Là Một Người ‘Quá Tử Tế’, Bạn Có Thể Phải Đánh Đổi Những Gì?
Có ai từng nói với bạn rằng bạn quá tử tế?
Có ai từng nói với bạn rằng bạn quá tử tế? Rằng lòng tốt và sự hào phóng của bạn đôi khi là lỗi lầm? Dù việc trở thành một người tử tế là điều mà tất cả chúng ta đều khao khát hướng tới, nhưng nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ mà hầu hết chúng ta không nhận ra. Khi mọi người nói rằng bạn quá tốt, có thể ý họ bạn là người “dễ bị lợi dụng”. Bạn quá vô tư, cả tin và tự hy sinh quá nhiều. Và nếu không cẩn thận, bạn sẽ dễ dàng bị lừa, bị lôi kéo, bị làm mờ mắt bởi chính bản chất tốt đẹp của mình.
Những người “quá tử tế” thường gặp phải khó khăn trong việc đấu tranh cho bản thân hoặc làm những điều tốt nhất cho chính mình bởi vì họ quá bận tâm đến việc trở nên dễ mến và hòa đồng. Họ chu đáo, biết quan tâm, hào phóng và lịch sự ngay cả với những người không bao giờ đáp lại họ bất cứ thứ gì, vì họ luôn luôn sẵn lòng và cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp đỡ ai đó. Nhưng việc là một người quá tốt cũng có thể khiến bạn tổn thương theo những cách mà bạn không nhận ra.
Dưới đây là 8 điều phổ biến mà những người quá tốt bụng phải đốt mặt.
1. Bạn không biết cách từ chối.
Bạn bè của bạn cần giúp đỡ? Tất nhiên bạn sẽ trả lời rằng “đồng ý!”. Bạn chẳng thể từ chối một người bạn dù bạn có mệt mỏi hay bận rộn đến đâu. Một thành viên trong gia đình yêu cầu bạn làm một số việc vặt giúp họ? Không vấn đề gì! Chắc chắn bạn sẽ tìm ra cách để thêm nó vào lịch trình vốn đã chật cứng của mình. Một nữ nhân viên bán hàng mời chào bạn mua sản phẩm nào đó mà bạn không thực sự cần? Bạn cũng sẽ lại mua thôi! Bạn thấy ngượng ngùng xấu hổ nếu nói "không" trước những lời đề nghị một cách tử tế của người khác. Điều này dẫn chúng ta tới luận điểm tiếp theo.
2. Bạn thu hút sai người.
Những người có tiếng là “quá tốt đẹp” thường thu hút những người muốn lợi dụng bản chất tốt đẹp của họ và dùng nó để chống lại họ. Nếu bạn là một trong số đó, bạn có thể thấy xung quanh mình có hàng tá những người bạn "xanh vỏ đỏ lòng" - những người chỉ ở lại chừng nào họ cần thứ gì đó từ bạn. Bởi vì thực tế là, bạn không bao giờ có thể biết được ai đó có thực sự quan tâm đến mình hay không cho đến khi bạn không còn gì để cho họ. Và những người tử tế không bao giờ có thể biết chắc chắn ai là người đáng tin cậy vì họ rất thân thiện, phóng khoáng và dễ tha thứ - điều khiến họ dễ dàng bị thao túng và lợi dụng.
3. Mọi người không ngừng nhờ cậy bạn giúp đỡ.
Những người thân yêu có thường xuyên tìm đến bạn để được giúp đỡ, an ủi hoặc cho lời khuyên không? Bạn có thấy mình luôn cố gắng giúp họ khắc phục các vấn đề hoặc làm những việc giúp đỡ họ mà bạn không muốn làm không? Vì bạn là một người tử tế, mọi người cảm thấy thoải mái khi nhờ vả bạn giúp đỡ hoặc nói với bạn những vấn đề của họ. Được biết đến là một người nhiệt tình và đáng tin cậy thì cũng tuyệt đấy, nhưng rồi bạn sẽ nhanh chóng trở nên mệt mỏi khi mọi người dường như luôn muốn điều gì đó từ bạn, ngay cả những người bạn chẳng hề quen thân. Một trong những nhược điểm lớn nhất của việc quá tử tế là nó khiến những người xung quanh bạn luôn trong trạng thái thiếu thốn, ích kỷ, hay phàn nàn và đòi hỏi.
