Một nghiên cứu mới về tâm lý học của nỗi hối tiếc dai dẳng có thể dạy cho bạn cách sống trong hiện tại
Những nỗi hối tiếc dai dẳng, kiểu hối tiếc mà bạn ôm chặt suốt nhiều năm trời, có thể là người bạn tuyệt vời.
Những nỗi hối tiếc dai dẳng, kiểu hối tiếc mà bạn ôm chặt suốt nhiều năm trời, có thể là người bạn tuyệt vời. Nó lui tới hằng ngày để giữ cho một phần trong bạn tiếp tục được sống với một phiên bản khác của cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Chúng là chất liệu cho những cuốn tiểu thuyết hay bộ phim bi kịch tuyệt vời. Chúng thậm chí có thể hoạt động tốt nếu chúng thúc đẩy bạn tiến lên, quyết tâm không phạm phải những sai lầm tương tự.
Mặc dù bằng trực giác, chúng ta biết rằng nếu cứ để cho nỗi hối tiếc tồn tại dai dẳng thì chúng có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ và làm bạn đau khổ.
Theo Shai Davidai, giáo sư tâm lý học tại The New School và đồng tác giả của một nghiên cứu gần đây về hối tiếc, cho biết giải pháp là không nên kìm nén những suy nghĩ hoặc khoác lên mình cái vẻ can đảm “không hối tiếc” nhưng đầy dối trá và ảo tưởng. Thay vào đó, ông cho rằng tốt hơn là chúng ta nên đào sâu tìm hiểu những tiếc nuối lâu năm nhất của mình và làm quen với bản chất của chúng và của lối phản ứng của chúng ta trước chúng.
Nghiên cứu mới nhất của Davidai, được thực hiện cùng với nhà tâm lý học ở Cornell, Tom Gilovich, được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện có về các loại hối tiếc có khả năng sống lâu một cách đáng kinh ngạc, đó là những việc mà chúng ta có thể làm, chứ không phải những việc mà ta đã làm sai. Mặc dù chúng ta đã kinh qua cả hai loại hối tiếc, song các nghiên cứu phát hiện thấy qua các nền văn hóa và nhân khẩu học, chính những hối tiếc về những hành động mà ta không thực hiện mới ám ảnh nhiều người trong một thời gian dài. Vì vậy bạn có nhiều khả năng cảm thấy nhức nhối về việc chưa bao giờ đi thử giọng cho trường biểu diễn nghệ thuật đó hồi còn ở độ tuổi thiếu niên, hay chưa bao giờ tham gia Đoàn Hòa Bình, hơn là bạn nuối tiếc vì một một vụ mua bán bất động sản tệ hại hay một công việc ác mộng mà bạn từng làm.
Các nhà tâm lý đã đưa ra giả thuyết về lý do tại sao lại tồn tại sự bất cân xứng này. Trong bài báo của họ, được xuất bản trên tạp chí Emotion, Davidai và Gilovich lưu ý rằng những hối tiếc liên quan đến-hành động thúc đẩy việc bù đắp, điều này cho phép chúng ta đối mặt với chúng và buông bỏ chúng. Nếu bạn đã bỏ lỡ buổi lễ tốt nghiệp của con gái mình thì bạn có thể xin lỗi và sắp xếp một buổi lễ chúc mừng khác. Nếu bạn chuyển đến Chicago để làm việc và hối tiếc vì rời xa đại gia đình của mình thì bạn có thể hứa sẽ bay về thăm gia đình vào mỗi kỳ nghỉ. Nhưng thực tế thì bạn gần như chẳng thể làm gì được đối với về những mục tiêu mà bạn không theo đuổi ngay từ đầu. “Người đã bỏ đi bây giờ có lẽ đã cưới người khác; một số tài năng chỉ có thể phát triển trọn vẹn nếu người đó bắt đầu từ sớm; một cơ hội việc làm ngàn năm có một chỉ đến một lần trong đời,” các tác giả viết.
