Kiệt sức vì muốn làm hài lòng người khác
Theo Debbie Sorensen, chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Denver, Mỹ, những người luôn cố gắng làm hài lòng người khác dễ bị kiệt sức tại nơi làm việc.
Theo chuyên gia, họ thường tốt bụng, chu đáo vì thế luôn nói "Có" khi ai đó nhờ vả. Nó chính là con dao hai lưỡi. Nếu nói "không", họ cảm thấy tội lỗi, nhưng khi nói "có", họ tự oán giận bản thân.
Nhưng những người này không cần phải loại bỏ hoàn toàn xu hướng muốn làm người khác hài lòng. Một nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra, tử tế, thân thiện và hỗ trợ trong công việc là những phẩm chất quan trọng giúp bạn năng suất hơn và hạnh phúc hơn. Điều khác biệt, theo chuyên gia Sorensen, là những người làm hài lòng người khác sẽ khó thiết lập các ranh giới dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng mãn tính.
Nếu thường xuyên nhận nhiều trách nhiệm hơn những gì bạn có thể đáp ứng được vì lo người khác thất vọng, bạn có thể bị đẩy đến bờ vực kiệt sức.
Sorensen nêu ba dấu hiệu phổ biến để biết bạn có phải người như vậy hay không. Đó là: nói "có" với mọi đề nghị giúp đỡ, ngay cả khi nó ảnh hưởng đến việc riêng; Bỏ qua cảm xúc của mình vì lo sợ gây ra xung đột; Đồng ý với những deadline (hạn chót) không thực tế.
Làm người khác hài lòng không chỉ gây rủi ro cho sự nghiệp của bạn vì sự kiệt sức, mà còn khiến bạn quên đi nhu cầu riêng và mục tiêu nghề nghiệp. "Khi liên tục đặt nhu cầu của người khác lên trước bản thân, bạn khó tập trung vào công việc và thăng tiến trong sự nghiệp hơn", Sorenson phân tích.
Bước đầu tiên để tránh được điều đó là học cách thiết lập ranh giới. Nói "không" không phải điều dễ, nhưng nếu tiếp tục nhận được nhiều công việc hơn so với trách nhiệm được giao, bạn nên dừng lại và tự hỏi bạn thân điều thực sự muốn hay cần và chống lại xu hướng nói "có" với mọi thứ.
Kiềm chế sự kiệt sức và loại bỏ thói quen xấu là quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, vì vậy bạn cần phải kiên định, tránh những cạm bẫy của việc tự phê bình. Đừng xem việc nói "không" là hạ thấp giá trị hay năng lực của bạn với tư cách một nhân viên. Thay vào đó, hãy xem nó như một cách để bạn bảo vệ năng lượng, mục tiêu và ưu tiên của mình để trở thành nhân viên hiệu quả hơn.
Cuối cùng, theo Sorensen, bạn cần ghi nhớ rằng thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm, dù nhiều hay ít, đều vô cùng quan trọng. "Chúng ta đều xứng đáng có thời gian và không gian để hồi phục", chuyên gia chia sẻ.
Huy Phương (Theo CNBC)/VNE