Làm sao để những lời khuyên không biến bạn thành kẻ ta đây thích ra vẻ

lam-sao-de-nhung-loi-khuyen-khong-bien-ban-thanh-ke-ta-day-thich-ra-ve

Trong thời đại internet, bất kỳ ai với con chó của họ đều là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.

Trong thời đại internet, bất kỳ ai với con chó của họ đều là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Vẻ đẹp và sự nguyền rủa của internet là việc mọi người đều có một ý kiến và chắc chắn sẽ chia sẻ ý kiến đó. Và chúng ta không chỉ chia sẻ, mà còn tự tin hơn bao giờ hết rằng mình nói chỉ có chuẩn thôi.

Vì vậy nên tôi đã nghĩ ra sáu nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi đưa ra lời khuyên cho người khác. Bạn biết rồi đấy, vì tôi mà nói thì chỉ có chuẩn thôi.

Tôi nghĩ rằng những nguyên tắc có thể được áp dụng rộng rãi, dù là bạn đang giúp đỡ cậu cháu trai giải quyết việc bị bắt nạt trên trường, hay chỉ trích lý luận Starcraft của một tên nào đấy trên diễn đàn của mấy gã lập dị, hoặc đưa ra lời khuyên cuộc sống cho cậu em trai. Nếu bạn đơn thuần muốn giúp một người, tôi khuyên rằng:

  • Hãy chắc rằng người ta thực sự muốn có lời khuyên. Không có lời khuyên nào tồi tệ hơn một lời khuyên thừa thải. Kẻ dễ bị người khác ngó lơ nhất chính là kẻ tọc mạch thích ra vẻ. Hãy đảm bảo rằng người bạn muốn giúp thực sự đang cần giúp đỡ, nếu không thì đối với họ bạn sẽ trở thành một kẻ đáng ghét khó ưa đấy.

Ví dụ cho lời khuyên tồi: Khi đáp trả một người đang vui mừng vì được nhận vào trường cao học.

“Ô, được nhận cũng ngon đấy, nhưng thành thật mà nói vô trường cao học chi cho tốn tiền. Món nợ cậu phải gánh chẳng đáng chút màu mè trong đơn xin việc đấy đâu. Em họ của tôi đổ hết tiền vào cao học, mấy năm trời chả có quan hệ xã hội nào và giờ thì đang mắc kẹt trong một công việc mà nó chẳng ưa vì lương hậu hĩnh và có thể trả được nợ.”

Điều duy nhất bạn đang giúp là giúp người ta nhận ra bạn là một thằng mặt lờ.

  • Hãy chắc rằng bạn thực sự biết mình đang nói cái gì. Sai lầm lớn thứ hai khi đưa ra lời khuyên là khuyên người khác trong khi bạn không có kinh nghiệm phù hợp. Người bạn muốn giúp có lẽ không để ý, nhưng tôi bảo đảm là những người kinh nghiệm sẽ để ý. Và dù họ có nói ra hay không, bạn cũng sẽ mất uy tín. Như ngạn ngữ có câu: “Kẻ nghĩ mình biết mọi thứ sẽ chẳng học được gì cả.”

Nếu bạn không có kinh nghiệm nhưng cảm thấy mình có đôi chút nhìn nhận quan trọng và hữu ích, bạn nên luôn nhấn mạnh điều đó bằng cách nói rằng: “Tôi chưa từng gặp vấn đề này bao giờ, nhưng theo tôi thấy thì…” hoặc điều gì tương tự trước khi nói hoặc viết.

Ví dụ kinh điển cho lời khuyên tồi: Xin lời khuyên về cách làm tình từ một gái trinh.

  • Nhìn nhận sự việc trên lập trường của đối phương, chứ không phải của bạn. Nhiều người rất khó bước ra khỏi cái tôi của mình để tưởng tượng hoàn cảnh người khác đang gặp phải. Ta thường có khuynh hướng phóng chiếu những vấn đề và thành công của bản thân mình lên người khác ngay cả khi điều đó không được bảo đảm. Khi đưa ra lời khuyên dựa trên tình huống cuộc sống của bạn mà không phải là của người khác, nếu hên thì chỉ là lời khuyên không hiệu quả thôi, còn xui thì bạn sẽ rất bẽ mặt đấy.

Ví dụ cho lời khuyên tồi: Khi đáp trả một người đang kể về việc cãi vặt với em gái.

“Ra là bạn đang có vấn đề với người thân. Bạn cần phải hiểu một điều là dù cho có nói gì đi nữa, gia đình thực sự chẳng quan tâm đến bạn đâu và họ chỉ làm những gì họ muốn thôi. Có một lần anh trai tôi mượn xe của tôi và vân vân và mây mây.”

