Kiểm soát ký ức cảm xúc (Emotional memory)

kiem-soat-ky-uc-cam-xuc-emotional-memory

Những ký ức tạo ra cuộc đời bạn. Cuộc đời là sự cộng dồn những ký ức. Cho nên bạn cần cẩn trọng với những gì mình tiếp thu và biến thành ký ức.

Những ký ức tạo ra cuộc đời bạn. Cuộc đời là sự cộng dồn những ký ức. Cho nên bạn cần cẩn trọng với những gì mình tiếp thu và biến thành ký ức. Trong tâm trí bạn có những ký ức nào? Bạn lựa chọn những ký ức nào để nhớ. Làm sao để đi qua cuộc đời mà không nhớ đến những ký ức tồi tệ? Làm sao để tâm trí bạn lựa chọn những ký ức lành mạnh để nhớ? Bạn cần huấn luyện tâm trí của mình vì não bộ có tính dẻo. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm được điều đó.

.

.

.

Não bộ của ta hoạt động từng giây từng phút khi ta đang sống. Ở cấp độ cơ bản, bộ não duy trì hơi thở của chúng ta, sự lưu thông máu của ta, nhiệt độ cơ thể, và các khía cạnh khác cho phép ta còn sống và tư duy. Quản lý ký ức cảm xúc liên quan đến phần suy nghĩ và ký ức của hoạt động não bộ. Hầu như mọi khía cạnh của sinh hoạt hằng ngày đều liên quan trực tiếp đến trí nhớ/ký ức của chúng ta. Khi bạn đọc tài liệu này, bộ não của bạn nhận ra các từ ngữ và cung cấp định nghĩa khi bạn đọc – vận hành khá nhanh khi bạn nghĩ về nó!

Bài thảo luận này quan tâm đến cách thức bộ não lôi ra các file ký ức, tạo ra các file đó, và các file đó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Bài viết này dựa trên nghiên cứu về tâm lý học và thần kinh học, kết hợp với các lý thuyết về ký ức, kiểm soát suy nghĩ và trị liệu/tham vấn. Tác giả cũng kết hợp nhiều lý thuyết và các kết quả từ nghiên cứu theo lối ứng dụng kiến thức vào thực tiễn đối với chủ đề ký ức và hoạt động não bộ. Sau khi đọc bài viết này, bạn được khuyến khích thực hành các kỹ thuật, tò mò về cách hệ thống file ký ức của bạn làm việc và quan sát nó vận hành, và tận dụng tối đa những kiến thức và hiểu biết mới có sẵn.

Giới thiệu

Một nhà tâm lý học không cần phải giới thiệu cho chúng ta biết về ký ức, vì ai cũng biết ký ức là gì. Ký ức giúp chúng ta nhận ra khuôn mặt của người bạn cũ, nhớ lại những bản nhạc cũ, nhớ lại những khoảnh khắc tốt đẹp và tệ hại, và nhớ được những thông tin quan trọng về các sự kiện/trải nghiệm trong cuộc đời mình. Cũng như một chiếc máy tính hiện đại, bộ não lưu trữ các ký ức trong một hệ thống file. Trước đây, người ta cho rằng các file đó chỉ chứa duy nhất thông tin (dữ liệu), giống như các file trong một văn phòng cất giữ thông tin của bệnh nhân hay file của một máy vi tính chứa các con số hoặc từ. Với những tiến bộ của khoa học, chúng ta bắt đầu nhận ra nhiều thứ về não bộ và cách nó lưu trữ các ký ức.

Các nghiên cứu gần đây trong tâm lý học và thần kinh học cho chúng ta biết rằng các file không chỉ chứa mỗi thông tin/dữ liệu, mà còn có cả các cảm xúc nữa. Bộ não có khả năng lưu trữ không chỉ các ký ức mà còn cả cảm xúc, và theo cách nào thì chúng ta gần như chưa biết —khi chúng xuất hiện vào thời điểm ký ức được tạo ra.

Các file ký ức gồm 2 phần, thông tin về sự kiện và cảm xúc mà ta có tại thời điểm xảy ra sự kiện.

File ký ức = Thông tin + Các cảm xúc vào lúc ấy

Các ký ức được hình thành như thế nào…

Bộ não có những vùng cụ thể mà tại đó lưu trữ thông tin hoặc vận hành những bộ phận của cơ thể. Ví dụ, khả năng gõ ngón trỏ trái nằm ở bán cầu não phải. Bán cầu não trái chứa khả năng ngôn ngữ, còn bán cầu não phải chứa khả năng quan sát các đối tượng trong không gian. Ký ức về khuôn mặt nằm ở phía bên phải của não bộ, còn tên người thì nằm ở phía bên trái của não. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nhận ra một người bạn học cũ gần như ngay lập tức nhưng bộ não phải mất vài giây để nhớ được tên người bạn ấy. Nếu chúng ta đang lo lắng thì sẽ làm suy yếu khả năng nhớ lại, và ta sẽ mất vài phút để nhớ được tên bạn.

Não bộ chứa nhiều hệ thống ký ức. Nhớ cách đạp xe chính là trí nhớ tiến trình hay trí nhớ tiềm ẩn, liên quan đến một hệ thống bộ nhớ khác so với việc nhớ được năm Columbus phát hiện ra châu Mĩ, đó là trí nhớ quy nạp hay trí nhớ mô tả. Các nghiên cứu cho ta biết chúng ta có thể có hai kiểu ký ức về cùng một tình huống, đặc biệt nếu tình huống/trải nghiệm đó gắn với các cảm xúc mạnh mẽ. Đối với một trải nghiệm (sự kiện sang chấn, sự kiện tốt đẹp, trải nghiệm cảm xúc...) chúng ta có thể có trí nhớ mô tả - ký ức về các tình tiết của trải nghiệm – và trí nhớ tiềm ẩn, là ký ức về các cảm xúc liên quan tới trải nghiệm. Ký ức tiềm ẩn còn được gọi là “Ký ức cảm xúc” vì nó chứa ký ức về phản ứng sinh lý vào lúc đó của trải nghiệm. Phản ứng sinh lý có thể bao gồm: huyết áp tăng, căng cơ, lo lắng, sợ hãi và những phản ứng khác gắn liền với kinh hãi, khiếp sợ, hoặc thậm chí niềm vui sướng.

Trong các nghiên cứu thần kinh học, ký ức về các chi tiết (trí nhớ mô tả) có liên quan tới phần não được gọi là đồi hải mã. Những ký ức được tạo ra bởi đồi hải mã thì nằm dưới tầm kiểm soát của ý thức chúng ta, như khi nhớ về các từ “Jingle Bells” hoặc sinh nhật của chúng ta. Còn các ký ức cảm xúc (ký ức vô thức) có liên quan tới phần não hạch hạnh nhân.

Một số ký ức vô thức (nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức chúng ta hoặc không được chủ ý ghi nhớ) là ký ức tiến trình, như khi bộ não ghi nhớ cách đạp xe – bạn không cần phải nghĩ về nó, bạn chỉ đơn giản là leo lên xe và đạp đi thôi. Những ký ức cảm xúc khác thì ghi lại phản ứng cảm xúc/sinh lý mà chúng ta đã trải nghiệm trong một sự kiện.

Khi chúng ta trải nghiệm một sự kiện đầy cảm xúc, não bộ không chỉ ghi lại các tình tiết về trải nghiệm đó (chúng ta ở đâu, khi nào, có ai ở đó, chuyện gì đã xảy ra…) mà còn những cảm xúc của chúng ta vào lúc đó.

Toàn bộ ký ức về một sự kiện cảm xúc (một cuộc tấn công, một vụ tai nạn oto, một đám cưới, cái chết của một người thân yêu, trải nghiệm chiến đấu…) thực sự được ghi nhớ bởi hai hệ thống trong não bộ và được lưu trữ trong hai khu vực riêng biệt của bộ não.

Khi chúng ta nhớ lại những sự kiện khủng khiếp hoặc gây sang chấn, thì bộ não thường nhớ lại đồng thời cả ký ức về tình tiết và cảm xúc. Nếu chúng ta nhớ lại các tình tiết của việc bị tấn công thì ta cũng sẽ trải nghiệm lại các cảm xúc mà ta có vào lúc đó – nhịp tim đập nhanh, hoảng sợ và tuyệt vọng.

Bộ não có khả năng ghi nhớ các tình tiết và cảm xúc một cách có chủ đích hoặc do tình cờ. Ký ức về tình tiết thường sẽ thấy một người nào đó ở một khoảng cách từ xa và đưa ra một “dự đoán tốt nhất” về nhân dạng của họ. Khi người đó lại gần hơn, “dự đoán” của não bộ có thể đúng hoặc sai. Ký ức cảm xúc hoạt động theo cách tương tự, nó nhìn vào một tình huống/trải nghiệm hiện tại và đưa ra một “phỏng đoán tốt nhất” bằng cách nhớ lại một tình huống cảm xúc trước đây. Đây là thực tế của Chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và chấn thương tâm lý. Chúng ta có thể sống lại cảm xúc về một ký ức của một trận đánh khi ta nghe tiếng ồn của xe nổ máy hoặc cảm giác như thể mình đang bị tấn công nếu có ai đó vồ (giỡn) lấy ta từ đằng sau.

Hy vọng rằng bài viết này sẽ giải thích cách thức hoạt động của ký ức cảm xúc và cách quản lý nó cho những ai từng bị ám ảnh bởi các trải nghiệm trong quá khứ của họ.

Ký ức hằng ngày

Trong suốt một ngày, chúng ta có một loạt những trải nghiệm tốt, xấu và trung tính. Một vùng ký ức cụ thể của não bộ sẽ lưu giữ các ký ức đó trong 5 ngày để xem chúng có quan trọng không. Những ký ức không quan trọng thường bị xóa đi sau thời gian chờ 5 ngày. Những ký ức đã bị xóa đó sẽ không bao giờ phục hồi lại. Thí dụ, chúng ta sẽ không nhớ mình đã bật đèn bao nhiêu lần, trừ khi ta bị điện giật hoặc bóng đèn bị cháy nổ.

