Nét tính cách liên quan mật thiết nhất với nghiện ngập
... và tại sao nguy cơ nghiện ngập có thể giảm dần theo tuổi tác.
Những thanh thiếu niên thiếu sự kiên nhẫn thì có nhiều khả năng thử dùng ma túy. Những người bốc đồng thường hay chọn phần thưởng nhỏ mà đến nhanh hơn là phần thưởng lớn mà bị trì hoãn. Ấy là bởi vì khoảng cách về thời gian của nó so với tính tức thời của phần thưởng nhỏ. Khắc phục khuynh hướng này là một công cụ phòng ngừa quan trọng, chẳng hạn như học cách chịu đựng sự trì hoãn hay khả năng chờ đợi để nhận được thứ bạn muốn. Việc học hỏi này có thể khái quát hóa cho những trường hợp khác trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến những lựa chọn để lại hậu quả dài lâu (ví dụ: giáo dục và lối sống lành mạnh).
Nguồn ảnh: By Sultry (Flickr: Neko II) [CC BY 2.0 (http://creativecommons.org/licenses/by/2.0)], via Wikimedia Commons
Tính bốc đồng có thể được mô tả là những phản ứng nhanh chóng và ngoài kế hoạch trước những yếu tố khích động bên trong hoặc bên ngoài mà ít cân nhắc đến hậu quả. Tính bốc đồng thường để chỉ về hành vi có vấn đề (Madden và Bickle, 2010). Ví dụ, một người được miêu tả là bốc đồng khi anh/cô ấy liên tục mua những món đồ một cách tùy hứng mà không suy tính đến khả năng chi trả của mình. Lựa chọn của họ có thể khiến họ thỏa mãn trong hiện tại nhưng tiềm ẩn nguy hại về lâu dài.
Không chống lại được tính bốc đồng được cho là một trở ngại lớn đối với một chiến lược dài hạn, hợp lý cho thành công. Tất cả chúng ta đều có thể liên hệ đến điểm yếu này—ví dụ, nhiều người đã quyết tâm ăn uống lành mạnh, để rồi sau đó không kìm lòng nổi trước cám dỗ khi vô tình thấy một hộp bánh quy Girl Scout trong nhà. Tất cả chúng ta đều hành xử bốc đồng lúc này hay lúc khác, nhưng một số người trong chúng ta thì lại quá bốc đồng.
Hành vi bốc đồng có thể dung dưỡng cho việc nghiện ma túy vì giảm đi gánh nặng của những hậu quả tiêu cực về lâu về dài của nó. Vấn đề chính với hầu hết hành vi nghiện ngập đó là cái giá phải trả (những hậu quả bất lợi) xảy đến trong tương lai, còn những lạc thú từ chúng thì diễn ra trong hiện tại. Lựa chọn tiêu thụ một chất gây nghiện có lẽ dẫn đến một cơn phê thuốc ngay tức thời hoặc xóa bỏ triệu chứng vật vã vì lên cơn nghiện.
Tính bốc đồng và tìm kiếm-cảm giác nhìn chung là rất mạnh ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng lại giảm dần theo tuổi tác (Green và cộng sự, 1999). Cụ thể là, việc xem nhẹ giá trị của phần thưởng bị trì hoãn đạt đỉnh cao nhất trong độ tuổi thiếu niên (khoảng 12 tuổi) và giảm cấp độ khi tiến tới tuổi trưởng thành (khoảng 20 tuổi).
Người trẻ có xu hướng nghĩ về cái tôi trong tương lai của họ tương tự như cách họ nghĩ về những người xa lạ. Do đó họ ít quan tâm đến hạnh phúc tương lai của họ. Điều này giải thích tại sao tuổi thiếu niên và giai đoạn đầu tuổi trưởng thành là những khoảng thời gian mà một ai đó có khả năng nghiện ngập nhiều nhất (Sapolsky, 2017).
