Nghịch lý Abilene

nghich-ly-abilene

Nghịch lý xã hội này được đề xuất bởi Jerry B. Harvey trong cuốn sách Nghịch lý Abilene và những suy ngẫm khác về quản lý.

Nghịch lý xã hội này được đề xuất bởi Jerry B. Harvey trong cuốn sách Nghịch lý Abilene và những suy ngẫm khác về quản lý. Nhà tâm lý học lấy ví dụ một gia đình gồm một cặp vợ chồng và con rể của họ đang chơi cờ domino trước hiên nhà của họ.

Người cha vợ đề nghị đến Abilene, một thị trấn cách nơi họ ở 50 dặm. Người vợ ủng hộ, mặc dù bà ấy không thích lắm vì trời đang nắng nóng. Tuy nhiên bà vẫn nói vậy vì tin rằng sẽ không ai đồng ý với mình. Thế nhưng người con rể cũng chấp nhận vì cho rằng mẹ vợ muốn đi nên họ lên đường.

Đúng như dự đoán của người vợ, đó là một chuyến đi dài, nóng nực và mệt mỏi. Cả nhà quyết định về nhà sau vài giờ. Trên đường trở về, người vợ nói với giọng mỉa mai rằng chuyến đi không phải là một ý kiến hay. Người con rể trả lời rằng anh chỉ đồng ý đi để làm vui lòng mẹ vợ. Còn người chồng nói rằng ông ấy đề xuất chuyến đi vì thấy mọi người đều có vẻ đang chán chứ cũng không hề muốn đi.

Họ hoang mang không hiểu tại sao lại cùng nhau thực hiện một hành động mà không ai muốn thực hiện. Với tình huống khó xử này, Harvey cố gắng giải thích vì sao một số tình huống có thể buộc chúng ta làm những việc không theo ý muốn của mình.

Abilene Paradox xảy ra bởi vì con người luôn có ác cảm hoặc đơn giản là không muốn làm ngược lại với những điều mà người khác muốn. Cũng theo Harvey, nghịch lý này còn bị thúc đẩy bởi vì mọi người đều tin rằng họ sẽ bị người khác kỳ thị hay khinh bỉ khi nêu quan điểm về một chủ đề nào đó. Và tất nhiên, nếu như không có ai lên tiếng thì cả nhóm sẽ đưa ra quyết định trái ngược với mong muốn và cảm xúc của từng người.

Nghịch lý Abilene cũng tương tự như tư duy tập thể. Tuy nhiên, trong trường hợp của Nghịch lý Abilene, mọi người đều cho rằng đó là một quyết định tồi tệ. Điều này không phải lúc nào cũng đúng với tư duy tập thể. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng các nhóm muốn làm việc hiệu quả phải khắc phục được cả tình trạng tư duy tập thể và nghịch lý Abilene.

CÁC HIỂU HIỆN CỦA VIỆC LÀM ĐIỀU TRÁI VỚI MONG MUỐN

Theo Harvey, vấn đề dẫn đến Nghịch lý Abilene là do không thể quản lý tốt ý kiến của mọi người, chứ không phải do vấn đề xung đột. Nghịch lý Abilene thường có những biểu hiện như:

  • Mọi người đều đồng ý với tư cách cá nhân về các vấn đề đang phải đối mặt và những gì cần phải làm
  • Các thành viên không thể thống nhất, trao đổi quan điểm, mong muốn muốn của mình với người khác. Trên thực tế, họ chỉ cần đưa ra quan điểm trái chiều là sẽ ngay lập tức bị người khác đánh giá hoặc hiểu nhầm.
  • Các thành viên đưa ra một quyết định tập thể trái ngược với những gì họ muốn. Điều này dẫn đến hậu quả là những việc làm phản tác dụng so với ý định bạn đầu.
  • Khi mọi việc xảy ra không như ý muốn, mọi người bắt đầu tỏ ra thất vọng, tức giận, cáu kỉnh và không hài lòng với tập thể. Hậu quả là họ sẽ chia bè kết phái với những người có cùng quan điểm và nói xấu hoặc buộc tội những người còn lại.
  • Cuối cùng, nếu vấn đề này không được giải quyết thì nó sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều hậu quả khó lường khác.

