Mặt tối của Trí tuệ cảm xúc – Làm thế nào để biết được ai đó đang sử dụng trí tuệ cảm xúc để thao túng bạn?
Trong khi trí tuệ cảm xúc thường được khen ngợi bởi những khía cạnh tích cực của nó, chúng ta vẫn cần thừa nhận rằng trí tuệ cảm xúc cũng có cả mặt tiêu cực.
Trí tuệ cảm xúc (EI) là một tập hợp các trí thông minh xã hội liên quan đến khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân và của người khác, phân biệt, sử dụng các thông tin này để điều chỉnh hành vi và suy nghĩ của chúng ta (Theo Goleman, 1996).
Nhiều bài nghiên cứu khoa học đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về tầm quan trọng của EI trong các lĩnh vực đời sống khác nhau bao gồm trong công việc, sức khỏe cá nhân và trong những mối quan hệ.
Cụ thể, EI đã cho thấy mối tương quan tích cực với sự hài lòng trong công việc, sức khỏe chủ quan (cả về thể chất lẫn tinh thần) và các mức độ hỗ trợ xã hội là một chỉ số về khả năng thích ứng tâm lý tổng thể (Theo Sanchez-Alvarez và cộng sự, 2016; Cobos-Sanchez và cộng sự, 2020).
Theo giả thuyết của Goleman, có bốn thuộc tính thường dùng để định nghĩa EI:
- Tự nhận thức bản thân: Là khả năng nhận ra cảm xúc của riêng chúng ta và tác động chúng lên người khác.
- Tự kiểm soát bản thân: Là khả năng điều hòa cảm xúc và các phản ứng bốc đồng, thích ứng linh hoạt với những thay đổi theo từng hoàn cảnh.
- Nhận thức xã hội: Là khả năng thấu hiểu và cảm thông với những cảm xúc của người khác.
- Quản lý mối quan hệ: một tập hợp các kỹ năng xã hội bao gồm ảnh hưởng tích cực, làm việc nhóm, giao tiếp rõ ràng và quản trị xung đột.
Mặt Tối Của Trí Tuệ Cảm Xúc
Mặc dù EI đã được chứng minh là có thể dự đoán nhiều kết quả tích cực khác nhau, nó vẫn có một mặt tối đằng sau mà chúng ta thường hay bỏ qua, đó là mặt mà kỹ năng này có thể có các tác động gây hại đối với một người và những người mà họ tương tác (Theo Davis và Nichols, 2016).
Thao túng cảm xúc
Bằng chứng mới đây cho thấy khi con người ta trau dồi các kỹ năng cảm xúc, họ cũng có thể trở thành một kẻ dễ dàng thao túng cảm xúc người khác (Theo Grant, 2014).
Thật vậy, “khi chúng ta kiểm soát được cảm xúc bản thân, chúng ta cũng có thể che đậy cảm xúc thật của chính mình. Khi chúng ta có khả năng nhận biết được cảm xúc của người khác, chúng ta có thể lôi kéo tình cảm của họ và thúc đẩy họ làm những việc mà đôi khi không phải lúc nào cũng có lợi cho họ.”
Đây chính là mặt tối của EI: sử dụng kiến thức về cảm xúc của mình để đạt được các mục tiêu nhằm phục vụ cho bản thân một cách có chiến lược.
Trong cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Cambridge, khi một nhà lãnh đạo phát biểu một bài diễn thuyết truyền cảm hứng đầy xúc động, người nghe sẽ ít có khả năng xem xét kỹ lưỡng phần nội dung của nó.
Có vẻ như thông qua EI, mọi người có thể tạo ra những ấn tượng tích cực về bản thân, thể hiện cảm xúc một cách có chiến lược và làm giảm khả năng tư duy phản biện của người khác (Theo Grant, 2014).
Mối liên hệ giữa EI và khả năng thao túng đã được các cuộc nghiên cứu khác khám phá sâu hơn, họ phát hiện ra rằng những người có “Tính dễ chịu” trong the Big Five Trait thấp (tạm dịch: Năm Đặc Điểm Tính Cách Lớn) (tức là tính hợp tác, dễ tính, khoan dung và vị tha) thì có nhiều khả năng sử dụng các kỹ năng EI với mục đích thao túng nhiều hơn (Theo O'Connor và Athota, 2013).
Bộ ba đen tối
Nghiên cứu sâu hơn đã xem xét mối quan hệ giữa EI và các đặc điểm tính cách của bộ ba đen tối, bao gồm Chủ nghĩa xảo quyệt (Machiavellianism), Biến thái nhân cách (Psychopathy) và Ái kỷ (Narcissism).
Ba loại tính cách khó chịu này có những đặc điểm chung như thiếu vắng sự đồng cảm, cần được chú ý, hướng tới quyền lực, gian lận và thẳng tay thao túng (Theo Furnham, Richards và Paulhus, 2013).
