Người Mỹ đầu tiên được chữa khỏi nghiện ma túy bằng phẫu thuật não
Chàng thanh niên 35 tuổi ở Pennsylvania, với quá nửa những năm anh sống trên đời trong tình trạng nghiện ngập, bây giờ đã có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới
Gerod Buckhalter sinh năm 1987 tại tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là anh sẽ bắt đầu tuổi vị thành niên của mình ở khoảnh khắc chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ - khoảng thời gian ấy, nước Mỹ đã gặp phải một cuộc khủng hoảng ma túy nghiêm trọng dưới bóng đen của những viên thuốc giảm đau hợp pháp.
Sự kiện bắt đầu bởi Purdue Pharma, một hãng dược phẩm tư nhân của Mỹ khi họ tuyên chiến với những cơn đau. Purdue gọi chứng đau là "nguyên nhân chính gây ra sự thống khổ" cho nhân loại và bắt đầu nghiên cứu morphin.
Nhưng tới năm 1996, họ chuyển hướng sang một hợp chất khác gọi là oxycodone và cho ra mắt OxyContin, một công thức giải phóng chất thuốc phiện hợp pháp này để điều trị cơn đau cho bất kể ai, kể cả thanh thiếu niên.
Với chiến dịch tiếp thị tích cực, doanh số bán của OxyContin đã tăng từ 48 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD trong vòng 4 năm. Loại thuốc phiện này đã cạnh tranh được cả với thuốc giảm đau chứa paracetamol thông thường để có mặt trong mọi đơn kê toa của bác sĩ.
Đến năm 2004, OxyContin đã trở thành một trong những loại thuốc bị lạm dụng hàng đầu ở Mỹ.
Buckhalter uống viên oxycodone đầu tiên năm 15 tuổi và nó ngay lập tức đưa cuộc đời của anh xuống đáy vực thẳm trong suốt 2 thập kỷ.
Những viên thuốc đã hủy hoại cuộc sống của Buckhalter, nhốt anh ấy vào một vòng luẩn quẩn với những tháng ngày cai nghiện, rồi lại tái nghiện, sử dụng chất ma túy quá liều, sống lang thang như một kẻ vô gia cư để rồi lại quay lại trại cai nghiện.
Buckhalter đã chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết của bạn bè mình, cho tới một ngày anh chấp nhận số phận ấy cho riêng bản thân mình.
Một ngày nào đó, bố mẹ Buckhalter có thể tìm thấy thi thể anh ấy trong một bãi đậu xe hoặc một căn nhà bị bỏ hoang, giống như một nạn nhân khác trong cơn đại dịch ma túy đã cướp đi sinh mạng của gần 850.000 người Mỹ đầu thế kỷ.
"Tôi chỉ cầu Chúa rằng nó không làm hại ai khác nữa là được", Rex, bố của Buckhalter nói.
Mọi chuyện tưởng chừng đã được an bài như vậy, nhưng năm 2019, gia đình Buckhalter đột nhiên có một sự lựa chọn. Nếu Buckhalter đồng ý cho một bác sĩ khoét 2 lỗ lớn bằng đồng xu trên hộp sọ anh ấy và chèn vào bên trong não một điện cực có thể kích thích vùng não tạo ra cơn thèm thuốc, chứng nghiện của Buckhalter có khả năng sẽ được chữa khỏi – một lần và vĩnh viễn.
Buckhalter đã chấp nhận cuộc phẫu thuật thử nghiệm. "Cái chết với tôi chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi", anh nói.
Nhưng ca phẫu thuật cuối cùng đã thành công. Hơn 600 ngày kể từ đó, Buckhalter vẫn sống khỏe mạnh mà không động đến ma túy bất kể một lần nào nữa. Đó là một kết quả mà ngay cả các bác sĩ đã phẫu thuật cho anh cũng không dám tin.
Buckhalter là người đầu tiên ở Mỹ đã được chữa khỏi chứng nghiện ma túy bằng phương pháp kích thích não sâu. Và việc dập tắt được cơn nghiện bằng dao mổ đã giúp bác bỏ niềm tin sai lầm rằng chứng rối loạn sử dụng chất kích thích chỉ là một sự thất bại về đạo đức chứ không phải là một căn bệnh bên trong não.
Chàng thanh niên 35 tuổi ở Pennsylvania - với quá nửa những năm anh sống trên đời trong tình trạng nghiện ngập - bây giờ đã có thể bắt đầu lại một cuộc sống mới trong vòng tay của gia đình và bạn gái mình.
Câu chuyện của anh ấy sẽ là niềm hi vọng mới cho hàng triệu người trên thế giới, những người vẫn đang phải vật lộn với những cơn nghiện chất kích thích đeo bám cuộc đời mình dai dẳng và không có cách nào dứt ra được.
