Làm sao buông bỏ những tiếc nuối  

lam-sao-buong-bo-nhung-tiec-nuoi  

Phần đông mọi người tin rằng tiếc nuối là một điều xấu. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn một chút thì quả thực tiếc nuối phục vụ cho một mục đích rất hữu ích trong cuộc sống chúng ta.

Hãy tưởng tượng chuyện này, bạn đang dự một bữa tiệc cocktail nơi mà tất cả mọi người ở đó đều là một phiên bản trong quá khứ của bản thân bạn. Ở đây có một khu vui chơi dành cho trẻ em với tất cả phiên bản trẻ con của bạn. Ở kia có một phòng TV với những bản ngã thiếu niên đáng sợ của bạn đang xem các video âm nhạc và chơi game. Tiếp đó là hàng chục người trưởng thành mà bạn đi qua, đang nhấm nháp bất cứ “rác rưởi” gì mà bạn đã uống khi bạn còn trẻ và túng quẫn, đại diện cho từng giai đoạn khác biệt trong cuộc đời bạn: bản ngã đại học tự ti, cố tỏ ra thông minh hơn con người thật của mình; bản ngã kiệt quệ và thất vọng với công việc đầu đời của bạn; bản ngã lần đầu tiên bạn biết yêu.

Điều này nghe có vẻ hay. Nhưng tôi nghĩ rằng “Bữa tiệc Cocktail của Bạn” sẽ khá là nhàm chán. Lý do là với mỗi phiên bản của bản thân mà bạn nói chuyện, bạn biết tất cả mọi thứ mà họ biết, trong khi họ chỉ biết một phần nhỏ của những gì bạn biết.

Điều đó không có nghĩa là nó chẳng đáng yêu. Bạn gặp gỡ bản ngã thiếu niên vụng về của bạn và trấn an chúng đừng lo lắng, những năm học phổ thông khổ sở ấy sẽ qua đi và mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn. Bạn sẽ nói chuyện với bản ngã kiêu ngạo năm 23 tuổi của bạn và khoan dung dạy cho nó một bài học. Bạn sẽ nói chuyện với bản ngã bị mê hoặc của bạn, kẻ lần đầu mới biết yêu và đắm chìm trong cảm xúc của một mối quan hệ mới, trong trẻo—trong khi không tiết lộ rằng Quý ông/Quý cô Hoàn hảo sắp kéo lê trái tim của bạn trên vỉa hè và đập nó cả chục lần bằng một cây búa tạ.

Nhưng sau đó sẽ có một bản ngã cũ mà bạn muốn tránh...bạn biết nó mà. Bản ngã cũ đã làm chuyện khủng khiếp mà bạn không tìm được cách nào để tha thứ cho bản thân. Nếu cuối cùng buộc phải nói chuyện với chúng, bạn sẽ ngay lập tức bắt đầu khiển trách chúng, “Sao mày lại làm thế? Mày nghĩ cái quái gì vậy? Mày đúng là thằng đần, trời ạ.”

Sau đó bữa tiệc cocktail sẽ bị hủy hoại. Bạn đây rồi, Bạn của Hiện tại đang công kích mắng nhiếc Bạn của Quá khứ, trước sự chứng kiến trong sợ hãi của tất cả các bản ngã quá khứ của bạn, với cảm giác bị bỏ mặc và ruồng bỏ. Bữa tiệc Cocktail của Bạn sẽ sụp đổ thành khoảnh khắc thảm họa này trong cuộc đời bạn, sẽ tước đi niềm vui và sự sống động của tất cả các khoảnh khắc khác.

Bữa tiệc Cocktail của bạn là một kiểu ẩn dụ về những gì xảy ra khi bạn cảm thấy tiếc nuối. Bạn bỏ bê và thờ ơ với việc ăn mừng cho tất cả những phần thú vị trong cuộc đời để tập trung vào lỗi lầm day dứt này đang ám ảnh bạn.

