những thay đổi mà bệnh nhân báo cáo có thể phát sinh một cách hợp lý như một phần của cái được gọi là 'gánh nặng bình thường', một khái niệm nhằm nắm bắt quan điểm cho rằng các cá nhân có thể trải qua các tác động bất lợi về tâm lý, hành vi, tình cảm và xã hội khi họ nhận được phương pháp điều trị hiệu quả cho một căn bệnh mãn tính. Những thay đổi về tính cách cũng có thể là do các loại thuốc khác có liên quan đến các tác dụng như vậy, đáng chú ý nhất là levodopa (được sử dụng trong việc điều trị bệnh Parkinson), và thuốc chống trầm cảm như paroxetine.
Thực tế là ma túy cũng gắn liền với những thay đổi về tính cách, đặt ra nghi vấn rằng liệu những vấn đề nảy sinh bởi DBS có phải là duy nhất hay không. Tôi cho rằng đúng là vậy. Khi xét đến việc những tác động của ma túy sẽ giảm dần trong khoảng thời gian tương đối ngắn khi thuốc được chuyển hóa. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể thường xuyên trải nghiệm được thứ giống như ‘ngưng’ dùng thuốc, và quyết định dùng liều tiếp theo của họ thường sẽ được đưa ra khi những tác dụng của thuốc bắt đầu suy giảm. Ngược lại, những tác dụng của DBS không suy giảm theo cách tương tự trong ngắn hạn. Do đó, quyết định giảm kích thích sẽ phải được đưa ra khi bệnh nhân đang chịu ảnh hưởng của kích thích, với tất cả các tác động phụ tiềm tàng của nó đối với quá trình ra quyết định của cá nhân. Hơn nữa, một số ảnh hưởng của kích thích có thể xảy ra gần như ngay tức khắc.
DBS là một phương pháp thay đổi hoạt động của não bộ chính xác và có thể điều chỉnh hơn nhiều so với phương pháp dùng thuốc. Trong khi các can thiệp bằng thuốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thụ thể trong các tế bào thần kinh trên khắp não bộ thì DBS có thể được sử dụng để tập trung vào các mục tiêu thần kinh cụ thể hơn nhiều (xuống đến một milimet khối mô não), và các tham số của kích thích có thể được thay đổi để điều chỉnh hoạt động ở mục tiêu đó theo nhiều cách khác nhau.
Mức độ chính xác này rất quan trọng khi chúng ta xem xét về tác động của DBS đến tính cách trong bối cảnh tâm thần. Mặc dù những thay đổi như vậy là ngoài ý muốn trong việc điều trị cho các chứng rối loạn chức năng vận động, mục đích chính của DBS trong bối cảnh tâm thần có thể là nhằm để thay đổi tính cách, vì mục đích của việc điều trị có thể là để thay đổi những trạng thái cảm xúc và động cơ (bị biến đổi). Tất nhiên, tính cách trong bối cảnh tâm thần là rất phức tạp, ngay cả khi không có DBS, không chỉ bởi cái được gọi là bản chất ‘đồng hưởng-bản ngã’ của một số chứng rối loạn, mà qua đó bệnh nhân tự đồng hóa bản thân họ với chứng bệnh của mình. Chẳng hạn, một người siêu ý thức hay bị ám ảnh có thể xem trạng thái sống luôn kiên định, nhất quán với con người họ, và không phải là một sự khiếm khuyết về tính cách nào cả.
