Lợi Ích Bất Ngờ Của Việc (Hơi Bị) Thần Kinh
Các tác gia thường có khuynh hướng dễ bị trầm cảm hơn so với những người bình thường. Các nhà bác học cũng dễ bị chứng tâm thần phân liệt hơn và những nghệ sĩ thị giác thì rất hay mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Dù là người có tư tưởng vĩ đại nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại, Isaac Newton, theo như những thông tin thu thập được, có hơi bị ấm đầu một chút[i], và còn là một kẻ đáng ghét. Newton nổi tiếng là kẻ nhỏ nhen và hay thù vặt. Ông cũng từng trải qua những thời kỳ làm việc điên cuồng suốt nhiều ngày mà không ăn không ngủ. Về sau này, ông bị trầm cảm nặng, không chịu gặp gỡ hay nói chuyện với bất kỳ ai, và thường có ý định tự sát. Trong những thời điểm đen tối nhất, Newton thường mắc chứng ảo giác và hay nói chuyện với những nhân vật tưởng tượng. Giống kiểu một thằng ku bốn tuổi ấy.
Đương nhiên, Newton không phải là thiên tài bác học điên duy nhất. Nikola Tesla cho ra đời tận hơn 200 phát minh trong suốt đời mình, bao gồm cả nguyên mẫu đầu tiên của động cơ mô tô chuyển hoá điện năng thành cơ năng, chiếc điều khiển từ xa đầu tiên, và góp phần vào việc phát minh ra máy chụp X quang. Ông sáng chế ra nhiều loại thiết bị điện hơn cả Edison, và chính điều này đã xúi giục Edison trở thành một tên khốn toàn tập và luôn cố phá hoại sự nghiệp của Tesla.
Điều được ít người biết đến chính là Tesla cực kỳ bị ám ảnh với bụi bặm và vi trùng và còn bị chứng ám ảnh lạ lùng là phải làm mọi thứ theo bội số của ba. Ông cũng có xu hướng cưỡng bức tâm lý trong việc phải đếm mọi thứ xung quanh mình, như là bao nhiêu xăng-ti-mét khối thức ăn mà ông sẽ ăn vào hay ông sẽ phải đi mấy mét nữa mới tới được nhà xí chẳng hạn. Ông sống nhiều năm trời trong khách sạn mà không trả tiền bao giờ. Ông ấy, cũng giống như Newton vậy, được biết đến là có thị lực kém và mắc chứng ảo giác trong một số thời kỳ sáng tạo thăng hoa nhất.
Tại sao các thiên tài nghệ thuật và khoa học trên thế giới này lại hơi có triệu chứng bị điên như vậy? Rất nhiều người trong số những nhà văn vĩ đại nhất trong 300 năm qua nếu không nốc rượu đến chết thì cũng tự nhét họng súng vào miệng mình[ii]. Và việc các nhạc sĩ bị sốc ma tuý gần như là một câu chuyện quá đỗi quen thuộc với chúng ta. Giời ạ, bạn còn chẳng được xem là một siêu sao nhạc rock nếu như bạn không xài ma tuý quá liều nữa kìa.
Vị triết gia người La Mã cổ đại Seneca từng nói rằng, “Không thể có những thiên tài vĩ đại nếu không có một chút điên rồ[iii].” Bằng trực giác tất cả chúng ta đều hiểu rằng những người được xem là thiên tài thường hơi điên điên chút đỉnh. Chúng ta thừa nhận điều đó, ngay cả khi ta không biết rõ chính xác vì sao.
Phải, các tác gia thường có khuynh hướng dễ bị trầm cảm hơn so với những người bình thường. Tương tự, các nhà bác học cũng dễ bị chứng tâm thần phân liệt hơn và những nghệ sĩ thị giác thì rất hay mắc chứng rối loạn lưỡng cực[iv].
Nhưng tại sao chứng bệnh tâm thần lại có thể thúc đẩy một số người tới tột cùng sáng tạo và khám phá, trong khi với phần đông chúng ta, thì điều này thật tệ. So với người “bình thường” (cứ cho là “bình thường” có tồn tại đi), những người mắc bệnh tâm thần gặp phải nhiều vấn đề mãn tính về sức khoẻ hơn[v], gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ[vi], kiếm được ít tiền hơn[vii], và chết sớm hơn[viii].