Chỉ với dữ liệu, chúng ta vẫn có thể lưu trữ và tạo ra ký ức, như khi ghi nhớ cách đánh vần hoặc học toán. Bộ não sẽ ghi nhớ nếu bạn lặp lại thường xuyên hoặc sử dụng liên tục. Tuy nhiên, nếu một file ký ức chỉ có dữ liệu mà không được dùng đến thường xuyên thì ký ức sẽ dần dần mất đi. Ví dụ: 1) Bạn có thể tính căn bậc hai bằng tay không? 2) Bạn có thể nhớ được tên của tất cả các giáo viên và bạn học thời phổ thông của bạn không? Trong câu hỏi thứ hai, khả năng cao là bạn có thể nhớ được tên những ai có file Ký ức cảm xúc!

Hầu hết mọi người chẳng thể nhớ được những lần đi chợ hoặc đi đổ xăng của họ. Nhưng chúng ta sẽ luôn luôn nhớ những lần đi cùng một giá trị tốt hoặc xấu, ví dụ như lần mà cửa hàng ta đang ở đó bị cướp, hay lần một bà già đe dọa đổ lon đậu cove lên người chúng ta, hay lần chúng ta làm đổ xăng lên quần áo mình ở trạm xăng tự phục vụ. Nói ngắn gọn là, nếu ký ức hằng ngày không có một giá trị cảm xúc tốt/xấu mạnh mẽ thì nó sẽ phai mờ.

Qua bao năm tháng, chúng ta xây dựng nên một hệ thống file. Chúng ra tạo ra một bộ sưu tập gồm những ký ức tốt đẹp và ký ức tồi tệ. Bộ não của chúng ta có khả năng lôi ra những ký ức gần như ngay tức khắc. Chẳng hạn, hãy đọc những câu hỏi sau và xem bộ não của bạn lôi ra file ký ức nhanh như nào:

Kể tên một số bài hát của the Beatles.

Bạn ở đâu khi tàu con thoi phát nổ?

Bạn ở đâu khi John F. Kennedy bị ám sát?

Giáo viên trung học yêu thích của bạn là ai?

Như bạn thấy, bộ não của bạn ngay lập tức lôi ra một file ký ức khi gặp một câu hỏi. Điều quan trọng là bạn không kiểm soát được file nào bị lôi ra, tốc độ mở file của não và trong file đó chứa nội dung gì. Ví dụ, những thiếu niên và người trẻ có thể không có “file ký ức” về vụ ám sát Kennedy. Họ không có mặt tại thời điểm đó hoặc đủ lớn để tạo nên một ký ức về trải nghiệm đó. Thêm một ví dụ, những người cao tuổi thì nhớ được gần như mọi chi tiết họ đã ở đâu khi Trân Châu Cảng bị tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1949. Những người có ký ức cảm xúc không chỉ đưa cho bạn các chi tiết chính xác mà còn cả những chi tiết không liên quan và ngẫu nhiên xung quanh sự kiện. Bạn đã thấy sức mạnh của Ký ức cảm xúc rồi đấy.

Những ai trong số các bạn có file “Trân Châu Cảng” có thể nhanh chóng phát hiện ra thời gian tấn công là không chính xác, đúng ra là 1941. Nếu bạn có file về ngày đó trong lịch sử, bạn có thể nhận ra lỗi sai ngay lập tức. Nhưng nếu chúng ta không có file dữ liệu thì bộ não của chúng ta sẽ không cảnh báo các lỗi sai cho ta. Ví dụ này được dùng để minh họa cho việc bộ não không chỉ nhanh chóng phản ứng lại mà còn nhận ra được các lỗi sai. Đây là một hoạt động não bộ tự động khác.

Các file ký ức ảnh hưởng thế nào đến chúng ta…

Một file ký ức cảm xúc là một hoạt động não bộ/thần kinh. Bộ não tạo nên, tổ chức, phân loại và kiểm soát các file của nó. Hãy nhớ, file gồm có 2 phần, thông tin và cảm xúc. Sau nhiều năm nghiên cứu tâm lý học thần kinh, chúng tôi rút ra những quy luật sau về Kiểm soát file. Mỗi quy luật sẽ được giải thích cụ thể:

  1. Quy luật: Bộ não hoạt động theo các hóa chất

Những hóa chất này tạo ra các phản ứng cảm xúc trong não bộ và cơ thể. Cũng giống như sự kết hợp nhất định giữa bột mì, đường, bơ và các loại đồ ăn khác và tạo ra một chiếc bánh socola kiểu Đức, sự kết hợp giữa các hóa chất này trong não bộ chúng ta sinh ra các kiểu tâm trạng, phản ứng và cảm xúc.

Giống như một chiếc oto chứa nhiều chất lỏng khác nhau (dầu phanh, nước rửa kính, dầu, chất chống đóng băng, etc.), bộ não hoạt động theo các hóa chất còn được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh

Người ta biết rằng những hóa chất trong não bộ đó được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh tạo ra những trạng thái cảm xúc khác nhau. Giống như dầu nhớt trong xe hơi, các chất dẫn truyền thần kinh có một mức độ được xem là bình thường trong não và có thể ở mức “cao” hoặc “thấp” tùy thuộc vào các tình huống nhất định. Một số chất dẫn truyền thần kinh điển hình là:

Serotonin

Có lẽ serotonin là chất dẫn truyền thần kinh được nghiên cứu nhiều nhất tại thời điểm này. Nó được cho là có liên quan đến bệnh trầm cảm, đau đầu, các vấn đề về giấc ngủ và sức khỏe tâm thần. Khi mức serotonin trong não thấp thì sẽ sinh ra trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Serotonin thấp cũng liên quan đến chứng bulimia (háu ăn), một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng khiến cơ thể thèm đồ ngọt và tinh bột để làm tăng mức serotonin. Các thuốc chống trầm cảm như Prozac và Zoloft, hoạt động bằng cách làm tăng serotonin trong não. Khi mức serotonin của chúng ta về mức bình thường thì cơn trầm cảm sẽ chấm dứt.

Dopamine

Mức độ cao bất thường của chất dẫn truyền thần kinh này trong não bộ sinh ra chứng hoang tưởng, hưng phấn, ảo giác và rối loạn suy nghĩ (tâm thần phân liệt). Mức độ thấp bất thường tạo ra các chứng rối loạn vận động, như bệnh Parkinson.

Norepinephrine

Liên quan đến bệnh trầm cảm và lo âu, mức độ norepinephrine cao trong não sinh ra những biểu hiện cơ thể của lo âu như run rẩy, bồn chồn, khó thở, khô miệng, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, đi tiểu thường xuyên và các vấn đề về tập trung chú ý. Một “cơn hoảng loạn” (panic attack) là do sự tăng cao đột ngột norepinephrine trong não.

Endorphins

Là chất được sản xuất bởi cơ thể, có tác dụng làm giảm đau hay sinh ra cảm giác hạnh phúc. Ở các vận động viên chạy marathon, endorphins chịu trách nhiệm cho “cảm giác hưng phấn khi chạy bộ đường dài.” Endorphins cũng được tạo ra trong suốt thời gian mang thai.

Nồng độ của các hóa chất/chất dẫn truyền thần kinh đó trong não bộ tạo ra tâm trạng của chúng ta. Nồng độ serotonin thấp thường xuyên, như khi bị căng thẳng quá mức kéo dài, gây ra trầm cảm nặng. Mức serotonin thấp tạo ra các triệu chứng như:

Thường xuyên khóc

Mất tập trung và chú ý

Thức dậy sớm (khoảng 4h sáng)

Mất sinh lực

Tăng tốc độ suy nghĩ, mở ra những ký ức tồi tệ

Những ý nghĩ “rác” về cái chết, hấp hối, tội lỗi…

Mất ham muốn tình dục

Các file ký ức cảm xúc chứa các hướng dẫn cho bộ não cách dùng những chất dẫn truyền thần kinh đó để tạo ra tâm trạng trong file. Chúng tôi thấy tất cả các thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần đều tập trung vào việc thay đổi nồng độ các chất hóa học đó trong não bộ.

  1. Quy luật: ý nghĩ làm thay đổi hóa chất trong não

Điều này nghe quá đơn giản, nhưng nó là vậy đó, bằng các ý nghĩ của mình, ta làm thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh hằng ngày. Nếu một người đàn ông bước vào phòng với một khẩu súng, chúng ta sẽ nghĩ “Nguy hiểm”, và não bộ phóng thích norepinephrine. Chúng ta trở nên căng thẳng, cảnh giác, lòng bàn tay đổ mồ hôi, tim đập nhanh hơn. Nếu sau đó anh ta cắn vào nòng súng và cho ta biết đây là súng socola, bộ não sẽ nhanh chóng thay đổi quan điểm của nó và chúng ta thở phào, bật cười – ta tự biến mình thành kẻ ngốc.

Ta nghĩ gì thì ta sẽ cảm nhận thế ấy! Suy nghĩ tích cực thực sự có hiệu quả. Như ví dụ trên cho thấy, suy nghĩ của chúng ta về một tình huống thực sự tạo ra tâm trạng của chúng ta. Không được đề bạt, chúng ta có thể nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ được thăng tiến trong công việc này nữa (serotonin hạ thấp và làm ta trầm cảm) hoặc nghĩ rằng mình được giữ lại cho lần đề bạt khác hoặc chuyển việc (tạo ra tâm trạng tốt hơn).

  1. Quy luật: Bộ não liên tục lôi ra các file cho ta tham khảo trong từng giây. Nó liên tục quét và theo dõi môi trường của chúng ta.

Bạn đã nghe người ta so sánh bộ não với một chiếc máy tính chưa. Giống như máy tính, bộ não con người có một kho cơ sở dữ liệu lớn chứa hàng tỷ file (ký ức) để ta tham khảo. Khi bạn đọc tài liệu này, bộ não của bạn đang lôi ra các định nghĩa về từ hoặc cụm từ. Khi chúng ta gặp gỡ mọi người trong những hoạt động hằng ngày, bộ não lôi ra “file” tên và thông tin liên quan của họ. Bạn sẽ nhận thấy đối với những người mà bạn không gặp trong nhiều năm, bộ não sẽ nhận diện khuôn mặt trước tiên (nằm ở phía bên phải của não), và thường phải mất một lúc mới nhớ được tên (nằm ở phía bên trái của não). Vì não trái chứa khả năng ngôn ngữ và lời nói nên quá trình xử lý bị chậm hơn một chút.

