Liệu sự tiện lợi có khiến cuộc sống chúng ta trở nên khó khăn hơn?
Mọi thứ dường như dễ dàng hơn nhờ công nghệ hiện đại – trừ việc đạt được tiềm năng thực sự của bản thân.
Sự tiện lợi mà cuộc sống hiện đại mang lại quả thực không gì sánh bằng. Khi tôi đang viết những dòng này, chiếc điện thoại trong tay không dây phát những bản nhạc kinh điển từ thế kỷ 18 (Bach, nếu bạn tò mò) đến chiếc loa di động của tôi. Cùng chiếc điện thoại ấy, tôi có thể dễ dàng gọi xe, đặt đồ ăn về tận nhà, hoặc bắt đầu trò chuyện với ai đó qua một ứng dụng hẹn hò. Đối với những người sống ở các thời kỳ trước, công nghệ này hẳn sẽ giống như phép màu mà nhà văn Arthur C. Clarke từng nhắc đến trong “quy luật thứ ba” của ông.
Việc chúng ta – với tư cách một cộng đồng – tìm kiếm và tôn vinh những con đường tắt như vậy là điều dễ hiểu. Chúng giúp cuộc sống bớt nhàm chán, mang đến niềm vui và tiết kiệm thời gian lẫn năng lượng. Thế nhưng, hầu hết mọi người đều mơ hồ nhận ra rằng, sự tiện lợi cũng có một mặt tối.
Trước khi đi sâu vào mặt trái ấy, cần hiểu vì sao sự tiện lợi lại có sức hấp dẫn đến vậy. Chúng ta thường né tránh những việc cần làm để tiến bộ, như nộp thuế, hoàn thành báo cáo sắp đến hạn, hay tham gia một buổi tập thể dục. Đằng sau mỗi kế hoạch tốt đẹp luôn ẩn chứa cảm giác ì trệ khó chịu. Tại sao sự kháng cự này – và khao khát tìm kiếm sự dễ dàng – lại là một phần thiết yếu trong bản năng con người?
Tâm lý học tiến hóa, đặc biệt là khái niệm “sự không tương xứng tiến hóa” (evolutionary mismatch), có thể giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề. Đây là ý niệm cho rằng con người tiến hóa để thích nghi với lối sống săn bắt – hái lượm, nhưng dù hoàn cảnh đã thay đổi sâu sắc, não bộ và cơ thể chúng ta thì không. Bản năng của con người ngày nay thường không ăn khớp với môi trường xung quanh.
Dưới góc nhìn này, việc có chút lười biếng và ưa chuộng những con đường tắt lại hoàn toàn hợp lý. Trong thời săn bắt – hái lượm, thức ăn và năng lượng rất khan hiếm và không ổn định. Tổ tiên chúng ta cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy như thời tiết khắc nghiệt và thú săn mồi. Vì thế, việc tiết kiệm năng lượng là một chiến lược sống còn.
Cảm giác ngần ngại, kháng cự chính là cơ chế tự nhiên giúp cân bằng những hoạt động căng thẳng. Điều này lý giải tại sao chúng ta hay tự hỏi: “Liệu việc này có thực sự cần thiết không? Có nên để dành sức không?” Những người chọn cách ở trong nơi trú ẩn khi bão tuyết đến – thay vì ra ngoài kiếm ăn với cơ hội thành công thấp – có nhiều khả năng sống sót và truyền lại gen của họ. Và bởi vì họ chính là tổ tiên của chúng ta, chúng ta cũng thừa hưởng khuynh hướng ấy.
Illustration: Elia Barbieri/The Guardian
Từ đó đến nay, sự đổi mới đã thay đổi cuộc sống triệt để. Chúng ta đã uốn nắn công nghệ và môi trường để phần nào phục vụ bản năng tiết kiệm năng lượng. Nhưng câu hỏi đặt ra là: ta đánh mất điều gì khi quá ưu tiên sự thoải mái và tiện lợi? Không ai phủ nhận rằng máy giặt, tàu hỏa hay điện thoại đã giải phóng chúng ta để sống sáng tạo và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy sự tiện lợi hiện đại quá mức lại khiến cuộc sống phức tạp hơn, chứ không dễ dàng hơn.
Hãy nhìn vào tỷ lệ gia tăng trầm cảm và lo âu, mà một số người cho rằng có liên quan đến điện thoại thông minh và mạng xã hội. Hay sự bùng nổ của các vấn đề trao đổi chất trong vài thập kỷ qua, phần lớn xuất phát từ lối sống ít vận động và chế độ ăn nhanh giàu calo nhưng nghèo dinh dưỡng. Sự cô đơn cũng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến mức nước Anh phải bổ nhiệm một “bộ trưởng chống cô đơn” từ năm 2018. Có thể lập luận rằng, sự cô đơn như vậy sẽ không xảy ra nếu không có những công nghệ cho phép con người sống tách biệt hơn.
Trong công việc của tôi với tư cách một nhà trị liệu tâm lý, tôi nhận thấy rằng dựa dẫm quá mức vào các cơ chế đối phó có thể khiến vấn đề càng trở nên trầm trọng. Cảm giác an toàn khi ở nhà làm cho việc ra ngoài trở nên đáng sợ hơn. Việc tránh né một cuộc trò chuyện khó chịu với người bạn đời lại khiến cuộc trò chuyện đó càng khó khăn hơn sau này. Lựa chọn ứng dụng hẹn hò thay vì giao tiếp trực tiếp làm suy yếu kỹ năng xã hội của bạn theo thời gian. Cứ mãi chọn con đường tiện lợi khiến chúng ta kém khả năng đối mặt với những khó khăn không thể tránh khỏi.
Từ góc nhìn tiến hóa, một mức độ bất tiện nhất định cũng quan trọng không kém nghỉ ngơi để tồn tại. Tổ tiên chúng ta không chỉ sống sót nhờ lười biếng mà còn nhờ sự liều lĩnh có tính toán, vượt qua đau đớn và nỗ lực để đạt được những điều lớn lao hơn.
Lý tưởng nhất, sự tiện lợi ngày nay nên là công cụ hỗ trợ chúng ta hướng đến các mục tiêu đáng giá như cải thiện sức khỏe, xây dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hay truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ sau. Để đạt được những mục tiêu ấy luôn đòi hỏi ta phải chấp nhận sự bất tiện, và chính những khó khăn này mới rèn giũa và phát triển tính cách con người.
Trong thế giới công nghệ mà chúng ta tạo ra, đôi khi chúng ta cần cố tình đi ngược lại bản năng. Là một cộng đồng, chúng ta phải nhớ – và nhắc nhở thế hệ trẻ – rằng, dù sự tiện lợi mang lại cảm giác thoải mái tức thì, khả năng thích nghi và vượt qua thử thách là một phần di sản tiến hóa và cốt lõi trong hành trình khám phá cuộc sống.
Tác giả: Tiến sĩ Alex Curmi là bác sĩ tâm thần, thực tập sinh trị liệu tâm lý và là người dẫn chương trình podcast The Thinking Mind.
Nguồn: The big idea: is convenience making our lives more difficult? – The Guardian