Người mắc rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) có những suy nghĩ như thế nào?
(Lưu ý: dưới đây chỉ là chia sẻ từ một người đã phục hồi từ chứng rối loạn nhân cách ranh giới)
"Tôi từng khao khát vô độ một thứ mà tôi không thể định nghĩa, ngoại trừ việc gọi nó là hố sâu nhu cầu không đáy. Một thứ khiến tôi sợ hãi không dám gần gũi với bất kỳ ai vì sợ rằng họ phát hiện ra tôi mục ruỗng và điên rồ. Vì vậy, tôi chọn cách đa dạng hóa. Tôi chơi với rất nhiều bạn bè và không thân thiết với bất kỳ ai trong số họ. Nếu tôi mất cảnh giác, để một người phát hiện ra tôi kỳ quặc như thế nào thì tôi vẫn còn năm mươi chín người bạn khác.
Nhưng rồi một mối quan hệ lãng mạn bắt đầu. Nguy cơ bộc phát thường rất cao với một người có ý nghĩa lớn như vậy với tôi. Lần này sẽ khác chứ vì anh ấy cũng cần tôi. Vì vậy, có lẽ mọi chuyện sẽ ổn thôi. Anh ở bên cạnh từng ngày từng đêm, nhìn tôi, nghe tôi nói. Ồ, thật không thể tin được! Cuối cùng cũng có một người có thể đáp ứng tất cả những nhu cầu này!
Này…chờ chút! Anh ấy nói anh ấy muốn yên tĩnh xem TV. Tôi phải làm cái quái gì bây giờ? Tôi hoang mang…Chết tiệt. Tôi ghét thằng đàn ông này! Tôi đã mất cảnh giác. Hắn không biết tôi đã nỗ lực thế nào để có vẻ bình thường ư? Sao hắn dám xem TV chứ? Hay đi chơi với bạn bè của hắn? Làm sao hắn dám phát hiện ra tôi đang loạn trí thế nào? Tôi hết sức tức giận và hổ thẹn. Hắn đã nhìn thấy hố sâu nhu cầu không đáy của mình.
Tôi phản ứng, nổi cơn thịnh nộ, gào thét cho đến khi gục xuống vì kiệt sức. Sau đó tôi thức dậy và thấy mình đã làm tổn thương anh ấy nhiều đến thế nào. Tôi khinh bỉ bản thân mình. Tôi sợ chết khiếp vì tôi biết anh ấy sẽ bỏ mình. Tôi rất dễ bị tổn thương. Tôi không mạnh mẽ chút nào đâu. Xin đừng rời đi. Em cần anh! Làm sao để anh hiểu đây?
Tôi khóc, tôi cầu xin, tôi nói rằng anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời và kiên nhẫn đến nhường nào. Anh nên ghét em đi! Em thà chết còn hơn. Anh sẽ tốt hơn nếu không ở gần em! Ôi, làm ơn, hãy để em bù đắp cho anh. Hãy ân ái nồng nhiệt ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào!
Phù! Anh ấy đã trở lại. Cảm ơn Chúa vì chúng tôi chưa tan vỡ. Anh ấy có quan tâm…
Khi tôi nhận ra rằng mình đã gây ra tổn thương không thể khắc phục, chu kỳ lặp đi lặp lại thường xuyên đến nỗi tôi tin chắc chắn mình đã phá hỏng mọi chuyện đến mức không thể cứu vãn được – dù anh ấy có nghĩ vậy hay không – tôi bèn cắt đứt mối quan hệ và tìm một người khác, và trải qua toàn bộ quá trình chết tiệt này một lần nữa." (Rachel Reiland, người từng mắc BPD trong nhiều năm nhưng đã bình phục hoàn toàn)
Người mắc BPD DỄ BỊ KÍCH ĐỘNG NHẤT khi giao tiếp với những người gần gũi như cha mẹ, bạn đời, con cái và anh chị em ruột. Những người này có khả năng bỏ rơi hoặc khước từ họ cao nhất. Chỉ riêng ý nghĩ về việc bị bỏ rơi cũng khiến họ đau đớn đến mức để tránh viễn cảnh đó, họ chọn rời bỏ một mối quan hệ trước khi điều đó thực sự xảy ra. Khi không kích động hoặc khi ở cùng với những người không thân thiết, người mắc BPD dạng bất thường có thể hành động khá bình thường. Hầu hết thời gian, cử chỉ và lời nói của họ không có vẻ gì là mắc một chứng rối loạn.
Một số người mắc loại BPD bình thường – đặc biệt là những người đang được trị liệu tâm lý – có thể có hiểu biết xuất sắc về bệnh lý này. Họ thậm chí có thể từng nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ đề này. Đối với người mắc BPD dạng bình thường, khi không bị đau đớn dữ dội lấn át thì dường như họ vẫn biết rằng cảm xúc của họ cũng có lúc sai và hối hận về việc đã làm tổn thương người khác như thế nào. Nhưng hiểu biết này không giúp họ tránh khỏi lại bị kích động và xúc động sau vài giờ hoặc vài phút.
(Trích sách: Rối loạn nhân cách ranh giới & Ái kỷ)
“Rối loạn nhân cách ranh giới và Ái kỷ” cung cấp đầy đủ kiến thức tâm lý học về BPD, đồng thời khắc họa chân thực suy nghĩ và cảm nhận của người mắc BPD và NPD cũng như những trải nghiệm của các thành viên trong gia đình từ hành vi của người bệnh. Ngoài ra, cuốn sách còn hướng dẫn bạn học cách chung sống, yêu thương và chăm sóc những người đang đấu tranh với BPD.
Xem sách tại: https://shope.ee/f6svF0ds