Có vẻ như ta không thể chối cãi rằng trong một số trường hợp, bệnh nhân bị tổn hại do sự thay đổi hành vi của họ. Tuy nhiên, các nghiên cứu phỏng vấn cho thấy rằng bản thân bệnh nhân không phải lúc nào cũng nhìn nhận tiêu cực trước “sự thay đổi về tính cách.” Sự chấp nhận của bệnh nhân đối với bất kỳ sự thay đổi tính cách nhất định nào có phải là một tiêu chí quan trọng cho lợi ích của nó – ngay cả khi bệnh nhân đưa ra đánh giá bị ảnh hưởng bởi kích thích xâm lấn khiến cho sự thay đổi được giữ lại?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng bệnh nhân và người chăm sóc của họ trên thực tế có nhận thức tinh tế về những khía cạnh luân lý đạo đức của những thay đổi này, rút ra những hiểu biết sâu sắc hơn về các mối quan hệ, danh tính, cá tính và bản ngã của họ. Trong một bài báo trên tạp chí Plos One vào năm 2017, một nhóm các nhà nghiên cứu Hà Lan đã phỏng vấn 18 bệnh nhân OCD, hỏi họ rằng liệu con người của họ có thay đổi hay không. ‘Bởi cảm thấy bớt lo âu hay tự tin hơn là một chuyện, nhưng cảm giác như mình đang biến một con người khác thì lại là chuyện khác,’ các nhà khoa học viết.
Cuối cùng, họ phát hiện thấy những câu hỏi về ‘sự thay đổi tính cách’ là quá rộng để nắm bắt được cảm nhận của bệnh nhân về trải nghiệm của họ. Các bệnh nhân đã thay đổi, nhưng thường là theo những cách khiến họ cảm thấy yêu thích bản thân mình hơn.
‘Tôi thực sự đã trở thành chính mình, mà không có OCD,’ một người cho biết.
‘Vâng, cái gánh nặng mà tôi từng mang theo, đã trở nên nhẹ hơn, ít đi. Tôi cần ít thời gian hơn để tạm ngừng lại, và suy nghĩ về mọi điều, do đó mất ít thời gian hơn. Chà, vâng, tôi … thực sự đã thay đổi 360 độ,’ một người khác giải thích.
Vấn đề ở đây rất phức tạp. Một mặt, chính độ chính xác và khả năng điều chỉnh của DBS mang đến một số cơ sở để hy vọng rằng nó có thể thành công ở những chỗ mà phương pháp điều trị bằng thuốc cho đến nay vẫn thất bại. Mặt khác, bản chất của những thay đổi xảy ra, và những tác động tiềm tàng về lâu về dài của chúng, có nghĩa là chúng ta phải hết sức thận trọng để làm cho đúng.
Thay vì rút ra các kết luận đạo đức chung cho tất cả những thay đổi về tính cách sau khi điều trị DBS trên mọi ứng dụng của nó, chúng ta cần một khuôn khổ đạo đức tính đến sự biến thiên của trải nghiệm bệnh nhân, theo từng trường hợp. Khuôn khổ này sẽ giúp chúng ta trả lời ba câu hỏi: Một người thay đổi tính cách thì có ý nghĩa gì? Chúng ta làm sao để xác minh rằng điều này đã xảy ra? Tại sao những thay đổi như vậy lại quan trọng từ lập trường đạo đức?
Có lẽ thách thức đạo đức quan trọng nhất được nêu ra bởi các báo cáo về sự thay đổi tính cách sau khi điều trị DBS là đảm bảo rằng các bệnh nhân trong tương lai được cho biết càng nhiều thông tin càng tốt về mọi tác động tiêu cực tiềm ẩn. Một khuôn khổ hữu ích sẽ gợi ra những khái niệm rộng lớn về cá tính, bản sắc và bản ngã.
Chúng ta cũng thể cân nhắc đến việc liệu những thay đổi ấy có xác thực với con người mà người ấy ‘thực sự là’ hay không. Trải nghiệm về hành vi không chân thực, hay không phải ‘là chính mình’, đơn giản là khiến người ta cảm thấy tồi tệ. Ngay cả khi điều đó không xảy ra thì sống chân thực có thể là trọng tâm của việc sống một cuộc đời tốt đẹp. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt được khái niệm về tính xác thực? Và nếu một người thay đổi, thì liệu cái bản ngã mới vẫn có thể đưa ra những quyết định phản ánh được những giá trị và niềm tin cốt lõi của người đó không?
