Ngược dòng vui vẻ
Đào luyện những phẩm hạnh trí tuệ và quả cảm của người Hy Lạp là một chuyện. Nhưng vui vẻ theo cách của người Mĩ thì điên loạn hết sức
Tôi từng tham dự một buổi lễ Hướng đạo sinh ở phía đông bắc hoa Kỳ, nơi tôi hít thở tinh thần Mĩ chưa được tinh lọc. Đồng phục của các cậu con trai có mảnh vải quốc kỳ nhỏ được may bên cạnh huy hiệu của họ. Chúng tôi đọc thuộc Lời thề Trung thành trước một lá cờ Mĩ quá khổ, và chúng tôi cầu nguyện trước vị Chúa mông lung của nước Mĩ, tạ ơn về điều này điều kia, và cầu xin sức mạnh hay sự bảo vệ. Các cậu con trai đọc thuộc lòng Luật Hướng đạo của họ: trở thành người đáng tin cậy, trung thành, hữu ích, và...vui vẻ.
Là một triết gia chịu ảnh hưởng từ Friedrich Nietzsche, tôi lúc nào cũng tưởng tượng về sự vui vẻ như một đứa trẻ ốm yếu, được sinh ra 9 tháng sau cuộc hẹn hò qua Tinder giữa Chủ nghĩa Khắc kỷ và Kitô giáo. Nhưng vào cái đêm đó tôi đã biết rằng sự vui vẻ là một đứa trẻ mồ côi người Anh được lén đưa đến Mĩ vào đầu thế kỷ 20, và giờ kiếm sống bằng cách làm mẫu cho mấy tấm biển quảng cáo kiểu Mỹ: những cái gối, những cốc cà phê và đôi dép đi trong nhà. Vui vẻ đã bén rễ sâu vào mảnh đất Mĩ và những Hướng đạo sinh nghèo bị buộc phải tin rằng tính vui vẻ là một phẩm hạnh.
Người Hy Lạp cổ đại gọi tên cho bốn phẩm hạnh: điều độ, trí tuệ, can đảm và công bằng. Aristotle bổ sung thêm nhiều phẩm hạnh khác, nhưng tính vui vẻ không phải là một trong số chúng. Các triết gia Hy Lạp dường như chẳng bận tâm đến chuyện chúng ta cảm nhận như thế nào so với chuyện chúng ta hành xử ra sao. Aristotle nói rằng lý tưởng là chúng ta sẽ cảm thấy vui khi hành động tốt, nhưng ông không xem niềm vui là điều cần thiết cho hành động đẹp. Hành động có đạo đức nghĩa là tránh xa sự thái quá và thiếu hụt, kém cỏi. Nhưng để đạt được ‘sự trung dung’ của ông ta, chúng ta cần vứt bỏ mọi hành động sai trật mục tiêu. Nhiều lúc, sự trung dung này cực kỳ khó đạt được, nhưng nếu nó dẫn đến một sự lựa chọn giữa cảm thấy vui trong khi hành động tồi tệ hay cảm thấy tệ trong khi hành động tốt, Aristotle nói ta hãy chọn hành vi tốt. Ông ấy hiểu rằng cảm xúc thì khó mà kiểm soát được, đôi khi không thể kiểm soát, nhưng ông ấy cũng biết rằng những cảm xúc tích cực có thể quanh quẩn bên những hành động có phẩm hạnh. Trong khi chúng ta đang đợi chờ những cảm xúc tốt đẹp xuất hiện thì ông ấy yêu cầu chúng ta bắt tay vào rèn luyện phẩm hạnh điều độ, trí tuệ, dũng cảm và công bằng. Nhưng ông ấy không bao giờ nói gì về việc mỉm cười trong đó.