Quay trở lại đầu những năm 2000, nhà Buckhalter vốn là một gia đình trung lưu khá cơ bản tại Mỹ. Bố anh làm cho một công ty khai thác mỏ. Mẹ anh là trợ lý hành chính tại Đại học Tây Virginia. Buckhalter có một anh trai và một em gái. Họ đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ hạnh phúc ở Dilliner, một cộng đồng cư dân nhỏ thuộc quận Greene, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Trong suốt thời thơ ấu của mình, Buckhalter không gặp phải bất kỳ sang chấn tâm lý nào có thể dẫn tới việc lạm dụng ma túy. Chỉ có một điều duy nhất mà phải tinh tế lắm mẹ anh mới nhận ra ở con trai mình: "Buckhalter đôi khi rất lạ, thằng bé thường lo lắng ngay cả với những chuyện không đâu".
"Ví dụ như khi đi mua một đôi giày, tôi không thể chờ đợi theo kiểu đặt hàng trước", Buckhalter giải thích. "Tôi phải có nó ngay lập tức, tôi thích cái cảm giác được thỏa mãn một cách tức thì. Tôi phải có được nó nếu không tôi không thể chịu đựng được.
Ngày bé tôi chưa để ý lắm đến những triệu chứng như vậy. Nhưng bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ căn bệnh của tôi đã có từ hồi đó".
Sự thoả mãn tức thì trở thành nỗi ám ảnh đeo đuổi Buckhalter ngay cả khi anh chơi thể thao. Buckhalter lúc nào cũng muốn mình trở thành người giỏi nhất - và sự thật là anh ấy đã làm được.
Thời trung học, Buckhalter trở thành ngôi sao số 1 của trường Maplewood trong cả môn bóng chày và bóng rổ. Nhưng môn thể thao anh chơi giỏi nhất vẫn là bóng bầu dục. Trở thành cầu thủ chơi hay nhất trong đội bóng của trường đã giúp Buckefeller lọt vào mắt xanh của hai trường đại học Pennsylvania và Iowa. Họ đưa anh vào một danh sách cấp học bổng toàn phần dự bị.
Điểm số của Buckhalter cũng rất ổn cộng với phong độ chơi thể thao đã đem đến cho anh sự nổi tiếng. Nhưng trong thâm tâm mình, Buckhalter luôn thấy một sự lo lắng và bất an mạnh mẽ. "Tôi lúc nào cũng cảm thấy mình cần phải cố gắng hoàn hiện hơn nữa", anh nói. Cũng vì lý do đó, Buckhalter luôn bối rối khi phải đối mặt với mọi người, từ gia đình, thầy cô cho tới những cô gái mến mộ anh ấy.
Bước ngoặt của cuộc đời Buckhalter xảy đến vào năm 2002, khi anh bị trật khớp vai trong một buổi tập bóng rổ. Cuộc phẫu thuật diễn ra vào mùa hè năm sau đó. Bác sĩ cho anh về nhà với một lọ Percocet, những viên thuốc kết hợp giữa paracetamol và oxycodone – một loại thuốc phiện dạng nhẹ tác động vào não và hệ thần kinh trung ương để giảm đau.
"Khoảnh khắc tôi dùng lọ Percocet đầu tiên đó, những viên thuốc đã làm một điều gì đó với não bộ của tôi", Buckhalter nói. "Tôi đột nhiên nhận thấy mình có thể tùy ý thay đổi cảm xúc để cảm thấy những gì tôi muốn cảm thấy. Ngay lập tức, tôi thấy hài lòng với bản thân mình. Một cảm giác bình yên từ tận sâu thẳm bên trong thâm tâm".
Buckhalter chỉ là một trong số hàng triệu nạn nhân của đại dịch thuốc phiện tại Mỹ xảy ra trong những năm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ. Vào thời điểm đó, các bác sĩ không biết các loại thuốc opioid như oxycodone có thể gây ra chứng nghiện và phụ thuộc.
Các cơ quan y tế và cả các hãng dược phẩm chỉ đơn giản coi cơn đau là một kẻ thù cần phải loại bỏ. Và đối với hầu hết bệnh nhân, oxycodone có tác dụng giảm đau cực kỳ hiệu quả mà không gây ra những cơn hưng cảm khiến họ thích thú với nó.
Đáng tiếc, một số sẽ không may mắn như vậy. Chẳng hạn như Buckhalter, anh ấy thấy oxycodone như đang mang đến cho mình một cuộc sống mới. Không chỉ làm dịu những cơn lo lắng bên trong cho Buckhalter, những viên thuốc còn giúp anh giữ vững phong độ thể thao của mình.
Buckhalter giấu việc sử dụng oxycodone với gia đình và cả huấn luyện viên ở trường học. Thi thoảng, mọi người vẫn lờ mờ cảm thấy anh ấy có chút khác biệt. Đó là những lúc liều oxycodone hết tác dụng, nhưng họ chỉ đơn giản cho rằng anh ấy có chút trầm cảm nhẹ.