Nếu chúng ta đến một thành phố khác, bộ não sẽ lôi ra bản đồ và các địa danh. Thêm vào đó, nếu chúng ta là một du khách thường xuyên tới thành phố đó, chuyến đi tới Cincinnati, Ohio sẽ lôi ra các file khi chúng ta du lịch. Nếu bộ não nhận ra một thứ gì đó (con đường, các tòa nhà, cảnh quan…) – nó sẽ lôi ra file ký ức của nó. Đơn giản thế thôi.

Luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng lôi ra một file, bộ não có những hành vi tự bảo vệ bản năng. Những người nhút nhát và hướng nội (sống thu mình và không thoải mái với tương tác xã hội) nói với nhà trị liệu rằng khi họ bước vào một nhà hàng, mọi người xung quanh nhìn họ, khiến họ lo lắng. Điều đó đúng.

Khi có bất kỳ thứ gì bước vào phạm vi quét (scan) của chúng ta, gần giống như phạm vi ra-đa, bộ não nhìn vào nó. Một người đang bước vào phòng sẽ bị đa số mọi người đó “dò xét” và quá trình dò xét mất khoảng 2 giây. Bộ não đang quan sát để 1) xem thử chúng ta có file hay không và 2) để bảo vệ. Nếu người mới đó trông kỳ cục, mang theo vũ khí hoặc khỏa thân — bộ não sẽ bắt đầu một cuộc kiểm tra toàn diện và phản ứng tùy theo kết quả (cái nhìn chằm chằm kéo dài, sợ hãi, hoặc “Tôi có quen bạn không nhỉ?”).

Tóm lại, bộ não của bạn luôn luôn dò xét và tìm kiếm các file/thông tin. Những tài liệu đó được thiết kế để giúp bạn, như khi nhớ lại một người bạn cũ, vị trí của cửa hàng trong trung tâm mua sắm, hoặc khi nhớ lại những sự kiện/chi tiết cần thiết. Đây là một quá trình tự động, một phản xạ và bản năng. Để vượt qua hoặc hủy bỏ quá trình tự nhiên/thông thường này đòi hỏi sự kiểm soát thủ công. Ví dụ, người ta nói rằng trong một nhà hàng “của giới tinh hoa”, bạn biết được các thực khách có “đẳng cấp” khi người bồi bàn làm rớt các đĩa thức ăn, mà không ai thèm nhìn! Hành động đó vượt quá phản ứng não bộ bình thường.

Thật tuyệt khi não bộ có thể tự động lôi ra các file đó — trừ khi chúng chứa ký ức cảm xúc gây khó chịu. Đây là lý do tại sao quy luật tiếp theo lại quan trọng.

  1. Quy luật: Phần cảm xúc của một ký ức xuất hiện trong vòng 90 đến 120 giây sau khi một file được lôi ra.

Trong sức khỏe tâm thần thì đây có lẽ là quy luật thần kinh quan trọng nhất. Khi chúng ta lôi ra một file, sau 90 giây, yếu tố cảm xúc sẽ xuất hiện. Tâm trạng của chúng ta bắt đầu thay đổi, đưa chúng ta quay về tâm trạng khi file đó được tạo ra. Ví dụ, nhớ về một ai đó đang nói về cái chết gần đây của một người thân yêu. Cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ trong 2 phút đầu – sau đó họ trở nên đau buồn.

Một file càng được thảo luận lâu thì yếu tố cảm xúc càng nổi lên rõ ràng cho tới lúc người đó rơi lệ. Nếu file ký ức vẫn ở đó thì những cảm xúc có từ lúc đám tang và cái chết sẽ xuất hiện— họ sẽ nói về nỗi mất mát, về tình yêu, sự tội lỗi hay bất kì cảm xúc nào khác có trong file.

Lấy một ví dụ khác, hãy hỏi ai đó về con cá to nhất mà họ từng câu được. Khi file ký ức được lôi ra, bạn sẽ biết được thông tin dữ liệu thời gian và địa điểm trong hai phút. Một khi ký ức làm sống lại chỗ cá câu được, đôi mắt của người đó sẽ mở to, mức năng lượng của họ tăng cao, họ có thể cong lưng xuống như để minh họa cho một cuộc chiến khó khăn, và toàn bộ tư thế và tâm trạng của họ sẽ di chuyển như thể mô phỏng sự quay cuồng của một con cá. Một lần nữa, sau khoảng 2 phút, yếu tố cảm xúc bắt đầu ùa đến theo sự thay đổi của hóa chất trong não bộ của chúng ta, thay đổi các cảm xúc/tâm trạng của chúng ta về thời điểm đó.

Về mặt xã hội, hãy tưởng tượng bạn có một “file xấu” về một người nào đó trong cộng đồng. Bạn đang mải mua sắm ở cửa hàng Kroger. Bạn rẽ sang trái thì chạm mặt ông X. Đây là điều sẽ xảy ra: bộ não của bạn ngay lập tức lôi ra file ký ức, đầu tiên bạn sẽ hơi bối rối, và cảm xúc tức giận, sợ hãi hay bất kì cảm xúc nào có trong file ký ức sẽ bắt đầu xuất hiện. Cho dù 10 năm nay bạn không gặp người đó, nhưng file Ký ức Cảm xúc vẫn hoạt động và thức tỉnh trong não bạn. Điều này giải thích cho chuyện nhiều người nói rằng chỉ cần nhìn thấy một kẻ thù hay người họ ghét cũng có thể phá hỏng cả ngày hôm đó của họ. Nếu file không được kiểm soát đúng mức thì tâm trạng tiêu cực sẽ duy trì mãi suốt ngày.

Mục tiêu của kiểm soát file ký ức là ngăn không cho cảm xúc xuất hiện trong vòng 90 giây. Ai ai cũng có những file ký ức tiêu cực nhưng đa số mọi người cố kiểm soát chúng bằng cách ngăn không để phần cảm xúc làm phiền họ. Họ làm được điều này bằng cách gạt cái file đó đi trước khoảng thời gian giới hạn là 2 phút.

  1. Quy luật: Bộ não chỉ cho phép mở ra mỗi lần một file.

Quy luật vận hành này của não bộ là dễ hiểu. Giống như TV, VCR hay máy cát-sét, mỗi lúc chỉ cho phép mở một kênh/chương trình/băng. Bộ não làm việc theo cách tương tự.

Khi bạn đọc bài này, bộ não của bạn đang tập trung vào thông tin có trong bài. Cũng may là bộ não sẽ tập trung vào bất cứ thứ gì mà ta chọn, hoặc sẽ bật bất kì file nào ta chọn. Nếu bạn đột ngôt quyết định dừng đọc bài này và xem tivi thì bộ não của bạn cũng hoàn toàn chiều theo.

Và bộ não của bạn có thể chuyển sang các file khác với tốc độ ánh sáng. Thí dụ, cho phép bộ não của bạn thay đổi các file khi bạn đọc những câu dưới đây:

Kỳ nghỉ tuyệt vời nhất của bạn là ở đâu?

Ai là người họ hàng bạn yêu thích?

Hãy nghĩ về người mới qua đời gần đây trong gia đình bạn.

Khi bạn đọc những câu hỏi đó, bộ não của bạn ngay lập tức lôi ra các file để cung cấp thông tin cho bạn. Hai câu hỏi đầu thì khá thông lệ và ngay cả nếu các file đó được cho phép mở ra thì có lẽ cũng không gây ra những cảm xúc khó chịu, phiền muộn cho bạn. Nhưng còn file thứ ba thì sao? Nếu ta cho phép mở nó ra, chúng ta có thể bắt đầu nghĩ về người bà, cha mẹ hoặc người bạn thân vừa qua đời. Sau giới hạn 2 phút, file đó sẽ khiến ta cảm thấy buồn bã, cô đơn và những cảm xúc tiếc thương. Và quan trọng là, bộ não không quan tâm chuyện nó đang nghĩ về một người thân vừa qua đời hay về bản nhạc bạn thích.

  1. Quy luật: Bộ não không quan tâm file nào đang hoạt động.

Giống như cơ thể, bộ não vận hành một cách tự động. Hơi thở của ta cũng vận hành theo lối này. Chúng ta có thể kiểm soát hơi thở của mình và hít vào, thở ra, hít vào…Chúng ta cũng có thể lờ đi hơi thở của mình, bộ não sẽ bật chế độ tự động và ta vẫn sẽ hít thở bình thường. Bộ não vận hành theo cách tương tự. Nó sẽ tự động lôi ra các file. Khi chúng ta gặp đồng nghiệp, bạn bè hoặc hàng xóm, nó sẽ tự động lôi ra file của họ - đo là cách chúng ta nhớ tên và thông tin về họ. Bộ não làm việc này một cách tự động. Nhưng quan trọng là, bộ não không quan tâm đến file nào bị lôi ra. Tuy nhiên, thực tế rằng bộ não vận hành một cách tự động là quan trọng với chúng ta.

Khi bộ não vận hành một cách tự động thì những file ký ức mà nó lôi ra sẽ bị ảnh hưởng cực lớn bởi tâm trạng của chúng ta. Chẳng hạn, nếu bạn đang bị trầm cảm nặng, nếu bộ não bạn đang vận hành “tự động”, nó sẽ lôi ra các file rác, xấu, tệ hại. Khi trầm cảm, do sự tham gia của các hóa chất trong não, bộ não chúng ta sẽ tự động kéo ra các file xấu để giày vò chúng ta. Bộ não sẽ lôi ra tất cả các file xấu mà nó tìm thấy, thậm chỉ cả những file từ thời thơ ấu của chúng ta. Chừng nào bộ não trầm cảm còn vận hành theo cách tự động, thì nó sẽ tiếp tục làm chúng ta khốn khổ bằng cách kéo ra những file có cảm giác tội lỗi, trầm cảm và một tâm trạng tiêu cực trong file đó.

Hãy nhớ là, chúng ta có thể thay đổi các file theo ý mình. Vì bộ não thực sự không quan tâm file nào đang được kích hoạt, nên ta có thể thay đổi tâm trạng trầm buồn đơn giản bằng cách kiểm soát các ý nghĩ của chúng ta. Điều này vô cùng hữu ích khi một file xấu vô tình bị kéo ra. Sự thật này sẽ được thảo luận thêm trong bài này.

