Làm sao để thuần hóa “con quái vật thích cho lời khuyên” trong bạn

Một lần nọ, tôi gặp lại một người bạn cũ. Cô ấy thông minh, sắc sảo và đầy tài năng.
Một lần nọ, tôi gặp lại một người bạn cũ. Cô ấy thông minh, sắc sảo và đầy tài năng.
Sau vài câu chuyện xã giao ban đầu, cô ấy nhìn tôi và nói: “Michael à, anh là người tốt. Em cần lời khuyên của anh.”
Và con quái vật lời khuyên trong tôi lập tức nhảy cẫng lên sung sướng.
Cô ấy bắt đầu kể về tình huống của mình, và tôi thì bắt đầu giả vờ lắng nghe vì thành thật mà nói, con quái vật lời khuyên của tôi đã biết chính xác điều tôi muốn nói với cô ấy từ trước cả khi cô ấy nói xong.
Cuối cùng, cô ấy kết thúc câu chuyện và tôi được dịp tung ra lời khuyên tuyệt đỉnh của mình, và đừng nghi ngờ gì, nó thật sự tuyệt vời. Nhưng lời khuyên ấy chẳng đi đến đâu cả; con quái vật lời khuyên của tôi đã phá hỏng cuộc trò chuyện ấy.
Image source: Glenn Harvey
Tất cả chúng ta đều quen mặt “con quái vật” này. Ai đó bắt đầu chia sẻ điều gì đó với bạn. Dù bạn không thực sự hiểu rõ câu chuyện, không biết người trong cuộc là ai, và chắc chắn chưa nắm được bối cảnh đầy đủ, chỉ khoảng 10 giây sau, con quái vật lời khuyên đã nhảy ra: “Ôi, ôi, mình có điều này cần nói ngay lập tức!”
Vấn đề không nằm ở việc cho lời khuyên. Vấn đề là khi việc cho lời khuyên trở thành phản xạ mặc định của ta trong mọi tình huống. Và có ba lý do khiến việc này trở nên tệ hại.
Thứ nhất, ta thường cố gắng giải quyết sai vấn đề. Ta bị cuốn vào cái khó khăn đầu tiên người khác nói đến, rồi tưởng rằng đó chính là gốc rễ, trong khi thực ra, nó gần như chưa bao giờ là vấn đề thật sự.
Thứ hai, lời khuyên của ta không tốt như ta nghĩ. Nếu trong đầu bạn đang vang lên: “Không đúng! Lời khuyên của tôi siêu đỉnh!”, tôi khuyên bạn nên xem một video về thiên kiến nhận thức. Bạn sẽ hiểu tại sao ta thường nghĩ mình giỏi giang, trong khi thực tế thì... không hẳn.
Thứ ba, lý do sâu xa hơn cả: nếu bạn có một “con quái vật lời khuyên” (và xin nói rõ luôn: ai cũng có), thì việc cứ phải có câu trả lời cho mọi vấn đề, giải cứu mọi người, làm người hùng mỗi lúc mỗi nơi, sẽ khiến bạn kiệt sức, cáu kỉnh và quá tải. Còn người ở phía nhận lời khuyên thì sẽ nhận một thông điệp âm thầm nhưng đau lòng: “Bạn không đủ khả năng để tự giải quyết việc này đâu.” Và điều đó bào mòn dần sự tự tin và cảm giác làm chủ của họ.
Chúng ta cứ mãi nuôi lớn con quái vật này. Nó không bao giờ biết no. Vừa mới nghe ai mở miệng, nó đã thò đầu ra: “A ha, để tôi thêm chút giá trị vào cuộc trò chuyện này nhé!” Chúng ta phải học cách thuần hóa nó. Và để làm được điều đó, ta phải hiểu rõ nó.
Thì ra, con quái vật lời khuyên không chỉ có một khuôn mặt. Nó có ba nhân dạng khác nhau.
Nhân dạng đầu tiên, tôi gọi là “Kẻ Phải Nói” (Tell It). Đây là kẻ ồn ào nhất. Nó tin rằng giá trị của bạn nằm ở chỗ bạn có tất cả câu trả lời. Vì nếu bạn không có, nghĩa là bạn thất bại.
Nhân dạng thứ hai, kín đáo hơn, là “Người Cứu Rỗi” (Save It). Nó vòng tay qua vai bạn và thì thầm: “Việc duy nhất của bạn là cứu tất cả mọi người. Đừng để ai vấp ngã, đừng để ai đau khổ, nếu ai đó buồn hay gặp khó khăn, nghĩa là bạn đã thất bại.” Các bậc cha mẹ chắc sẽ thấy quen thuộc.
Nhân dạng thứ ba, và cũng là kẻ lén lút nhất, là “Kẻ Kiểm Soát” (Control It). Nó làm bạn tin rằng bạn chỉ có thể chiến thắng nếu luôn kiểm soát được mọi thứ. Nếu ai khác nắm quyền điều khiển, dù chỉ một chút, thì cả bạn và họ đều sẽ thất bại.
Ba nhân dạng này tuy khác nhau, nhưng lại cùng phát ra một thông điệp:
“Tôi giỏi hơn bạn. Còn bạn thì không đủ tốt.”
Và điều đau lòng là không chỉ người kia bị hạ thấp, chính bạn cũng bị rút kiệt. Bạn đánh mất sự kết nối với phần nhân tính của mình, với lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, và cả sự dễ tổn thương chân thật của con người.
Vậy, làm sao để thuần hóa con quái vật lời khuyên ấy? Bằng cách thay thế thói quen đưa ra lời khuyên bằng một thói quen mới: duy trì sự tò mò. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra lại là điều khó khăn nhất.
Câu hỏi là ngọn lửa nhen nhóm sự tò mò. Để tôi chia sẻ ba câu hỏi mà lẽ ra tôi nên hỏi người bạn ấy, khi cô nói rằng cô cần lời khuyên của tôi.
Câu hỏi đầu tiên: “Vấn đề thật sự ở đây, với bạn, là gì?”
Câu hỏi này thừa nhận một điều quan trọng: ngay từ đầu, cả hai bạn đều chưa thực sự hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nó giúp bạn không vội nhảy vào với một câu trả lời hấp tấp, mà thay vào đó, hỗ trợ người kia tìm ra điều cốt lõi.
Câu hỏi thứ hai: “Còn gì nữa không?”
Câu hỏi này hé mở một sự thật: câu trả lời đầu tiên người ta đưa ra gần như không phải là câu trả lời duy nhất, và hiếm khi là câu trả lời hay nhất. Câu hỏi này đưa cuộc trò chuyện đi xa và sâu hơn.
Câu hỏi thứ ba, hơi khó nhưng lại cực kỳ mạnh mẽ: “Bạn thật sự muốn gì?”
Khi một người xác định rõ điều họ mong muốn, đó chính là nền móng để họ hành động. Khi họ biết mình muốn gì, họ có thể bước tới điều đó với sự chủ động và tự tin.
Khi bạn biết cách duy trì sự tò mò, bạn trao quyền cho người khác, không phải bằng cách trao cho họ câu trả lời, mà là bằng cách giúp họ tự tìm ra câu trả lời của chính mình. Không phải bằng cách giải cứu họ, mà là giúp họ tự bước đi trên con đường của riêng họ.