Tiếc nuối là một dạng căm ghét bản thân. Nếu bạn của ngày hôm nay là một đỉnh cao của tất cả những hành động đã dẫn đến giây phút này, thì khi ấy việc từ chối một số hành động trong quá khứ chính là khước từ một số phần của bản thân trong khoảnh khắc này. Ghét một số phần của bản thân bạn trong hiện tại làm tâm lý bạn bị xáo trộn. Nhưng ghét một phần của quá khứ của bạn thì cũng chẳng khác nhau là mấy. Nó nuôi dưỡng sự tủi hổ và tức giận. Nó khắc sâu sự ghê tởm bản thân.  

Nhưng cách vượt qua tiếc nuối không phải là phớt lờ nó. Mà là vượt qua nó. Mà là gặp mặt bản ngã cũ đó, nói chuyện trực tiếp với chúng và hiểu được lý do tại sao chúng làm những việc mà chúng đã làm. Mà là cảm thông với bản ngã trước đây, quan tâm đến chúng, và cuối cùng là tha thứ cho chúng.

HỌC HỎI TỪ NHỮNG NUỐI TIẾC CỦA BẠN  

Đâu là điểm khác nhau giữa một sai lầm và một tiếc nuối?

Tôi cho rằng một nỗi tiếc nuối đơn giản là một sai lầm mà chúng ta chưa học được bài học thích đáng từ nó. Thường thì, chúng ta tiếc nuối vì chúng ta đã làm việc gì đó quá khủng khiếp đến độ khó mà học được bài học thích đáng. Nhưng chúng ta thường tiếc nuối không phải vì những hành động của mình quá tày trời, mà đơn giản vì chúng ta thiếu trí tưởng tượng để rút ra được điều hữu ích từ chúng. 

Học hỏi từ những sai lầm của chúng ta là một yếu tố cơ bản để không trở thành một kẻ khốn nạn, tôi thậm chí không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng hãy nghĩ thế này: nếu bạn làm điều gì đó sai, nhưng bạn đã rút ra bài học từ nó, thì khi ấy lỗi lầm đột nhiên trở nên hữu ích. Phát triển thói quen học hỏi từ những thất bại của chúng ta giống như liều thuốc tiên chuyển hóa tất cả suy đồi đáng xấu hổ của cuộc đời ta, làm chúng ta tốt hơn. Và trong khi điều đó có thể không xóa bỏ mọi cảm xúc tiêu cực của ta, song nó chắc chắn ngăn ngừa sự việc trở nên tồi tệ hơn.

Tiếc nuối phục vụ một mục đích mang tính thích nghi. Nó có thể giúp chúng ta hoặc làm tổn thương ta. Khi chúng ta cảm thấy nuối tiếc, chúng ta có thể chìm đắm trong những lỗi lầm quá khứ của mình hoặc chúng ta có thể hành động nhằm đảm bảo ta không lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ của mình.

Có lẽ bạn đã phá hỏng một mối quan hệ cách đây nhiều năm và bạn vẫn còn đau nhói nghĩ đến nó. Thay vì dày vò bản thân, hãy dùng nó để xác định những vấn đề nằm bên dưới mấy thứ chết tiệt của bạn:

  • Có lẽ bạn đã hơi quá vô tâm.
  • Có lẽ bạn đã hơi quá ích kỷ.
  • Có lẽ bạn là người kém giao tiếp.
  • Có lẽ tình yêu của bạn đi kèm với những điều kiện bất khả thi.  

Cách mà bạn tiếp tục cuộc sống của mình không phải bằng cách hợp lý hóa cho tất cả những cảm xúc khó chịu này—bằng việc đổ lỗi cho bản thân hay cho cuộc đời về điều không may của bạn—mà chính bằng cách chấp nhận những sai lầm của bạn, bằng cách hiểu được những chuyện đã xảy ra và sáp nhập kinh nghiệm đó vào sự hiểu biết của bạn về con người ngày hôm nay của bạn.