Và với mỗi một vị thiên tài kỳ quặc như Newton chẳng hạn, là cái người mà, xen kẽ giữa việc sáng tạo lại toán học hay xây dựng các định luật cơ bản của vật lý, có lẽ đã có những cuộc đối thoại đa chiều và thú vị với cái sofa của bà mẹ ông, bạn cũng có thể thấy là những người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần còn làm những điều khủng khiếp khác – nghĩ về việc gửi bom thư, hay những kẻ cầm đầu giáo phái cuồng tín, hoặc những kẻ xả súng nơi trường học, hoặc tệ hơn cả, một thằng cha như là Alex Jones[ix].
Dù sao thì sức khoẻ tinh thần cũng là một chủ đề khó nhằn. Và tôi cho là tôi đã làm khoảng 8.000 vị độc giả thấy khó chịu chỉ với đoạn mở đầu[x]. Nhưng sự thật là rất nhiều thứ mà chúng ta cho là lành mạnh và không lành mạnh, bình thường và không bình thường, đều phụ thuộc vào nền văn hoá và thời đại chúng ta đang sống.
Thực ra, trong giới tâm thần học, khái niệm về sức khoẻ và bệnh tật thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lúc nào họ cũng tranh luận về việc định nghĩa các chứng bệnh như là ADHD (Attention-defecit hyperactive disorder – Rối loạn tăng động giảm chú ý), tâm thần phân liệt, và rối loạn lưỡng cực. Nhiều thế kỷ trước, khi mà chứng trầm cảm được gọi là “u sầu,” người ta tin rằng đó là do sự thiếu cân bằng chất lưu trong cơ thể được gọi là “hài hước.” Đồng tính luyến ái từng bị xem là một chứng rối loạn tâm thần cho tới tận năm 1986[xi].
Ngay cả trong câu nói của Seneca mà tôi đề cập ở trên, từ Latin cho “chứng điên” từng được sử dụng khác xa so với những gì nó được dịch ra ngày nay. Đối với người La Mã cổ đại, nó mang hàm nghĩa về cảm hứng hay khai trí nhiều hơn, và vì vậy nó là điều gì đó đáng để mong đợi.
Một trong những lý do khiến cho rối loạn tâm thần thường rất khó xác định là vì nhiều đặc tính của chúng, theo một nghĩa nào đó, đều là những phiên bản cực đoan của những nét “bình thường” có trong mỗi chúng ta.
Ví dụ như, tất cả chúng ta đều có thể hơi bị ám ảnh vào lúc này hay lúc khác và làm những điều ngu ngốc mà bình thường ta sẽ không làm. Có thể là đồ dùng nhà bếp của bạn cần phải sắp xếp lại nếu không thì bạn sẽ phát hoảng lên với cái ý nghĩ rằng không khéo cả ngôi nhà này sẽ nổ tung mất. Bạn không bị chứng ám ảnh cưỡng chế, như mọi người vẫn thường trêu bạn, nhưng bạn cứ bị ám mãi với việc một số thứ cần phải “theo đúng trật tự” thì bạn mới thấy thoải mái và an ổn được. Tôi nghĩ là hầu hết mọi người đều có những dấu hiệu này trong trong đời mình, vấn đề chỉ là ở mức độ nào thôi[xii].
Việc lo lắng có thể cũng là một điều tốt. Nó có nghĩa là có lẽ chúng ta nên chú ý tới bất cứ điều gì khiến ta lo lắng và thực hiện hành động. Nhưng hầu hết chúng ta đều có những mặt trong cuộc sống, mà tại đó ta suy nghĩ và lo lắng quá nhiều. Tôi có một người bạn thời học đại học từng nôn mửa trước khi cô ấy phải đứng lên thuyết trình trên lớp. Trong nhiều năm, tôi phải vật lộn với cái chứng sợ xã hội không được bình thường cho lắm trong những bối cảnh xã hội cụ thể. Nhưng hoá ra những điều này là bình thường một cách đáng ngạc nhiên.