Chúng ta có cách xử lý khác nhau đối với hai loại hối tiếc này. Bán căn nhà của bạn sai thời điểm trở thành một bài học kinh nghiệm, hoặc cuối cùng trong cái rủi cũng có cái may. Khi bạn bỏ lỡ ngày sinh nhật của ai đó thì Davidai khuyên rằng, bạn có thể dành chút thời gian để đặt câu hỏi về động cơ của bạn và mối quan hệ của bạn với người đó, vì bạn cảm thấy tội lỗi do cư xử sai. Nhưng thật khó để rũ bỏ loại vấn đề chưa được giải quyết. Tuy nhiên, chúng ta thường không cảm nhận áp lực tương tự để xử lý những hối tiếc đối với con đường mà ta không chọn, phần lớn là vì sự vắng mặt của hành động không gợi ra một phản ứng cảm xúc “nóng” (như tức giận hoặc tội lỗi) như cách mà việc phạm phải một sai lầm gây ra cảm xúc “nóng”.
Đối với phép phân loại cơ bản về những nỗi hối tiếc này, Davidai và Gilovich đã thêm vào một lớp khác, lấy cảm hứng từ lý thuyết về sự khác biệt của bản ngã (self-discrepancy), cho rằng chúng ta có một nhóm ba bản ngã: bản ngã thực tế, bản ngã lý tưởng (bản ngã cao quý và mãn nguyện nhất của bạn), và bản ngã “bổn phận” (một người đáp ứng được mọi kỳ vọng đối với vai trò xã hội của người đó). Vì thế, theo lý thuyết của họ, có những hối tiếc về hành động-không được thực hiện liên quan đến cái tôi lý tưởng của bạn, và những hối tiếc về những hành động liên quan đến bản ngã “bổn phận” của bạn. Và trong nghiên cứu gồm 6 phần của họ với các tình nguyện viên online, các nhà tâm lý phát hiện thấy chính những hối tiếc về hành động-không được thực hiện liên quan đến bản ngã lý tưởng chưa được thể hiện của chúng ta gây ra nỗi sầu muộn lâu dài nhất.
Nguyên do của chuyện này bắt nguồn từ một tiền đề cơ bản của lý thuyết sự khác biệt của bản ngã. Người tạo ra thuyết này, giáo sư tâm lý trường đại học Columbia E. Tory Higgins, phát hiện thấy việc nhận thức được khoảng cách giữa bản ngã thực tế và bản ngã bổn phận của bạn kích hoạt những cảm xúc "nóng”, tương tự như những cảm xúc mà chúng ta có sau khi mắc phải một sai lầm đáng tiếc—chúng ta cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ, hoặc thậm chí là ghê tởm hành vi của mình. “ Chúng ta nghĩ, ‘Ôi trời, mình phải làm điều gì đó về chuyện này; mình phải sửa chữa lỗi lầm với người khác hoặc sửa chữa lỗi lầm với bản thân,” Davidai cho biết.
Ngược lại, ông lý giải rằng, không thực hiện những hành động có thể giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn bằng cách mang chúng ta tiến lại gần hơn đến một mục tiêu liên quan đến bản ngã-lý tưởng, dẫn đến việc nhún vai bỏ qua, và cảm giác buồn bã hay thất vọng—những cảm xúc ”lạnh” mà chúng ta tin rằng mình có thể nhét vào túi của mình và xử lý sau.
Tuy nhiên, Davidai nói rằng “Cái sau đó ấy sẽ chẳng bao giờ đến”. “[Và] điều mà chúng ta không nhận ra là về lâu về dài, phản ứng đó, dù là rất nhỏ ngay từ lúc đầu, trên thực tế ngày càng phát triển và trở nên to lớn hơn.”
“Đó là một cảm xúc lạnh. Nó không bùng cháy từ bên trong tương tự như cảm giác tội lỗi và xấu hổ,” ông nói thêm, nhưng “20 năm sống với cảm xúc lạnh này có thể khiến người ta cảm thấy vô cùng đau đớn.”