  • Phân tâm học không phải là một lời khuyên, mà là ra vẻ. Đây dường như là lỗi phổ biến nhất trên các diễn đàn tự lực và hẹn hò. Điều tồi tệ nhất của việc này là có khi bạn đúng thật đấy, nhưng bạn chẳng giúp được ai cả. Cách nhanh nhất để chọc tức một người và tự cô lập bản thân là cố gắng nói cho họ biết họ là ai, tại sao họ lại có những suy nghĩ họ đang có, tại sao họ mắc những sai lầm họ đang mắc và những thứ tương tự. Mọi chuyện chỉ càng tệ hơn nếu bạn bắt đầu đặt giả thiết về tính cách, cuộc sống, hoặc quá khứ của họ.

Điều này có liên quan đến lời khuyên số ba, nhưng chỉ vì bạn nhận ra được một việc không có nghĩa là bạn phải sửa nó. Nếu một người có thái độ siêu tiêu cực và nghĩ rằng cả thế giới đang chống lại họ, thì việc nói với họ rằng họ có thái độ tiêu cực chẳng giúp ích được gì đâu. Họ sẽ xem bạn là kẻ ta đây và cùng một giuộc với cái thế giới đang chống lại họ. Cách tốt nhất là đứng trên lập trường của họ và trả lời những câu hỏi cho họ hiểu bằng cách đơn giản nhất có thể.

Ví dụ cho lời khuyên tồi: Khi đáp trả một người đang phàn nàn kết bạn ở chỗ ở mới khó quá.

“Này, hẳn là trước đây bạn có gia cảnh khó khăn và giờ bạn cho rằng bạn sẽ thất bại với mọi cơ hội trước mắt. Đó là vì bạn có lòng tự cường thấp và thái độ cũng như niềm tin của bạn chỉ càng củng cố cho điều đó mà thôi.”

Đây là một hố đen mà tôi thường hay rơi vào nhất mỗi khi đưa ra lời khuyên, và điều ấy có thể dễ dàng đẩy đối phương ra xa khỏi tôi. Nhưng cũng cần chú ý rằng đôi lúc người ta THỰC SỰ đang tìm kiếm những nhìn nhận cụ thể về lối suy nghĩ và thế giới quan của mình, và trong những tình huống ấy, lời khuyên như thế này lại hữu dụng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu họ không cần, thì bạn cũng đừng nên nói ra.

  • Phê bình hành động của họ, chứ không phải tính cách. Hay còn gọi là: ghét tội lỗi nhưng yêu người phạm lỗi. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa hành động của một người và ý định của họ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết người ta thường làm những chuyện ngu ngốc với ý định rất trong sáng. Những ai lớn lên trong gia đình có cha mẹ hay chỉ trích nặng lời biết rõ nỗi chua chát khi bị người khác đánh giá tính cách của mình dựa trên lỗi lầm mà họ gây ra.

Ví dụ cho lời khuyên tồi: Khi đáp trả một người đàn ông nói một điều tồi tệ với một phụ nữ.

“Ôi trời, anh không có tí tôn trọng nào đối với phụ nữ à? Đã vậy thì đừng bao giờ gặp phụ nữ nữa. Thật đáng ghê tởm.”

  • Người khác không nợ bạn gì hết. Chỉ vì bạn dành thời gian đưa ra lời khuyên cho một người không có nghĩa là họ buộc phải tuân theo và cũng không có nghĩa là họ nợ bạn một ân huệ hay bất cứ thứ gì cả. Rất nhiều lần (cụ thể là trên các diễn đàn) tôi thấy một người nổi giận vì đưa ra lời khuyên mà người khác không làm theo. Họ không có trách nhiệm phải làm theo. Đó là cuộc sống của họ. Đó là con đường của họ. Nếu lời bạn nói cộng hưởng được với họ, họ sẽ nhận ra và thử làm theo. Nếu không, họ cũng không nợ bạn gì hết. Lời khuyên là một món quà. Và vì là một món quà nên nó được cho đi vô điều kiện, và không mong đợi nhận lại điều gì cả.

Và cũng theo đó, bạn có thể nhận lấy lời khuyên từ bài viết này và làm theo, hoặc bạn cũng có thể không cần quan tâm đến chúng. Tùy bạn chọn thôi.

 [Cover image credit: gagilas]

Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng

Nguồn: https://markmanson.net/how-to-give-advice?utm_source=facebook&utm_campaign=social-posts&utm_medium=social&utm_content=2017-05-20

menu
menu