Làm sao để tự ôm lấy mình, không sợ hãi, và dám một mình

lam-sao-de-tu-om-lay-minh-khong-so-hai-va-dam-mot-minh

Bạn có lo sợ khi phải một mình? Sự thật là chúng ta chẳng bao giờ một mình cả.

Trong một cuộc khảo sát của năm 2014 với sự tham gia của 2.000 người, một phần ba trong số đó nói rằng họ cảm thấy sợ hãi khi phải một mình. Con số ấy bao gồm 40% nữ giới và 35% nam giới.

Thế giới này luôn được đánh đố bởi những phiền nhiễu và nó nhiều đến mức khiến chúng ta quên mất sự cô đơn, ngay cả khi không ai ở cạnh. Một mặt, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh mạng xã hội là nguyên nhân gây nên trầm cảm, và mang đến cảm giác bị tách biệt khỏi xã hội; mặt khác, thực tế cho thấy mạng xã hội là một công cụ giúp chúng ta chống lại sự cô đơn, vì khi tập trung vào việc nhắn tin, xem những nội dung trên TV, và những video trò chơi điện tử, giải trí, chúng ta sẽ không còn nhớ đến việc mình vẫn đang một mình.

Trớ trêu thay, càng phụ thuộc vào việc sử dụng những cách thức tạm thời để chống lại sự cô đơn, chúng ta càng mất đi khả năng ở một mình thật sự, khi xung quanh không có bất kỳ công cụ hay phương tiện nào giúp xao nhãng việc đang một mình, và điều này mới chính là nỗi sợ mà nhiều người gặp phải. Càng sợ phải ở một mình, càng kéo dài chu kỳ của sự cô đơn.

Ảnh: Courtesy of Nir And Far

Sợ một mình

Nỗi sợ một mình lâu dần sẽ gây suy nhược.

Nó khiến chúng ta dễ đưa ra những quyết định tiêu cực, vì sẵn sàng làm bất kỳ điều gì chỉ để thoát khỏi cảm giác khó chịu khi một mình. Chúng ta đang cố gắng lấp đầy sự cô đơn của mình bằng cách “bận rộn" với những mối quan hệ hoặc những hoạt động mà thực chất bản thân không hề yêu thích, chẳng hạn như duy trì mối quan hệ với những người bạn có tính khí thất thường, hay đâm đầu vào những mối tình lãng mạn mà bản chất nó không tốt như bạn nghĩ.

Một vài nghiên cứu cho thấy vì sợ cô đơn, nên thay vì ưu tiên cho chất lượng, nhiều người người chỉ quan tâm đến trạng thái (status) khi được ở trong một mối quan hệ và từ đó hình thành nên những người bạn, bạn đời không lành mạnh.

Đối lập với quan điểm trên, khi một người có thể chấp nhận và chọn ôm lấy cô đơn, họ sẽ dần cải thiện chất lượng của những mối quan hệ xung quanh mình.

Trong cuốn sách The Comfort Crisis của Michael Easter nói về câu chuyện thoát khỏi vùng an toàn để tìm kiếm một cuộc sống viên mãn hơn, Tiến sĩ - Giáo sư tâm lý Matthew Bowker của Đại học Medaille nói rằng “Người có khả năng ở một mình sẽ dễ gây ấn tượng với người khác. Bởi những câu chuyện của họ thật sự có nội dung, và không cần phải dựa trên những câu chuyện của người khác để tạo kết nối.”

Theo The Comfort Crisis, nghệ thuật của sự Cô Độc hoặc cảm thấy hài lòng khi một mình, cũng giúp cải thiện năng suất làm việc, khả năng sáng tạo, sự đồng cảm với người khác, niềm hạnh phúc và giảm đi sự rụt rè.

Hãy nhớ rằng: Suy nghĩ của bạn không phản ánh chính xác con người bạn. Đừng để những nỗi sợ hãi diễn ra trong đầu ngăn cản bạn dành thời gian để ở một mình. Nhiều người lầm tưởng rằng những tiếng nói trong đầu là những mô tả đúng đắn nhất về bản thân, nhưng thực chất không phải vậy.

Đừng quan trọng hóa những vấn đề đang diễn ra trong suy nghĩ của bạn vì không nhất thiết lúc nào cũng phải tin tất cả những gì bạn đang nghĩ.

Hãy sắp xếp thời gian cho chính mình

Càng tập luyện càng hoàn thiện bản thân.

Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ hãi khi một mình là đối diện cảm giác một mình bằng tư duy mới.

Bạn là người quyết định nên cuộc đời mình. Hoặc là dừng lại, hoặc là tiếp tục lo lắng về việc ở một mình, điều kìm hãm bạn trở thành kiểu người mà bạn mong muốn và luôn bằng lòng với chính mình. Đối với nhiều người, việc nâng cao mức độ về độc lập, hoặc lòng tự trọng sẽ là một trong những giá trị hàng đầu.

