Xì trét thế nào cho đúng?

xi-tret-the-nao-cho-dung

Ta là ai không quan trọng, quan trọng là ta bị so sánh với ai.

Tác giả

PGS.TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy chuyên ngành Giao tiếp & Quản Trị đa văn hoá với các nghiên cứu và khoá đào tạo liên ngành kết hợp kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Chị đã có một thời gian dài làm báo trước khi về công tác tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị cũng là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa và Con Đường Hồi Giáo. Một số thông tin trong bài viết được trích dẫn từ cuốn sách mới xuất bản của tác giả "Cross-Cultural Management with Insight from Brain Science" (Quản trị đa văn hoá và các đóng góp của ngành thần kinh não bộ).

 
 
Chồng của bạn tôi đến thời bụng bia, nên quyết định mua xe đạp để tập thể dục cùng lũ bạn. Anh mua một chiếc xe rất đẹp, không những vừa ý mà còn vừa túi tiền. Sau buổi tập đầu tiên trở về nhà, anh cau có dấm dứt nhét cái xe vào một xó. Kinh khủng hơn, anh thề không quay lại với nhóm tập đạp xe nữa. Lý do: xe của anh gần như "lởm" nhất hội.
 
1. CỘI NGUỒN CỦA BẤT HẠNH
 
Trong khoá học về hạnh phúc của ĐH Yale giảng bởi Giáo sư Laurie Santos, bà giải thích cho việc tại sao chúng ta, dù ngày càng giàu có lên, yên ổn hơn, khoẻ mạnh hơn, nhưng niềm đau khổ thì vẫn dường như vô tận. Lý do lớn nhất chính là vì ta luôn bị áp lực phải so sánh cuộc đời mình với những kẻ xung quanh (social comparison).
 
Giáo sư Santos bắt đầu với một tấm ảnh chụp ba người chiến thắng trong thế vận hội Olympic. Kẻ có nụ cười gượng gạo nhất không phải là nhân vật dành huy chương đồng, mà là kẻ nhận huy chương bạc. Huy chương đồng so sánh mình với kẻ về đích thứ tư trắng tay nên niềm hạnh phúc là vô bờ bến. Huy chương bạc so sánh mình với kẻ về nhất, để rồi tiếc hùi hụi và tự trách móc bản thân. 
 
Ta là ai không quan trọng, quan trọng là ta bị so sánh với ai.
 
Hình tròn to hay bé không quan trọng, quan trọng là nó bị vây quanh bởi những hình tròn to hay bé (ảnh). 
 
 
Những ví dụ bà Santos đưa ra vô cùng sinh động. Về công việc chẳng hạn, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn nếu làm trong một công ty không có quá nhiều sự khác biệt về thu nhập. Tương tự, trong một quốc gia, chỉ số chênh lệch giàu nghèo GINI thường tỷ lệ với hạnh phúc, càng chênh lệch dân chúng càng dễ cau có. Có một quan chức ở Việt Nam từng nói là dân mình nghèo nhưng hạnh phúc. Chính xác hơn, câu nói ấy phải là, CẢ NƯỚC cùng giàu hoặc nghèo thì dân mới hạnh phúc. 
 
Các căn bệnh tâm lý và miễn dịch cũng dễ có tần số cao hơn ở người thu nhập thấp, không phải vì họ sống buông thả hơn, hay vì họ không có bảo hiểm y tế. Một trong những lý do sâu xa của những căn bệnh này là do rất nhiều trong số họ phải sống trong một môi trường giàu nghèo quá cách biệt. Sức khoẻ của họ suy sụp không phải vì họ nghèo, mà là vì họ CẢM THẤY nghèo.
 