Người có càng nhiều các đặc điểm tính cách kể trên thì càng có khả năng thao túng người khác tốt hơn, bằng cách khiến tâm trạng của người đó trở nên tồi tệ hơn (Ví dụ: chỉ trích người khác) và thể hiện cảm xúc không chân thực (Ví dụ: tỏ ra xu nịnh hay thái độ hờn dỗi) (Theo Austin và cộng sự, 2014).
Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Toronto, những nhân viên có khuynh hướng tính cách xảo quyệt (Machiavellian) và EI cao thì càng có nhiều khả năng thực hiện các hành vi có hại đối với đồng nghiệp chẳng hạn như hạ thấp và làm họ xấu mặt chỉ vì lợi ích cá nhân (Theo Côté và cộng sự, 2011).
Thái nhân cách (Psychopathy) cũng có liên quan đến xu hướng áp dụng các chiến thuật khó khăn tại nơi làm việc, những đe dọa trừng phạt rõ ràng hơn, thao túng người và cả những tình huống xảy ra.
Các cá nhân có xu hướng nhân cách Ái kỷ (Narcissism) có vẻ như lại thích làm việc dựa trên các chiến thuật làm việc nhẹ nhàng hơn hoặc quyến rũ hơn. Ví dụ như họ thích lời hứa về phần thưởng và sự hòa nhập (Theo Jonason, Slomskiv và Partyka, 2012).
Mục đích của họ là cho ta một ấn tượng ban đầu tốt đẹp và xây dựng những mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp để sau này họ có thể “nhờ vả”.
Những kiểu người nào khác có thể sử dụng EI như một lợi thế của họ?
EI không chỉ có một số khái niệm trùng lặp nhau về sự đồng cảm, nó còn đại diện cho một cấu trúc riêng biệt. Người ta đưa ra giả thuyết rằng những người có EI cao nhưng khả năng đồng cảm thấp có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi lôi kéo và chống đối xã hội (Theo Akamatsu và Gherghel, 2021).
Do đó, nếu không có sự đồng cảm, EI có thể bị “lạm dụng” và dẫn đến các hành vi hung hăng trái ngược với các hành vi xã hội.
Điều này đặc biệt rõ ràng ở những người có trí tuệ cảm xúc đi kèm với sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, nhạy cảm với sự khen thưởng và tính bốc đồng, việc áp dụng cả hành vi ủng hộ xã hội và hành vi hung hăng được sử dụng một cách có chiến lược để đạt được sự kiểm soát tài nguyên lớn hơn và phát triển trong cộng đồng xã hội (Theo Bacon, Corr và Satchell, 2018).
Làm Thế Nào Để Biết Được Ai Đó Đang Sử Dụng Trí Tuệ Cảm Xúc Để Thao Túng Bạn?
Những người có xu hướng thao túng ban đầu có thể tỏ ra thân thiện và lôi cuốn, trong khi mục đích chính của họ là sử dụng các tương tác xã hội vì lợi ích cá nhân của họ, ngụy trang chúng thành những lợi ích cho người khác (Theo Bradberry và Greaves, 2009).
Bước đầu tiên để tránh trở thành mục tiêu cho hành vi kiểm soát của họ là nhận ra một số dấu hiệu điển hình mà những cá nhân này thể hiện.
- Hành vi không nhất quán: Khi hành động không phù hợp với các giá trị hoặc đạo đức cụ thể mà nhằm mục đích thay đổi nhu cầu cá nhân, hành vi đó có vẻ không nhất quán hoặc không khớp với những lời nói ban đầu mà những kẻ thao túng cảm xúc khiến bạn tin tưởng.
- Sức hút: Họ có thể dễ dàng tác động đến ý tưởng của mọi người hoặc thay đổi suy nghĩ của họ - cái gọi là “hiệu ứng kinh ngạc” chính là việc sử dụng năng lượng cá nhân của mình để kích hoạt những cảm xúc tích cực ở người khác và cuối cùng giành quyền kiểm soát họ.
- Họ tận dụng cảm giác của sự tội lỗi: Những kẻ thao túng cảm xúc biết điểm yếu của người khác và lợi dụng sự bất an của họ để khơi gợi cảm giác tội lỗi. Từ đó dễ dàng thao túng họ hơn.
- Họ chia sẻ quá nhiều và quá sớm: Để khiến chúng ta cảm thấy mình là một phần trong vòng thân cận của họ, họ sẽ chia sẻ nhiều chi tiết hoặc thông tin về bản thân khiến bạn thấy họ trông có vẻ nhạy cảm và thân thiện. Mục đích thực sự là đạt được sự tự tin và tin cậy của chúng ta để họ có thể nhanh chóng thúc đẩy mối quan hệ và khiến chúng ta hành xử theo cái cách đúng với mong đợi của họ.
- Họ dựa vào quy luật “có qua thì phải có lại”: Ban đầu họ có thể cố gắng tâng bốc chúng ta hoặc làm những việc giúp đỡ nho nhỏ, sau đó là mong đợi chúng ta sẽ làm những việc lớn hơn cho họ.
