Một triệu chứng của bệnh trầm cảm mà chúng ta chưa từng nói tới
Tôi ngồi trong chiếc xe tải nhỏ, thầm lặng lặp lại những chuyện đã diễn ra trước đó trong ngày. Có phải tôi đã tự cho mình là trung tâm một cách thái quá?
Tôi ngồi trong chiếc xe tải nhỏ, thầm lặng lặp lại những chuyện đã diễn ra trước đó trong ngày. Có phải tôi đã tự cho mình là trung tâm một cách thái quá? Tôi vẫn thường xuyên như vậy sao? Tâm trí tôi quay cuồng theo những con chữ chạy trong đầu, theo sau đó là một chuỗi những sự việc tương tự đã xảy ra đến từ những hành vi cư xử ích kỷ của tôi. Tim tôi đập loạn xạ. Liệu có thật mỉa mai khi tôi đang thể hiện sự ám ảnh đối với việc tập trung quá mức vào bản thân của mình hay không? Ngừng lại. Nhắm mắt. Tập trung vào hơi thở của mình. Hơi thở là tất cả những gì tôi cần tập trung vào ngay lúc này. Tôi nhớ rằng chứng trầm cảm thường khiến cho tâm trí mình phải tua lại những ký ức này và rằng mình đã cam kết sống theo những giá trị của riêng mình, bao gồm cả việc chấp nhận sự không hoàn hảo. Tôi cũng là người bình thường mà thôi! Cảm thấy được hơi thở của mình dần chậm lại về trạng thái bình thường. Sự căng thẳng giận dữ trong tôi đã được giải phóng. Lần này trầm cảm đã không chiến thắng.
Ảnh: Prostock-studio/Shutterstock
Trầm Cảm Xen Lẫn Với Cảm Giác Tội Lỗi Quá Mức
Cảm giác tội lỗi quá mức là một triệu chứng trầm cảm thường bị bỏ qua, ngay cả đối với các bác sĩ lâm sàng. Đó là một điều không phải lúc nào cũng được đề cập tới trong các buổi tư vấn. Cảm giác tội lỗi đi cùng với sự xấu hổ khiến mọi người phải che giấu nó. Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi quá mức là một triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm với các triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn tương ứng với các mức độ trầm cảm cao hơn (Ghatavi và các cộng sự, 2002). Điều đó tiềm ẩn những nguy hại. Ở mức độ nhẹ, cảm giác tội lỗi có thể biểu hiện như một chút tự ti hoặc nhạy cảm hơn. Ở mức độ nghiêm trọng nhất, nó có thể khiến một người rơi vào "những ảo tưởng ám ảnh về sự hủy hoại" (Bürgy, 2018), một tình trạng thường liên quan đến những ý nghĩ tự sát. Trầm cảm xen lẫn với cảm giác tội lỗi có thể khiến ai đó tin rằng họ đáng chết, rằng họ đã hủy hoại cuộc đời mình đến mức không thể quay đầu lại, hoặc rằng những người khác sẽ trở nên tốt hơn nếu không có họ.
Điều quan trọng là phải xem xét được cảm giác tội lỗi là gì trước khi chúng ta vạch ra chiến lược đối phó. Cảm giác tội lỗi là một loại cảm xúc có lợi cho xã hội xuất hiện khi chúng ta làm tổn hại lẫn nhau hoặc vi phạm các ranh giới đạo đức của mình. Nó đóng vai trò hỗ trợ chúng ta được sống một cuộc sống phản ánh đúng các giá trị của bản thân.
Nhưng trầm cảm có thể biến cảm xúc lành mạnh này thành một thứ gì đó hoàn toàn khác. Thay vì suy nghĩ tích cực, cảm giác tội lỗi trầm cảm gắn liền với suy ngẫm đau đớn. Sự tập trung của nó rất rộng cho phép ai đó được du hành trở lại những bước đi sai lầm có thể đã xảy ra cách đây nhiều thập kỷ trong tâm trí của mình, nó cứ lặp đi lặp lại mãi một câu chuyện. Cảm giác tội lỗi trầm cảm có thể hình thành xung quanh bất cứ điều gì, kể cả những điều không vi phạm chuẩn mực đạo đức của chúng ta. Nó có thể khiến ai đó cảm thấy tội lỗi mà không có cơ sở. Trầm cảm thậm chí có thể làm biến dạng nhận thức khiến chúng ta cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát.