Sự giàu sang, xinh đẹp, toàn mỹ nếu ở xa xa thì chả ai chấp. Nhưng nếu nó ở gần ngay bên cạnh, với áp lực con số đập vào mặt mỗi ngày, thì đó chính là kho hạt nhân kích hoạt bộ não nổ tung vì ghen tị, thua thiệt, bất công. Ở Hà Lan có một chương trình xổ số mà kẻ trúng giải có ngay một cái ô tô đỗ trước nhà. Nghiên cứu chỉ ra là cái nhà bên cạnh, do ảnh hưởng của cái ô tô ngay trước cổng, nên có tỷ lệ đi mua ngay xe mới cao gấp đôi các nhà không phải hàng xóm. Thú vị hơn, một nghiên cứu khác tính ra rằng cứ mỗi giờ xem TV thì chúng ta sẽ chi tiền mạnh tay hơn trong việc mua sắm (ở Mỹ năm 1999 con số này là 4 đô/giờ).
 
Xem TV hay lướt face là cách nhanh nhất để chúng ta so sánh đời mình với đời thiên hạ. Càng dán mặt vào màn hình càng thấy mình tệ hại. Phụ nữ đánh giá bản thân xấu xí hơn chỉ sau vài phút lướt qua các trang tạp chí mốt (2.36 giảm còn 2.07). 
 
Và khi thấy mình tệ hại xấu xí, đa số chúng ta không chỉ ngay lập tức nghĩ đến việc nâng cấp mua sắm, mà còn là tìm cách dìm kẻ khác xuống thật nhanh. Trong một nghiên cứu về vấn đề này, kết quả cho thấy những kẻ giỏi nhất ở top đầu là những kẻ mong muốn điều này nhất. Thậm chí, họ từ chối được thăng hạng để đổi lấy việc những kẻ dưới chiếu mình bị tuột hạng.
 
Vậy ta có thể ngừng so sánh để an nhàn hạnh phúc được không? 
 
Câu trả lời là: Không. 
 
Tạo hoá trời già kia đã tạo ra một cỗ máy sinh tồn mà không ai có thể thoát được sự so sánh mình với kẻ khác. So sánh trở thành một cơ chế tự động, thậm chí thành vô thức. 
 
Trong một thí nghiệm, người tham gia chia thành hai nhóm với màn hình trước mặt. Trên màn hình thỉnh thoảng xuất hiện những bức ảnh chỉ kéo dài 1/10 giây, nhanh đến nỗi mắt thường không thấy, chỉ có bộ não vô thức tiếp nhận. Ở nhóm có chiếu những bức ảnh là các khuôn mặt xinh đẹp, người xem đánh giá mình xấu hơn ở nhóm có chiếu những bức ảnh người không xinh. Tương tự, khi ảnh trên màn hình là nhà bác học Einstein, người tham gia đánh giá mình kém thông minh so với nhóm có chiếu ảnh một gã hề. 
 
Điều này có nghĩa là, dù mắt ta không nhìn thấy, nhưng trí não ta cảm thấy. Và dưới tác động của vô thức, ta vẫn cảm thấy mình bé nhỏ hèn mọn dù không thể giải thích được tại sao. Hãy tưởng tượng ta bị bịt mắt và dẫn đi lướt qua một dàn người mẫu. Bỏ khăn ra, ta tự dưng chui vào nhà xí khóc thương thân.
 
Đùa chút vậy, để kết luận rằng, đã chót sinh ra làm người là chấp nhận dù mình có không muốn so sánh với đời, thì đời chắc gì đã buông tha? Kể cả khi ta không chủ động so sánh thì bộ não kia cũng như một cái máy quay phim cần mẫn, ghi hết vào bộ nhớ những gì ta hơn thua cùng thiên hạ.
 
2. HẠNH PHÚC CÓ THẬT HAY KHÔNG?
 
Như vậy, áp lực so sánh mình với thiên hạ không trừ bất cứ ai. Điểm số, bảng lương, độ hot, số lượng like, giá hàng hiệu...vv luôn là những cái bia để ta ngắm bắn. Và hầu hết là bắn trượt.
 