4. Bạn gặp phải những hoài nghi.
“Tại sao bạn lại tốt như vậy? Bạn có nhận được gì từ đó không?". Nếu một người tử tế như bạn nhận được một đô la cho mỗi lần được hỏi như vậy, chắc hẳn bạn đã rất giàu có. Tại sao? Bởi vì bạn gần như "quá tốt với tư cách một người bình thường". Sẽ luôn có những người tỏ ra nghi ngờ bạn và hiểu sai những hành động tử tế của bạn là có động cơ thầm kín đằng sau. Bởi vì sự thật là, thời nay tìm được người thật sự tốt khó như mò kim đáy bể. Và thật khó để tin rằng một người nào đó lại lịch thiệp, vị tha và tốt bụng “không vì lý do gì”.
5. Bạn sợ nói ra suy nghĩ của mình.
Một vấn đề khác của việc quá tử tế là người khác kỳ vọng quá nhiều ở bạn. Vì bạn luôn rất kiên nhẫn và dễ gần với mọi người nên bạn sợ khi mình tỏ ra khó chịu, khóc lóc hay la hét (dù bạn hoàn toàn có quyền làm thế) thì nhận thức của họ về bạn sẽ thay đổi. Và bởi vì mọi người mong đợi sự tử tế từ bạn, bạn cảm thấy rất áp lực, rằng bạn phải "làm những gì người ta mong đợi" và không được thể hiện cảm xúc, sự quyết đoán hoặc cố chấp như bạn muốn vì bạn mong mình sẽ luôn giữ được hình ảnh "người tốt" mà mọi người đều cảm thấy yêu mến.
6. Bạn tha thứ quá dễ dàng.
Một trong những điều tệ nhất khi trở nên tốt bụng và dễ mềm lòng là bạn có xu hướng quá dễ dàng tha thứ. Bạn tin tưởng mọi người và trao cơ hội thứ hai cho những người không xứng đáng. Ngay cả khi họ đã làm tổn thương bạn rất nhiều hoặc phản bội bạn trong quá khứ, bạn vẫn sẵn lòng tha thứ vì bạn không thể chịu đựng được mối hận thù với họ. Và dù trong sâu thẳm tâm hồn bạn biết rằng lòng tốt của mình nên dành cho những người xứng đáng hơn, dù vẫn còn lấn cấn hoài nghi, bạn vẫn chọn trao đi niềm tin.
7. Bạn cảm thấy tội lỗi khi đặt bản thân lên hàng đầu.
Dù biết rằng đôi khi đặt bản thân lên hàng đầu chẳng phải là ích kỷ, nhưng bạn vẫn không thể không cảm thấy tội lỗi về điều đó. Có rất nhiều điều bạn muốn làm cho bản thân, nhưng bạn không thể thực hiện được trừ khi bạn quan tâm đến những người bạn yêu thương trước. Ngay cả khi đó là một chuyện rất đơn giản, chẳng hạn như từ chối lời mời đi chơi để có được chút thời gian nghỉ ngơi thư giãn cần thiết, thật khó để một người quá tốt bụng nghĩ cho bản thân rồi thay đổi quyết định mà không cảm thấy như họ đang làm điều gì đó sai lầm.
8. Bạn quên tử tế với chính mình.
Cuối cùng, và có lẽ là cuộc chiến lớn nhất chúng ta phải đương đầu khi là một người quá tử tế, là chúng ta quên đối xử tốt với chính bản thân mình. Khi bạn quá tử tế, bạn sẽ đặt mong muốn và nhu cầu của người khác lên trước tiên. Hãy nhớ rằng bạn cần quan tâm chăm sóc tốt cho bản thân giống như bạn làm với mọi người. Dù việc cân bằng thời gian, năng lượng, sự chú tâm dành cho bản thân và người khác có thể là một thách thức, hãy luôn nhớ rằng bạn nợ chính mình tình yêu thương mà bạn đã hào phóng trao đi.
Chắc chắn không có gì sai khi trở thành một người tử tế, nhưng “quá tử tế” thì có thể khiến bạn phải đánh đổi nhiều điều. Nếu không cẩn thận, bạn có thể phải hy sinh tất cả nỗ lực, tâm ý và tình cảm của mình cho những mối quan hệ, những người không xứng đáng. Đừng lãng phí thời gian chỉ để khiến cho mọi người hạnh phúc nếu điều đó làm bạn đau khổ. Đặt ra những ranh giới lành mạnh cho bản thân và đừng ngại nói “không” một lần. Giống như tất cả mọi người, bạn xứng đáng có được tình yêu và hạnh phúc.
___________
Dịch giả: Sarras Nguyễn
Link bài gốc: psych2go
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