Nếu bạn là kiểu người như vậy, hãy sắp xếp và thiết lập cho mình một khoảng không trong hộp thời gian (timeboxing). Hộp thời gian, một kỹ thuật mà tác giả đã khám phá ra được trong quyển sách Indistractable của mình, với nội dung nói về cách xác định giá trị của chính bạn, nghĩa là các thuộc tính của một kiểu người mà bạn muốn trở thành, và đảm bảo rằng bạn sẽ dành thời gian cho những giá trị đó.

Bạn có thể quyết định được số thời gian mà bạn mong muốn mỗi tuần hoặc mỗi ngày để được ở một mình. Đôi lúc chỉ dành ra 15 phút một tuần cũng đã là một bước tiến mới. Bạn có thể dùng thời gian đó để viết nhật ký vào buổi sáng, hoặc nhiều hơn là dành ra 30 phút để đi dạo một mình. Cả hai điều này đều sẽ giúp bạn tạo nên một “khoảng nghỉ chất lượng” để lấy lại tinh thần sau những giờ làm việc. Hay một gợi ý khác là bạn có thể dành vài giờ để ăn tối bên ngoài một mình, hoặc thực hiện một chuyến phiêu lưu thú vị.

Hướng vào bên trong

Chỉ khi hiểu rõ được cảm giác không thoải mái của chính mình khi ở một mình, bạn mới có thể kiểm soát được nó và tìm hướng tốt hơn để đối phó với những thôi thúc tiêu cực.

Nếu bạn đang trải qua cảm giác không thoải mái khi một mình, đừng để cảm giác ấy tác động đến nội tâm, tạo nên suy nghĩ tiêu cực, và khiến bạn hướng đến những hành động như mở điện thoại và lướt TikTok trong vô thức. Thay vào đó, hãy sử dụng bốn bước sau để kiểm soát nó:

1. Tập trung cảm nhận và quan sát cảm giác khó chịu mà mình đang trải qua.

2. Viết xuống những cảm nhận của bạn về tất cả những gì liên quan đến cảm giác không thoải mái ấy.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự khó chịu đó không nhất thiết là một điều xấu. Không phải lúc nào tìm cách giải tỏa ngay lập tức cũng là một phương án tốt. Nếu biết cách quan sát và xử lý mớ cảm xúc ấy từng chút một, nó sẽ giống như một cái đòn bẩy, nén đủ lực để giúp chúng ta “phóng" về phía trước nhanh như tên lửa.

Thay vì tìm luôn tìm kiếm những phương pháp dễ dàng để thoát khỏi nỗi đau, chúng ta hãy nhìn vào bên trong để hiểu lý do vì sao chúng ta luôn mong muốn thoát khỏi nó, điều gì khiến chúng ta muốn trốn tránh khi không dành thời gian cho bản thân, dù biết rõ đó là điều muốn làm

3. Hãy tò mò về những cảm xúc của bạn.

Khi không thoải mái với việc ở một mình, điều đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Bạn có cảm thấy hồi hộp và nôn nao trong bụng trước khi làm một việc gì đó? Bạn có thắc mắc những người khác đang làm gì hay không? Nhịp thở của bạn đang ổn định hay dồn dập?

4. Hãy cẩn thận với những thời khắc quyết định, hoặc quá trình chuyển đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, vì khi đó chúng ta rất dễ bị phân tâm.

Cách để chống lại những khoảnh khắc ấy là sử dụng quy tắc 10 phút, hay còn gọi là “lướt qua sự thôi thúc”. Nếu bạn đang cố gắng dành thời gian để luyện tập ở một mình, nhưng thực sự cảm thấy không mấy thíc thú với điều này, hãy nói với chính mình rằng nó vẫn ổn nếu bạn chọn từ bỏ, nhưng không phải ngay bây giờ, khi vẫn chưa hoàn thành xong mục tiêu 10 phút ở một mình của ngày hôm nay, hoặc của tuần này. Vì có thể chỉ trong 10 phút cuối cùng đó, bạn sẽ không còn cảm thấy quá khó chịu như trước, và trở nên dần thích nghi với việc một mình.

Để tiếp thêm động lực, tôi tặng bạn một câu nói từ Oliver Burkeman trên tờ báo The Guardian “Có một sự thật đáng để khám phá, đó là khi bạn từ từ chú ý đến những cảm xúc tiêu cực, chúng sẽ có xu hướng biến mất, và đồng thời những cảm xúc tích cực sẽ dần hiện ra."

(*) Tác giả: Nir Eyal, một doanh nhân công nghệ chuyên viết blog về sự giao thoa giữa tâm lý học, công nghệ, và kinh doanh.

-------------

Dịch giả: Amy Cattuong - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ 

Link bài gốc: How to Embrace, Not Fear, Being Alone

menu
menu