Hoặc là bạn đã bao giờ bạn đinh ninh rằng có ai đó đang gọi tên mình, nhưng khi bạn nhìn quanh thì không có ai ở trong phòng hết cả? Hay là bạn nghĩ rằng bạn nhìn thấy có thứ gì đó vừa chạy vụt qua khoé mắt bạn, nhưng rồi bạn quay đầu lại và chẳng thấy gì hết? Vâng, tất cả chúng ta đều từng trải qua những chuyện như thế. Nhân loại có cái khả năng vô biên trong việc tưởng tượng ra những thứ không thật. Đó là một phần của bộ não con người và đôi khi chúng ta làm điều đó mà không nhận ra ta đang làm gì mà thôi.
Nhưng với đại đa số chúng ta, thật dễ dàng nhận ra khi nào thì cái đầu óc dễ thương của ta xách ba lô đi chơi dã ngoại và ta có thể nhanh chóng quay về với thực tế. Tuy nhiên, những người bị mắc các chứng tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn trong việc phân biệt “thế giới thực” với trí tưởng tượng của họ[xiii]. Những người bị chứng rối loạn lo âu nói chung quá mất mất tinh thần trước mối lo của họ nên không thể thu xếp cuộc sống hiệu quả. Những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng cũng luôn sống trong tình trạng không thể kiểm soát tâm trí và hành vi của mình.
Nên vấn đề ở đây là, tất cả chúng ta đều hơi bị thần kinh, theo cách của riêng mình. Đó chỉ là các mức độ khác nhau của hành vi con người, và những người với chứng “bệnh tâm thần” (trích dẫn có chủ ý, bởi vì cái thứ vớ vỉn này luôn mang tính chủ quan và luôn thay đổi) thường nằm trong mức độ cực đoan của hành vi con người.
Khả năng tinh thần của chúng ta cũng giống như là năng lực thể thao hay chiều cao vậy. Hầu hết chúng ta đều tập trung quanh một chiều cao trung bình, nhưng có những người ở mức cực đoan – một số người là chú lùn còn một số khác là gã khổng lồ. Và cũng như việc những người lùn và những người khổng lồ trải nghiệm thế giới này khác xa so với những người cao trung bình khác, những người ở thái cực khác thường nhìn thế giới khác hẳn so với phần đông những người bình thường và do đó cũng trải nghiệm về nó khác đi.
Và những thái cực đó, mặc dù thường là tiêu cực, cũng là những thái cực dẫn đến sự bùng nổ của sự sáng tạo và thiên tài. Và câu hỏi được đặt ra ở đây không phải là ta thoát khỏi chúng như thế nào, mà là ta kiểm soát chúng như thế nào.
Ảnh: Alex Plesovskich.
Bạn bè thân thiết và người nhà thường miêu tả Kurt Cobain là một người rất ghét bị làm cho mất mặt. Có thể anh luôn thể hiện cái tính bất cần của siêu sao nhạc rock, ra vẻ như anh éo thèm quan tâm, nhưng thật ra, anh lại quá đỗi bấn loạn với suy nghĩ của mọi người tới mức có dấu hiệu lo lắng quá độ và trầm cảm[xiv].
Nhưng vẫn những con người ấy sẽ nói với bạn rằng anh là một cỗ máy trong các buổi diễn tập và trong phòng thu. Cobain bị ám ảnh với việc mài dũa tài năng của mình với tư cách là một nghệ sĩ. Nirvana từng có những buổi diễn tập kéo dài tận 15 tiếng đồng hồ trước khi thu album Nevermind. Điều này khiến cho anh trở thành nghệ sĩ tiên phong vĩ đại nhất trong lịch sử nhạc rock kể từ sau The Beatle. Nó cuối cùng cũng dẫn anh tới kết cục nhét họng súng vào mồm rồi bóp cò.