Vì sao? Vì chúng là những cái bia di động. Cái bia này bắn trúng hồng tâm (mua được nhà đẹp), thì ngay lập tức sẽ có những cái bia khác thay thế (nhà đẹp hơn, hoặc combo nhà đẹp + chó đẹp + xe đẹp + gia đình đẹp). 
 
Về bản chất, bộ não không hề muốn ta được hạnh phúc. So sánh là một cơ chế sinh tồn. Và không chỉ so sánh, mà còn là so sánh với kẻ đi trước, bay cao, lặn sâu, giàu có, thông minh và thành đạt hơn. Về mặt tiến hoá, đó là động lực để giống loài này liên tục phát triển, đứng dậy, khám phá, xây dựng, tìm tòi, phát minh, liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình.
 
Tạo hóa không quan tâm đến việc chúng ta có hạnh phúc hay không. Hạnh phúc không phải mục đích, nó là một công cụ phục vụ sự sinh tồn cho tổng thể giống loài. Chính vì hạnh phúc chỉ là công cụ của tạo hóa nên mới có những người tìm thấy hạnh phúc trong sự ngu muội, thần phục, cung phụng, hy sinh hoặc chết cho kẻ khác, kể cả khi kẻ đó làm mình đau đớn.
 
Thế nên theo đuổi hạnh phúc đôi khi giống như theo đuổi những mục tiêu hữu hạn, những khoảnh khắc đến đi trong phút chốc, những ảo tuởng của sự vĩnh viễn, những viên đường ngọt ngào mà chóng tan, những cái bia bắn trúng hồng tâm nhưng lại ngay lập tức được thay bằng một hồng tâm mới. 
 
Một số nghiên cứu về hạnh phúc cũng chỉ ra rằng, hạnh phúc là một "cảm giác", và nó qua rất nhanh. Kể cả những người trúng xổ số đặc biệt cũng nhanh chóng quay trở về trạng thái ban đầu. 
 
Tiền chỉ làm ta hạnh phúc hơn khi ta rất nghèo. Đến một ngưỡng nhất định (ở Mỹ là 95.000$/ năm), kiếm thêm tiền không làm ta CẢM THẤY hạnh phúc hơn, nhưng lại khiến ta NGHĨ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn vì ta sẽ hơn thiên hạ. Và thế là cuộc đua lại tiếp tục.
 
Hạnh phúc chả khác mấy tiền bạc. Không ai biết thì nó không có giá trị. Có thì bao nhiêu cũng không đủ vì trên đời luôn có những kẻ giàu hơn. Trên đường đời, hạnh phúc như những cái cột đèn lướt qua soi sáng mặt đường. Đó là những khoảng khắc thoắt đến thoắt đi, như những trạm xăng tiếp nhiên liệu, cần, nhưng không chắc là bến đỗ cuối cùng. Công cuộc truy tìm hạnh phúc cũng vì thế mà thường thất bại, như thể so găng với cả thiên hạ, như thể đuổi theo cái bóng của chính mình.
 
Như vậy, hạnh phúc có thật, nhưng chỉ là những khoảnh khắc. Đó là khi ta thi đỗ, lên lương, mua được đồ tốt, ăn một bữa ngon, cưa đổ kẻ làm ta si mê...Nhưng khoảnh khắc ấy luôn luôn trôi qua. Và niềm vui nào cũng dần dần cạn kiệt. 
 
Hạnh phúc về bản chất sinh học chỉ là những màn diễn ngắn ngủi của các chất hóa học (serotonin, oxytocin, dopamine, endorphins) tạo ra cảm giác hưng phấn, như các vũ công biểu diễn hết giờ là sân khấu sẽ tắt đèn. Không có một bộ óc nào chịu đựng được nếu màn trình diễn hoá học ấy kéo dài mãi mãi.
 