Những nhà khắc kỷ La Mã đã tiến gần hơn tới việc chế định ra sự vui vẻ khi họ quyết định rằng chúng ta nên chú ý đến cảm xúc của mình. Họ tin rằng chúng ta có thể kiểm soát thái độ của mình. Nhưng ngay cả khi họ không phải là nhà vô địch về vui vẻ, bất chấp việc các dịch giả người Mĩ tìm cách đầu độc họ bằng nó. Ví dụ, Marcus Aurelius, trong cuốn Meditations (Suy tưởng), tự răn mình phải trở thành εὔνους, theo nghĩa đen là ‘người tốt bụng’. Điều này được dịch sang tiếng Anh là ‘thiện căn’ bởi Francis Hutcheson và James Moore vào năm 1742 ở Scotland, và sau đó là ‘nhân từ’ bởi dịch giả người Anh George Long năm 1862, trước khi quay lại với ‘bản chất tốt’ vào năm 1916 dưới sức ảnh hưởng của dịch giả người Anh khác, C R Haines. Năm 2003, Gregory Hays, từ Indianapolis, dịch từ εὔνους là ‘vui vẻ’. Có lẽ Hays là một hướng đạo sinh. Hoặc người theo đạo Kitô. Hoặc cả hai.
Trong danh sách các phẩm hạnh của phái Khắc kỷ, những người Kitô đã bổ sung thêm đức tin, hy vọng và tình yêu. Chúng là một món quà từ Chúa, không giống như kiên nhẫn và công bằng mà ta có thể tự mình đạt được. Đức tin là niềm tin rằng với Chúa, mọi sự đều có thể; hy vọng là mạo hiểm niềm tin ấy trong thời gian thực; và tình yêu là sẵn sàng sai lầm về nó. Ba điều này bổ sung thêm một yếu tố cảm xúc hiển nhiên vào sự pha trộn của các phẩm hạnh, nhưng ngay cả Jesus cũng không đòi hỏi con người phải vui vẻ. Yêu cầu gần nhất của ông ấy là khuyên các môn đồ đừng tỏ vẻ chán nản khi họ nhịn ăn. Paul thậm chí còn đến gần hơn khi ông tuyên bố rằng ‘Thiên Chúa yêu một kẻ cho đi trong vui vẻ’. Nhưng trong tiếng Hy Lạp nguyên bản thì nó vẫn giống như là ‘Chúa yêu bạn khi bạn cho đi mà không cần ai phải thuyết phục’ hơn là giống như định nghĩa về sự vui vẻ của Hướng đạo sinh. Nhưng Paul cũng nói rằng người Kitô giáo nên ‘làm mọi thứ mà không càu nhàu và tranh cãi’. Điểm mấu chốt từ hành động đến thái độ được khởi xướng bởi các nhà Khắc kỷ và được khuyến khích, lôi kéo bởi các tín đồ Kitô đã thiết lập nên giai đoạn lịch sử cho Luật Hướng đạo ở Mĩ.
Năm 1908, trung tướng người Anh Robert Baden-Powell đã tạo ra (sẽ trở thành) phong trào Hướng đạo sinh trên toàn thế giới. Ý định của ông là truyền bá những giá trị Kitô cũ tốt đẹp đến những cậu bé người Anh tốt bụng. Sự vui vẻ và những phẩm hạnh mới sinh khác sớm xuất hiện trên toàn cầu, tới nước Mĩ vào năm 1916. Cuối cùng, Hiệp hội Hướng đạo sinh ở Anh đã bỏ nó: họ không cần phải vui vẻ nữa, theo Luật hướng đạo của họ, mặc dù nó là ý tưởng của họ. Sự trỗi dậy của niềm vui mang tính gượng ép phản ánh văn hóa Anh đương đại, cũng giống như sự cai trị của vui vẻ ở Mĩ phản ánh văn hóa Mĩ đương đại của chúng ta.