Temple Grandin đã cách mạng hoá ngành chăn nuôi gia súc ở Bắc Mỹ và ngày nay được ghi nhận vì đã mang tới bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong việc đối xử nhân đạo mà vẫn thiết thực đối với bầy gia súc. Nếu như mà bạn ăn thịt, thì rất có thể là Temple Grandin có liên quan đến việc làm thế nào mà cái mẩu thịt thơm ngon bổ dưỡng lại nằm trên chiếc đĩa của bạn đấy.
Bà cũng là một người mắc chứng tự kỷ. Chứng bệnh tự kỷ khiến bà “suy nghĩ bằng hình ảnh,” và rốt cục, đó lại là năng khiếu của bà – hay ít nhất thì thì người khác cũng nghĩ như vậy.
Mọi người cho rằng mặc dù bà có khuyết tật, thì bà cũng vượt qua khiếm khuyết của mình và biến nó thành một lợi thế lớn. Họ tin rằng năng lực trời cho của Gradin là việc bỏ qua sự phản đối của người khác khi chúng vi phạm các quy tắc của bà. Nhưng – và điều này mới thực quan trọng – không phải là bà không quan tâm tới việc người khác nghĩ gì, mà là bà không biết làm sao để bận tâm tới suy nghĩ của người khác. Mặt hạn chế cũng chính là tài sản quý giá nhất của bà.
Grandin đâu có khắc phục được hạn chế của mình, bà tha nó theo mình, như là một con la kéo theo cái cày trên cánh đồng, từng bước ì ạch làm vỡ lớp đất mặt sau lưng bà nhằm xây dựng những gì mà bà chỉ có thể nhìn thấy trước mắt mình. Và bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm như vậy.
Nếu như ta cho rằng bản chất của sự cực đoan là sự rủi ro lớn và cả phần thưởng lớn, thì có lẽ “bệnh tâm thần” là một trong những cách thức tự nhiên của việc thực hiện một vụ đánh cược mạo hiểm và hi vọng rằng nó sẽ mang lại thắng lợi.
Giống như là Mẹ Thiên nhiên thi thoảng lại nhảy chân sáo tiến vào sòng bạc và nhào đến bàn cò quay roulette và đặt toàn bộ số tiền có trong tay vào số 00. Nếu như bà thắng, phần thưởng sẽ rất lớn (với một người như là Issac Newton, trớ trêu thay, lại không bao giờ lập gia đình và có con, nhưng lại góp phần vào việc cải thiện khả năng sinh sản của nhân loại của những thế kỷ sau thời đại ông sống). Nhưng nếu như bà ấy ra về tay trắng, thì kết cục của bà sẽ là không một xu dính túi và lén lút lẻn vào vào bữa tiệc buffet ăn-tất-cả-những-gì-có-thể mà không bị phát giác.
Nhưng vẫn còn có một góc độ tiến hoá khác: và đó là một số xu hướng bệnh tâm thần, trong những tình huống nhất định, có thể có lợi cho các bộ lạc sống du cư của tổ tiên chúng ta.
Một kẻ thái nhân cách đương nhiên là một mối nguy hiểm lớn, đặc biệt là đối với những người đến gần anh ta, nhưng những đặc tính bệnh tâm thần của anh ta có thể khiến anh ta trở thành một nhà lãnh đạo khôn ngoan, ngay cả khi anh ta là một kẻ tàn nhẫn đi chăng nữa. Nếu trên thực tế một bộ lạc cần đến một nhà lãnh đạo khôn ngoan, tàn nhẫn để dẫn dắt họ chinh phục những môi trường không thể đoán trước được và không ổn định, thì kẻ thái nhân cách có lẽ là lựa chọn tốt nhất của họ[xv].
Một thành viên bị chứng rối loạn nhân cách schizotypal trong bộ lạc có thể bị ảo tưởng, nhưng anh ta cũng có thể là cái nôi của những ý tưởng táo bạo mà cuối cùng lại mang tới điều tốt đẹp cho mọi người. Có thể anh ta hoang tưởng về một bụi cây bốc cháy nói với anh ta rằng cần phải tập hợp mọi người lại và đưa họ tới một vùng đất khác phì nhiêu hơn. Có thể anh ta hoang tưởng về 10 điều răn và khắc chúng lên phiến đá và tuyên bố rằng anh ta và các bạn bè mình là những người được Chúa chọn lựa. Có thể rốt cuộc điều này lại là khởi đầu của tất cả những thứ tôn giáo liên quan tới Abraham và phần lớn nền văn minh phương Tây cũng nên.