CÁCH NHẬN BIẾT NGHỊCH LÝ ABILENE TRONG CÔNG VIỆC

  • Các thành viên trong công ty, mỗi người lại có một quan điểm trái ngược nhau.
  • Họ đồng ý vô điều kiện với những ý kiến của người khác và gần như không bao giờ bày tỏ sự quan tâm hay thể hiện ý kiến trái chiều.
  • Họ cảm thấy thất vọng hoặc tức giận với phong cách quản lý của cấp trên và với những đồng nghiệp khác.
  • Họ trốn tránh trách nhiệm hoặc cố gắng đổ lỗi cho người khác.
  • Họ thể hiện mình là người không đáng tin cậy.
  • Tất cả mọi quyết định đều phải được sự đồng thuận, nhất trí của tập thể.
  • Rất ít khi những ý kiến trái chiều được chú ý tới.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH NGHỊCH LÝ ABILENE TRONG CÔNG VIỆC?

Vấn đề của nghịch lý Abilene là ở chỗ mọi người đều cho rằng quan điểm của mình là thiểu số và không muốn trình bày cho người khác. Khi tất cả mọi người trong nhóm đều đã nói có thì rất khó để một người nói không. Vậy trong môi trường làm việc, các doanh nghiệp, cụ thể là những người đảm nhiệm vai trò quản lý, lãnh đạo cần phải làm gì để hạn chế tình trạng này?

1. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Từ xưa đến nay con người vẫn đề cao tinh thần tập thể và luôn muốn được hòa nhập với mọi người thay vì tạo nên sự khác biệt. Tư tưởng xấu đều còn hơn tốt lỏi đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Nếu một người tỏ ra khác biệt với những người khác, họ sẽ ngay lập tức bị soi mói hay thậm chí là bị loại khỏi tập thể. Và đối với một người đã từng nêu ý kiến và bị bỏ qua, bị phản bác hay phán xét, họ sẽ không bao giờ nêu ý kiến lần thứ hai.

Vì vậy, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải làm nếu như muốn tránh Abilene Paradox trong công việc là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nhân viên - nơi mà mọi người có thể thoải mái nêu ý kiến mà không phải lo lắng về sự đố kỵ hay soi mói của người khác. Bởi khi có sự thấu hiểu, tôn trọng ý kiến của nhau thì các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống đều được giải quyết dễ dàng. Điều này, cần bạn rèn luyện tốt kỹ năng làm việc nhóm để hợp tác, trao đổi cũng như thể hiện quan điểm cá nhân hiệu quả.  

2. Khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến

Nếu các thành viên được quy tụ lại với nhau theo thế mạnh của từng người để cùng giải quyết một vấn đề thì họ cần phải nêu ý kiến, thậm chí là những ý kiến trái chiều. Đây chính là điều làm nên giá trị của cả nhóm. Ngay từ đầu, các nhóm nên phân công cụ thể những ai sẽ tham gia vào giải quyết vấn đề và ai mới là người được đưa ra quyết định cuối cùng. Khi đó, việc đưa ra những ý kiến trái chiều sẽ giúp phân tích vấn đề sâu hơn và quyết định cuối cùng chắc chắn sẽ chính xác hơn.

3. Chủ động lắng nghe

Khi người quản lý thể hiện rằng họ luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người thì nhân viên sẽ có thêm sự tự tin và cảm thấy được tôn trọng hơn khi đưa ra ý kiến đóng góp. Bản thân người quản lý cũng nên trình bày rõ các lý do đằng sau quyết định của mình để tránh những hiểu nhầm, tranh cãi về sau.

Nếu như những xung đột, tranh cãi nơi công sở có thể giải quyết thông qua các cuộc họp bàn, thương lượng thì nghịch lý Abilene lại không như vậy. Nó xảy ra thầm lặng trong mỗi doanh nghiệp và nhiều khi người quản lý chỉ có thể phát hiện khi nó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong các doanh nghiệp Việt Nam, Nghịch lý Abilene là điều không thể tránh khỏi bởi tư tưởng xấu đều còn hơn tốt lỏi đã ăn sâu vào trong suy nghĩ. Tuy nhiên, vẫn sẽ có rất nhiều cách khác nhau để các doanh nghiệp hạn chế và khắc phục tình trạng này.

Theo Joboko, Brightside

menu
menu