Các Hướng đạo sinh Mĩ gắn vui vẻ với tính tích cực: một Hướng đạo sinh nên ‘tìm kiếm mặt tươi sáng của cuộc đời. Hoan hỉ thực hiện nhiệm vụ đến với anh ta. Tìm cách giúp người khác trở nên vui vẻ.’ Thay vì nhăn nhó trong khi anh ta đang làm việc cực nhọc, một Hướng đạo sinh vui vẻ sẽ dung dưỡng một thái độ vui tươi. Anh ta sẽ ‘bắt lấy những cơ hội’ mà người khác sẽ không nắm bắt, và có khả năng xem những công việc khó khăn là thú vị hơn so với kẻ khác. Cuối cùng, một Hướng đạo sinh tốt sẽ tin rằng tâm tính vui vẻ dễ lây nhiễm và có thể lan truyền đến những người xung quanh anh ta.
Nếu bạn phải khuyên nhủ một ai đó hãy vui vẻ lên thì họ sẽ không cảm thấy vui.
Không ngạc nhiên khi sự vui vẻ được đón nhận không chỉ bởi các Hướng đạo sinh mà còn cả nền văn hóa Mĩ vĩ đại: Hoa kỳ là một nồi lẩu thập cẩm của Kitô giáo, Chủ nghĩa Khắc kỷ, trị liệu nhận thức hành vi, chủ nghĩa tư bản và Phật giáo, tất cả đều cho rằng, ở mức độ khác nhau, chúng ta chịu trách nhiệm cho thái độ của mình, và sau cùng, cho hạnh phúc của ta. Lướt nhanh qua khu sách self-help ở bất kỳ cửa hàng sách nào tại Mĩ tuyên bố rằng rất nhiều người Mĩ đang tuyệt vọng tìm cách khởi động con đường đi đến sự lạc quan của họ. Những tài liệu nói về việc chấp nhận tình trạng khốn khó của cuộc đời chắc chắn là vẫn nằm yên trên các kệ sách. Tuy nhiên, những cuốn sách về sự lạc quan có thể rèn luyện được đã giúp các tác giả của chúng bỏ túi hàng triệu đôla. Họ bảo với chúng ta rằng chìa khoá cho hạnh phúc là tích cực, và chìa khoá cho tích cực là tánh vui vẻ. Động mạch chủ của nền kinh tế Hoa Kỳ bơm ra sự lạc quan, tích cực và vui vẻ, trong khi những tĩnh mạch khác mang trở lại cho Hoa Kỳ những đồng đôla được đầu tư một cách ngây thơ vào những phương án được thiết kế nhằm để làm giàu nhanh chóng, nói theo cảm xúc.
Socrates đã đúng trong tác phẩm Symposium (Yến hội) khi ông nói rằng chúng ta bị thu hút trước những thứ không phải là ta, và các nhà tâm lý học đứng đằng sau việc sản xuất và tiếp thị biết rõ hơn chúng ta về sự lan tràn của chứng lo âu, trầm cảm và bồn chồn ở Mĩ. Nhiều người trong chúng ta có thể không có bản tính vui vẻ, chịu áp lực phải luôn tươi cười bởi quan niệm đang thống trị rằng một mình chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của ta. Ngắm nghía cửa hàng ở bất kỳ thành phố trung lưu nào và bạn sẽ khám phá ra một nền văn hóa tiêu dùng tuyệt vọng sống theo câu châm ngôn ‘Nghĩ như một hạt proton: luôn tích cực!’ Các cửa hàng đồ gia dụng đầy rẫy những lời nhắc nhở rằng chúng ta có thể hạnh phúc biết nhường nào nếu như ta vâng theo những tách trà của ta với những câu triết lý giả cầy được in trên tách trà chẳng hạn như ‘Luôn luôn vui vẻ là một dấu hiệu của trí tuệ,’ ngoại trừ chuyện những tách trà đó chẳng biết gì về vui vẻ hay trí tuệ, hay liệu chúng có liên quan đến hạnh phúc không. Hãy nhìn Đan Mạch mà xem: người Đan Mạch không phải là người vui vẻ nhưng, nếu ta tin vào các số liệu thống kê thì họ hạnh phúc hơn hết thảy mọi người. Tôi từng đến Đan Mạch, và ở đó không bị ô uế bởi các thông điệp ‘Hãy bình tĩnh và tập trung vào sự vui vẻ.’