  1. Quy luật: Giống như các file, bộ não chỉ cho phép mỗi lần một cảm xúc/cảm giác được hoạt động.

Nhắc lại lần nữa, đây là một quy luật đơn giản. Trong mỗi giây, bộ não chỉ cho phép một cảm xúc. Chúng ta không thể vừa buồn vừa hạnh phúc cùng một lúc. Ví dụ, con người gần như không thể nào có tâm trạng “lãng mạn” được nếu họ đang lo lắng, trầm cảm hoặc sợ hãi. Một ví dụ khác nữa, hãy kéo ra một file về ai đó bạn cho là quyến rũ. Hình dung về người đó trong tâm trí bạn. Bây giờ tưởng tượng cảnh ai đó ném một con rắn to vào lòng bạn. Bạn sẽ thấy sự quyến rũ biến mất ngay tức khắc và nỗi sợ con rắn trở thành cảm xúc được kích hoạt.

Nhiều người đã vận dụng quy luật não bộ này để xử lý các file xấu. Ví dụ, nhiều người có các file xấu về vài một số người. Giả sử chúng ta có một file xấu về “John Doe”. Chỉ cần nói đến cái tên đó, nhìn thấy y trên đường, hay bất cứ thứ gì ám chỉ đến y cũng sẽ kéo ra một file xấu kèm theo các cảm xúc tiêu cực – tức giận, căm ghét, oán hận…Một cách để xử lý file xấu này là đặt một cái tên hoặc bình luận hài hước lên cái nhãn file. Nói cách khác, thay vì đó là file “John Doe”, bây giờ chúng ta có một file “Beanie Weenie”. Bạn sẽ thấy nhiều người đã ly dị gọi vợ/chồng cũ của họ bằng những cái tên hài hước. Đây là nguyên tắc tương tự.

Nếu chúng ta lôi ra một file xấu nhưng chúng đã gọi nó bằng một cái tên hài hước, nó sẽ kéo dài thời gian cảm xúc nổi lên và cho phép chúng ta tống file đó đi mà không gặp vấn đề gì.

Sự thật rằng bộ não chỉ cho phép mỗi lần một cảm xúc xuất hiện cho phép chúng ta cũng có thể kiểm soát được tâm trạng của mình nhiều hơn ta tưởng. Ví dụ: Bà hàng xóm xấu tính vì lý do nào đấy mà gọi điện làm phiền chúng ta. Chúng ta ngay lập tức lôi ra file ký ức về bà ta, kèm theo cảm xúc tức giận, và kết thúc là ta bị mắc vào tâm trạng bực bội, và một thái độ “Tôi sẽ đấm vào mặt bà ta.”

Chừng nào chúng ta còn tiếp tục giữ file đó trong suốt một ngày thì tâm trạng của ta vẫn sẽ y như cũ- tức giận, bực bội.... Ví dụ, ở những công việc nhiều áp lực, mọi người thường khăng khăng bảo là họ sẽ không mang việc về nhà, rằng khi họ rời công sở thì cặp xách, giấy tờ tài liệu để lại văn phòng. Nhưng quan trọng là, dù họ không mang “việc” về nhà, nhưng họ rõ ràng lại mang về nhà “tâm trạng nơi làm việc”. Họ không mang cặp làm việc về nhà, nhưng họ mang về nhà những cảm xúc bực bội, căng thẳng và khó chịu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn cách thay đổi tâm trạng của mình thì ta có thể làm những hoạt động như nghe những bài hát ta yêu thích, xem những tấm ảnh về kỳ nghỉ hay những việc khác để não bộ lôi ra những file ký ức chứa những cảm xúc khác – tâm trạng tốt hơn.

Hãy nhớ rằng, bộ não sẽ làm bất kỳ điều gì chúng ta muốn: nó sẽ để cho chúng ta bực bội cả ngày hoặc nó sẽ cho phép ta thay đổi tâm trạng— nó đơn giản là không thèm quan tâm.

Cách não bộ vận hành và sử dụng nó hằng ngày

Trong mọi cuộc thảo luận, các cảm xúc và các hoạt động trong suốt một ngày, bộ não liên tục lôi ra các file. Những cảm xúc nào chứa trong các file đó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta trong ngày hôm đó. Các file ký ức có thể vô cùng hữu ích nếu chúng ta có nhiều file tốt.

Những file tốt có thể làm thay đổi tâm trạng của ta, khiến ta thấy tốt hơn, hoặc mang đến một niềm vui nhỏ bé trong một ngày khó khăn, còn những file xấu có thể phá hoại nghiêm trọng việc giao tiếp giữa ta và người khác.

Khi làm việc với người khác, sau một thời gian ngắn là chúng ta có thể bắt đầu biết được khi nào một file ký ức xuất hiện. Ví dụ, khi bạn nghe được những từ như “À, khi tôi còn trẻ…”, “Như tuần vừa rồi…” hoặc “Đây không phải là lần đầu tiên…” – một file đã bị lôi ra. Nếu chúng ta quay lại video một cuộc thảo luận, ngay lập tức chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các cuộc thảo luận tranh cãi và nhất trí đều bị lạc đường khi một file ký ức xuất hiện. Điều này mang chúng ta đến một quy luật khác:

8. Quy luật: Bạn không thể tranh luận với một file

Khi một file xuất hiện, nó giống như chúng ta đã bỏ một cuộn băng vào đầu băng VCR. Cuốn băng bắt đầu chơi và chúng ta nghe cuộc nói chuyện giống nhau hoặc cảm nhận những cảm xúc giống nhau, lặp đi lặp lại. Chúng ta có những lời nói giống nhau, cơn giận giống nhau, sự phẫn nộ giống nhau, tất cả mọi thứ như nhau — vì nó có trong file. Ví dụ, một cặp vợ chồng thảo luận về việc họ có đủ khả năng mua một chiếc máy cắt cỏ không. Cô vợ đề cập tới việc dùng thẻ tín dụng— nó lôi ra một file xấu ở người chồng, có thể là file “VISA”. Tại thời điểm đó, chồng cô kéo ra một lịch sử dài về những chiếc thẻ tín dụng, như lãi suất cao, những lá thư đòi nợ… Khi file ký ức đó được mở ra thì cuộc thảo luận về chiếc máy cắt cỏ trở nên vô dụng. Cách thức bộ não mở và đóng các file có thể là một vấn đề thực sự với giao tiếp, truyền thông. Trong khi chúng ta cố gắng duy trì một cuộc trò chuyện thực tế, thiết thực và chỉ tập trung vào chủ đề của cuộc thảo luận, nhưng chúng ta không thể kiểm soát được việc não bộ lôi ra các file ký ức. Điều này mang chúng ta đến một quy luật khác:

9. Quy luật: Bất kì kích thích nào cũng có thể kéo ra 1 file

Cơ thể chúng ta có năm giác quan: thị giác, vị giác, thính giác, xúc giác và khứu giác. Một file có thể được kéo ra bởi bất kì giác quan nào. Ví dụ: Cựu chiến binh Việt Nam tự động nghĩ về trải nghiệm chiến tranh của ông khi ông nghe thấy tiếng trực thăng y tế. Hay khi chúng ta nghe một bài hát cũ thì sẽ tự động nghĩ về mái trường phổ thông và những kỷ niệm có liên quan. Năm giác quan rất mạnh mẽ trong việc khơi ra ký ức. Và một yếu tố khác cũng có thể lôi ra file.

Cảm xúc có thể lôi ra file. Chúng ta phải nhớ rằng bộ não luôn luôn tìm kiếm file ở những thứ chúng ta nghe, thấy và những thứ chúng ta cảm nhận. Ví dụ, các cảm xúc trở nên gắn chặt với file. Một người đàn ông từng có cuộc hôn nhân đầu tiên tồi tệ có thể tự động lôi ra 1 file ghen tuông bất kì lúc nào vợ hai của anh nói “Em có thể về trễ.” Nỗi lo lắng trong câu nói đó làm bộ não tìm kiếm một file hợp lý— nó lôi ra một file ghen tuông từ cuộc hôn nhân đầu. Nếu người chồng cho phép file này mở ra thì  anh ta sẽ trở nên bất an, ghen tuông và ngờ vực chẳng vì lý do cụ thể nào trong hiện tại. Trong cuộc hôn nhân thứ hai, việc lôi ra các file xấu là một hoạt động nguy hiểm và phổ biến.

Một cách khác mà các cảm xúc lôi ra các file ký ức là trong trường hợp của một cơn hoảng loạn. Khi một người bị cơn hoảng loạn tấn công, một hóa chất não bộ được tiết ra từ phần trước của não, tạo ra cơn hoảng loạn. Tuy nhiên, sau một cơn hoảng loạn, chúng ta rõ ràng đã tạo ra một file xấu— bộ não của chúng ta nhớ lại cơn hoảng loạn và các cảm xúc kèm theo. Nhiều tháng sau, chúng ta có thể đang ở trong một cửa hàng mua sắm đông đúc hoặc trong một tình huống gây căng thẳng cảm xúc khi bộ não nhận ra cảm xúc đó. Vào lúc đó, bộ não ngay lập tức lôi ra file “cơn hoảng loạn”. Nếu chúng ta cho phép file đó hiển thị hoặc chú ý đến nó thì chúng ta có thể sẽ bị một cơn hoảng loạn khác – đó là nội dung có trong file.

Hãy nhớ rằng các diễn viên nổi tiếng đã biết đến phương pháp này lâu rồi. Nếu họ muốn khóc trên sân khấu, họ có thể lôi ra một file xúc động từ cuộc sống cá nhân của họ và trong vòng 90 giây, nước mắt sẽ rơi xuống. Nhớ nhé:  Với mỗi cảm xúc hoặc trải nghiệm, bộ não luôn luôn tìm kiếm xem thử chúng ta có file về chủ đề đó chưa.

Files và các mối quan hệ/hôn nhân

Để giải quyết bất kì vấn đề nào, một cuộc thảo luận trong hôn nhân thường không nên kéo dài quá 10 đến 15 phút. Nếu bạn sắp mua một chiếc xe hơi hoặc thảo luận phải làm gì với dì Gladys, nó không nên kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ. Những cuộc thảo luận nào kéo dài quá 15 phút thì luôn luôn chứa các file ký ức. Khi thảo luận về việc có nên đi thăm dì Gladys vào dịp Giáng sinh không, lúc đầu cuộc thảo luận diễn ra khá tốt— sau đó chúng ta bắt đầu lôi ra các file. Sau 3 giờ tranh cãi, chúng ta thấy mình đã thảo luận về việc gì đó về người thân của mình không thích chúng ta, hoặc chúng ta không thích họ. Cuộc thảo luận lúc đầu về những vấn đề mang tính thực tế giờ đã bị hủy hoại bởi các file ký ức bị lôi ra.