Ngược đời ở chỗ, cùng những điều khiến những chứng rối loạn này nằm ngoài nhóm gen cũng là những gì giữ chúng trong đó. Hạn chế lớn nhất của chúng cũng là lợi thế lớn nhất. Và cùng những điểm cực đoan gây trở ngại cho các cá nhân cũng có thể mang tới "một thoáng điên rồ" cho thiên tài và sự sáng tạo. Và, theo nhiều cách khác nhau, tất cả chúng ta đều hưởng lợi từ đó[xvi].
Xã hội hiện đại cũng không có gì khác biệt. Chúng ta cần tới những con người điềm tĩnh, “nhàm chán” để tạo nên những ngành nghề ổn định và nhàm chán mà chúng ta phụ thuộc vào mỗi ngày, như là các công ty điện nước và các cửa hàng tạp hoá. Và chúng ta cần tới rất nhiều những người như vậy. Bởi vì họ tạo ra xương sống của nền văn mình.
Nhưng cũng giống như các bộ lạc tổ tiên của chúng ta, xã hội hiện đại cũng cần tới cả những kẻ bất thường và lập dị. Nhân loại cần tới nguồn đổi mới để mạo hiểm cũng nhiều như chúng ta cần tới sự ổn định để duy trì cuộc sống hàng ngày.
Có lẽ chứng mẫn cảm với lo âu gây ra những cơn hoảng loạn cho cô đồng nghiệp của bạn cũng chính là sự đa sầu đa cảm đã thôi thúc cô cầm bút viết nên một cuốn tiểu thuyết hay một bài thơ tuyệt vời.
Có thể cái thằng cha đáng ghét thần kinh không ổn định giữ chức vụ CEO của công ty bạn rất tài tình trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh một cách chính xác bởi vì anh ta là một kẻ điên loạn thần kinh. Anh ta chỉ nhìn thấy con số, chứ không phải con người. Và lạ lùng thay, tất cả các bạn đều có được lợi ích về mặt tài chính nhờ vào cái bản tính vô cảm của hắn.
Có thể thằng nhóc mắc bệnh tự kỷ trong lớp học toán của bạn sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng trong ngành vật lý lượng tử và giành giải Nobel vào một ngày nào đó. Vì thế làm ơn đừng có trấn lột tiền ăn trưa của nó nữa, đồ khốn ạ.
Nguy cơ vốn có của việc sống ở ngưỡng của giới hạn của con người là điều đã thúc đẩy những ý tưởng mới và, cuối cùng là, tiến bộ. Chúng ta cần tới những con người không chỉ có khả năng sáng tạo để nhìn thế giới theo những cách thức mới thôi đâu, mà còn phải có cả sự ảo tưởng và điên rồ để tin rằng những ý tưởng của họ không hề hoang tưởng hay điên cuồng. Như là nhà sáng lập nổi tiếng của Apple từng nói rằng, “Bởi vì chỉ những kẻ đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới mới chính là những người làm được điều đó.”
Tôi từng viết nhiều năm trước đây rằng bài học lớn nhất đến từ chuyến chu du vòng quanh thế giới kéo dài 5 năm của tôi là, “Điều tốt đẹp nhất về một đất nước cũng là điều tồi tệ nhất.”