Nếu bạn khuyên ai đó hãy vui vẻ lên thì họ sẽ không cảm thấy vui. Thật tuyệt khi sự vui vẻ được cảm nhận một cách tự nhiên và được hào phóng cho đi, nhưng nó không hề đạo đức hơn hành động quả cảm dù người ấy không thấy vui vẻ. Aristotle quả quyết rằng hành động đạo đức là độc lập và đôi khi trái ngược với những cảm xúc của chúng ta. Nói cách khác, hành động đạo đức phải được xem là đức hạnh.
Baden-Powell biết điều này, và vào năm 1908 ông nhắc nhớ các Hướng đạo sinh của ông rằng khi có chuyện gì đó khó khăn xuất hiện:
bạn nên ép mình mỉm cười ngay lập tức rồi sau đó huýt sáo, và bạn sẽ thấy ổn thôi. Một hướng đạo sinh rảo quanh với một nụ cười và cái huýt sáo. Nó cổ vũ anh ta và cổ vũ người khác, đặc biệt trong lúc nguy hiểm, giúp anh ta tiếp tục cố gắng.
Những lời của Baden-Powell có sức mạnh cưỡng ép một thế hệ thanh niên cứ giả vờ rằng cuộc đời này thật tốt đẹp trong khi thực tế chẳng như vậy. Những người ủng hộ sự vui vẻ vẫn tìm thấy đức hạnh trong màn kịch này. Niềm tin chưa được thẩm tra của người Mĩ về sự vui vẻ đầy rẫy trong các câu châm ngôn của chúng ta: ‘Mật ngọt thì chết ruồi,’ ‘Hãy nghĩ những ý nghĩ tích cực,’ ‘Cuộc đời vẫn đẹp sao,’ ‘Đừng lo, cứ vui lên đi,’ và ‘Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ’ đều là những biến thể tràn đầy vui vẻ về chủ đề lạc quan gượng gạo của Baden-Powell. 'Tốt đẹp như Minnesota' cho thấy quyết tâm gượng gạo của vùng Tây Trung để đánh bóng quá mức một thái độ tích cực.
Có một sự khác biệt cơ bản giữa việc thực hành những phẩm hạnh kiên nhẫn, công bằng và quả cảm của người Hy Lạp và thực hành phẩm hạnh vui vẻ của người Mĩ, mà theo cách của người Mĩ thì thật hết sức điên loạn. Sự kiên nhẫn yêu cầu chúng ta thay đổi hành vi của mình, nhưng nó không đòi hỏi chúng ta phải cảm nhận khác biệt cũng như giả vờ cảm thấy khác. Đúng là Aristotle tin rằng thực hành tính kiên nhẫn trong một khoảng thời gian tự nhiên sẽ khiến chúng ta trở nên nhẫn nại hơn, nhưng sự giả vờ chưa bao giờ là một phần của việc này. Bạn có thể hành xử nhẫn nại dù đang cảm thấy sốt ruột, và đó không phải là lừa dối. Nhưng khi bạn giả vờ vui vẻ, bạn đang nói với người khác rằng bạn cảm thấy ổn trong khi bạn không như vậy. Điều này khuyến khích những chiếc áo phông và tạp dề điên rồ nhất của người Mĩ to mồm rằng: ‘Cười lên nào! Hạnh phúc trông thật đẹp đẽ ở bạn!’