Bạn sẽ biết một file đang bị kéo ra vì hướng nói chuyện sẽ trở nên vô lý. Chúng ta biết một file đang vận hành khi hoặc là nội dung, hoặc tâm trạng không hợp lý với nội dung cuộc thảo luận trước mắt. Một thiếu niên xin phép cha mẹ được lái xe đi xem phim đột nhiên gặp phải sự tức giận, phẫn nộ, buộc tội hoặc ngờ vực của phụ huynh. Cha hoặc mẹ đã lôi ra một file từ những năm tháng tuổi vị thành niên của họ - một file xấu. Một lần nữa, chúng ta luôn biết được một file đã bị lôi ra vì nội dung hoặc tâm trạng không phù hợp với tình huống hiện tại. Sau đó ta phải nhớ rằng: bạn không thể tranh luận với một file. Một người tranh luận với nội dung của file thì cũng giống như một người đang tranh luận với cái tivi trong lúc nó đang phát băng video.

Files và bệnh trầm cảm

Như đã nói, khi hóa chất não bộ của chúng ta thay đổi trong lúc trầm cảm, thì những file xấu bị lôi ra ngay lập tức. Những file đó sẽ tiếp tục bị lôi ra đến khi nào quá trình tự động mở file bị chặn lại bởi thuốc hoặc điều trị, hoặc khi ta giành lại quyền kiểm soát. Một vấn đề đặc biệt tiêu cực về trầm cảm là nó mở ra những file cũ. Một lần nữa, khi chúng ta mở ra một file cũ, chúng ta làm sống lại cảm xúc – đó là những gì có trong file.

Chúng tôi từng thấy nhiều trường hợp mà các bệnh nhận nói về một trải nghiệm khủng khiếp cách đây 15 đến 20 năm “Tôi tưởng mình đã vượt qua nó, nhưng tôi đã sai!” Sự thật là họ đã vượt qua trải nghiệm đó— nhưng file ký ức vẫn còn sức mạnh.

Những người trầm cảm phải chịu đựng những “xe rác”, đó là những xe rác chứa đầy các file ký ức kinh khủng, thôi thúc họ nghĩ về sang chấn tâm lý thời thơ ấu, những mối quan hệ trước đây và những lần bị từ chối. Một lần nữa, file ký ức làm chúng ta sống lại các cảm xúc tại thời điểm đó. Dù chuyện đã xảy ra cách đây 20 năm, nhưng nếu chúng ta mở lại một file khủng khiếp thì chúng ta vẫn sẽ cảm thấy thật kinh khủng. Những thân chủ bị trầm cảm thường được động viên đừng chú ý tới các file ký ức bị lôi ra. Một lần nữa, khi một bộ não bị trầm cảm vận hành tự động thì nó chỉ toàn lôi ra các file rác. Nếu bạn đang bị trầm cảm, hãy chuẩn bị tinh thần phải đón nhận một lượng rác tinh thần nhiều khủng khiếp. Xin bạn đừng hành động theo những ký ức rác đó.

Files và Lo âu

Chúng ta hẳn đã nghe kể về những đạo sư, người có thể thay đổi huyết áp của mình, làm chậm nhịp tim hoặc nhịp thở, làm vết thương ngưng chảy máu hoặc thay đổi các sóng não bằng thiền định. Khi bộ não của chúng ta kiểm soát được những phản ứng thể chất đó, thì ta có thể đạt được những trải nghiệm đó với sự kiểm soát suy nghĩ/bộ não đúng đắn.

Lo âu bao gồm cả những triệu chứng về suy nghĩ (lo lắng, sợ hãi, khiếp sợ, tiên liệu về bất hạnh…) và những triệu chứng thể lý như bồn chồn, run rẩy, đau cơ, co giật mí mắt, nét mặt căng thẳng, vã mồ hôi, tim đập thình thịch, miệng khô, đau dạ dày, đi tiểu thường xuyên, tập trung kém và cảm giác bị nghẹn ở cổ họng.

Bạn có được tất cả những thứ trên, được đóng gói thành một từ, “lo âu”.

Lo âu có thể cặp với những sự kiện nào đó và tạo thành một file cực mạnh chứa cả sự kiện gây lo lắng (nói chuyện trước đám đông, những chuyến máy bay) và phản ứng thể lý. Khi bộ não nhận ra tình huống đó, thì file sang chấn/lo âu được kéo ra – và các hóa chất não bộ được phóng thích. Dễ dàng nhận thấy tại sao các file kèm với lo âu lại đầy sức mạnh— chúng dường như đánh thức toàn bộ hệ thống cơ thể từ đầu tới chân!

Files và sang chấn Tinh thần/Thể chất

Một trong những tình huống phổ biến nhất mà các file ký ức cảm xúc tạo ra các vấn đề nghiêm trọng là trong sang chấn về thể chất hoặc tinh thần. Nhiều người chúng ta từng trải qua sang chấn trong cuộc đời. 85 phần trăm cư dân của thành phố New York từng bị cướp giật. Các nghiên cứu cho thấy 45 phần trăm phụ nữ từng bị quấy rối tình dục hoặc bị tấn công tình dục theo cách nào đó. Những vụ hành hung cơ thể, trải nghiệm trong chiến tranh, tội phạm, cái chết của một người thân, nhìn thấy những vụ tai nạn nghiêm trọng, phẫu thuật, hoặc trải nghiệm chạm trán-với lưỡi hái tử thần có thể gây ra sang chấn tâm lý hoặc ký ức cảm xúc trầm trọng.

Trong sang chấn, bộ não không chỉ ghi nhớ tất cả mọi thứ về sự kiện – bao gồm cả các cảm xúc – mà còn thêm vào bối cảnh xung quanh. Nếu chúng ta đã bị hành hung trong nhà mình, thì tự nhiên nhà của ta sẽ không còn mang lại cảm giác an toàn nữa vì những ký ức mà nó tạo ra. Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể khiến người đó bỏ lái xe vĩnh viễn hoặc phát triển những cơn hoảng loạn nếu họ lại gần nơi xảy ra tai nạn. Các file Ký ức cảm xúc về sang chấn có lẽ là file cảm xúc mạnh mẽ nhất và thường tạo ra những nỗi ám ảnh lâu dài hoặc những khó khăn khổ sở nếu không được xử lý đúng cách.

Các file Ký ức cảm xúc về sang chấn thường là trung tâm của những khổ sở về lâu dài. Ví dụ, sang chấn tình dục đầu đời có thể gây ra lãnh cảm tình dục, ảnh hưởng đến chuyện hôn nhân sau này. Bị hành hung cơ thể có thể gây ra cấc vấn đề về sự gần gũi cơ thể nhiều năm sau đó. Dù những trường hợp như vậy rất khổ sở, chúng ta cần nhắc nhở mình rằng bộ não chỉ đơn giản là vận hành theo cách tự động — nó không có các file “tích cực” để tham khảo. Để thay đổi thì thường phải có sự kiểm soát thủ công đối với những tình huống đó, tạo ra các file mới và “pha loãng” các file cũ.

  1. Quy luật: bộ não mở ra file gần nhất và mạnh nhất trước tiên.

Hãy tưởng tượng bạn bị stress suốt 6 tháng qua, gần như tới mức giới hạn chịu đựng của bạn. Bạn quyết định đến cửa hàng Kroger mua chút bánh mỳ và sữa. Trong lúc ở cửa hàng, bạn gặp trúng thằng cha bạn ghét, bộ não ngay lập tức lôi ra một file tiêu cực. Khi bạn tiếp tục thấy hắn ở cửa hàng, bạn mở file ký ức ra và tâm trạng của bạn trở nên tệ hại. Tại thời điểm đó, bộ não của bạn vốn đã làm việc quá sức, gây ra một cơn hoảng loạn. Bạn cảm thấy hoảng sợ, bạn bắt đầu cảm thấy mình sắp lên cơn đau tim. Cuối cùng bạn bỏ chạy khỏi cửa hàng.

Sau đó bạn tạo ra một file hoảng loạn với cái nhãn “Kroger” cho nó. Lần tới khi bạn lái xe ngang qua cửa hàng Kroger, bộ não của bạn sẽ lôi ra file ký ức hoảng loạn trước tiên. Bạn sẽ phát triển một cảm xúc – “Tôi không thể đến đó!”

Bất cứ khi nào chúng ta lo lắng, bộ não sẽ tạo ra một file kèm theo những tình huống. Điều này giải thích tại sao một số người trở nên sợ khoảng không rộng (agoraphobic) — hoặc sợ hãi khi ra khỏi nhà họ.

Chúng ta đều từng nghe kể về những người sau khi bị tai nạn xe oto thì nhiều tháng sau đó họ rất sợ lái xe: vì lái xe kéo ra file ký ức bị tai nạn khủng khiếp. Một ví dụ quen thuộc đó là bộ phim nổi tiếng “Top Gun”. Sau khi mất người bạn thân trong một vụ tai nạn máy bay do mất kiểm soát, người hùng Tom Cruise của chúng ta trải qua một cơn hoảng loạn sau một sự kiện quen thuộc trong bộ phim. May mắn cho bộ phim, anh nói về cách vượt qua cơn hoảng loạn của mình và tiếp tục sống trở thành anh hùng. Một lần nữa, bất kỳ trải nghiệm nào cũng có thể kéo ra một file xấu và chúng ta phải bảo vệ bản thân khỏi các file đó.

Sau một cơn khủng hoảng hoặc xáo trộn cảm xúc, một file được tạo ra. Nếu file đó có một giá trị cảm xúc mạnh thì nó sẽ là file được lôi ra đầu tiên. Ví dụ: Một người họ hàng tên là Bill đã qua đời. Suốt nhiều tháng sau đám tang của anh ấy, cái chết của anh sẽ là file đầu tiên được mở ra khi bất kì ai đề cập đến cái tên Bill. Để tránh việc liên tục gợi nhắc đến nỗi buồn, khi tên anh ấy được nói đến, chúng ta “bỏ qua” file đầu tiên và lôi ra những file “Bill” khác, như những chuyến đi câu cá, những kỳ nghỉ với gia đình…

Làm sao biết được khi nào 1 file đang hoạt động

Khi một file tình cờ bị lôi ra, người đó gần như sẽ chệch hướng khỏi chủ đề đang thảo luận. Là người nghe, nếu bạn có cảm giác “Chuyện kia thì có liên quan gì đến chuyện này?”— thì bạn đang nghe một file ký ức. Hãy nhớ rằng, bạn không thể tranh luận với một file.