Trong số những người tham gia trực tuyến của nghiên cứu này, 70% số người cho biết những tiếc nuối âm ỉ nhất là những hối tiếc có liên quan đến một hành động mà họ chưa thực hiện mà nó sẽ đưa họ đến gần hơn với một mục tiêu của bản ngã lý tưởng của họ, trong khi 30% thì bám vào những sai lầm trong khu vực “lẽ ra phải làm”, có lẽ cảm nhận rằng họ nên có một công việc thường nhật, hoặc họ nên sống gần gia đình hơn để trở thành một người con gái, con trai, người dì, hoặc người chú tốt hơn chẳng hạn.
Ngoài cảm xúc “nóng” và “lạnh”
Còn có những lý do khác khiến cho nỗi tiếc nuối liên quan đến bản ngã lý tưởng sẽ không chết hoặc phai nhạt dần theo tuổi tác. Các tác giả cho rằng, nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét liệu một phần của vấn đề có phải là do những mục tiêu cao quý của chúng ta quá cao xa, không thể với tới, hay là quá trừu tượng khiến chúng ta bị kẹt cứng. Làm sao bạn biết được liệu mình đã đáp ứng được kỳ vọng về một “mối quan hệ hạnh phúc” hay chưa trong khi định nghĩa về một mối quan hệ hạnh phúc lúc nào cũng mờ nhạt?
Họ thừa nhận rằng, bối cảnh cũng là vấn đề. Hối tiếc về những việc mà lẽ ra bạn nên làm có xu hướng gắn liền với tình huống hoặc môi trường, những thứ này lại vốn hay biến động. Không còn học đại học, bạn không còn hối tiếc về kỳ thi mà bạn đã bỏ qua. Tuy nhiên, “bởi vì những thất bại trong việc sống đúng theo bản ngã lý tưởng của bạn thường ít phụ thuộc vào bối cảnh, nên chúng (nỗi tiếc nuối) có thể được kích hoạt thường xuyên hơn” và “trở nên dễ tiếp cận về mặt nhận thức trong các bối cảnh và tình huống khác nhau,” các tác giả viết.
Trong bài báo, các tác giả trích dẫn nghiên cứu trước đây, đầy sức thuyết phục, xác minh sức mạnh của bối cảnh. Ghi lại những nỗi hối tiếc tiêu biểu từ một nghiên cứu trước đó, được thực hiện tại một nhà tù ở New York, nơi người ta đang sống trong bối cảnh làm nổi bật những nỗi hối tiếc hằng ngày của họ, họ phát hiện thấy những người đàn ông bị giam giữ thuật lại nhiều tiếc nuối liên quan đến “bản ngã bổn phận.” Những hối tiếc dai dẳng của họ không phải lúc nào cũng là về những tội lỗi khiến họ bị tống vào tù, Davidai nói, mà còn về lối sống của họ nhiều năm trước, chẳng hạn như, bỏ học, sa vào ma túy, hay giao du với thành phần bất hảo.
Nghệ thuật tinh tế của việc giảm thiểu những hối tiếc liên quan đến “bản ngã lý tưởng” của bạn
Nếu đa số chúng ta đến ngày cuối đời nhiều khả năng vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh về một bản ngã lý tưởng nhưng chưa bao giờ thành hiện thực thì có vẻ như mọi người nên theo đuổi công việc mơ ước của mình, cuộc sống mơ ước của mình, ngay và luôn. Hãy viết kịch bản phim. Hãy mở một khu bảo tồn động vật hoang dã. Nhưng các tác giả cảnh báo rằng đó là một chiến lược quá đơn giản. Họ viết, “Khuynh hướng nắm lấy cơ hội có thể mang đến cả lợi lạc và bất hạnh cho con người.”
