Lý do bất ngờ khiến các cuộc chia tay trở nên "độc hại"

ly-do-bat-ngo-khien-cac-cuoc-chia-tay-tro-nen-doc-hai

Niềm tin mãnh liệt về tình yêu có thể kéo theo những rủi ro tiềm ẩn.

Điểm chính:

  • Xung đột là điều khó tránh khỏi trong một mối quan hệ tình cảm lâu dài.
  • Việc tin rằng một mối quan hệ hoặc là định mệnh hoặc là không thể thường dẫn đến những cuộc chia tay tồi tệ.
  • Cách tiếp cận lành mạnh hơn là giảm bớt niềm tin vào số phận và tập trung vào sự phát triển cá nhân, cùng với việc giải quyết vấn đề.

Bạn đã bao giờ bất ngờ khi thấy một cặp đôi "đẹp như mơ" mà bạn ngưỡng mộ lại chia tay không? Và còn sốc hơn khi thấy cuộc chia tay đó cay đắng đến mức nào? Hay có thể chính bạn đã từng trải qua một cuộc tình mà cái kết của nó thậm chí còn cay cú hơn cả dự đoán. Theo các nhà nghiên cứu, có một lý do rất bất ngờ ẩn sau nhiều cuộc chia tay "cay đắng" đến vậy: niềm tin vào định mệnh tình yêu. Khi bạn tin vào định mệnh trong tình yêu, bạn thường dồn toàn bộ sự chú ý vào việc đánh giá liệu mối quan hệ đó có phải là định mệnh hay không (Knee và cộng sự, 2001).

Nghe có vẻ lãng mạn nhỉ, nhưng nếu cứ nhìn mọi thứ qua lăng kính định mệnh thì dễ khiến bạn bước vào "con đường đầy chông gai". Điều này không chỉ tạo áp lực khủng khiếp cho cả hai mà còn có thể biến những cuộc chia tay thành chiến trường đầy oán hận.

Mặt Trái Của "Định Mệnh"

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng niềm tin vào định mệnh có thể "đầu độc" một mối quan hệ lãng mạn. Khi bạn và người yêu gặp phải sóng gió, nếu bạn đặt quá nhiều niềm tin vào định mệnh, khả năng chia tay sẽ cao hơn hẳn.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, những cặp đôi tin vào định mệnh thường dễ trở nên thù địch với nhau khi mối quan hệ không đáp ứng được kỳ vọng. Điều này dẫn đến những cuộc chia tay đầy cay đắng. Thêm vào đó, niềm tin vào định mệnh khiến người ta ít sẵn lòng tha thứ hơn, nhất là khi họ cảm thấy thiếu an toàn trong tình yêu. Và đương nhiên, khả năng "bốc hơi" (ghosting) cũng cao hơn.

Image credit: Alia Penner

Tại sao niềm tin vào định mệnh lại có hại?

Có nhiều cách giải thích cho những mặt trái của việc tin vào định mệnh trong tình yêu:

Sợ hãi trước ý nghĩa của mâu thuẫn

Khi hai người xảy ra bất đồng, niềm tin vào định mệnh có thể khiến bạn khuếch đại ý nghĩa của cuộc xung đột. Có lẽ mâu thuẫn đó là dấu hiệu rằng người này không phải là "đúng người" của bạn. Bạn có thể nhìn một xích mích nhỏ không phải là một vấn đề cần cùng nhau giải quyết, mà là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ này "không phải là định mệnh." Theo nghiên cứu của Knee và các đồng nghiệp năm 2001, những suy diễn này có thể dẫn đến những phán xét mạnh mẽ và gay gắt hơn về đối phương.

Gạt phăng người kia

Niềm tin vào định mệnh cũng có "mặt tối" của nó: Nó chứa đựng khả năng rằng bạn và người ấy không phải là dành cho nhau. Khi không còn cảm giác "định mệnh" gắn kết nữa, việc từ bỏ đối phương, thậm chí là "bốc hơi" (ghosting), bỗng trở nên dễ dàng hơn. Nếu tình yêu không nằm trong những lá bài sẵn có của bạn, thì tại sao phải ở lại và cố gắng giải quyết vấn đề?

Cảm giác mất mát sâu sắc hơn

Ngược lại, khi một mối quan hệ tưởng chừng như "định mệnh" tan vỡ, bạn có thể cảm thấy mất mát sâu sắc hơn nhiều, bởi bạn đã từng tin rằng mình đã tìm thấy "người ấy." Việc đánh mất một người bạn từng coi là tri kỷ có thể mang đến một cảm giác vỡ mộng nặng nề, giống như giấc mơ vỡ tan thành từng mảnh.

Oán giận người yêu cũ

Cảm giác mất mát sâu sắc này có thể khiến một số người trở nên giận dữ, tin rằng mối tình định mệnh lẽ ra đã kéo dài cả đời nếu không vì người kia đã "làm hỏng" mọi thứ. Họ thậm chí có thể cảm thấy như mình bị lừa, rằng người ấy đã đóng vai một ai đó mà không phải là chính mình.

Vậy đó, tin vào định mệnh trong tình yêu nghe có vẻ lãng mạn, nhưng nếu không cẩn thận, bạn có thể dễ dàng rơi vào hố sâu của sự oán giận và tổn thương, chỉ vì cái niềm tin ấy không phản ánh thực tế phức tạp của tình yêu.

Tại sao niềm tin vào định mệnh lại phổ biến đến vậy?