Khi một file bị lôi ra, người đó sẽ nói những điều tương tự, cảm nhận tương tự và phản ứng theo cách tương tự mà bạn đã từng nghe trước đây. Điều này thường thấy ở những cuộc tranh luận trong hôn nhân và một người vợ/chồng sẽ có ấn tượng rằng, “Đây là lần thứ 25 tôi nghe câu này.”

Ví dụ, các bé tuổi teen thường thấy khó hiểu được tại sao nó chỉ xin cha mẹ chút tiền tiêu vặt mà phải nghe một tràng giáo huấn rằng hồi xưa cha phải ki cóp tiền như thế nào. Chìa khóa nhận diện file là câu nói “Khi tao bằng tuổi mày…”

Khi bị stress hoặc trầm cảm, bộ não trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, nó lôi ra những file có nội dung tiêu cực mạnh và làm chúng ta sống lại và trải nghiệm lại những sự kiện thời xưa.

Người phụ nữ 40 tuổi bắt đầu nghĩ về ký ức tuổi thơ bị bạo hành và bật khóc, hay một người đàn ông lớn tuổi đột nhiên có suy nghĩ và cảm giác tội lỗi, đau buồn về những trải nghiệm trong chiến tranh (thế chiến II, chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc…)

Những kĩ thuật để kiểm soát file ký ức

Thực hành chú ý đến cách hệ thống file của bạn hoạt động. Nếu bạn thấy mình đang có tâm trạng tồi tệ, hoặc tâm trạng vui vẻ, hãy dùng cách tiếp cận “File nào đang được lôi ra?” Bạn sẽ tìm thấy file đó, cảm xúc nào đang được cất giữ trong file và bạn có thể kiểm soát được file.

Nếu một file xấu xuất hiện, hãy thực hiện ngay vài động tác cơ thể trước khoảng thời gian 2 phút, vì sau 2 phút cảm xúc sẽ xuất hiện. Nếu ai đó nói đến một cái tên hoặc bạn có một sự kiện gợi ra một file xấu, bạn ngay lập tức hãy nhéo tai, sờ vào đồng hồ của bạn hoặc làm một động tác nào đó để cho bạn biết một file xấu đã bị lôi ra. Sau đó bạn có thể thay đổi các file ấy bằng lời nói hoặc tinh thần. Khi nói chuyện với người khác, chúng ta có thể thay đổi file bằng cách nói rằng “Đó là một chủ đề nhạy cảm đối với tôi, tôi không muốn thảo luận về nó.” Hành động đó nhắc ta rằng ta đã giành được quyền kiểm soát đối với các file ấy.

Hãy thử một file xấu và đặt cho nó một cái tên hài hước – càng hài càng tốt. Nếu chúng ta ghét một ai đó, thì một cái tên buồn cười sẽ giúp ta kiểm soát được phần cảm xúc của file đó. Những cái tên phổ biến có thể sử dụng là “Bozo,” “Beanie Weenie,” “Air Head,” ... Kết hợp giữa cái tên gây cười với hành động cơ thể cũng có hiệu quả.

Ví dụ, nếu chúng ta gọi một người họ hàng hay buôn chuyện bằng cái tên “Sinus Drip”, chúng ta có thể kết hợp thêm với động tác xì mũi. Vì bộ não chỉ cho phép mỗi lần một cảm xúc xuất hiện, cho nên động tác hài hước và hành động cơ thể là đủ để xóa file.

Nhiều khi chúng ta trải qua một loạt các sự kiện khủng khiếp, thường kéo dài nhiều năm trời. Chúng có thể gồm những cuộc hôn nhân tệ hại, những khoảng thời gian thất nghiệp, sang chấn tâm lý thời thơ ấu… Hãy đưa tất cả các file đó vào trong một tủ hồ sơ tinh thần. Rồi đặt một cái tên cho cả tủ hồ sơ đó. Một cái tên phản ánh cho tình trạng vào thời điểm đó. Một số thân chủ dùng những cái tên như “Những năm tháng khốn khổ của tôi”, “Những năm tháng hoang dại và náo nhiệt”…Khi một file ký ức từ thời kỳ đấy xuất hiện, thay vì tập trung vào file và cho phép cảm xúc trong file nổi lên, người đó tự nghĩ “Đó là file ký ức từ những năm tháng hoang dại và náo nhiệt của tôi, bây giờ thì tôi không cần đến nó nữa.” Việp gộp tất cả các file ký ức thành một thể loại chung sẽ giảm tác động cảm xúc và ngăn không cho não mở ra những file cụ thể.

Bạn có thể cùng với người yêu hoặc người nào đó quan trọng huấn luyện cho nhau cách nhận diện khi nào một file ký ức xuất hiện. Nó sẽ giảm đi nhiều cuộc tranh cãi.

Tìm ra “những trở ngại/tắc nghẽn” trong giao tiếp với người khác. Thường thì những trở ngại về cảm xúc đó trên thực tế là các file ký ức được mở ra để đáp lại điều gì đó mà người khác đã làm.

Hãy giữ một vài file ký ức tốt và giúp nâng cao tâm trạng trong trí nhớ. Nếu có một file xấu bị lôi ra trong ngày thì bạn cũng có những file ký ức tốt có sẵn để hồi tưởng lại— và thay đổi tâm trạng của bạn. Nhiều người có các file ký ức về những kỳ nghỉ hoặc những khoảng thời gian hạnh phúc để sử dụng nếu chẳng may một file ký ức xấu bị mở ra. Bạn hãy nhớ kèm chặt sau một file ký ức xấu bằng một file ký ức tốt – nó sẽ giúp tâm trạng của bạn đi lên.

Trong những thời điểm bạn gặp khủng hoảng xã hội, hãy tạo ra và diễn tập trước một file đặc biệt để trả lời những câu hỏi bới móc đời tư gây khó chịu – một “thông cáo báo chí”. Khi bạn đang ở trong hoàn cảnh ly thân/ly dị, mọi người thường xuyên hỏi bạn chuyện hôn nhân. Thay vì mở ra file “ly hôn”, hãy mở file “các mối quan hệ công chúng về ly hôn” cùng những tuyên bố như “Hiện tại mọi việc còn khá lộn xộn với chúng tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe cụ thể hơn khi tình hình ổn định.” Hãy làm cho  file công chúng ngắn gọn và dễ thương.

Hãy luyện tập kéo ra các file, đặc biệt là những file tốt. Nhìn lại những tấm ảnh cũ về quá khứ hạnh phúc, cuốn kỷ yếu trường phổ thông…Quan sát số lượng file được mở ra khi bạn làm điều này. Bạn sẽ bất ngờ khi thấy bộ nhớ của bạn lưu trữ được nhiều thông tin như thế nào.

  1. Quy luật: Bộ não không phân biệt được file thật với file tưởng tượng!

Vì sao lại thế? Vì bộ não tạo file dựa trên thông tin nó được đưa cho, thường là thông qua các giác quan của chúng ta, thỉnh thoảng thông qua những ý nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta có người yêu, chỉ cần ở trong chính căn phòng đó cũng mang lại cho ta cảm giác ấm áp, lãng mạn. Và thậm chí nhìn ảnh và nghĩ về người yêu cũng mang lại cho ta cảm giác ấy – dù hiện tại họ không ở bên ta. Thậm chí, chỉ cần nghĩ về họ cũng mang lại cảm xúc tương tự (lôi ra cùng một file). Bộ não chỉ phản ứng với file hoặc hình ảnh, nó không quan tâm file nó nhận được là thực hay là tưởng tượng.

Năm 1996, tiến sĩ thể thao Judd Blaslotto (Đại học Chicago, Mỹ) tiến hành một thí nghiệm nhỏ về tác dụng của việc tập luyện tưởng tượng với vận động viên. Ông chia các thành viên một đội bóng rổ thành ba nhóm: nhóm thứ nhất không chạm bóng, không luyện tập gì trong 30 ngày; nhóm thứ hai tập ném rổ 30 phút mỗi ngày, còn nhóm thứ ba đến phòng tập và... nhắm mắt tưởng tượng ra việc ném bóng trúng rổ. Kết quả thật bất ngờ: Sau 30 ngày, nhóm 1 không có gì tiến bộ, còn nhóm 2 và nhóm 3 đều cải thiện thành tích ném rổ tương đương nhau - 24% so với 23%. 

Tại sao lại đề cập điều này? Chúng ta có khả năng tạo ra các file của riêng mình, ngay cả khi thiếu trải nghiệm đời thực. Sử dụng trí tưởng tượng của chúng ta, ta có thể thay đổi các file bằng cách tưởng tượng ra thông tin mới. Nếu nhút nhát, chúng ta hãy tưởng tượng bản thân đang dần tiến bộ hơn trong các tình huống giao tiếp xã hội, trò chuyện cùng bạn bè, ở trong các nhóm, thuyết trình trước nhóm, giảng dạy, và cuối cùng là nói chuyện với Johnny Carson. Nếu chúng ta có những file ký ức xấu về người nào đó, hãy dùng trí tưởng tượng của mình, chúng ta “bổ sung thêm” thông tin mới vào file đó. Chúng ta thực sự làm việc này hằng ngày.

Khi chúng ta bị ai đó đối xử sai trái, bất công, cơn giận của ta trở nên khó chịu tới mức ta bắt đầu tưởng tượng ra họ sẽ cảm thấy tội lỗi nhường nào, cuộc đời họ sẽ khổ sở ra sao. Sau khi bộ não của ta làm việc với file đó, cuối cùng ta cảm thấy thương cảm cho họ! Dù bộ não làm công việc cho chúng ta một cách bình thường thì ta cũng cần xúc tiến quá trình này nhanh lên vào thời điểm đó.

Hãy chọn một vấn đề mà bạn cần cải thiện – sau đó thiết kế, tưởng tượng và tạo ra một loạt các file để sửa nó. Nếu bạn đang gặp vấn đề với người quản lý trong công việc của bạn, hãy tưởng tượng về những tình huống mà bạn bắt chuyện với ông ta trước, sau đó từ từ khẳng định lập trường của bạn trong công việc. Chúng ta có thể tạo ra các file để giúp bất kì thứ gì từ chơi tennis cho tới sự nhút nhát, ngại giao tiếp.