Và đừng quên, hạnh phúc cũng thường xuất hiện khi ta so sánh, nhìn xuống để thấy không ai bằng mình. Vấn đề là, không ai có thể bước đi trong đời mà cứ luôn phải cúi đầu để thấy mình hạnh phúc.
 
3. XÌ TRÉT TỐT VÀ XÌ TRÉT XẤU
 
Như vậy, không ai có thể thoát lưới trời của áp lực, stress và sự so sánh với thiên hạ. Hạnh phúc cũng chỉ là những khoảnh khắc rồi sẽ trôi qua. Vậy thì vui sống kiểu gì đây? :-)
 
Stress, nếu là một thực thể biết nghĩ, hẳn nó sẽ ấm ức lắm, vì hầu như ai cũng gắn stress với những điều xấu xí. Thực tế là, thiếu stress thì đời cực kỳ buồn chán. Đó là khi một loại hormone tên là cortisol ở thấp cực điểm. Nó khiến ta lờ đờ chả có động lực làm gì. Phải có stress thì đời mới có gia vị. Thế là stress xuất hiện. Và nó có hai khuôn mặt chính: eustress và distress.
 
Eustress là stress tốt. Đó là khi cortisol sản sinh ở mức cao vừa đủ để ta cảm thấy hào hứng khi nghĩ đến công việc. Đó là khi mệt mỏi không làm ta nao núng.
 
Mỗi khi nghĩ đến eustress, tôi thường nhớ đến một quãng đời làm báo ở Hoa Học Trò đầu những năm 2000. Khi đó, tôi đi làm cả thứ bảy chủ nhật, một mình một toà soạn, làm không cần tiền, không cần khen thưởng, không cần ai hay biết. 
 
Tinh thần làm việc ấy may thay được tiếp nhận bởi một cộng đồng cộng tác viên và phóng viên trẻ cùng thế hệ. Chúng tôi tạo ra bước ngoặt, đổi thay tờ báo một cách chóng mặt. Eustress là không khí tràn ngập phòng làm việc chung. Nơi ấy có sự gấp gáp bài vở, có áp lực deadline, có phê bình và chê bai, nhưng hầu như không có sự đe doạ và nỗi sợ hãi. Mỗi buổi trưa, các phòng khác đóng cửa tắt đèn đi ngủ còn phòng chúng tôi vẫn náo nhiệt ồn ào, đến tận khuya.
 
Eustress là một thứ cocktail với rất nhiều háo hức và hồi hộp, một tý lo âu, một tẹo hoang mang. Đó là khi đang yêu, mới lập gia đình, mua nhà, đi du lịch, có con, tập thể dục, hay học một thứ mới mẻ.
 
Mỗi khi nghĩ đến distress, tôi thường nhớ đến giai đoạn cuối của thời gian làm luận án TS. Trong hai năm đầu, tôi ra liền tù tì 2 bài báo khoa học. Đến đầu năm thứ ba, GS hướng dẫn tình cờ nói rằng chưa bảo vệ mà ra bài là giỏi rồi, giờ ra được 3 bài là sẽ giỏi nhất lịch sử của khoa luôn. Sau lời sấm truyền đó, tôi ...tịt.
 
Nguyên nhân kinh khủng nhất của sự tịt là tôi bắt đầu bị distress với hàng núi công việc. Nhẽ ra phải tập trung chuẩn bị bảo vệ thì tư tưởng bị phân tán bởi sự so sánh, bởi sự mong đợi, bởi sự ghen tỵ và bởi sự hoang mang làm thế nào để thành người thắng cuộc.
 
Trong cuộc sống, distress giống như con ma không hình dáng. Nó ngấm dần vào ta từ từ như kẻ sát nhân mỗi ngày nhỏ một giọt thuỷ ngân vào thức ăn. 
 
