Muốn cải thiện sức khỏe tâm thần? Mấu chốt nằm ở việc xóa đói giảm nghèo

muon-cai-thien-suc-khoe-tam-than-mau-chot-nam-o-viec-xoa-doi-giam-ngheo

Giảm nghèo là chiến lược hiệu quả để cải thiện sức khỏe tâm thần

Nội dung chính

  • Nghèo đói là một nguyên nhân chính gây ra đau khổ trên khắp thế giới.  
  • Nghèo đói khiến con người phải đối mặt với rất nhiều tình trạng căng thẳng, từ nhà ở thiếu an toàn và quá đông đúc cho đến dịch vụ y tế kém và thực phẩm không an toàn.  
  • Tình trạng căng thẳng liên quan đến nghèo đói không chỉ gây ra lo âu và trầm cảm ở người trưởng thành mà nó còn ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái, gây nguy hại cho sức khỏe tinh thần của trẻ em.
  • Các chương trình xóa đói giảm nghèo được chứng minh là có hiệu quả đối với việc cải thiện sức khỏe tâm thần. Tác động của chúng có thể rất sâu rộng.

Gia đình ở vùng cao nguyên Guatemala

Nguồn: Howard Davies

Khi mới vào nghề, tôi đã dành một năm để làm việc ở hai trại tị nạn tại miền nam Mexico, nơi cư trú của những người Guatemala bản xứ đang chạy trốn khỏi thảm họa diệt chủng đang diễn ra trên quê hương họ. Tôi rất thông thạo tài liệu về sức khỏe tâm thần của dân tị nạn, hầu như chỉ tập trung vào việc đánh giá và điều trị Chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) liên quan đến bạo lực ở bất cứ quốc gia nào mà người dân đã tìm đường chạy trốn. Tôi cho rằng sang chấn liên quan đến thảm họa diệt chủng là mối bận tâm chính về sức khỏe tâm thần ở các trại tị nạn.

Nhưng tôi đã lầm.

Chắc chắn là có một số người vẫn bị sang chấn tâm lý vì tình trạng bạo lực mà họ từng trải qua. Tuy nhiên, phổ biến hơn sang chấn do chiến tranh là sự tuyệt vọng do đói nghèo cùng cực ở trại tị nạn. Tình trạng suy dinh dưỡng rất phổ biến, và hầu hết các gia đình đều bị mất ít nhất một đứa trẻ do một căn bệnh liên quan đến nghèo đói có thể ngăn ngừa được. Có một bệnh viện cách đó 90 phút lái xe, nhưng chi phí vận chuyển rất đắt, còn tiền thuốc men thì quá khả năng chi trả của họ. Mặc dù người tị nạn không được phép sở hữu đất đai hay công việc, đôi lúc họ có thể tìm được những công việc bị bóc lột ở thị trường chợ đen. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được mức lương tồi tàn không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho gia đình họ. Đàn ông cảm thấy nhục nhã vì không đủ khả năng nuôi vợ con; còn đàn bà thì tuyệt vọng vì không có khả năng cho con miếng ăn đầy đủ, hay đủ tiền mua thuốc chữa bệnh.

Catarina, một người tị nạn 48 tuổi, chia sẻ trải nghiệm đói nghèo của mình như thế này:

Tôi khóc vì phải sống khổ sở ở đây. Tôi buồn lắm, ở quê chúng tôi có đất đai. Có lúc chúng tôi hết sạch lương thực, còn đất đai của chúng tôi thì quá xa. Tôi khóc vì tôi muốn đi làm và trồng trọt, nhưng lại không thể. Chúng tôi biết lấy gì để ăn đây? Tôi buồn vì cảnh đói nghèo. Đôi khi tôi thà chết còn hơn vì tôi không thể đi làm. Tôi không thể mua thuốc, tôi không kiếm ra tiền để mua thuốc.

Không sai khi tập trung vào sang chấn do chiến tranh, nhưng đó là cách quá hạn hẹp. Nó bỏ qua nguyên nhân lớn nhất của khổ đau ở các trại tị nạn.

Nhiều năm sau, tôi nhớ lại từng lời của Catarina khi tôi lắng nghe một người đàn ông Syria bày tỏ cảm giác tuyệt vọng vì lún sâu vào cảnh đói nghèo do kinh tế Lebanon sụp đổ, và việc cắt giảm hỗ trợ tài chính cho người tị nạn:

Tình hình tài chính của gia đình tôi rất ngặt nghèo. Vợ con tôi đang ốm. Còn tôi thì không đủ tiền mua thuốc. Chúng tôi từng nhận viện trợ y tế trong 6 tháng, bây giờ chỉ còn một tháng nữa thôi. Một người có vợ ốm con đau thì anh ta biết làm gì đây? Tôi chỉ muốn chết quách cho rồi.