Tạo ra các file mới

Vì bộ não của chúng ta không thể phân biệt được trải nghiệm thực với trải nghiệm tưởng tượng, nên bạn hãy luyện tập để tạo ra các file mới thay thể cho các file cũ. Nếu nhút nhát, hãy tưởng tượng về sự khéo léo trong ứng xử. Nếu bạn không thoải mái khi ở cạnh người nào đó, hãy tưởng tượng về những lần gặp nhau và kết quả tích cực với họ.

Những người bị trầm cảm và lo âu lúc nào cũng tượng tượng ra những chuyện tiêu cực— và bộ não thay đổi hóa chất vì nó nghĩ rằng chuyện đó đã xảy ra. Nếu chúng ta ngồi xuống và nghĩ về một người thân yêu đã mất (cho dù họ đang ở phòng bên cạnh), thì bộ não sẽ làm chúng ta trầm cảm và chúng ta sẽ bật khóc. Nếu trầm cảm hoặc lo lắng, hãy mơ mộng hoặc tưởng tượng về những trải nghiệm tích cực. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng bộ não của bạn sẽ cho rằng cuộc đời của bạn đang tốt hơn và các hóa chất não bộ sẽ từ từ cải thiện tâm trạng của bạn.

Hãy chọn ra một lĩnh vực mà bạn đang gặp rắc rối. Tạo ra các file mới để xử lý với tình huống ấy. Nếu bạn không thoải mái với người quản lý của bạn tại nơi làm việc hay với những người họ hàng của bạn, hãy tưởng tượng về những cảnh tích cực mà ở đó bạn xử lý được các xung đột hoặc thay đổi được tình hình.

Nếu lòng tự tin và tự trọng của bạn thấp, hãy tưởng tượng về những tình huống mà ở đó lòng tự tin của bạn tăng cao. Hãy tưởng tượng bạn được khen ngợi vì những nỗ lực của bạn, cuối cùng bạn cũng nhận được tình cảm/sự chấp nhận từ những người từng ghét bỏ bạn trong quá khứ.

Cũng có những phương cách khác để xử lý các file ký ức cũ.

Thay đổi, phá hủy và làm nhiễm bẩn các file cũ

Hệ thống file của não bộ, cũng giống như các file của chính phủ, có thể bị tiêu hủy và thay đổi theo nhiều cách. Một cách để thay đổi một file xấu là thay đổi nội dung của nó, bổ sung thêm thông tin do bạn chọn – một lần nữa, thông tin càng hài hước càng tốt. Nếu bạn có một file về chuyện bị cha/mẹ la mắng, hãy đem file đó ra, sau đó thêm vào thông tin rằng cha mẹ bạn chỉ cao 6 inches, đang đứng trên một cái bàn và chỉ ngón tay nhỏ bé của họ vào bạn.

Chúng ta cũng có thể lấy ra một file, xem lại nội dung và cảm xúc và tìm thấy những điều khôi hài về file ấy. Với óc tưởng tượng, chúng ta có thể viết lại một file chứ nội dung về cuộc tranh cãi hoặc đánh nhau thành một thứ gì đó giống như The Three Stooges. Nếu chúng ta thêm yếu tố gây cười vào file thì nó làm thay đổi nội dung cảm xúc.

File cũng có thể được “pha loãng”. Chẳng hạn, nghĩ về các file xấu trong khi bản nhạc yêu thích của ta nổi lên cũng là một cách thức để pha loãng file, làm nó mất đi tác động về cảm xúc.

Hãy nhớ, lần đầu tiên bạn nghe một bài hát hay trên radio và yêu thích nó. Tuy nhiên, sau khi nghe bài hát đó 100 lần trong tháng tiếp theo, nó đã đánh mất giá trị cảm xúc.

File cũng có thể bị xóa đi bằng cách khiến chúng trở nên buồn chán tới chết hoặc thông qua phương pháp “pha loãng”. Nếu chúng ta có thời gian và cơ hội, chúng ta có thể đặt ra một khoảng thời gian để làm hỏng file. Trong 15 phút của một ngày, chúng ta cho phép bản thân kéo ra các file và xem trong chúng có gì, cảm nhận những cảm xúc trong file, và thực hành thay đổi các file.

Chúng ta cũng có thể pha loãng các file bằng cách lôi chúng ra trong những tình huống khác nhau. Nếu chúng ta có một file xấu, hãy kéo file đó ra trong khi chúng ta đang xem tivi hay video, nghe nhạc, hoặc đang nằm dài trên bãi biển dưới ánh nắng mặt trời. Trong khi file biểu hiện, hãy bổ sung vào file những quan sát của bạn về hoàn cảnh xung quanh (âm nhạc, khung cảnh…), một kỹ thuật vừa làm giảm cơn lo âu trong hiện tại cũng như phá hỏng các file xấu.

Hãy nhớ, sự hài hước là cách tốt nhất để làm hỏng file.

Nếu một file xấu đang biểu hiện, bạn hãy tìm ra tất cả những thứ ngu ngốc, hài hước về ký ức ấy. Nếu không có, bạn hãy tự chế ra điều gì đó khôi hài về trải nghiệm đó. Kể lại theo lối hài hước hơn, rằng sự việc có thể diễn ra khác đi như nào so với những gì ta nhớ.

Khi một file xuất hiện, tự nhắc bản thân thường xuyên rằng nó đơn giản chỉ là một file về quá khứ của bạn. Chúng ta có thể xem bộ phim Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng chúng ta phải tự nhắc mình rằng chúng ta đang không ở trong chiến tranh! Những lời tự nói với bản thân như “Tôi rất vui vì mình không sống trong tình cảnh như vậy!” hoặc “Đó là những khoảng thời gian khắc nghiệt!”. So sánh các file cũ với hoàn cảnh hiện tại của bạn.

Điều này cũng có ích trong những file về ghen tuông, nhắc nhở bản thân rằng người yêu hiện tại của chúng ta không phải là người yêu cũ của ta.

Kiểm soát file trong những tình huống đặc biệt

Kiểm soát file là một chuyện nghiêm trọng trong lạm dụng rượu hoặc chất. Hãy nhớ: rượu và chất gây nghiện (cần sa, cocaine, ...) tự động tạo ra các file tốt do hoạt động của chúng trong não bộ. Buồn thay, những file ký ức xấu lại được tạo ra trong gia đình của người lạm dụng rượu/chất vì những cuộc tranh cãi, đánh nhau và những tàn dư từ nghiện ngập. Do đó, nghĩ về rượu/ma túy hiếm khi lôi ra một file xấu để làm tình huống trở nên khó chịu. Trên thực tế, nói về việc uống rượu, nhậu nhẹt hoặc sử dụng ma túy thường mang lại niềm vui!

Để chống lại tình huống này, những người có vấn đề với ma túy và/hoặc rượu được khuyên hãy lôi ra một file xấu khi đối mặt với những chất gây nghiện. Đây cũng là một tình huống thường gặp ở những người đang cố gắng duy trì sự tỉnh táo không say xỉn. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe ai đó từ chối một ly bia xã giao “Không, cảm ơn. Vợ sẽ giết tôi mất! Tôi mà thất nghiệp thì bọn trẻ sẽ không thèm nói chuyện với tôi!” Người đó đang sử dụng một file về nội dung một cuộc tranh cãi trong hôn nhân nhằm dập tắt ham muốn dùng chất của anh ta. Nếu mọi người lôi ra một file về hậu quả tồi tệ nhất của họ mỗi lần họ nghĩ tới rượu thì chúng ta có thể thấy sự sụt giảm đáng kể trong tiêu thụ rượu của đất nước.

Kiểm soát file đặc biệt quan trọng trong các cuộc thảo luận hôn nhân/gia đình. Hãy nhớ về quy luật 90-120 giây về các cảm xúc xuất hiện khi một file được kéo ra, những cuộc thảo luận hôn nhân về các chủ đề nhạy cảm được kiểm soát tốt nhất bằng các kỹ thuật hết-giờ nhằm ngăn không cho toàn bộ file ký ức xấu được mở ra. Các đôi vợ chồng được khuyến khích tiến hành những cuộc trao đổi về chủ đề thực tế trong hôn nhân với một thiết bị luộc trứng!

Một thiết bị luộc trứng trong 3 phút cho phép mỗi bên nêu ra một vấn đề trong 3 phút, rồi sau đó tới lượt bên kia nói trong 3 phút, và tiếp tục. Khung thời gian 3 phút ngăn không để các file xấu giành quyền kiểm soát cuộc nói chuyện nếu đôi vợ chồng bị sa lầy vào file xấu.

Hệ thống file cũng làm việc vào ban đêm nữa! Các giấc mơ thường là một mớ bòng bong vì bộ não mở ra các file ký ức và sắp xếp chúng lại với nhau trong giấc mơ của chúng ta. Các giấc mơ trên thực tế là thời điểm mà bộ não sắp xếp, phân loại các file ký ức của nó, đồng thời mở ra các file ký ức cũ. Những sự kiện trong ngày được xem xét lại và kết hợp với các file ký ức cũ trong giấc mơ của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể mơ thấy mình đang tắm giữa trung tâm thành phố Columbus! Các giấc mơ chỉ phản ánh ký ức và tâm trạng của chúng ta – chúng không thực sự chứa đựng sự thật hay những lời cảnh báo, những thông tin đặc biệt nào khác.

Nhiều người bị sang chấn tâm lý do bị hành hung, hoặc cái chết của những người thân yêu, bệnh tật, phải nằm viện, những cuộc tranh cãi và những sự kiện gây căng thẳng cảm xúc khác. Sang chấn tinh thần tạo ra một file cực lớn, bao gồm các cảm xúc, cảm giác về sự kiện. Làm vấn đề tồi tệ hơn, những người quan tâm đến ta sau sang chấn tâm thần thường có thôi thúc hỏi ta về chuyện đó – họ đang khơi lại ký ức!

Các nạn nhân sang chấn tâm lý được khuyến khích chuẩn bị sẵn các câu trả lời diễn tập trước cho những câu hỏi và bình luận thường gặp, giống như thư ký báo chí của Tổng thống đọc trước các câu trả lời từ một bài đã soạn sẵn. Câu trả lời diễn tập trước sẽ ngăn không cho file “xấu” xuất hiện. Ví dụ:

Câu hỏi: “Điều gì đã xảy ra với bạn đêm hôm trước?”