Một đặc điểm quan trọng của hành vi mạo hiểm ở lứa tuổi thanh thiếu niên là sự tác động của cảm xúc. Họ có xu hướng xem những hoạt động mà họ yêu thích là ít rủi ro hơn những hoạt động trên thực tế khá an toàn nhưng lại chẳng mấy vui vẻ. Cảm xúc yêu thích càng gắn liền với một lựa chọn nào đó thì nó càng ít đi kèm với rủi ro. Kiểu tính toán này khuyến khích cho hành động liều lĩnh. Nó cũng khiến cho thanh niên dễ bị lệ thuộc vào một số khuynh hướng phán đoán bị kiểm soát bởi những phản ứng cảm xúc (Slovic, và cộng sự, 2002).
Tính bốc đồng cũng chịu ảnh hưởng bởi những sự kiện khác (đặc biệt khi hành vi bốc đồng không phải là một nét tính cách). Chúng bao gồm điều kiện kinh tế, tuổi thọ, hay độ tin cậy của môi trường địa phương. Trong những điều kiện như vậy, một cá nhân có thể học được rằng sống biết lúc này thôi và hoài nghi tương lai là một chiến lược tốt hơn. Do đó, suốt đời sống trong cảnh không tin tưởng người khác sẽ trao thứ mà họ hứa trong tương lai có thể đóng một vai trò trong những lựa chọn của họ theo thời gian. Và xu hướng chộp ngay bất cứ phần thưởng gì có sẵn có thể đóng một vai trò quan trọng trong quyết định sử dụng ma túy.
Các nghiên cứu đã xác định tính cách bốc đồng là một yếu tố dự báo quan trọng đối với sự phát triển của hành vi nghiện ngập (Argyriou và cộng sự, 2018). Ví dụ, vấn đề uống rượu ở những sinh viên chưa tốt nghiệp có liên quan đáng kể đến khả năng kiểm soát cơn bốc đồng bị suy yếu và hành vi tìm kiếm-cảm giác. Những người có tính bốc đồng cao thường nhạy cảm hơn trước tác dụng tưởng thưởng của ma túy/chất gây nghiện. Cảm giác phê pha tức thì của ma túy trong khoảnh khắc hiện tại lấn át giá trị xa xôi của việc có đủ tiền trả tiền thuê nhà cuối tháng.
Hơn nữa, việc liên tục dùng ma túy góp phần tạo ra những thay đổi lâu dài ở tính bốc đồng. Việc sử dụng ma túy mãn tính hoặc cấp tính làm thay đổi hóa chất não bộ, đặc biệt là ở những vùng hình thành hệ thống định giá của não bộ. Không chịu đựng được sự trì hoãn khiến con đường phục hồi của họ trở thành một hành trình đầy khó khăn, dù có đầy ý định tốt nhưng lại thường xuyên tái nghiện.
Tóm lại, tính cách bốc đồng khiến cho một người dễ có nguy cơ dùng chất gây nghiện, và nét tính cách này có thể tồn tại trước việc lạm dụng chất. Bởi thế, việc sàng lọc tính cách bốc đồng trong giai đoạn này có thể giúp chúng ta nhận diện những người có nguy cơ nghiện ngập cao.
Định hướng lại một cá nhân để rời xa sự thỏa mãn tức thì và hướng đến việc đưa ra những quyết định biết cân nhắc cho tương lai nhiều hơn là một bước đi hợp lý trong việc thúc đẩy khả năng kiểm soát bản thân. Ví dụ, bằng chứng cho thấy những mối quan hệ đầy yêu thương và có trách nhiệm giữa bố mẹ-thanh thiếu niên bao gồm việc đặt ra giới hạn và giám sát ngăn chặn hành vi có nhiều nguy cơ (Madkour et al., 2017). Khi quyền tự chủ cá nhân tăng lên ở thời phổ thông trung học thì những tương tác không bị giám sát với bạn bè đồng trang lứa của người trẻ chịu ảnh hưởng bởi cảm nhận về giá trị bản thân và lòng tự trọng được tiếp nhận từ những tương tác với cha mẹ trong quá khứ.
Nguồn: Psychology Today