Ô, tôi nghĩ là điều này có thể cũng đúng với cả con người nữa. Sau nhiều năm tôi học được rằng đầu óc tôi có khuynh hướng thấy buồn chán một cách nhanh chóng và luôn cần đến một sự kích thích mới, và có lẽ đấy chính là động lực cho sự sáng tạo của tôi khi cầm bút[xvii]. Cơn ám ảnh của vợ tôi về chi tiết (và trình độ đáng sợ của cô ấy về tính sạch sẽ) cũng là điều khiến cô ấy trở thành một nhà thiết kế và nghệ sĩ tài năng. Việc cô ấy nhìn ra những lỗi nhỏ xíu đã tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Việc bạn tôi sốt sắng đặt câu hỏi về mọi điều mà mọi người thực hiện hay tin tưởng đến mức gần như là thần kinh đã khiến cho cậu ấy trở thành một nhà tâm lý học giỏi. Tính cách kỳ quặc và sự vụng về trong giao tiếp xã hội của một người bạn khác cũng chính là điều khiến anh ấy sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn trong kinh doanh mà đôi khi mang tới những thành quả lớn lao.
Các ví dụ như trên có thể kéo dài vô tận. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đôi khi điên một chút cũng rất có lợi. Vấn đề nằm ở chỗ ta cần định hướng sự điên rồ ấy vào những hướng đi đúng.
Và bởi vì tất cả chúng ta đều có hơi điên điên chút đỉnh, nên nhận thức của chúng ta về cái sự kỳ cục của mình và cả các khuynh hướng sẽ dẫn tới những hệ quả thực tế trong cuộc đời ta. Hãy tìm hiểu về đầu óc bạn. Tìm hiểu về những thói tật của nó. Nó khác biệt so với những người khác ra sao? Nó tương đồng với những người như khác như thế nào?
Sức khoẻ tinh thần, trong phần lớn các trường hợp, do đó không phải là câu hỏi về việc “chữa trị” hay “khắc phục” con người, mà là việc nhận thức được thế mạnh mà một bộ óc cực đoan mang lại, đồng thời học cách đối phó với những nhược điểm của nó.
Nhiều người cảm thấy xấu hổ trước cái cách mà đầu óc họ vận hành. Họ quá nhạy cảm, là những gì họ vẫn thường được nghe. Hoặc là họ quá trầm tính và hướng nội. Hoặc là họ dành quá nhiều thời gian cho những cuốn tiểu thuyết viễn tưởng và việc vẽ tranh. Hoặc là họ quá khó tính và ám ảnh về vẻ diện mạo của mình, hay quá dễ kích động và buồn vui thất thường, hay là gì đi chăng nữa.
Câu trả lời của tôi trước điều này là: Hãy chấp nhận nó. Như bất kỳ một bộ phận nào khác trên cơ thể bạn, tâm trí bạn là một món hàng được đóng gói sẵn với những lợi thế và bất lợi của riêng nó. Hãy tìm hiểu về chúng và tận dụng chúng. Và giải pháp ở đây không phải là thông qua sự tuân thủ mù quang hay che giấu khí chất của bạn. Mà là nhờ vào việc chấp nhận chúng và rồi bộc lộ chúng.
Ghi chú
[i] Nếu mà bạn nghi ngờ tính đáng tin cậy của nhận xét này, bạn có thể tham khảo ở đây.
[ii] Người đoạt giải nhất về nỗ lực tự tử táo bạo và ấn tượng nhất phải kể đến thiên tài văn học Virginia Woolf: bà nhét đầy những hòn đá lớn và nặng vào hai chiếc túi của mình, rồi đi xuống lòng hồ, không bao giờ nổi lên nữa.
[iii] Câu này có thể là của Aristotle, nhưng chúng ta cứ tạm coi là của cụ Seneca đi.
[iv] Hoặc là sự kết hợp của tất cả những triệu chứng này. Đọc thêm: Kyaga, S., Landén, M., Boman, M., Hultman, C. M., La angström, N., & Lichtenstein, P. (2013). Mental illness, suicide and creativity: 40-year prospective total population study. Journal of Psychiatric Research, 47(1), 83–90.
[v] Jones, D. R., et al. (2004). Prevalence, Severity, and Co-occurrence of Chronic Physical Health Problems of Persons With Serious Mental Illness. Psychiatric Services, 55(11), 1250–1257.
[vi] Couture, S., & Penn, D. (2003). Interpersonal contact and the stigma of mental illness: A review of the literature. Journal of Mental Health, 12(3), 291–305.
