Người Lạ Ở Chung Nhà – The book of life
Sau một vài năm chung sống với người ấy, thì hẳn ai cũng đã từng bắt gặp bản thân mình âm thầm chịu đựng trạng thái buồn chán tột độ.
Sau một vài năm chung sống với người ấy, thì hẳn ai cũng đã từng bắt gặp bản thân mình âm thầm chịu đựng trạng thái buồn chán tột độ. Ban đầu thì quả thật đối phương cũng thú vị, và sự thú vị ấy trong nhiều trường hợp còn được lưu giữ nguyên vẹn qua thời gian. Tuy nhiên, dần dà về sau khi đã hiểu nhau quá nhiều, đến nỗi thậm chí còn có thể đoán biết xem liệu đối phương sẽ nói gì tiếp theo, vì đã được quan sát đối phương từ mọi góc độ và biết tỏng mọi câu đùa giờ đây thành ra nhạt thếch. Thì mặc dầu không hề có ý định phản bội, nhưng mắt ta vẫn vội tránh mỗi lần chạm phải nhau, nhưng tim ta vẫn đập thình thịch trước cả những gương mặt thoáng qua nơi góc phố - những gương mặt kỳ bí và quyến rũ đến dị thường. Sự bí ẩn mà ta không thể nào chạm đến được ấy, chúng ám ảnh ta, khiến ta dần thờ ơ và cáu bẳn cả với người đã nguyện sẽ cùng ta cả đời chung sống.
Mong muốn được trải nghiệm thêm nhiều những sắc thái mới mẻ trong tình yêu thực ra cũng đâu có gì khó hiểu. Có chăng sai lầm chỉ đến từ niềm tin cố hữu của ta, cho rằng để đạt được điều đó thì ta nhất định phải tìm yêu ai khác. Và trong lúc bồn chồn, thì ta đã sơ suất không thèm tính đến yếu tố then chốt có thể cứu vãn cuộc tình, rằng người thân yêu đã ở bên ta suốt bao nhiêu năm trời ấy, rốt cuộc cũng vẫn chỉ là một người lạ.
Oái oăm thay, tình trạng “vẫn chỉ là người lạ" hoá ra lại bắt nguồn từ chính những phút giây gần gũi về cả thể xác lẫn nếp sống, khiến ta chủ quan cho rằng ta đã hiểu quá rõ về đối phương rồi, từ đó không thèm cố gắng thăm hỏi dò la như hồi mới quen nữa. Ngoài ra, cách suy nghĩ như vậy cũng sẽ giết chết nỗi tò mò của ta về đối phương, dần dà còn thay thế dáng vẻ hiếu kỳ và vui tươi của ta bằng bộ dạng bơ phờ, gắt gỏng.
Mới đầu thì ta cũng để ý thấy sự kì cục trong cách hành xử của ta đấy, và ta muốn khắc phục chứ, ta cố gắng ghi nhớ hết mọi thông tin căn bản về đối phương: nào phả hệ gia đình, nào truyền thống học tập và làm việc bao đời nay, nào bạn bè, nào du lịch, nào sở thích văn hoá, rồi cả những thói quen sinh hoạt nữa. Nhưng sau rốt thì bỗng dưng ta lại chấp nhận buông xuôi, nghĩ rằng mình làm vậy đã là đủ lắm rồi - nghĩ rằng mình đã có thể nắm bắt được hoàn toàn một người chỉ sau khoảng 150 giờ tâm sự. Và cuối cùng, thứ còn đọng lại trong những lần trò chuyện của ta chỉ quanh quẩn dăm ba chủ đề về tin tức, công sở, việc thiết yếu, hay “Anh/em ơi ra mà xem nước sôi rồi này!”. Ta chẳng còn hi vọng được trải lòng cùng nhau, bởi chính ta cũng đâu thèm chuẩn bị hay săn đón gì chuyện ấy đâu.
Tựu chung, ta vin vào những mảng ký ức chắp vá về nửa kia, coi đó như cái cớ để không phải hỏi han người ấy gì thêm. Ta giấu nhẹm đi cả cái sự thật bấy lâu nay vẫn ngầm ẩn trong tiềm thức, rằng chẳng ai có thể hoàn toàn hiểu hết được một người - ngay bản thân người đó cùng lắm cũng chỉ lí giải được một phần nhỏ nhoi sử dụng logic thường tình, nói gì đến người ngoài như ta, sau hàng năm trời cố gắng khéo cũng chỉ thu thập được lượng thông tin nhỏ bằng hạt muối giữa biển cả. Ta nhầm tưởng chuyện được ở cùng nhau mỗi ngày thành sự thấu hiểu. Thái độ trốn tránh của ta đối với độ phức tạp trong tâm hồn người ấy, rốt cuộc cũng chính là tấm gương phản chiếu cho sự ngán ngẩm ta dành cho thế giới xung quanh: ta cũng đâu thấy hứng thú gì hơn về quê hương, thành phố, thậm chí về chính căn nhà của mình đâu. Nhìn ra ngoài, ta tương tự tặc lưỡi trước những điều tầm thường tẻ nhạt, và lại một lần nữa thấy mình khao khát, thấy mình mơ tưởng về những kì quan thú vị ở nước ngoài.