Công việc của tôi với nhiều cộng đồng người tị nạn suốt bao năm qua—những người Bosnia ở Chicago, người Syria ở Lebanon, người Palestine ở Gaza, người Afghan phải chạy tị nạn trong chính đất nước của họ—tôi đã nhiều lần chứng kiến cùng một thứ lặp đi lặp lại: nghèo đói là nguyên nhân chính của khổ đau, và là một yếu tố góp phần dẫn đến một loạt những chuyện gây căng thẳng khác, có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.    

Song điều này không chỉ đúng với dân tị nạn. Mà nó là một sự thật phổ quát ở các nước hòa bình cũng như các nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Nghèo đói có mối quan hệ nhân quả với tỷ lệ cao lo âu, trầm cảm, tự tử và những bệnh tâm thần nặng. Theo một nghiên cứu ở Anh, “Trẻ em thuộc nhóm 20% hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ gặp khó khăn nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần ở tuổi 11 cao gấp 4 lần so với trẻ em thuộc nhóm 20% giàu nhất.” Trên toàn cầu, những người có thu nhập thấp nhất có nhiều khả năng bị lo âu, trầm cảm và tự tử hơn những người có thu nhập cao nhất (Ridley, Rao, Schilbach, & Patel, 2020).

Chúng ta có thể điều trị những chứng rối loạn này bằng trị liệu tâm lý và thuốc men, nhưng nếu chúng ta giới hạn phản ứng của mình trong việc giảm bớt tác động của nghèo khổ mà không giải quyết vấn đề đói nghèo thì chúng ta sẽ có vô vàn nỗi tuyệt vọng để chữa trị.

Tại sao nghèo đói lại rất độc hại đối với sức khỏe tâm thần?

  • Những gia đình nghèo luôn phải chịu đựng mức độ căng thẳng cao do thiếu thốn lương thực, nhà ở quá chật chội đông đúc và thiếu an toàn, dịch vụ y tế kém chất lượng và không kham nổi, trường học kém chất lượng, tiếp xúc với tội phạm và bạo lực cộng đồng, và tiếp xúc nhiều hơn với hiểm họa môi trường như chất thải độc hại và sơn chì (Ridley và cộng sự, 2020).
  • Những công việc được trả lương thấp thường đi cùng với sự bấp bênh, dễ mất việc trong thời kỳ suy thoái kinh tế và những khủng hoảng khác, chẳng hạn như đại dịch COVID-19. Đến lượt tình trạng mất việc lại liên quan chặt chẽ với lo âu, trầm cảm và lạm dụng chất. Những khu vực ở Hoa Kỳ chịu tác động nặng nề của mất việc làm do những thay đổi về công nghệ và toàn cầu hóa đã chứng kiến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng và sự gia tăng đồng thời của việc nghiện opioid dùng opioid quá liều.
  • Nghèo đói thường kéo theo mức độ căng thẳng cao giữa cha mẹ và vợ chồng, do đó có thể dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực gia đình, bao gồm bạo hành bạn đời (“bạo lực gia đình”), cha mẹ ít biểu lộ tình cảm yêu thương hơn, cách nuôi dạy con khắc nghiệt và bạo hành trẻ em (Masarik & Conger, 2017). Những dạng bạo lực này dẫn đến sang chấn tâm lý ngắn hạn và dài hạn cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời đe dọa đến sự phát triển nhận thức, tình cảm và xã hội của trẻ. Trên thực tế, bạo lực gia đình để lại hậu quả lâu dài đến não bộ của trẻ nhỏ, theo cách khiến chúng có nguy cơ mắc phải một loạt vấn đề về tâm lý và thể chất sau này trong cuộc sống (Yoshikawa, Aber, & Beardslee, 2012).
  • Các gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và mua thực phẩm lành mạnh. Các gia đình có thu nhập thấp ở Hoa Kỳ thường chưa có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường bán hàng thực phẩm lành mạnh, dẫn đến việc phụ thuộc vào thực phẩm chế biến giá rẻ và độc hại góp phần vào tỷ lệ béo phì cao và những vấn đề khác về sức khỏe. Đến lượt sức khỏe kém lại có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần kém. Nói đơn giản là, thật căng thẳng và chán chường khi bị ốm.

Giảm nghèo là giải pháp tốt đẹp cho sức khỏe tâm thần 

Có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc xóa đói giảm nghèo giúp nâng cao sức khỏe tâm thần. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trong nhiều môi trường khác nhau, từ các cộng đồng nghèo khổ cùng cực ở các nước thu nhập thấp, cho đến các hộ gia đình nghèo ở Hoa Kỳ và châu Âu. Sau đây là vài ví dụ:

  • Tăng mức lương tối thiểu ở Hoa Kỳ gắn liền với tỷ lệ tự tử giảm xuống. Trong một nghiên cứu, chỉ cần tăng một đô la đã có liên quan đến việc tự tử giảm 3-5%. Hãy tưởng tượng tác động lên sức khỏe tâm thần của việc tăng mức lương tối thiểu liên bang Hoa Kỳ từ $ 7,25 lên $ 15, theo đề xuất của nhiều người.
  • Một thử nghiệm về thu nhập tối thiểu được đảm bảo ở Phần Lan đã giúp cải thiện sức khỏe tâm thần, bao gồm giảm căng thẳng và cảm giác hài lòng hơn với cuộc sống. Theo các nhà nghiên cứu, những người tham gia “hài lòng hơn với cuộc sống của họ và ít bị căng thẳng về tinh thần, trầm cảm, phiền muộn và cô đơn. Họ cũng có nhận thức tích cực hơn về những khả năng trí tuệ của mình, ví dụ trí nhớ, học tập và khả năng tập trung.” Điều thú vị là những người nhận được mức thu nhập cơ bản trên thực tế đã làm việc nhiều ngày hơn hằng năm so với những người thuộc nhóm đối chứng, điều đó cho thấy một mức thu nhập cơ bản không khiến con người lười lao động. 
  • Cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người trưởng thành chưa có bảo hiểm ở Oregon đã giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm tỷ lệ trầm cảm thấp hơn, so với một nhóm đối chứng, một phát hiện không phải do người mới được bảo hiểm sử dụng nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hơn. Biết rằng họ có khả năng chi trả cho dịch vụ y tế khi cần dường như giảm đi đáng kể sự bất an và lo sợ của con người về một cuộc khủng hoảng tài chính liên quan đến sức khỏe. 
  • Các chương trình hỗ trợ tiền, trao tiền mặt cho những gia đình nghèo, đã cải thiện sức khỏe tâm thần ở nhiều quốc gia thu nhập thấp. Ở những nơi mà thảm họa môi trường làm hại mùa màng, việc cứu trợ tiền mặt đã làm giảm trầm cảm và tự tử (Ridley và cộng sự, 2020).
  • Các chương trình chống nghèo đói, bao gồm trao tiền mặt kết hợp với những nguồn lực khác như đào tạo nghề và tăng cường tiếp cận với dịch vụ y tế, không chỉ cải thiện đời sống kinh tế của người tham gia mà còn tăng hạnh phúc của họ và giảm bớt đau khổ (Ridley và cộng sự, 2020).
  • bằng chứng cho thấy các chương trình giảm đói nghèo có thể giảm bớt tình trạng bạo lực người bạn đời, vốn thường thấy ở những gia đình thu nhập thấp.
  • Head Start và các chương trình giáo dục mầm non khác mang lại cho trẻ sự thúc đẩy giáo dục, và cũng cho thấy những lợi ích hiệu quả lâu dài trong việc đạt được thành tích học tập tốt hơn, giảm tội phạm và tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, tất cả các yếu tố đều liên quan đến tình trạng kinh tế tốt hơn, đến lượt nó lại liên quan chặt chẽ với sức khỏe tâm thần tốt hơn.

Liệu tình trạng sức khỏe tâm thần kém có dẫn đến đói nghèo không?

Mối quan hệ giữa đói nghèo và sức khỏe tâm thần có cả hai hậu quả khác nhau, một tốt và một xấu. Cũng giống như nghèo đói có hại cho sức khỏe tâm thần, thì tình trạng sức khỏe tâm thần kém cũng khiến con người khó mà làm việc tốt, làm tăng nguy cơ mất việc làm và rồi lại rơi vào hay mắc kẹt trong cảnh đói nghèo. Rõ ràng, can thiệp sức khỏe tâm thần đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giảm bớt nỗi khổ tinh thần và cho phép con người hoạt động tốt và duy trì năng suất.

Nguy hiểm nằm ở việc hành nghề hiện tại của chúng ta phần lớn bỏ qua tác động tâm lý của nghèo đói đối với sức khỏe tâm thần và xem những khó khăn về tâm lý chủ yếu là do các yếu tố bên trong gây ra—gen, những suy nghĩ của chúng ta, hành vi của ta, sang chấn tâm lý và những xung đột thời thơ ấu. Chúng đều là những nguyên nhân có thật và quan trọng gây ra sức khỏe tâm thần kém, nhưng quan điểm như vậy đang phớt lờ con voi to đùng trong phòng: hoàn cảnh sống đầy căng thẳng hằng ngày của đói nghèo và nỗi khổ đau do nó sinh ra.

 

Tham khảo

Ridley, M., Gao, G., Schilbach, F., & Patel, V, (2020. Poverty, depression, and anxiety: causal evidence and mechanisms. Science, 370.

Masarik, A., & Conger, R. (2017). Stress and child development: a review of the Family Stress Model. Current Opinion in Psychology, 13, 85-90.

Yoshikawa, H., Aber, J.L., Beardslee, W. (2012). The effects of poverty on the mental, emotional, and behavioral health of children and youth. American Psychologist, 67, 272-284.

 

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-refugee-experience/202112/want-improve-mental-health-reducing-poverty-is-key

menu
menu