Mọi Thứ Đều Bung Bét Hết Và Tôi Đồ Rằng Đó là Lỗi Của Internet

moi-thu-deu-bung-bet-het-va-toi-do-rang-do-la-loi-cua-internet

Thế giới này được vận hành dựa trên một nguyên tắc: cảm xúc của con người.

Thế giới này được vận hành dựa trên một nguyên tắc: cảm xúc của con người. Và không, tôi không có ý ám chỉ cái sự nuông chiều, “Ôi, chúng ta đang làm hư bọn trẻ,” với thứ cảm giác kiểu như được bao bọc trong một không gian an toàn gì đó đâu. Ý tôi là những xúc cảm kia. Những xúc cảm đang điều hành thế giới.

Đó là bởi vì con người ta chủ yếu vung tiền vào những thứ khiến họ cảm thấy dễ chịu. Và tiền đi đến đâu, thì quyền lực sẽ theo đến đấy. Cho nên, nói nôm na là, bạn càng có thể gây tác động lên những cảm xúc và cảm nhận của con người trên thế gian này, thì tiền bạc và quyền lực sẽ ùn ùn kéo đến với bạn.

Khoa học công nghệ là một cách thức đơn giản để thực hiện điều này. Các phát minh khoa học ra đời chỉ nhằm mục đích đơn giản là làm vừa lòng con người. Chiếc bút bi. Môt cái ghế sưởi thoải mái hơn. Một cái vòng đệm tốt hơn dành cho ống nước nhà bạn. Những cơ đồ đã được xây dựng và tàn lụi quanh mấy thứ này bởi vì chúng khiến cho con người cảm thấy tốt đẹp hơn, khiến cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn. Toàn bộ nền kinh tế hầu như chỉ xoay quanh những ý tưởng bất chợt và sở thích nhất thời của đám đông.  

Cái thực tế rằng thế giới này vận hành dựa trên cảm xúc không hẳn lúc nào cũng là tệ cả. Trong thời đại công nghiệp, đây rõ ràng là một chuyện tốt. Khi ấy phần đông dân số thường phải sống trong cảnh đói rét và mệt nhọc. Và việc sáng tạo ra các thể loại máy móc và các thành thị và sự phân chia các tầng lớp lao động và trật tự pháp luật và đại diện của chính quyền — tất cả những điều ấy đều mang đến sự giải phóng to lớn cho xã hội khỏi nghèo đói và gian khổ.

Khi mà công nghệ và xã hội càng tiến bộ, thì càng có nhiều người được giải phóng hơn khỏi những sự khó nhọc của lao động chân tay và những thể loại khổ sở khác. Vắc-xin và thuốc men đã cứu sống được đến hàng tỷ mạng người. Những máy móc đơn giản cũng giúp giải thoát gần như toàn bộ hành tinh này khỏi một khối lượng công việc khổng lồ và cái đói.

Nhưng khát vọng của con người để được sống thoải mái không khi nào có điểm dừng hết cả. Vì thế mà, vào nửa sau thế kỷ 20, với phần lớn dân số đã được giải thoát khỏi cảnh cơ cực, thế giới phát triển vẫn tiếp tục tiến lên và sáng tạo để con người có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Và trong thời đại thương nghiệp mới này, con người ta bắt đầu tìm tới những nguồn an ủi lớn hơn.

Và bởi vì cái sự khát khao mới mẻ dành cho niềm an ủi lớn này, chúng ta mới có cả một thế kỷ phát triển bùng nổ về công nghệ nhằm mang đến sự tiện dụng — máy nướng bánh mỳ, máy giặt, xe ô tô, thức ăn nhanh, di chuyển bằng đường không, TV, máy cạo râu, vân vân.

Chỉ trong vòng có vài trăm năm ngắn ngủi cuộc sống trở nên thật dễ dàng và chóng vánh và hiệu quả và chẳng cần phải cố gắng chi nhiều, con người ta có thể nhấc điện thoại lên và hoàn thành một việc trong vòng hai phút (mà ở vào thời tổ tiên nhà họ thì phải mất đến cả mấy tháng trời.)

Ở thời đại thương nghiệp, cho dù có phức tạp hơn hẳn so với trước đây, thì thực ra vẫn còn là một thời đại đơn giản chán. Cuộc sống của mỗi một người nhìn chung đều không hơn kém nhau là bao. Chúng ta cùng xem mấy kênh truyền hình như nhau, nghe cùng một thứ âm nhạc như nhau, ăn cùng loại thức ăn như nhau, thư giãn trên cùng một kiểu ghế xô-pha như nhau, và cùng đọc mấy cái tờ báo với tạp chí cũng y chang nhau luôn. Trong thời kỳ ấy có một sự liên tục và cố kết nhất định đã tạo nên thứ cảm giác kỳ lạ về sự an toàn. Tôi cho là chính cái xã hội cố kết ấy là điều mà rất nhiều người ngày nay hoài niệm đó.  