“Giờ thì bạn đã rõ về những thứ mà hầu hết mọi người thấy nuối tiếc, giờ đã đến lúc, bạn, với tư cách cá nhân, nhìn vào bên trong và nói, ‘Tôi là kiểu người như thế nào?’” Davidai nói. “Tôi có phải kiểu người luôn có những hoài bão lớn lao, hoặc tin rằng ước mơ hoài bão là điều quan trọng, và tôi có những khát vọng mà vì lý do nào đó không thể theo đuổi được? Hay tôi là kiểu người cho rằng điều quan trọng nhất là sống có trách nhiệm với người khác hoặc những bổn phận của tôi với tư cách là một công dân của đất nước hay một thành viên trong gia đình?” Có lẽ bạn thực sự sẽ thấy hối hận sâu sắc khi hủy hoại sự an toàn tài chính của gia đình để khởi nghiệp, bắt đầu công việc kinh doanh riêng hơn là bạn sẽ chẳng bao giờ sống tự lập. Giống như mọi cuộc đàm phán khác trong cuộc sống, đó chính là việc lựa chọn giải pháp không hoàn hảo mà bạn có thể sống chung.
Điều quan trọng là, nghiên cứu này cũng khuyên chúng ta nên chấm dứt tình trạng bứt rứt, héo hon đầy thụ động đối với những “Chuyện gì xảy ra nếu như” và thay vào đó hãy làm những gì mà chúng ta có thể làm để cắt bỏ nỗi đau nhức nhối của chúng. “Giả sử bạn đang có một công việc mà bạn không hẳn đã yêu thích hoặc bạn có thể hối tiếc vì đã chọn nó 10 năm trước,” Davidai nói. “Cảm giác bị mắc kẹt cũng không sao cả, nhưng bạn nên xử lý chuyện đó giống như cách mà bạn xử lý một cảm xúc nóng,” ông khuyên. “Nếu bạn không thể thay đổi công việc của mình, hoặc thay đổi một số hoàn cảnh trong công việc của bạn, bạn có thể phải làm công tác tư tưởng cho mình, thông qua trị liệu tâm lý hoặc bản thân bạn tìm cách điều chỉnh lại nó.”
Hồi còn là thanh niên ở Israel, Davidai đã được mời làm việc tại một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại Thụy Sĩ, bắt đầu làm việc vào cùng thời điểm mà ông được cho là chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Ông không thể làm cả hai việc—khu nghỉ dưỡng muốn ông đến nhận việc ngay lập tức hoặc là bỏ đi.
Ông đứng trước ngã rẽ, nơi ông phải, như ông nói, “rẽ phải, chọn ‘những điều ông nên làm’ hoặc rẽ trái, chọn ‘việc mà ông có thể làm’” một nơi mà chúng ta thường thấy mình ở đó khi chúng ta chọn một chuyên ngành đại học, và một con đường sự nghiệp chẳng hạn. Với cảm giác nặng trĩu trong lòng, Davidai chọn rẽ phải và tham gia kỳ thi.
Chuyện đã xảy ra cách đây hơn 1 thập kỷ, nhưng toàn bộ thời gian của ông dành cho việc nghiên cứu về nỗi hối tiếc, những câu hỏi về công việc tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đó vẫn hiện ra sừng sững. Không nhận công việc đó từng là một nỗi hối tiếc “lớn” mà ông cứ vài tháng lại nghĩ đến nó một lần, ông cho hay.
Tuy nhiên, thay vì đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng đó, ông làm nó suy yếu đi bằng cách thỏa mãn cái máu ưa lang thang đã nuôi dưỡng nó. Ông và vợ đã lên kế hoạch cho một chuyến du lịch mạo hiểm mỗi năm, quy tắc duy nhất là điểm đến là một nơi mà họ chưa từng đến bao giờ. Vào cuối tuần, họ cũng đi khám phá những khu phố mới ở New York, nhưng trong lúc đó Davidai vẫn tập trung vào công việc học thuật và duy trì công việc ổn định của mình.
Bằng nhiều cách khác nhau, dù lớn hay nhỏ, ông nói, bạn “có thể thay đổi một chút” hướng đến cái bản ngã lý tưởng bị bỏ bê, và bắt đầu rũ bỏ được nỗi tiếc nuối.
Dịch bởi Chó béo cute
Nguồn
https://qz.com/work/1298110/a-new-study-on-the-psychology-of-persistent-regrets-can-teach-you-how-to-live-now/?fbclid=IwAR0JHtc8t4cX0OgdMTuojvSmBqyN9PupQyyDzfgA_Dt0iZgxuP4p5uNEzjk