Đó là khi động lực biến thành áp lực. Đó là khi niềm tự hào về công việc, con cái, gia đình hay tài sản trở thành gánh nặng. Đó là niềm mong mỏi bằng bạn bằng bè trở thành nỗi lo âu tỵ hiềm. Đó là khi ta lướt face, mở TV, bước ra cổng... đâu đâu cũng tràn ngập những điều nhắc nhở ta rằng: mày biết không, mày thua xa thiên hạ.
 
Như vậy, áp lực tất yếu. Vấn đề chỉ là áp lực đó tạo ra eustress hay distress. Vậy ta có thể chọn eustress và tránh xa distress được không? 
 
Tin vui là: Có, tin buồn là: Khó.
 
Khi stress bắt đầu, cortisol tăng lên như một viên trợ lý thiện nghệ giúp ta xử lý vấn đề trôi chảy. Nhưng nếu ta liên tục bắt viên trợ lý này làm việc quá sức, anh ta hay cô ta sẽ kiệt sức. 
 
Bạn làm gì khi sếp mình vắt kiệt năng lượng và đối xử bất công như vậy? Nhẹ thì bạn bỏ việc, nặng thì bạn sang làm cho công ty đối thủ. Cortisol bao sân cả hai. Nó không những giảm sụt đáy để ta không còn năng lượng, mà còn từ bạn biến thành thù.
 
Trên đồ thị ở hình vẽ, nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ cortisol, thì sự khác biệt giữa eustress và distress là điểm giao giữa vùng màu xanh và maù vàng. Hay đơn giản chỉ là: Biết điểm dừng của chính mình. 
 
Quá sang vùng màu vàng và đỏ, cortisol biến sự say mê thành mồ chôn cho những kẻ cố quá thành quá cố. Ngược lại, ở vùng màu xanh, tỉ lệ cortisol tăng lên vừa phải, giảm xuống đúng lúc. 
 
Tim nóng nhưng có đầu lạnh hãm phanh, biến áp lực trở thành động lực cho những ai biết điểm dừng: Dù yêu công việc đến mấy cũng biết có thời gian cho bản thân; dù yêu con cái đến mấy cũng để nó có cơ hội tự lập; dù sợ xã hội chê cười đến mấy cũng dũng cảm chia tay kẻ đang biến cuộc đời mình thành ngục tù; dù có tham công tiếc việc đến mấy cũng hiểu rằng đời này không mợ thì chợ vẫn đông. 
 
Ấy là khi kiêu hãnh không biến thành kiêu ngạo, khát vọng không thành tham vọng, và yêu thương không lỡ bước thành sở hữu.
 
Biết điểm dừng cũng là khả năng xác định thái độ của ta với stress. Nếu ta biết eustress là tốt thì ta sẽ nhìn stress như một liều thuốc thần kỳ để vượt khó. Trong một nghiên cứu với các chiến sĩ đặc nhiệm Mỹ, những người cho rằng stress là tốt có thành tích vượt trội hơn hẳn những đồng nghiệp cho rằng stress là xấu.
 
Một trong những phương pháp ta có thể áp dụng là ba bước đơn giản:
 
A. Chấp nhận stress
B. Chào mừng stress
C. Biến stress thành eustress
 
Ví dụ đơn giản nhất là khi ta hồi hộp lo âu trước một sự kiện quan trọng, ta có hai cách: một là tạo điều kiện cho distress, bằng cách cho rằng “ôi thôi mình sắp tỏi rồi”; hai là tự trấn an cho rằng: Cái nhịp tim đang đập thình thịch kia không-phải lo âu mà chính là sự phấn khích.
 
Đời này vốn đầy áp lực. Điều mình có thể làm là biến áp lực đó thành eustress thay vì để nó distress tâm hồn mình thôi.
 
Đêm nay khi lên giường nằm ngủ, hay là ta thử dành một phút để tự vấn lòng mình, rằng sự mệt mỏi trong tấm thân này là cuối cùng là eustress hay distress?
menu
menu