Làm thế nào để không ghen tỵ với 'vợ chồng nhà người ta'

lam-the-nao-de-khong-ghen-ty-voi-vo-chong-nha-nguoi-ta

Hãy nhớ ngay cả những cặp đôi, những gia đình mà bạn ngưỡng mộ vì hạnh phúc, tình cảm cũng có những lúc buồn chán, xung đột hoặc không hài lòng.

Là một nhà trị liệu cho cuộc sống vợ chồng, Joshua Coleman (Mỹ) thường xuyên nghe khách hàng so sánh mối quan hệ của họ với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Một số làm điều đó để bày tỏ sự hài lòng với bạn đời, còn thường xuyên hơn là những người tự hỏi liệu đời họ có hạnh phúc hơn khi ở bên một người bạn đời hấp dẫn hơn, nhạy cảm hơn, hài hước hơn, thông minh hơn hoặc giàu có hơn người mà họ đã cam kết không.  Ẩn sâu trong suy nghĩ của họ là hàng loạt câu hỏi khác: Tôi có đang bỏ lỡ điều gì không?  

Thích so sánh là bản chất của con người. Nhưng việc lý tưởng hoá các cặp đôi khác chính là đang bỏ qua những giai đoạn buồn chán, cực nhọc hay bất mãn trong mối quan hệ vợ chồng, vốn là điều phổ biến chứ không phải là đáng lo ngại. Thứ phân biệt các cặp đôi hạnh phúc với những cặp bất hạnh không phải là xung đột hàng ngày, mà là cách mỗi bên suy nghĩ và giao tiếp về vấn đề đó. Thật vậy, giáo sư tâm lý học danh dự John Gottman của Đại học Washington đã phát hiện ra rằng 69% các vấn đề giữa các cặp vợ chồng mà ông nghiên cứu rốt cuộc không bao giờ được giải quyết. Ông, cũng như các nhà nghiên cứu khác, đã quan sát thấy rằng xung đột thường xảy ra trong giao tiếp, tiền bạc, nuôi dạy con cái hoặc phân chia công việc nhà.

Bên cạnh đó, suy nghĩ cho rằng "vợ chồng hàng xóm có đời sống chăn gối tuyệt vời hơn nhà mình" cũng rất phổ biến. Pepper Schwartz, một nhà xã hội học của Đại học Washington, nói với tôi: “Thời kỳ cuồng nhiệt nhất thường là năm đầu tiên của một mối quan hệ, nhưng theo thời gian, nó trở thành một lần một tuần và sau đó thì khá thất thường.” Schwartz, cũng là một chuyên gia về mối quan hệ trong chương trình thực tế  Married at First Sight – Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên, nói rằng nhiều người có những ý tưởng không thực tế về đời sống tình dục của người khác và có thể áp đặt những giả định này lên bạn đời của họ.  

Ảnh: Millennium / Gallery Stock

So sánh là công thức tạo ra bất hạnh. Các nghiên cứu cho thấy một cá nhân có tính so sánh có thể giảm lòng tự trọng, nguy cơ giảm sức khỏe thể chất, cũng như dễ bị các triệu chứng trầm cảm và lo âu xã hội.

Tương tự, so sánh mối quan hệ dẫn đến ít hạnh phúc hơn. Justin Buckingham, giáo sư tâm lý học tại Đại học Towson, Mỹ, người đã phát triển "thang đo so sánh xã hội về mối quan hệ" và phát hiện những người thường xuyên so sánh ít hài lòng về mối quan hệ, cảm giác cam kết và thân mật thấp.

Qua nhiều năm làm việc, Coleman thấy nhiều người nghĩ rằng họ xứng đáng có một người vợ (chồng) tốt hơn và coi nhẹ những gì bạn đời làm cho mình.

Một số nghiên cứu cho thấy việc so sánh có tác dụng tích cực nếu người đó nghĩ về những thứ mình hơn người khác.

Chìa khóa để thoát khỏi cạm bẫy ghen tỵ là cần phải biết chúng ta không bao giờ có thể hiểu được mối quan hệ của người khác, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Thay vì so sánh bạn đời với người khác, nên cởi mở những điều bạn đang không hài lòng.

Nếu bạn thân so sánh mối quan hệ của họ với của bạn, hãy thành thật với họ rằng không phải lúc nào vợ chồng bạn cũng cơm lành canh ngọt, từ đó có thể giúp họ bình tĩnh, sáng suốt hơn.

Coleman chia sẻ những năm đầu hôn nhân vợ chồng ông cũng tranh cãi triền miên và nhiều lần suýt chia tay. Một người bạn đã liệt kê hàng loạt những vấn đề bất ổn trong gia đình họ và giúp ông nhận ra rằng, bất cứ cặp đôi nào cũng có những trục trặc, không hài lòng về nhau.

Bảo Nhiên (Theo Atlantic)

menu
menu