[vii] Levinson, D., et al. (2010). Associations of serious mental illness with earnings: results from the WHO World Mental Health surveys. The British Journal of Psychiatry, 197(2), 114–121.
[viii] Wahlbeck, K., Westman, J., Nordentoft, M., Gissler, M., & Laursen, T. M. (2011). Outcomes of Nordic mental health systems: life expectancy of patients with mental disorders. The British Journal of Psychiatry, 199(6), 453–458.
[ix] Alex Jones cũng đến từ Austin, Texas và tôi và anh trai đã thấy ông ta trên kênh truyền hình Austin Public Access hồi chúng tôi còn đi học. Hồi đó, ông ta đã quá cường điệu về việc làm sao mà hãng APD (Air Products and Chemicals, Inc.) lại sử dụng những chiếc máy bay trực thăng màu đen giảm thanh và bắt cóc các công dân để làm thí nghiệm thuốc. Ông ta cũng tin rằng Bill Clinton sẽ điều động quân đội để xâm lược Texas. Chẳng có gì thay đổi ngoại trừ diễn đàn của ông ta, mà đội ơn internet, số lượng thành viên đã tăng lên khoảng 5000 lần. Và giờ thì ông ta không chỉ là nhân vật nổi tiếng nhất của giới truyền thông thuộc phe cực hữu, mà ông ta cũng nhận được sự khen ngợi và quan tâm của Trump và những người thuộc chính quyền của ông Trump kia nữa. Sao mà cái thế giới này lại thành ra điên quá vậy?
[x] Nếu như bạn khó chịu với cái lối sử dụng từ ngữ thông tục của tôi với những “điên” hay “mát” hay “rồ,” thì, xin mời bạn ăn xôi xéo. Chứng bệnh tâm thần không thể được khắc phục bằng cách chiều chuộng và bao bọc cảm xúc của mọi người, cách thức khắc phục phải là việc bình thường hoá thông qua sự trao đổi cởi mở và tinh thần hài hước.
[xi] Facts About Homosexuality and Mental Health.
[xii] Tôi không biết đến điều này cho tới khi tôi sống với vợ mình, nhưng tôi rất khó chịu về việc mọi người di chuyển đồ của tôi. Dĩ nhiên chuyện này thật vô nghĩa, nhưng chỉ mỗi một việc nhỏ như là con vợ tôi nó nhặt cái áo khoác mà tôi vứt ở phòng khách lên rồi treo vào mắc áo thôi cũng khiến cho tôi phát điên lên được ấy.
[xiii] NIMH. Schizophrenia.
[xiv] Như là một quy luật chung, những người mà cố gấng chứng tỏ rằng họ ít bận tâm tới việc người khác nghĩ gì bao nhiêu thực ra lại là những người bận tâm nhiều nhất.
[xv] Ví dụ, các vị GĐ điều hành thường có khuynh hướng bị chứng thái nhân cách hơn hẳn những người không nắm giữ vị trí này. Đọc thêm: Brooks, N., & Fritzon, K. (2016). Psychopathic personality characteristics amongst high functioning populations. Crime Psychology Review, 2(1), 22–44
[xvi] Làm ơn, hãy vì tình yêu của Moses, đừng có mà bắt đầu cuộc tranh luận chọn lựa nhóm. Đừng có mờ gửi thư cho tôi về cái thứ nhảm nhít ấy nhá. Tôi đếch quan tâm đâu. Tôi chỉ đưa ra những giả thuyết khả thi mà thôi. Giống như là bệnh hồng cầu lưỡi liềm có thể mang lại lợi ích trong một số trường hợp, bệnh tâm thần cũng có thể mang lại lợi thế trong một số trường hợp nhất định và có tính lan truyền trong cả bộ lạc/cộng đồng.
[xvii] Buồn cười là cũng cùng một xu hướng sáng tạo và mạo hiểm ấy đã khiến tôi xơi toàn điểm kém hồi còn cắp sách đến trường.
Dịch: December Child
Nguồn: https://markmanson.net/benefits-of-being-slightly-crazy