Nghiên cứu chỉ ra Người Quyền lực thường Vội vàng đổ lỗi cho người khác

nghien-cuu-chi-ra-nguoi-quyen-luc-thuong-voi-vang-do-loi-cho-nguoi-khac

Kẻ quyền lực hay đổ lỗi vì họ lầm tưởng rằng người khác cũng có nhiều lựa chọn giống như họ.

Nội dung chính

  • Những người quyền lực có xu hướng có được nhiều lựa chọn hơn trong rất nhiều hoàn cảnh cuộc sống và họ có thể tin rằng những ai ít quyền lực hơn cũng được như họ.
  • Kẻ quyền lực, cho rằng những người ít quyền lực cũng cảm nhận được nhiều lựa chọn giống như họ, xem lỗi lầm của người khác là do cố tình và không thể tha thứ.
  • Trước khi đổ lỗi cho ai, kẻ nắm nhiều quyền lực phải nhớ rằng những giả định của họ về quyền tự do lựa chọn của người khác đang bị ảnh hưởng bởi quyền lực.

Nguồn ảnh: michael_schueller/Pixabay

Khi nào chúng ta phê phán khắt khe một nhân viên vì sai lầm mà họ mắc phải, trừng phạt một đứa trẻ vì hành vi xấu, hay tham gia vào việc đổ lỗi cho nạn nhân? Đó là khi chúng ta biết rằng hành động của một ai đó là do họ được tự do chọn lựa.

Một nghiên cứu của Yin và cộng sự, được công bố trên tạp chí Social Psychological and Personality Science tháng 1 năm 2022, cho thấy những người quyền lực thường vội vàng đổ lỗi cho người khác vì họ cho rằng người khác có nhiều sự lựa chọn trong một tình huống nào đó.

Có quyền lực và sự lựa chọn 

Quyền lực có nghĩa là có quyền kiểm soát đối với những nguồn lực giá trị.

Những người có quyền lực cao (ví dụ như các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân thành đạt) thường dựa vào nhiều căn cứ quyền lực, như quyền lực khen thưởng và quyền lực cưỡng chế.

Quyền lực ảnh hưởng đến cách người ta suy nghĩ và cảm nhận.  

Chẳng hạn, so với một người không có quyền lực (hoặc bị mất quyền lực) thì một cá nhân đầy quyền lực (hoặc được trao quyền) có được cảm giác kiểm soát và tự quyết lớn hơn.

Vấn đề nảy sinh khi người quyền lực cũng tưởng rằng tất thảy mọi người đều nhìn thế giới giống như họ—tức là, cảm nhận về quyền tự quyết và kiểm soát, nhận thấy được nhiều lựa chọn và giải pháp thay thế khả thi trong một tình huống, và có được quyền tự do lựa chọn tương tự như họ (tự do lựa chọn dựa trên ý định).

Nhưng trong thực tế, người không có quyền lực có xu hướng nhìn nhận về một tình huống nào đó là gần như chẳng cho họ chút kiểm soát, tự chủ hay lựa chọn nào.

Vậy, tại sao những người nắm quyền lực – người phóng chiếu quan điểm của họ về sự lựa chọn sang những kẻ ít quyền lực – lại gây ra vấn đề? Hãy suy nghĩ về điều này: Bạn sẽ quyết định trong chừng mực nào mà một nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm, bị khiển trách hay trừng phạt vì thành tích yếu kém?

Có lẽ bằng cách hỏi xem liệu họ có được tự do lựa chọn hành động hay không. Bây giờ giả sử một nhân viên bị buộc tội đáp rằng anh/cô ấy nhận thấy mình chỉ có vài lựa chọn thay thế khả thi. Nếu bạn là người nhiều quyền lực (ví dụ, bạn là sếp hoặc người giám sát), bạn có thể xem đó là một cái cớ và vẫn nghĩ rằng nhân viên đó có nhiều lựa chọn thay thế khả thi, song vẫn cố tình chọn cách hành xử sai lầm hoặc gây hại. 

Do đó, người giám sát (trái với các đồng nghiệp của nhân viên ấy) có nhiều khả năng cho rằng hành vi phản ánh mong muốn hoặc ý định thực sự của nhân viên, nghĩa là nhân viên có tội và xứng đáng bị kỷ luật và trừng phạt.

Tất nhiên, những phân tích trên mới chỉ là lý thuyết. Để kiểm tra xem liệu quyền lực có thực sự ảnh hưởng đến nhận thức chủ quan về sự lựa chọn hay không, Yin và các cộng sự đã tiến hành các cuộc điều tra sau đây.

Nghiên cứu về quyền lực và nhận thức về quyền tự do lựa chọn   

Nghiên cứu 1

Mẫu: 363 (194 nữ); độ tuổi trung bình là 34.

Có 2 cuộc khảo sát.

Khảo sát cảm nhận về quyền lực gồm 8 mục (ví dụ, “Tôi có thể bắt người khác làm những việc tôi muốn”).