Điều này buộc bạn phải chịu trách nhiệm cho những thứ chết tiệt của bạn, và nếu bạn thật sự chịu trách nhiệm cho những thứ chết tiệt của bạn, bạn sẽ không lặp lại chúng —đó là mục đích của tiếc nuối.

Nhưng tất nhiên, điều này thì dễ nói hơn làm.

CHẤT VẤN NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA BẠN   

Trong cuốn sách của tôi, Everything is F*cked: A Book About Hope, tôi đã giải thích rằng tâm trí chúng ta luôn luôn xây dựng những câu chuyện nhằm lý giải cho những cảm xúc và trải nghiệm của ta. Những câu chuyện đó hiếm khi chính xác và thường là vô ích, song chúng ta cần chúng vì chúng giữ cho cảm giác về bản ngã của chúng ta cố định.

Bằng cách chất vấn những câu chuyện của chúng ta, chúng ta sẽ có được cái nhìn tốt hơn về những việc chúng ta đã làm thật sự tệ hại ra sao. Và nếu chúng ta trung thực tự chất vấn bản thân, chúng ta thường sẽ phát hiện thấy mình không tệ đến thế đâu.

Chẳng hạn, cứ tưởng tượng là Timmy đã mất sạch khoản tiền dành dụm của anh ấy vào một chương trình đa cấp kim tự tháp. Timmy cảm thấy kinh sợ. Vợ ghét anh ấy. Còn bạn bè thì chế nhạo anh. Anh ấy không trả nổi tiền thuê nhà. Mọi thứ đang sụp đổ.

Trong một khoảnh khắc, do sự bi thương của sự việc mà Timmy đã dựng lên một câu chuyện về mình, “Mình đã làm mất sạch tiền của cả hai vợ chồng vì mình là một thằng ngu và mình đã hủy hoại cuộc sống của hai. Giá mà mình có thể quay lại và làm lại từ đầu.”

Timmy giờ đây đang có một nỗi tiếc nuối.

Điều nguy hiểm ở những câu chuyện kiểu như này là chúng tự tồn tại. Nếu Timmy tin rằng anh ta là một cục phân và rất kém cỏi trong chuyện tiền bạc thì bất cứ khi nào anh ấy có những trải nghiệm mới, anh sẽ diễn giải chúng thông qua lăng kính “Tôi là một cục phân và rất kém cỏi trong chuyện tiền bạc”. Anh ấy cũng sẽ lý giải về những điều tốt đẹp đến với anh ấy chỉ đơn thuần là ăn may thôi, và những điều tệ hại xảy ra với anh thì đó là lỗi lầm của anh.

Vấn đề với những câu chuyện của chúng ta đó là chúng thường ngắn hạn, cảm tính và vị kỷ. Những gì mà câu chuyện của Timmy không tính đến đó là việc mất tiền có thể mang lại một vài lợi ích tinh tế, dài hạn và phi cảm xúc.

Ngoài việc học được bài học rằng không bao giờ đầu tư vào một Timeshare Las Vegas ám muội (Timeshare: loại hình mua chung tài sản (bất động sản) với số hạn mức ngày sử dụng nhất định), trải nghiệm của anh ta sẽ kiểm nghiệm sự cam kết của cuộc hôn nhân của anh, nó sẽ thay đổi mối quan hệ của anh và triết lý về tiền bạc trở nên tốt hơn. Nó có thể dạy anh ta rằng anh ta chẳng cần quá nhiều thứ để sống và tồn tại hơn anh tưởng. Nó có thể loại trừ tận gốc tất cả các giá trị trọng vật chất nông cạn mà anh ta đang mang theo mình trong suốt cuộc đời và giúp anh ta thay thế chúng bằng những giá trị phi-vật chất, lành mạnh hơn. Nó có thể kiểm tra những mối quan hệ tình bạn của anh và mang anh xích lại gần hơn với những thành viên trong gia đình đã giúp anh lúc hoạn nạn. Nó có thể trao cho anh ta một câu chuyện cảnh báo hữu ích, dạy cho người khác những bài học để họ không lặp lại sai lầm tương tự của anh ta.