Trong các nghiên cứu ban đầu (bao gồm cả nghiên cứu về việc dùng kích thích để chữa đồng tính luyến ái của Heath), kích thích các mục tiêu thần kinh liên quan đến một khoái cảm được dùng để cố gắng thay đổi khuynh hướng tính dục. Không khó để hình dung ra những cá nhân trong những thử nghiệm như vậy có thể cảm thấy vô cùng xa lạ với những hành vi mà họ từng xem thường, nhưng họ lại bị (được) điều kiện hóa để cảm thấy vui thích.
Tương tự thế, trong những ứng dụng thực nghiệm hiện đại của DBS đối với chứng chán ăn tâm thần, một số nhà nghiên cứu quan ngại rằng bệnh nhân có thể bị rơi vào một ‘địa ngục tâm lý’ nếu kích thích hành vi ăn uống của bệnh nhân cho tăng lên mà không làm thay đổi hình ảnh cơ thể bị bóp méo của họ. Quan điểm ở đây đơn giản là chỉ cần kích thích được động lực ăn uống ở một bệnh nhân đang có trọng lượng cơ thể thấp là điều tối quan trọng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn xa lạ và vô cùng đau khổ. Trái lại, nếu thay vào đó kích thích nhằm để giảm bớt những hành vi mang tính cưỡng chế mà bệnh nhân chối bỏ, hoặc để sửa đổi quá trình xử lý cảm xúc bị rối loạn, thì khi ấy những thay đổi sau khi điều trị có thể được xem là sự chân thực.
Khi công nghệ phát triển, các câu hỏi đạo đức khác sẽ xuất hiện. Ví dụ, làm thế nào chúng ta có thể phân biệt giữa những thay đổi quan trọng về mặt đạo đức với những thay đổi không quan trọng?
Khi lướt qua những câu hỏi này thì vấn đề cốt lõi là khả năng đảo ngược. Một trong những lý do mà các nhà nghiên cứu lúc đầu cảm thấy hứng thú với phương pháp kích thích thần kinh đó là nó đại diện cho một cách điều trị có tiềm năng đảo ngược, trái với brain-lesioning (phẫu thuật thần kinh xâm lấn để loại bỏ những vùng được nhắm đến) như phẫu thuật phần trước của não (frontal lobotomy), được mô tả trong những cuốn sách và bộ phim như One Flew Over the Cuckoo’s Nest. Nhưng brain lesioning đã tiến bộ rất nhiều kể từ phẫu thuật phần trước của não – các thủ thuật được thực hiện ngày nay cũng sử dụng thiết bị lập thể, giúp chúng trở nên an toàn và chính xác hơn, và có nhiều biện pháp bảo vệ đạo đức hơn được cung cấp cho bệnh nhân. Nhưng ngay cả các thủ thuật brain-lesioning hiện đại (chẳng hạn như anterior cingulotomies, một phẫu thuật cắt một phần não để điều trị bệnh trầm cảm, cơn đau và OCD) có một nhược điểm lớn: những tác động của chúng, cả bất lợi và có lợi, đều không thể đảo ngược.
Những người ủng hộ chỉ ra rằng các tác động bất lợi của DBS thường có thể tránh được bằng cách thay đổi các thông số kích thích hoặc ngừng kích thích hoàn toàn. Đương nhiên, điều này cho phép bệnh nhân kiểm soát và tham gia nhiều hơn vào quá trình điều trị. Hơn nữa, bản chất có thể đảo ngược của DBS cũng có nghĩa rằng nó là một công cụ nghiên cứu vô giá trong phẫu thuật thần kinh, cho phép các nhà nghiên cứu so sánh hiệu quả điều trị của việc điều chỉnh hoạt động trong phạm vi các mục tiêu thần kinh có thể liên quan đến một chứng rối loạn cụ thể.