Sự vui vẻ được nhìn nhận như một phẩm hạnh–theo kiểu của Luật Hướng đạo–thay vì như một cảm giác tự nhiên, là một sự giả vờ. Nó không phải là một hành động, nhưng nó là một hành động. Huýt sáo trong khi bạn đang làm việc có thể đáng để bảo vệ, nhưng ép buộc bản thân mỉm cười khi bạn không cảm thấy vui nghĩa là gian dối với những người xung quanh bạn. ‘Hãy cứ giả vờ cho đến khi trở thành sự thật’ để lại hậu quả tàn khốc khi áp dụng vào cảm xúc. Khi được xem như một nỗ lực nhằm đánh lừa người khác nghĩ rằng bạn đang cảm thấy vui, thì sự vui vẻ còn lâu mới là phẩm hạnh. Mà nó là một tật xấu. Nó rơi vào điểm thiếu hụt của phổ tin tưởng (spectrum). Tin tưởng quá nhiều được gọi là ngây thơ, và là một thói xấu vì sự thái quá. Nhưng sự vui vẻ cũng tệ cỡ đó. Nó thú nhận: Tôi không tin tưởng bạn với những cảm xúc đen tối nhất của tôi; tôi không cho rằng bạn đủ chín chắn để luận giải được đời sống nội tâm của tôi. Sự vui vẻ gượng gạo là một sự chối bỏ cuộc sống. Mọi trải nghiệm đều có hương vị khác nhau, và nếu chúng ta gượng ép một nụ cười trước những trải nghiệm chua chát thì ta đang sống chưa thành thực. Chúng ta có thể muốn cách ly ai đó ra khỏi trái tim mong manh của chúng ta, nhưng sự vui vẻ là một con dao hai lưỡi; nó đẩy người thương của chúng ta rời xa. Bất cứ ai chỉ biết có mỗi bản ngã vui vẻ của chúng ta thì sẽ không chạm được vào bản ngã đích thực của ta.
Nếu chúng ta ngừng việc giấu những thất vọng của chúng ta dưới lớp mặt nạ vui vẻ, chúng ta sẽ được tự do để thấu hiểu được nỗi buồn của người khác.
Sự vui vẻ cũng vô tình xóa bỏ phẩm hạnh đức tin của người Kitô giáo. Nó nói rằng: bạn không thể xử lý sự bày tỏ cảm xúc của tôi, và tôi chặn hết cơ hội của bạn để chứng minh rằng tôi đúng. Khi nó dựa trên sự chắc chắn rằng người khác sẽ làm bạn thất vọng, sự vui vẻ thiếu đức tin. Nó phủ nhận khả năng. Trong đời thực, người khác có lẽ sẽ làm chúng ta thất vọng. Nếu chúng ta cho họ thấy cảm xúc thật của ta, có lẽ họ sẽ làm rối tung lên. Nhưng trước việc nhấn mạnh vào sự vui vẻ ở Mĩ, như được khắc sâu vào Luật Hướng đạo, không có gì ngạc nhiên khi họ làm hỏng hết mọi thứ. Tuy nhiên, một nỗ lực cảm thông vụng về thì tốt hơn là bị từ chối cơ hội được thất bại. Đây là một thái độ chống lại-niềm vui nhưng đầy phẩm hạnh: mong đợi người khác làm bạn thất vọng nhưng hãy cho họ cơ hội. Cũng cần nhận ra khi một ai đó đang cho bạn cơ hội làm họ thất vọng. Tính dễ bị tổn thương là một sự rủi ro và cũng là một món quà.