Khảo sát về hành vi đổ lỗi bằng đầu bằng câu chuyện về một nhân viên tên là L.R. người đã không báo cáo công việc của mình, nói rằng cô ấy đang bận làm một dự án khác và “không còn lựa chọn nào khác.” Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu đánh giá xem liệu L.R. có lựa chọn nào khác không hay là cô ấy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và đáng bị khiển trách.

Nghiên cứu 2

Mẫu: 393 (229 nữ); độ tuổi trung bình là 37.

Thay vì đo lường quyền lực như ở trên, thí nghiệm này thao túng cảm nhận về quyền lực ở người tham gia bằng cách tạm thời trao cho họ những vai trò quyền lực cao-hoặc-thấp (người giám sát vs. cấp dưới) trong một nhóm làm việc giả định.

Người có khả năng bị đổ lỗi là một người sao chép đến từ một nhóm làm việc khác – người đã phạm lỗi trong quá trình sao chép một bản ghi âm. Người sao chép được cho là đã gửi một tin nhắn xin lỗi vì đã mắc lỗi và đổ lỗi cho kết nối internet không ổn định và sắp hết thời gian.

Một lần nữa, các câu hỏi liên quan đến việc liệu người sao chép có lựa chọn nào hay không, và họ có phải chịu trách nhiệm, bị khiển trách và trừng phạt không (tức là, không được trả lương cho công việc này).

Nghiên cứu 3

Mẫu: 352 sinh viên (162 nữ); độ tuổi trung bình là 21.

Những người tham gia được xếp vào các nhóm gồm ba người, nắm vị trí quyền lực cao hoặc thấp (người quản lý vs. cấp dưới). Cách sắp xếp này được cho là dựa trên những câu trả lời của sinh viên trong bảng câu hỏi về khả năng lãnh đạo (trên thực tế, nó mang tính ngẫu nhiên).

Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ dễ, với tư cách là Người quản lý hoặc Cấp dưới A, mỗi người tham gia sẽ xem xét công việc của hai thành viên kia trong nhóm. Trong khi người quản lý và Cấp dưới A luôn trả lời đúng câu hỏi của họ, còn cấp dưới giả định B lúc nào cũng sai gần một nửa và gửi một tin nhắn đổ lỗi cho sai lầm là do thiếu ngủ.

Như đã đề cập trước đó, các sinh viên được hỏi về sự lựa chọn của Cấp dưới B, rồi sau đó quy trách nhiệm và khiển trách.

Ảnh hưởng của quyền lực lên nhận thức về sự tự do lựa chọn  

Các kết quả cho thấy:

  • Những cá nhân với cảm nhận quyền lực cao hơn, so với những người ít quyền lực, cho rằng bên đáng khiển trách đã có nhiều lựa chọn.
  • Những người có quyền lực và địa vị cao có xu hướng đổ lỗi và trừng phạt nhiều hơn.

Vì vậy, nhận định rằng người khác có nhiều sự lựa chọn có lẽ là một nguyên do khiến cho các nhà lãnh đạo và người nhiều quyền lực có khả năng đổ lỗi, trách cứ và trừng phạt.     

Và có lẽ các phát hiện này cũng lý giải tại sao những người nhiều quyền lực lại biện minh cho tình trạng hiện tại và hệ thống phân cấp quyền lực:

Người quyền lực có thể cho rằng những ai đang ở vị trí quyền lực thấp đã có những lựa chọn thay thế khả thi, nhưng vẫn cố tình chọn những vị trí kém quyền lực và địa vị (cũng giống như người đang có địa vị cao cố tình theo đuổi quyền lực và địa vị cao hơn).

Tóm lại, họ lập luận rằng tình trạng kinh tế–xã hội của tất cả mọi người đều là hợp lý và xứng đáng.

Nguồn ảnh: Rodrigo_SalomonHC/Pixabay

Bài học rút ra

Nếu bạn đang ở vị trí kém quyền lực thì cần lưu ý rằng những người có quyền lực và địa vị có xu hướng xem hành vi của bạn là được tự do lựa chọn và phản ánh những mong muốn, giá trị và niềm tin của bạn.   

Do đó, hãy nhìn nhận sự việc từ góc độ của người có quyền lực cao. Hãy làm việc này thường xuyên, chứ không chỉ sau khi mắc lỗi (đừng biến nó thành một cái cớ để tránh bị trừng phạt).

Nếu bạn đang ở cương vị nắm quyền lực (ví dụ như, là một bậc cha mẹ, bác sĩ, người giám sát, nhà quản lý), bạn có thể nhìn ra sự lựa chọn tốt hơn trong một tình huống và lầm tưởng rằng những người khác cũng giống như vậy (tức là, con bạn, bệnh nhân, nhân viên).

Vì vậy hãy điều chỉnh các giả định của bạn trước khi đổ lỗi cho những ai kém quyền lực hơn bạn. Bằng cách nào? Bằng cách đặt câu hỏi để biết được góc nhìn của họ.

Hãy nhớ, so với nhận thức của những người kém quyền lực và địa vị thì nhận thức của bạn là nhờ quyền lực của bạn mang lại.

 

Hồng Nga dịch

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/finding-new-home/202203/research-shows-powerful-people-are-quick-blame

menu
menu