Đối lập với thái độ vô ơn này chính là nghệ thuật, với mỗi tác phẩm đều chỉ cho ta thấy vẻ đẹp của những sự vật đời thường bình dị. Qua bao nhiêu thế kỉ, những nhà nghệ thuật đã dồn hết tài năng và công sức của mình, nhằm truyền tải những thông điệp như “Hãy để ý đến ngọn nắng mai còn vương trên tán cây, đến ngọn sóng dập dìu bên bờ, đến làn sương yên lặng bao bọc lấy thành phố lúc mới tảng sáng…”. Họ thử thách ta, muốn ta nhìn lại những sự vật tưởng chừng đã thân quen bằng cặp mắt tươi mới, giống như cách danh hoạ Edouard Manet đã làm vào năm 1880 trước một bụi măng tây, với vẻ háo hức và nâng niu tương tự với của một đứa bé mới chào đời, hoặc một người sao Hoả lần đầu đặt chân xuống mặt đất. Dẫu trong mắt ta thì đó chỉ là những nhánh cành khẳng khiu lợt sắc, nhưng bằng sự quan sát tỉ mỉ và bàn tay tài hoa, Manet đã tái hiện lại trên giấy những màu những vẻ, vừa đem về cho cây măng tây nhỏ bé ánh hào quang kì bí, vừa góp phần gây dựng lại niềm tin của ta với thế giới.
Vậy, cũng như Manet, hãy nghĩ về người bạn đời như một con quái vật ngoài hành tinh cần được nghiên cứu và tìm hiểu kỹ càng hơn xem. Có thể chỉ cần đơn giản bắt đầu bằng cách mời người ấy ra ngoài hẹn hò, rồi nói chuyện với người ấy như thể bạn chẳng biết gì về người cả (đúng thế thật mà). Thử đề cập đến thậm chí cả những chủ đề mà trước đó hai bạn mới chỉ kịp nói lướt qua, chẳng hạn:
- “Mối quan hệ của anh/em với bố thế nào?”
- “Ngày xưa cha mẹ có hiểu lầm anh/em bao giờ không?”
...rồi trở lại nói về sự nghiệp trong lúc ăn món chính:
- “Yếu tố nào trong công việc đem lại cho anh/em động lực?”
- “Anh/em thấy thiếu tự tin nhất/mạnh nhất ở mảng nào?”
Đến đây, bạn có thể quay sang hỏi han về những khát vọng lớn trong cuộc đời đối phương:
- “Có thứ gì mà anh/em làm mãi không thấy chán?”
- “Anh/em có buồn không nếu cả đời này không giành được thành tựu?”
- “Anh/em hy vọng điều gì cho tương lai?”
- “Đối với anh/em thì cuộc đời có ý nghĩa như thế nào?”
Đến lúc tối muộn, cũng bằng phương pháp tương tự, bạn sực nhận ra rằng hoá ra mình cũng chẳng hiểu gì mấy về nửa kia trên phương diện tình dục, ngay cả khi hai bạn đã cùng nhau qua đêm được hàng nghìn hàng vạn lần rồi. Và bạn hỏi:
- “Anh/em thích được chạm vào đâu nhất?”
- “Điều gì có thể làm cho anh/em bị kích thích?”
- “Kể cho em/anh giấc mộng mãnh liệt nhất của anh/em đi?”
Cố gắng gạt hẳn sang một bên mọi thông tin đã thu thập được từ trước đó đi, có vậy bạn mới nhìn ngắm người ấy đắm say như lần đầu được. Và cũng hãy coi đây là một bài tập thường xuyên để nhắc ta nhớ đến sự kì bí không có hồi kết của nửa kia - người mà bấy nay ta vẫn cứ lầm tưởng là đã quen thuộc lắm rồi.
Một khi đã trang bị cho bản thân các kĩ thuật như trên, ta sẽ phát hiện ra một sự thật hết đỗi nhẹ nhõm tuy cũng đáng báo động, rằng chẳng cần phải nhọc công đi kiếm thêm người tình nào khác, cuộc yêu vẫn sẽ trở lại tươi mới nếu ta biết nhìn thế giới xung quanh, cụ thể trong trường hợp này là “người lạ” ở phía bên kia giường, bằng cặp mắt tươi mới.
----
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: The Stranger You Live With