Phẩm hạnh mới nhất này có thể được đặt theo tên cũ là tính trung thực. Thay vì là một nụ cười, nếu chúng ta có thể tìm thấy nó trong chính bản thân ta để khoác lên mình vẻ biểu cảm tự nhiên của chúng ta–thứ mà ngôi sao truyền hình Mĩ Mister Fred Rogers gọi là ‘loại biểu cảm tốt nhất’–chúng ta sẽ sống tốt hơn nhờ nó. Khoác lên mình vẻ biểu cảm tự nhiên của chúng ta là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nói có thay vì nói không với những quả kim quất của cuộc sống, với nỗi buồn, âu lo, bệnh tật, tiếc thương, trầm cảm, cô đơn và tức giận, giữa những cái được gọi là cảm xúc ‘tiêu cực’ khác. Những lời khẳng định này về sự chua chát của cuộc sống có thể khiến cho việc nhăn mày hay cau có, hay bật khóc trở nên dễ dàng hơn. Đến lượt nó, sự biểu lộ tính tiêu cực mới này có thể khiến cho việc trò chuyện, thảo luận một cách trung thực về những khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Bản ngã mới dễ bị tổn thương này của chúng ta sẽ nhìn thấy tính dễ bị tổn thương tương ứng ở những người hàng xóm xa gần của chúng ta. Sự trao đổi tính mong manh này có thể là chìa khóa cho sự đồng cảm. Nếu chúng ta đồng ý ngừng lãng phí nguồn năng lượng cảm xúc để che giấu những thất vọng của chúng ta dưới lớp mặt nạ vui vẻ, thì khi ấy chúng ta sẽ được tự do để thấu hiểu được nỗi buồn của người khác. Nhà triết học người Tây Ban Nha Miguel de Unamuno thấy những biểu hiện của đau khổ được chia sẻ giữa hai người là sự cân bằng tuyệt vời của nhân loại. Ông tin rằng những mối quan hệ sâu sắc hơn có thể được tạo nên từ đống đổ nát hơn là sự thịnh vượng.
Nhưng những mối quan hệ sâu sắc đều có cái giá của nó. Sự vui vẻ không chỉ là một hiện tượng của người Mĩ, mà nó còn được tích hợp một cách độc đáo vào bản sắc quốc gia là bất khả chiến bại, và cũng không rõ liệu chúng ta đã sẵn sàng từ biệt nó chưa. Để trở thành con người bằng xương bằng thịt, người Mĩ trước tiên cần phải từ bỏ quan điểm rằng hạnh phúc là vấn đề thuộc về thái độ. Điều này không chỉ thách thức lịch sử của Hướng đạo sinh mà còn rộng hơn là hình ảnh đang ngự trị về người Mĩ tự lực tự chủ, con người luôn ngẩng mặt lên và không bao giờ để họ thấy anh ta đang đổ mồ hôi. Câu chuyện này rất quan trọng trong sự ra đời của nước Mĩ và sau đó biến nó trở thành siêu cường như ngày nay.
Từ bỏ một cam kết với sự vui vẻ có nghĩa là có nguy cơ bị phán xét là kẻ tầm thường, phàm tục. Song, nếu chúng ta có thể học cách chia sẻ nỗi khổ đau của người khác mà không cố gắng khiến họ vui lên và xua đuổi khổ đau đi, và nếu họ có thể làm điều tương tự với chúng ta thì khi ấy chúng ta đã tiến thêm một bước tới tình huynh đệ thực sự, thứ tình cảm mà Aristotle khuyến nghị khi ông ấy nói chúng ta nên sống với bạn bè của chúng ta. Loại mà Hướng đạo sinh khao khát, và Baden-Powell tin rằng ông ta đang trau dồi khi ông chế định về sự vui vẻ. Sự kết nối và cảm thông sâu sắc ở con người–nói cách khác, tình yêu–không có chỗ cho sự vui vẻ gượng gạo, và thường bị hủy hoại bởi những khuôn mặt giả tạo. Nếu chúng ta muốn yêu thương thắm thiết hơn và tìm được hạnh phúc và tình bạn đích thực, đã đến lúc bồi dưỡng tính trung thực thay vì vui vẻ.
Tác giả: Mariana Alessandri là phó giáo sư triết học và giảng viên liên kết trong các nghiên cứu về người Mỹ gốc Mexico và nghiên cứu về giới và phụ nữ tại Đại học Texas Rio Grande Valley. Nghiên cứu của cô đã được đăng trên tờ New York Times và New Philosopher, và những tạp chí khác.
Photo by B Anthony Stewart/National Geographic/Getty
Nguồn: https://aeon.co/essays/cheerfulness-cannot-be-compulsory-whatever-the-t-shirts-say