Nếu anh ta kéo dài dòng thời gian đủ lâu và thu nhỏ ống kính đủ rộng, một ngày nào đó Tim có thể nhìn lại và nói, “Đó là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với tôi.” Và trên thực tế, hầu hết mọi người, nếu bạn nói chuyện với họ, sẽ cho biết những trải nghiệm đau khổ nhất của họ thường cũng chính là những kinh nghiệm quan trọng nhất.

Nhưng để đến được lúc đó thì bạn phải thay đổi những hành vi, thói quen, cảm xúc của bạn. Bạn phải xóa sạch những câu chuyện nhảm nhí của mình.

LẮNG NGHE HITS ALBUM DỞ NHẤT CỦA CHÚNG TA, LẶP ĐI LẶP LẠI

Khi chúng ta cảm thấy nuối tiếc, chúng ta đang chọn hồi sinh lại quá khứ của mình. Chúng ta đang phát lại câu chuyện tuyệt vọng của mình hết lần này tới lần khác và sống với nó như thể nó là sự thật, ngay cả khi nó từ lâu đã không còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới, và ngay cả khi nó vẫn tiếp tục làm tổn thương chúng ta.

Vấn đề là chúng ta đồng nhất với những cơ hội bị đánh mất ấychúng ta xem những thất bại đó như bản sắc bị đánh mất của chúng ta, con người mà chúng ta nên là nhưng chưa bao giờ là. Và rồi chúng ta hành hạ bản thân với cái hình ảnh lý tưởng hóa kia.

Giả sử bạn đang có một công việc chán ngắt. Và có lẽ bạn không phải là xạ thủ trẻ như bạn đã từng, vì vậy bạn cho rằng đã quá trễ để làm việc gì đó khác biệt. Bạn quá già để quay lại trường học, đã đi quá xa trên con đường sự nghiệp của mình để có thể chuyển sang con đường khác, và quá an phận với cuộc sống của bạn để tạo ra những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến người khác, như gia đình của bạn.

(Nhân đây, tôi muốn nói là tất cả các câu chuyện đó có lẽ không đúng đâu.)

Vậy nên bạn đã xây dựng cái bản ngã lý tưởng này phản ánh cho con người mà bạn muốn trở thành cách đây 10, 15, hay 20 năm hơn là con người bạn ngày nay. Bản ngã lý tưởng của bạn là:

  1. Tuổi trẻ, vì đó là khi bạn phải đi học;
  2. Độc thân và không phải cáng đáng trách nhiệm gì, vì đó là khi bạn phải phát triển nền tảng cho sự nghiệp của bạn.

Điều này thật ngu ngốc vì đủ thứ lý do. Trước nhất và trên hết, tuổi trẻ chỉ là thứ được dựng lên mà bạn xem là quan trọng. Bạn không cần phải tin rằng nó là quan trọng nếu bạn không muốn.

Tôi từng tin rằng mình sẽ trở thành một nhạc sĩ. Sau đó tôi bỏ trường nhạc. Tôi không ngồi đó mà nghĩ, “Trời ơi, giá mà tôi không bỏ học thì giờ tôi đã là nhạc sĩ rồi—không biết tôi bị làm sao nữa?” Không, tôi nhận ra khao khát trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp của tôi là một lý tưởng hoàn toàn thất thường trong tâm trí và tôi có thể thay đổi nó.