 

Thế rồi internet ra đời.

Mục đích của internet là hoàn toàn tốt đẹp. Các nhà phát minh và các nhà công nghệ đến từ Thung lũng Silicon Valley đã rất kỳ vọng về một hành tinh được kết nối và được số hóa. Họ đã cần cù lao động trong hàng thập kỷ để hướng tới cái lý tưởng về việc kết nối mọi người và thông tin trên thế giới này lại với nhau.

Trong suốt những năm 1990 và những năm 2000, các doanh nghiệp nổi lên và xây dựng thứ công nghệ sẽ làm thay đổi và sau đó là chi phối cuộc sống của chúng ta. Trong suốt quãng thời gian đó đã tồn tại một thứ tinh thần lạc quan gần như là không tưởng. Các nhà công nghệ mường tượng ra một cộng đồng toàn cầu có học thức cao sẽ tiếp cận với nền tri thức vô tận sẵn có chỉ với một cú chạm nơi đầu ngón tay. Họ nhìn thấy có sự thấu cảm và am hiểu sâu sắc hơn giữa các quốc gia, các dân tộc, và các phong cách sống. Họ mơ đến sự hợp nhất và kết nối toàn cầu với cùng một sự quan tâm chia sẻ duy nhất về hòa bình và thịnh vượng.

Cơ mà họ quên béng mất.

Họ quá bận rộn với những ước mơ và tưởng tượng và hy vọng của mình nên quên mất tiêu.

Họ quên mất rằng thế giới này không vận hành dựa trên kho tàng thông tin. Con người ta không đưa ra các quyết định dựa trên sự thật và sự việc. Họ không tiêu tiền dựa trên các số liệu.

Mà thế giới này vận hành theo những cảm xúc.

Và khi mà bạn đưa bất kỳ một người nào tới nguồn tri thức nhân loại vô tận, họ đâu có thực hiện động tác tìm kiếm trên Google để tìm ra cho được sự thật đúng đắn hơn dù nó trái với sự tin chắc của họ. Họ sẽ không Google để tìm ra những điều tuy là đúng nhưng chẳng mấy dễ chịu gì. Thay vì thế, hầu như tất cả chúng ta đều Google để tìm kiếm những thông tin khiến chúng ta thấy dễ chịu dù chẳng đúng chút nào.

Có suy nghĩ sai lạc về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hử? À, thì có cái diễn đàn về phân biệt chủng tộc gì đó chỉ với hai cái click chuột đấy thôi với cả đống những lý lẽ đầy thuyết phục như là tại sao bạn không cần phải thấy xấu hổ nếu có xu hướng phân biệt chủng tộc chẳng hạn.

Con vợ cũ bỏ bạn và bạn bắt đầu có cái suy nghĩ rằng bọn đàn bà vốn dĩ là cái loài ích kỷ và xấu xa phỏng? Bạn chẳng cần phải vất vả lắm đâu cũng có thể Google và tìm thấy nhiều kết quả hơn so với mức bạn mong đợi để tin rằng đàn bà đúng là cái giống hạ đẳng hơn hẳn về mặt sinh học.

Bạn cho rằng bọn người Hồi giáo sẽ lẻn vào trường và sát hại con bạn? Tôi đoán là hẳn đã có một thuyết âm mưu ở đâu đó ngoài kia góp phần khẳng định điều này rồi ấy chứ.

Nói tóm lại, internet, không hẳn được tạo ra để mang lại cho con người thông tin mà họ cần. Thứ nó mang lại là những thông tin mà người ta mong muốn.

Buồn thay, hai điều này lại khác nhau đến cả một dải ngân hà.

By David Byrne

Ví dụ như, tôi vô cùng tha thiết muốn tin rằng chính quyền của Trump sẽ lúng túng và đứng trên bờ vực sụp đổ chỉ sau khoảng một tháng lên nắm quyền. Và dù không cần thắc mắc, Facebook cũng vô cùng có trách nhiệm trong việc cho tôi thấy các bài báo công nhận cái ước mơ nhỏ nhoi ấy mỗi ngày.

Rồi, khi mà tôi buộc phải ghé qua những trang web thủ cựu, để nhìn vào các dữ liệu bỏ phiếu, để đào bới nguồn thông tin và nhìn vào những trường hợp tương tự trong lịch sử, tôi nhận ra rằng điều này có lẽ sẽ chẳng xảy ra. Rằng chúng ta không phải đang ngồi trong một chiếc xe hề và lao nhanh về mép vực. Và nếu như chyện này là có thật, thì có lẽ Trump cũng không phải là người lái nó, mà ông ta chỉ món đồ trang trí ở mui xe thôi cũng nên.