Trả lời: “Tôi đoán là sự việc đã hơi vượt quá tầm kiểm soát của tôi. Bây giờ tôi đang sắp xếp lại mọi việc và sẽ sớm kể cho bạn nghe đầu đuôi câu chuyện. Tôi thấy tốt hơn là mình không nên nói về việc đó lúc này, nhưng giờ thì tôi vẫn ổn.”

Các nạn nhân bị sang chấn cũng sẽ phát hiện thấy một địa điểm hoặc một loạt những tình huống mà gần như ngay lập tức mở ra một file ký ức mạnh. Hãy chuẩn bị cho phản ứng “Tôi không thể quay lại nơi đó”, thường gắn với một địa điểm công việc, địa điểm của sang chấn trong cộng đồng của bạn, hoặc hoạt động (“Tôi không thể lái xe được nữa”).

Quan trọng là, hãy nhớ rằng nếu bạn từng bị sang chấn tâm lý, thì bạn sẽ luôn có những người quan tâm hỏi han bạn! Những cuộc gọi điện thoại, thăm hỏi có thể khơi lại các ký ức về trải nghiệm của bạn, những file chứa sự đau buồn, cảm xúc bất lực, đau thương, cú sốc tinh thần … Đây là lý do tại sao nhiều người họ hàng, bạn bè ban đầu thường tránh gặp nạn nhân bị sang chấn hoặc người bạn/người thân đang bị trầm cảm — vì nó gợi ra những file ký ức chứa đựng cảm xúc buồn bã, lo lắng và những cảm xúc tuyệt vọng.

Các cấp độ cảm xúc có thể mở file ký ức

Khi chúng ta nhìn thấy một người bạn trong thị trấn, bộ não tìm kiếm và lôi ra file của anh/cô ấy. Các cảm xúc của chúng ta cũng làm việc theo cách này. Khi chúng ta bắt đầu cảm nhận một cảm xúc nào đó hoặc khi “mức độ cảm xúc” của chúng ta chạm đến một ngưỡng nào đó, bộ não sẽ tìm kiếm bất cứ thứ gì (một file ký ức hoặc tài liệu ký ức) chúng ta có thể có cho cấp độ cảm xúc ấy. Về cơ bản thì não sẽ đặt ra câu hỏi “Tôi đã từng có cảm nhận này trước đây chưa nhỉ?” Nếu có thì hãy mở ra file ký ức.

Điều này giải thích tại sao nhiều người có thể quá sa lầy trong một mối quan hệ. Khi họ trở nên thân thiết hơn, bộ não có thể tìm kiếm một file tài liệu. Ví dụ:

Mối quan hệ Mới/hiện tại

Những cảm xúc mạnh mẽ—– ?

File ký ức: “Cuộc hôn nhân đầu” File đó chứa những cảm xúc mãnh liệt —-> bạo hành thân thể/lời nói—-> ly thân —-> ly dị. Lôi ra những file cũ đó trong những mối quan hệ mới khiến cho mối quan hệ tình cảm của bạn bị tác động xấu.

Khi chúng ta nhìn thấy những gì có trong file “cuộc hôn nhân đầu tiên”, thật dễ dàng nhận ra tại sao người đó trở nên khó chịu, tức giận, và thậm chí phòng vệ trong mối quan hệ mới. Đây là lý do tại sao người ta “bị sa lầy” trong các mối quan hệ.

Nếu chúng ta có những cảm xúc hoặc thái độ kỳ quặc dường như không phù hợp với tình huống, hãy tìm xem có file ký ức nào đang được mở ra. Nếu bạn đang nghĩ “Mỗi lần tôi cảm thấy như này…” và sau đó dự đoán tương lai, có lẽ bạn đã lôi ra một file.

Phát triển một kế hoạch điều trị

Giả dụ chúng ta có một Ký ức cảm xúc mạnh mẽ, có lẽ là hậu quả của một vụ tai nạn xe oto, một sang chấn tâm lý thời bé, một trải nghiêm đe dọa tính mạng, một vụ hành hung, một vụ bẽ mặt trước đám đông, hay một chuyện gì đó gây sang chấn tâm lý không kém. Chúng ta có thể phát triển một kế hoạch điều trị để xóa đi phần “cảm xúc” của ký ức. Chúng ta có thể không bao giờ xóa được những tình tiết của ký ức/trải nghiệm – chỉ khi bộ não bị tổn thương hoặc bệnh tật mới xóa sạch hoàn toàn các ký ức. Mục tiêu trong trị liệu Ký ức cảm xúc là xóa bỏ yếu tố cảm xúc – đó là cái phần khiến chúng ta đau khổ. Nếu yếu tố cảm xúc bị xóa, thì chúng ta có thể kể về câu chuyện trong quá khứ mà không còn sợ mình sẽ bị tức giận hoặc sống lại với tâm trạng thời đó

Hãy nhớ mục tiêu với Ký ức cảm xúc: đó là xóa đi phần cảm xúc của ký ức. Một trong những cách nhanh nhất và dễ nhất để làm được việc này đó là “pha loãng” phần cảm xúc của ký ức. Để làm điều này, hãy tưởng tượng có một lá thư được lưu lại trên trình xử lý văn bản của máy tính. Mỗi khi bạn mở bức thư – nó vẫn như cũ, đọc nội dung như cũ và nói như cũ. Nếu chúng ta mở lá thư trên màn hình máy tính, đọc nó, rồi lưu lại nó – thì chẳng có gì thay đổi hết. Đó là những gì xảy ra khi chúng ta liên hệ đến Ký ức cảm xúc mà không bổ sung thêm điều gì vào file ký ức.

Chuyện gì xảy ra nếu mỗi lần chúng ta lôi nó lên màn hình, ta hãy thêm một câu dài vào lá thư— một câu gì đó ngu ngốc, không liên quan tới lá thư— sau đó lưu lại lá thư. Sau 2 tuần, chúng ta thêm vào lá thư 14 câu và lá thư gốc bây giờ đã biến mất. Bây giờ lá thư hoàn toàn khác. Chúng ta sử dụng kỹ thuật này để xóa đi phần cảm xúc của Ký ức cảm xúc (EM).

Kĩ thuật: Mỗi lần chúng ta lôi ra một file Ký ức cảm xúc xấu, chúng ta thêm vào file thứ gì đó. Một câu bình luận, một chuyện cười, một điệu bộ cơ thể…Bộ não sẽ tự động lưu lại file vì có thêm những phần mới được bổ sung.

Kế hoạch điều trị mẫu

Sự kiện: Chúng ta từng bị một người nào đó hành hung.

Phần cảm xúc của ký ức: Thành phần cảm xúc chứa đựng nỗi sợ chết, cảm giác chiến đấu để giữ mạng sống của tôi, cơn hoảng sợ và lo âu nghiêm trọng.

Phương pháp: Mỗi lần chúng ta gợi ra Ký ức cảm xúc của sự kiện, chúng ta thêm vào thứ gì đó — càng hài hước càng tốt. Ví dụ: “Sau vụ hành hung đó, tôi phải hủy lịch thi đấu giữa tôi và Mike Tyson.” Hoặc “Tôi quyết định tung ra thị trường một dòng sản phẩm quần sịp bảo vệ của quý. Bạn có nghĩ rằng JC Penneys sẽ thích không? Hoặc “Tôi chưa có một trận đánh đấm ra trò kể từ khi tôi nghe những album the Beatles của anh tôi!” Chúng ta có thể bịa ra hay tưởng tượng về phần nào đó của sự kiện một cách hài hước, ví dụ “Tôi liên tục nghĩ về chuyện mình phải đóng thêm thuế trong lúc bị hành hung!!” Phản ứng của mọi người trước khiếu hài hước của bạn cũng được thêm vào file. Đây là lý do tại sao một cựu chiến binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai có thể bình tĩnh nói về những sự kiện khủng khiếp trong chiến tranh tại Quân đoàn Mỹ— ông thường xuyên nói về nó, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cho nên phần cảm xúc đã mất đi. Chỉ còn lại các tình tiết. Trong Ký ức cảm xúc, chúng ta thường làm kỹ thuật này một cách tự nhiên, thường được gọi là “vượt qua nó.” Bài này cho bạn biết cách làm điều đó nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bất kỳ Ký ức cảm xúc nào cũng có thể được tiếp cận theo cách này và “pha loãng”.

Tóm tắt

Chúng ta là một tập hợp các ký ức – ký ức về mình là ai, những gì cấu thành tính cách của chúng ta, điều gì kiểm soát hành vi của chúng ta, và điều gì ảnh hưởng đến tâm trạng của ta. Ký ức cảm xúc tốt là một phước lành cho chúng ta, vì ta sẽ nhớ lại những thời điểm tốt đẹp thời thơ ấu, những sự kiện, những bản nhạc được ta ưa thích, và những người bạn cũ. Tuy nhiên, ai cũng có những Ký ức cảm xúc tiêu cực hoặc ký ức sang chấn. Mục tiêu của Quản lý Ký ức Cảm xúc là kiểm soát hoặc xóa đi cái phần cảm xúc của những file ký ức đó. Nếu chúng ta làm được như vậy thì những trải nghiệm tiêu cực trước đây của chúng ta chỉ còn là quá khứ mà thôi. Những file đó trở thành một biên bản ghi lại về nơi chốn mà ta từng có mặt và trải nghiệm, chúng không còn tiếp tục kiểm soát tâm trạng và hành vi của chúng ta nữa.

Trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt trong những lúc ta bị stress, hệ thống file ký ức của chúng ta rất quan trọng. Đó là một hệ thống hoạt động liên tục trong từng giây, tự động hóa và có thể thay đổi tâm trạng của chúng ta trong vòng 2 phút. Chúng tôi đã trình bày những thông tin ở trên với hy vọng rằng bạn có thể giảm bớt stress và sống hiệu quả hơn bằng cách kiểm soát những file ký ức cảm xúc của bạn và không để cho chúng kiểm soát đời bạn nữa. Hãy nhớ— hệ thống file cảm xúc của chúng ta cũng giống như hơi thở của ta, nó sẽ tự vận hành hoặc ta có thể kiểm soát nó. Hiểu được cách thức vận hành của hệ thống sẽ giúp ta làm chủ các ký ức và cuộc sống hằng ngày của mình.

 

Rubi dịch

Nguồn: https://counsellingresource.com/therapy/self-help/emotional-memory/5/

Tác giả: Dr Joseph M Carver, PhD

 

menu
menu