Lý do thứ hai mà nỗi ám ảnh đối với bản ngã lý tưởng hóa này của chúng ta là thứ ngu xuẩn vì ngay cả khi bằng cách nào đó bạn hồi sinh được cảm giác tuổi trẻ của mình thì có lẽ nó sẽ đòi hỏi bạn tự huyễn hoặc bản thân theo một cách có hại khác. (Xem Peter Pan Syndrome)

Trong khi đó, với mỗi năm trôi qua, bạn lại già đi một chút và đảm nhận thêm vài trách nhiệm và bạn ngày càng rời xa cái bản ngã tuổi trẻ lý tưởng này. Khi ngày càng ít có khả năng đạt được nó trong tâm trí, bạn cảm thấy cái tôi lý tưởng của bạn đang tuột khỏi tầm tay. Và bạn nuối tiếc nó. Bạn vô cùng nuối tiếc—biết bao nhiêu thời gian bị mất đi, biết bao nhiêu thời gian bị lãng phí.  

Nhưng kệ mẹ nó đi. Cứ để cái câu chuyện đó chết đi. Nó không còn giúp ích được gì cho bạn nữa. Và nó không hẳn, cũng như chưa bao giờ là thật.

Cứ để nó chết đi.

Thay vào đó, hãy chọn nghề nghiệp phù hợp với phiên bản già dặn và khôn ngoan hơn của bản thân bạn trong hiện tại mà bạn thật sự mong muốn. Lớn tuổi hơn cũng có rất nhiều lợi thế! Hãy dùng chúng và tiếp tục cuộc sống.

Bằng cách băng qua những nuối tiếc của bạn và chấp nhận sự sai lầm của những bản ngã lý tưởng của bạn, bạn giải phóng chính mình để gánh vác trách nhiệm trong hiện tại.    

NHỮNG TIẾC NUỐI VÀ TRÁCH NHIỆM  

Trước đây tôi từng nói rằng để buông bỏ một mối quan hệ, bạn phải chấp nhận rằng một phần của bạn—cái phần được sinh ra và chỉ sống khi bạn ở bên người ấy—hiện tại đã chết và ra đi rồi.

Vâng, cũng tương tự vậy đối với những nỗi tiếc nuối. Tìm kiếm sự kết thúc cho những nuối tiếc của bạn nghĩa là để cho bản ngã bị đánh mất của bạn chết đi, một lần và mãi mãi, để bạn có thể học được nỗi tiếc nuối của bạn đang cố gắng dạy bạn điều gì.

Đây là chuyện trớ trêu: tại Bữa tiệc Cocktail của Bạn, phiên bản duy nhất của bạn có thể dạy cho bạn điều gì đó mà bạn chưa biết, chính là Bản ngã Nuối tiếc. Nó là phiên bản của bản thân bạn có thể chỉ cho bạn thấy những câu chuyện của bạn sai ở đâu, nơi mà hiểu biết về bản thân của bạn bị dao động, nơi bạn đang từ chối chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn và nỗi đau của bạn.

Chúng ta thường bám chặt lấy những nuối tiếc của mình như một phương cách khác để né tránh trách nhiệm. Và đối diện với Bản ngã Nuối tiếc của chúng ta khiến ta không thể né tránh trách nhiệm đó—chúng ta phải đối diện và chấp nhận con người thật của mình.

Nuối tiếc có thể đưa chúng ta đi qua một quang phổ trạng thái cảm xúc. Một mặt của quang phổ là lời than thở bi quan mà ta cảm nhận khi chúng ta được nhắc nhở về bản thân mình thật khiếm khuyết và điên rồ biết nhường nào. Nhưng mặt khác của nuối tiếc là ánh sáng mà nó chiếu vào, để hướng dẫn chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân—và cuối cùng là đến một nơi của sự chấp nhận con người đầy khiếm khuyết và điên rồ của chúng ta.

Và vết thương đau âm ỷ của một nỗi ân hận chất chứa trong nhiều năm ròng cũng không khác gì cái chết bởi hàng ngàn vết cắt nhỏ. Vì vậy hãy để những tiếc nuối của bạn hóa thành một đám cháy rừng dữ dội thiêu sạch tất cả mọi thứ trên đường đi của nó.

Bạn có thể gieo hạt giống cho thứ gì đó tốt đẹp hơn từ đống tro tàn ấy.

 

Nguồn: https://markmanson.net/regret

menu
menu