Mặc dù niềm tin vào định mệnh mang theo nhiều vấn đề, nhưng cũng dễ hiểu khi chúng ta muốn tin rằng mình sinh ra để ở bên người ấy—đặc biệt là khi bạn đang nghĩ đến chuyện hôn nhân. Cam kết dành cả vài chục năm cuộc đời cho một người khác là điều chứa đầy rủi ro. Bạn sẽ dành vô số thời gian bên nhau, chia sẻ tài khoản ngân hàng, ngôi nhà, có thể là cả con cái. Nhưng nếu bạn chọn sai người thì sao? Nhiều người trong chúng ta tìm thấy sự an ủi trong việc tin rằng mình và người kia là "định mệnh."

Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác lo lắng của mình trước đám cưới hơn 27 năm trước. Bất chợt, tôi cảm nhận được sức nặng của những gì mình sắp làm, khi buổi lễ chuẩn bị bắt đầu. Có phải tôi đang phạm một sai lầm khủng khiếp không? Tôi rất yêu vợ mình, nhưng làm sao tôi có thể tin tưởng vào cái bản thân tuổi đôi mươi của mình để đưa ra một quyết định sẽ định hình cả cuộc đời? Để tự trấn an, tôi bắt đầu nghĩ đến những sự trùng hợp kỳ lạ mà tôi xem như là điềm báo rằng tình yêu của chúng tôi là "định mệnh."

Một Lựa Chọn Khác Thay Vì Tin Vào Định Mệnh

Dù lúc đầu mọi thứ có vẻ hoàn hảo thế nào khi bạn và người ấy bắt đầu hành trình chung, sớm muộn gì mối quan hệ cũng sẽ gặp khó khăn. Sẽ có lúc bạn tự hỏi: "Mình đã nghĩ gì khi quyết định ở bên người này?" Và thật bàng hoàng, đau lòng khi nhận ra rằng có thể bạn đã hiểu sai "dấu hiệu"—có khi hai người không phải là "định mệnh" của nhau.

Nhưng xung đột trong một mối quan hệ cũng giống như cơn đau trong cơ thể—là dấu hiệu không thể tránh khỏi của sự sống. Ngay cả một mối quan hệ lành mạnh cũng có những lúc khó khăn và đau đớn. Không dễ chút nào để sống cùng một người khác ngày qua ngày, dù cho cả hai có hợp nhau đến đâu.

Dù mọi người xung quanh có cho rằng bạn dễ chịu thế nào đi nữa, chắc chắn sẽ có lúc bạn khiến người yêu của mình phát điên. Các bạn sẽ tranh cãi, có lẽ là về chuyện tiền bạc, tình dục, gia đình hai bên, việc nhà, hay chuyện nuôi dạy con cái. Hai bạn sẽ đóng vai chính trong vở kịch muôn thuở của các cặp đôi, và điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng cá nhân, vô cùng riêng tư.

Cách duy nhất để giải quyết những vấn đề có thể khiến các cặp đôi rạn nứt chính là chấp nhận chúng như một phần tất yếu của mối quan hệ. Đừng đặt cược tình yêu của bạn vào định mệnh mà hãy đặt niềm tin vào khả năng phát triển—rằng bạn và người ấy có thể cùng nhau đối mặt và giải quyết những khó khăn khi chúng xuất hiện (Knee, 2022). (Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mọi cặp đôi đều nên ở lại với nhau; có những khác biệt không thể hòa giải và không ai xứng đáng phải ở trong một mối quan hệ độc hại.)

Sẽ có những lúc bạn nói những lời làm tổn thương nhau. Sẽ có những khoảnh khắc cả hai cảm thấy cô đơn trong nỗi đau của mình. Bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể nhỏ nhen hơn và ít rộng lượng hơn mình tưởng. Bạn sẽ trân trọng người ấy theo cách bạn biết ơn không khí—có lúc sâu sắc, có lúc lại chẳng nghĩ ngợi gì. Và bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, người biết rõ những mặt xấu nhất của bạn vẫn chọn ở lại bên bạn suốt cuộc đời.

Thú thật, tôi vẫn tin rằng định mệnh đã đưa vợ chồng tôi đến với nhau; tôi không có lời giải thích nào hợp lý hơn cho một mối quan hệ mà tôi cảm thấy như trở về nhà. Nhưng tôi không còn nghĩ rằng định mệnh sẽ quyết định liệu chúng tôi có ở bên nhau mãi mãi hay không.

Sức khỏe lâu dài của một mối quan hệ phụ thuộc ít hơn vào một hành động vô hình của số phận, mà nhiều hơn vào sự sẵn sàng lắng nghe và nói thật lòng của chúng ta. Định mệnh có thể đã mở ra cơ hội cho tình yêu, nhưng bạn chính là người quyết định sẽ làm gì với cơ hội đó.

Tham khảo

Finkel, E. J., Burnette, J. L., & Scissors, L. E. (2007). Vengefully ever after: Destiny beliefs, state attachment anxiety, and forgiveness. Journal of Personality and Social Psychology, 92, 871–886.

Freedman, G., Powell, D. N., Le, B., & Williams, K. D. (2019). Ghosting and destiny: Implicit theories of relationships predict beliefs about ghosting. Journal of Social and Personal Relationships, 36, 905–924.

Knee, C. R., Nanayakkara, A., Vietor, N. A., Neighbors, C., & Patrick, H. (2001). Implicit theories of relationships: Who cares if romantic partners are less than ideal? Personality and Social Psychology Bulletin, 27, 808–819.

Knee, C. R., & Petty, K. N. (2013). Implicit theories of relationships: Destiny and growth beliefs. The Oxford Handbook of Close Relationships, 183–198.

Nguồn: The Surprising Reason Why Breakups Can Turn Nasty | Psychology Today

menu
menu