Nhưng việc tôi có được thông tin dễ dàng như vậy càng củng cố thêm nỗi sợ hãi và dập tắt sự thiếu tin chắc nơi tôi — đó mới thực sự là vấn đề. Cùng cái hệ thống mạng được thiết kế để khiến tôi thấy tốt đẹp mỗi khi tôi bật laptop của mình lên thì giờ đây cũng là hệ thống mạng phân cách tôi — phân cách chúng ta — khỏi toàn bộ đất nước chúng ta và thường là khỏi chính thực tại.

Môn kinh tế học đại cương dạy cho chúng ta biết rằng khi xảy ra tình trạng thặng dư về cung, thì con người ta sẽ định giá mặt hàng đó thấp đi. Nếu như chúng ta thức dậy vào một sớm mai và tự nhiên trên toàn nước Mỹ lại có thêm tới ba tỷ cái máy xén cỏ nữa, thì giá của máy xén cỏ sẽ tụt thảm hại. Nếu như đột nhiên mỗi người đều có được một cái túi Louis Vuitton, thì sẽ chẳng còn ai thèm quan tâm tới Louis Vuitton làm cái khỉ gì nữa. Người ta sẽ quăng chúng tùm lum, quên chúng ở khắp nơi, làm đổ rượu lên chúng mà chẳng buồn lau, và có khi là đem quyên đồ cho người nghèo cũng nên.

Nếu như điều tương tự cũng xảy ra với thông tin thì sao? Nếu như số lượng thông tin được cung cấp cũng ở vào mức độ vô hạn thì có khiến cho chúng ta đánh giá một thông tin cụ thể nào đó thấp đi chăng?

Nếu như ngày hôm nay tôi đọc được một bài báo viết rằng ăn mấy loại ngũ cốc là rất có hại cho sức khỏe, rồi vào ngày mai lại có tới ba bài báo viết rằng mọi thứ vẫn chuẩn cơm mẹ nấu, và rồi thêm một bài báo nữa cho tôi biết rằng tại sao tất cả những bài báo trước đó lại sai bét. Nhưng vào lúc này, tôi không thèm bận tâm nữa. Tôi chẳng thèm tin vào bất kỳ bài báo nào cả. Sự dồi dào của những thông tin đầy mâu thuẫn làm tôi nhức óc và chỉ muốn chơi trò Mario Kart suốt một giờ mà thôi.

Và tôi không chỉ phải kiểm tra lại các thông tin trong đầu mình, mà tôi còn trở nên hay hoài nghi và chán nản nữa. $&@%#! mấy cái bài báo về dinh dưỡng ấy. Bọn họ thì biết cái gì cơ chứ? Có lẽ bọn họ chỉ cố mà kiếm mấy hào nhuận bút mà thôi.

Và đây là phản ứng của chúng ta trước hầu hết mọi việc.

Vấn đề chính là khi cái mức độ thiếu tin tưởng này chống lại hệ thống chính trị của chúng ta, thì bản thân hệ thống chính trị ấy sẽ thành ra mục ruỗng.

Chế độ dân chủ được xây dựng trên cơ sở của sự tin tưởng. Các điều lệ pháp luật cũng đòi hỏi phải có sự tin tưởng. Nếu như chúng ta mất đi lòng tin trước thể chế của chúng ta, thì thể chế đó sẽ bị sụp đổ hoặc trở thành một khối u ác tính.

Nhưng internet lại sắp xếp những động cơ theo cái cách có thể kiếm lời từ việc nuôi dưỡng sự ngờ vực.

Và thế là, chúng mình tèo.

Đấy không chỉ là Trump hay là chuyện của nước Mỹ. Điều này có thể xảy ra ở khắp mọi nơi. Từ Philippine, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga, Pháp, Anh. Tất cả các quốc gia này đều có những cuộc bầu cử theo chủ nghĩa dân kiểm cánh hữu. Mọi người đều trở nên cứng đầu và khó khoan nhượng hơn. Bản thân thế giới này cũng đâm ra bị chia rẽ hơn về mặt chính trị. Và người ta không còn tin phần lớn những thông tin mà họ tiếp cận nữa, và kết quả là, họ không còn tin tưởng nhiều người trong xã hội của mình nữa.

Bởi vì vô tận thông tin không khai sáng cho mọi người. Chúng làm họ hoang mang.

Và khi mà con người ta trở nên hoang mang và ngờ vực, họ đành phải quay về với những thôi thúc cơ bản, những xu hướng bản năng nên đâm ra có tính dân tộc chủ nghĩa và chỉ biết đến mình: tôi quan tâm tới bản thân mình và tôi là trước nhất. Kệ cha tất cả những đứa khác. Nếu như tôi có thể tự lo cho cái thân mình, thì tại sao chúng nó lại không thế?