Vì chúng ta nhớ rõ nhất những gì mà mình tập trung vào, nên ai đó đang vật lộn với chứng trầm cảm và thách thức này thường sẽ kể lại rằng ký ức của họ bao gồm tất cả những sai lầm mà họ đã mắc phải. Nhiều thành công và các khoảnh khắc đáng giá trong cuộc đời của họ có thể bị cuốn trôi mà chẳng được nhớ đến.
Trong khi cảm giác tội lỗi lành mạnh thúc đẩy chúng ta hướng tới sự thay đổi tích cực thì cảm giác tội lỗi trầm cảm thường dẫn đến sự rút lui và cô lập. Khi cực đoan, một người có thể thực hiện các hành động để trừng phạt bản thân như bỏ bê việc chăm sóc bản thân hoặc các nhu cầu hàng ngày. Nó thiếu đi mục đích mà cảm giác tội lỗi được tạo ra. Ngược lại, đôi khi những thôi thúc tích cực có thể kéo chúng ta rời xa những giá trị của riêng mình.
Chúng Ta Có Thể Làm Gì Với Cảm Giác Tội Lỗi
Có một số chiến lược để tiếp cận với cảm giác tội lỗi quá mức. Lòng tự trắc ẩn với bản thân là một khởi đầu tuyệt vời. Mặc dù một người trải qua triệu chứng này có thể không thấy mình đáng được nhận lòng trắc ẩn, nhưng việc giáo dục về triệu chứng này, sự phổ biến của nó trong bệnh trầm cảm và dần dần hướng tới lòng trắc ẩn từng bước nhỏ có thể giúp thay đổi cuộc sống. Đây là cách tiếp cận liệu pháp chú tâm vào lòng từ bi và lòng tự trắc ẩn.
Nó cũng có thể giúp thử thách suy nghĩ của một người. Trong liệu pháp nhận thức hành vi, các quy trình như khám phá theo chỉ dẫn có thể cung cấp không gian để ai đó có thể cùng nhà trị liệu khám phá ra những bất mãn mà họ nhận thấy. Sau đó, nhà trị liệu có thể hỗ trợ trong những lĩnh vực đầy thách thức mà trầm cảm có thể che khuất tầm nhìn của một người.
Cuối cùng, việc làm rõ các giá trị chẳng hạn như thông qua liệu pháp chấp nhận và cam kết là một cách để đối phó với chứng trầm cảm khi nó khiến họ tin rằng mình đang đi ngược lại với các quy tắc đạo đức mà mình đặt ra. Liệu pháp chấp nhận và cam kết cũng có thể thay đổi cách một người liên hệ với những suy ngẫm chiêm nghiệm của họ, cung cấp một công cụ để thoát khỏi vòng xoáy của cảm giác tội lỗi.
Lời Kết
Mặc dù cảm giác tội lỗi quá mức là một triệu chứng đau đớn và âm ỉ của bệnh trầm cảm, nhưng nó lại là một triệu chứng dễ điều trị. Với liệu pháp tâm lý trị liệu và thực hành, chúng ta có thể học cách đối xử tốt với bản thân, tập trung vào những gì quan trọng và thách thức những suy nghĩ không mang lại lợi ích này. Chúng ta có thể giành được chiến thắng.
Tác giả: Jennifer Gerlach
Tài liệu tham khảo
Bürgy, M. (2018). Study of delusional depression: Drive, dynamics, therapy. Neurology, Psychiatry and Brain Research, 30, 117-124.
Ghatavi, K., Nicolson, R., MacDonald, C., Osher, S., & Levitt, A. (2002). Defining guilt in depression: a comparison of subjects with major depression, chronic medical illness and healthy controls. Journal of affective disorders, 68(2-3), 307-315.
Dịch giả: Hương Thu
Link bài gốc: A Depression Symptom We Don't Talk About
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