Chúng ta cũng có thể cố gắng nhìn lại cảm xúc của mình khi tiếp xúc với những người này và coi họ như những dấu hiệu cảnh báo:
- Sự nghi ngờ: Bởi vì những kẻ thao túng có xu hướng chỉ cho chúng ta thấy một mặt của câu chuyện nên chúng ta thường hay đặt câu hỏi về tính trung thực và minh bạch của họ. Chúng ta cũng có thể cảm thấy bối rối trước những hành vi không nhất quán của họ và nghi ngờ khả năng nhận thức - diễn giải hiện thực một cách chính xác của chúng ta.
- Nỗi sợ: Những kẻ thao túng cảm xúc thường phóng đại sự thật để khiến chúng ta cảm thấy cần phải hành động theo hướng họ mong muốn. Phản ứng không thể đoán trước của họ cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy khó chịu khi ở gần họ.
- Sự tức giận: Chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy chán ghét và bực bội vì những người này có xu hướng nói thay chúng ta, muốn áp đặt lên chúng ta ý kiến riêng của họ, ra lệnh chúng ta nên suy nghĩ hoặc cảm nhận như thế nào.
- Sự vô vọng: Nếu chúng ta phát triển một sự kết nối chặt chẽ với người đó, chúng ta có thể cảm thấy như bị mắc kẹt trong mối quan hệ đó và khó có khả năng thoát ra được. Vì những kẻ thao túng còn được gọi là những “lỗ đen cảm xúc”, cho nên chúng ta có thể cảm thấy hoàn toàn bị hút vào cảm xúc của họ và cảm thấy buộc phải nghe theo họ.
Liệu Bạn Có Thể Có Quá Nhiều Trí Tuệ Cảm Xúc Không?
Trong khi những người có trí thông minh về mặt cảm xúc được trang bị tốt hơn về các kỹ năng để diễn giải cảm xúc của người khác và có nhiều tương tác xã hội thành công hơn, sự đồng cảm của họ cũng có thể khiến họ coi mọi thứ quá cá nhân hóa và dễ dàng cảm thấy kiệt sức về mặt cảm xúc.
Điều này đã được minh họa bằng một thí nghiệm vào năm 2016, trong đó các sinh viên đại học được yêu cầu hoàn thành một loạt các câu hỏi để đánh giá EI của họ, bao gồm cả việc đánh giá biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt con người (Theo Bechtoldt và Schneider, 2016).
Những người biểu hiện nhạy cảm hơn với cảm xúc cũng thể hiện phản ứng căng thẳng cao hơn trong một nhiệm vụ tiếp theo của cuộc nghiên cứu. Nhiệm vụ yêu cầu họ phải nói chuyện về công việc trước ban giám khảo có nét mặt nghiêm nghị.
Các nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng sự chú ý đến cảm xúc có liên quan mật thiết đến trải nghiệm cảm xúc tiêu cực ở nạn nhân bị bắt nạt trên mạng nhiều hơn (Theo Elipe và cộng sự, 2015) và các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần (Theo Lizeretti, Extremera và Rodríguez, 2012).
Nhìn chung, có vẻ như độ nhạy cảm về mặt cảm xúc tăng cao có thể là cầu nối trung gian cho mối quan hệ giữa EI và phản ứng quá mức trước căng thẳng. Cụ thể, những cá nhân có kiểu kỹ năng EI “không đồng đều” (Ví dụ: khả năng nhận thức về cảm xúc tăng lên cùng với việc giảm khả năng kiểm soát căng thẳng) thể hiện mức độ thích ứng tâm lý của cá nhân đó thấp hơn.
Ngược lại, những người có EI cao hoặc trung bình một cách đồng đều dường như lại phản ứng tốt hơn với hoàn cảnh sống đầy thử thách, bao gồm môi trường học tập/làm việc đòi hỏi khắt khe, các sự kiện đau thương (Theo Davis và Nichols, 2016).
Tại nơi làm việc, EI quá cao có liên quan đến nhiều kết quả tiêu cực khác nhau (Theo Chamorro-Premuzic và Yearsley, 2017). Ví dụ, những người có độ nhạy cảm cá nhân cao có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra những phản hồi có phần tiêu cực, thẳng thắn cho đồng nghiệp của mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của họ.
Ngoài ra, một số người ở vài trò lãnh đạo có thể ngại phải đưa những quyết định mà không được đồng nghiệp tán thành. Vì vị trí này thường đòi hỏi phải mang lại sự đổi mới và thay đổi cho một tổ chức.
Người có chỉ số EI cao cũng có xu hướng chỉ làm những chuyện ít rủi ro do tính cẩn thận cao, điều này có thể dẫn đến việc kiểm soát bản thân quá mức và chỉn chu quá đáng.
Tác giả: Sara Viezzer
------------------
Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Biên tập: Tố Uyên
Link bài gốc: The Dark Side Of Emotional Intelligence
Tìm đọc Combo THAO TÚNG TÂM LÝ (Thao túng cảm xúc + Sói đội lốt Cừu): https://s.shopee.vn/qNx8ulKxo