Tuy nhiên, khi chúng ta tìm hiểu thêm về những ảnh hưởng lâu dài của DBS thì những hoài nghi về khả năng đảo ngược lại dấy lên. Các nghiên cứu cho thấy việc chèn điện cực trong phẫu thuật DBS và kích thích mãn tính có thể gây ra tổn thương nhỏ và vết sẹo trong não bộ, và cũng có bằng chứng cho thấy DBS dẫn đến việc tổ chức lại thần kinh phụ thuộc vào việc không kích thích, mà bộ não được ‘thiết lập lại’, cùng với những tác dụng phụ bất lợi về tâm thần, và những biến chứng nghiêm trọng khác.
Bằng chứng này chắc chắn cho thấy rằng thật sai lầm khi đưa ra tuyên bố quá bao quát rằng DBS hoàn toàn có thể đảo ngược được. Sự thật là ‘khả năng đảo ngược’ không đơn giản chỉ là một thuộc tính nhị nguyên của các quá trình điều trị mà là một mức độ. Người ta phải quan tâm đến cả tác động có thể đảo ngược và không thể đảo ngược của quá trình điều trị, và sau đó đối chiếu khía cạnh y khoa và đạo đức của chúng.
Tiến bộ công nghệ cuối cùng có thể đưa chúng ta đến nơi an toàn hơn. Các nghiên cứu đang được tiến hành sử dụng những điểm siêu âm tập trung hướng đến một tương lai của những dạng brain lesioning không xâm lấn và an toàn hơn, trong khi các dạng DBS không xâm lấn đang được nghiên cứu trên chuột. Ngoài ra còn có một số sáng kiến được phát triển hơn hứa hẹn sẽ cải thiện phương pháp điều trị DBS, bao gồm các hệ thống chu trình đóng (tích hợp các cảm biến có thể dò được hoạt động não bộ và điều chỉnh kích thích cho phù hợp) và IPGs thu nhỏ. Khi các kỹ thuật an toàn hơn và hiệu quả hơn xuất hiện thì các ứng dụng mới (và có thể là không trị liệu) có khả năng được xem xét.
Nhưng tiến bộ công nghệ cũng có thể dẫn đến những vấn đề mới. Một vấn đề phải đối mặt trong tương lai của DBS là viễn cảnh của cái gọi là 'hack não' (brainjacking). Laurie Pycroft, một chuyên gia hàng đầu về công nghệ DBS và an ninh mạng tại Đại học Oxford, đã giải thích, cùng với các đồng tác giả của ông, rằng tin tặc có thể truy cập vào các IPG được tích hợp vào hệ thống DBS và kiểm soát các cài đặt phần mềm của nó. Ngoài việc cho phép truy cập vào thông tin cá nhân được lưu trữ trên IPG, các cuộc tấn công hack não có thể cho phép bên thứ ba kiểm soát thiết bị kích thích thần kinh của người khác. Viễn cảnh này rất đáng báo động: ngay cả những kẻ tấn công không biết gì về nạn nhân nhưng vẫn có thể gây thương tổn cho mô não bằng cách tăng kích thích vượt quá các thông số an toàn hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy nhược bằng cách ngừng kích thích của bệnh nhân. Khi khác, kẻ tấn công có thể chiếm quyền kiểm soát đối với trạng thái cảm xúc, tình cảm và động lực của một ai đó, cùng với khả năng gây ra hưng phấn, hành vi cuồng dâm hay một trạng thái trầm cảm.
Nâng cao tính an toàn và hiệu quả của DBS là một mục tiêu quan trọng cần định hướng cho các nghiên cứu trong tương lai. Viễn cảnh về hack não cho thấy rằng những nỗ lực này phải đi đôi với những nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh mạng của các thiết bị liên quan. Sự an toàn, quyền riêng tư, hạnh phúc và quyền tự chủ của rất nhiều bệnh nhân có thể phụ thuộc vào nó.
Dịch bởi: Chó béo cute
Nguồn: https://aeon.co/essays/is-deep-brain-stimulation-for-better-health-worth-the-risk