Một số người hay ca thán cho rằng chính trị hiện đang bị “phá vỡ,” đây là một từ ngữ thông dụng được ưa chuộng và được sử dụng cho bất kỳ hậu quả tiêu cực nào mà có thể xuất phát từ những tiến bộ công nghệ.

Nếu như bạn thấy có đôi chút xa lạ với từ này, thì về cơ bản đó là cách nói thời thượng theo kiểu công nghệ thay cho câu, “Làm gì có chuyện muốn làm trứng chiên mà không đập vỏ trứng được.” Sự nhảy vọt trong công nghệ thường mang tới nhiều sự phá vỡ và tình trạng tàn phá hệ thống cũ trước khi những hệ thống có hiệu quả và có lợi hơn có thể xuất hiện. Hãy cứ nghĩ về việc những chiếc xe ô tô đã xóa sổ xe ngựa kéo như thế nào. Hay là Amazon đã nuốt chửng những tiệm sách truyền thống ra sao. 

Nhưng điều đang diễn ra trong chính trị không phải là sự phá vỡ. Sự phá vỡ gợi ý rằng có một hệ thống tốt hơn nào đó đã sẵn sàng để xuất hiện và thế chỗ cho nền dân chủ. Sự phá vỡ gợi ý rằng sự hỗn loạn được gây ra bởi một mức độ trật tự lớn hơn, chứ không phải là thứ thấp kém hơn. Nhưng hiện tại, chúng ta bị gây trở ngại không phải bởi những phần cao cấp hơn và tiến bộ hơn của các khuôn mẫu mà chúng ta đặt ra. Chúng ta bị cưỡng đoạt bởi những thứ thấp kém hơn hẳn.  

Nền văn minh được xây dựng dựa trên khả năng chế ngự những bản năng nguyên thủy của con người — khuynh hướng của họ trước tính dân tộc chủ nghĩa và sự tự yêu mình, thiên hướng của họ trong việc tàn sát lẫn nhau vì những lý do thiển cận và sự khác biệt phi thực tế. Chúng ta phải mất cả nghìn năm học tập và tiến bộ mới học được cách để không làm những điều như vậy. Phần lớn những thành tựu tri thức và tiến bộ này xoay quanh sự tôn trọng dành cho khoa học, những cuộc thảo luận trong cộng đồng, những cuộc tranh luận dựa trên lý trí, đặt nhiều thể chế vào vị trí quyền lực để chúng có thể cân bằng lẫn nhau, và vân vân. Chúng ta chỉ vừa mới xử lý ổn thỏa những điều này trong vòng có vài trăm năm trở lại đây.

Vấn đề chính là, theo như những gì tôi biết, internet và cái nền tảng công nghệ của nó không hề giải thoát chúng ta khỏi tính dân tộc chủ nghĩa. Chúng không giải thoát chúng ta khỏi những bản năng tầm thường. Mà điều chúng làm là hoàn toàn ngược lại. Chúng tiêm nhiễm chủ nghĩa dân tộc vào trong nhãn cầu chúng ta. Và những gì mà chúng ta nhìn thấy chỉ mới là sự bắt đầu của một quá trình tác động đáng sợ. 

Hiện tại mọi người ai cũng đều nhuốm màu bi quan và sợ hãi. Dù bạn có là người nước nào và bạn ủng hộ đường lối chính trị nào thì cũng vậy thôi. Đối với mọi người, ở mọi nơi, cảm giác ấy cứ như thể bạn đang đứng trước một cái quạt đang chạy và có kẻ thì ném thẳng một đống phân vào cái quạt ấy vậy.  

Điều này bất kể thực tế rằng tỷ lệ chiến tranh, tội ác bạo lực, và chủ nghĩa chuyên chế ở vào mức thấp nhất trong lịch sử thế giới; và giáo dục, triển vọng cuộc sống, và thu nhập đang ở vào mức cao nhất trong lịch sử thế giới.

Chẳng có nghĩa lý gì sất, khi mà ai ai cũng đều tin rằng thế giới này rồi cũng đến hồi diệt vong tới nơi.

Và nếu như tất cả chúng ta đều cảm cùng cảm thấy một điều như vậy, dù cho sự thật có ra sao đi chăng nữa, điều ấy không có nghĩa là phe cánh tả đang giành chiến thắng hay phe cánh hữu đang giành chiến thắng hay là chế độ cha truyền con nối hay chủ nghĩa cộng sản hay Hồi giáo hay chủ nghĩa phát xít vô chính phủ đang giành phần thắng.

Đó chỉ có thể là bởi vì hệ thống thông tin của chúng ta đang giành phần thua.

 

Dịch: December Child

Nguồn: https://markmanson.net/everything-is-fucked

menu
menu