Ở nhà, ông nội của Buckhalter được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, nên cũng không khó hiểu nếu chứng bệnh có thể di truyền phần nào sang cho anh ấy.
Ngoài những khoảnh khắc trầm xuống đó, Buckhalter vẫn là ngôi sao của đội bóng, vẫn là một đứa con ngoan trong gia đình. Chỉ cần có thuốc, anh ấy sẽ cảm thấy ổn và thỏa mãn. Cuộc đời của anh không còn bị dằn vặt và lo lắng. "Nó giống như mây đen đã được xua tan giúp mặt trời ló dạng", bác sĩ James Berry, người trực tiếp điều trị cho anh ấy nói.
Thuốc phiện - đúng như bản chất của nó chỉ đưa con người vào những giai đoạn hạnh phúc ngắn ngủi. Sự lạm dụng oxycodone dần đẩy Buckhalter vào chỗ phụ thuộc vào sự có mặt của nó trong não bộ.
Sau đơn thuốc đầu tiên kéo dài vài tháng, anh ấy nhận ra mình cần thêm oxycodone dù cơn đau từ chấn thương ở vai đã hoàn toàn biến mất. Đó cũng là lúc Buckhalter phát hiện ra thị trường của oxycodone khi đó mở đến thế nào.
Đầu thập niên 2000, những viên thuốc giảm đau chứa opioid này chưa hề bị quản lý. Mọi người Mỹ có thể mua nó ở bất kỳ một hiệu thuốc nào, với bất kỳ số lượng nào chỉ cần họ trả đủ tiền.
"Thời đó, cha mẹ hoặc ông bà của lũ trẻ chúng tôi đều có thuốc giảm đau. Vì vậy khi muốn, chúng tôi chỉ cần ăn trộm chúng. Ai cũng có một bà dì Peggy nào đó trên mạn Vicodin, người có hẳn một cái bình cũ khổng lồ chứa từ 160 đến 180 viên oxycodone", Buckhalter nhớ lại.
Và mặc dù giấu cha mẹ và thầy cô, anh đã giới thiệu những viên thuốc giảm đau tiêu khiển cho bạn bè của mình. Một vài người bạn thân nhất của Buckhalter cũng nghiện giống anh cho đến tận bây giờ. "Tất cả chúng tôi vẫn đang phải đấu tranh", Buckhalter nhớ lại. "Nó đã làm điều tương tự với họ cũng như nó đã làm với tôi."
Phụ thuộc vào một chất gây nghiện cuối cùng cũng ảnh hưởng tới kết quả học tập của Buckhalter. Năm cuối cấp, điểm số của anh tụt dốc mạnh và bị loại ra khỏi danh sách học bổng. "Đó là lúc chúng tôi chẳng còn thiết học hành gì nữa. Ưu tiên số 1 của cả bọn là phải có thuốc giảm đau uống mỗi ngày", Buckhalter nói. "Mỗi sáng tỉnh dậy, điều duy nhất tôi nghĩ đến là làm thế nào để có đủ thuốc".
Và giống với mọi con nghiện khác, khi hết tiền, Buckhalter sẽ chuyển sang phạm tội. Anh ấy bắt đầu trộm cắp vặt, lấy đồ này đồ kia của bạn bè và người lạ, nhưng chủ yếu vẫn là từ chính gia đình mình.
Buckhalter đem cầm một khẩu súng mà ông nội đã tặng cho cha. Mẹ anh đã phải cất hết nữ trang, túi ví của mình vào phòng ngủ. Còn bố anh phải làm một cái ổ khoá hạng nặng bên ngoài cửa phòng.
Trong nhiều năm, Buckhalter ước tính mình đã đánh cắp hàng chục nghìn đô la từ gia đình để chi cho ma túy.
"Lúc bần cùng nhất, tôi có thể cướp bất cứ thứ gì từ bất kỳ ai", anh nói. "Nếu tôi tới nhà bạn, mà thấy lúc đó bạn đi vệ sinh, tôi sẽ lẻn vào phòng lục tủ nhà bạn, tìm ví của bạn, không lấy cái này thì tôi cũng sẽ lấy cái khác".
Kết quả học tập quá tệ ở năm cuối trung học cuối cùng đã lấy mất cơ hội vào đại học của Buckhalter. Anh đã phải đi làm, đầu tiên là cho một công ty khoan, sau đó cho công ty khai thác mỏ của cha anh khi anh bị đuổi việc.
Khai mỏ là công việc vất vả, nhưng Buckhalter đang kiếm tiền một cách nghiêm túc. Thuốc oxycodone 80 miligram có giá 80 đô la một hộp. Ở thời điểm đó, Buckhalter đã nghiện nặng và anh ấy phải cần tới 2-3 vỉ mỗi ngày.
Không có gì phải ngạc nhiên khi Buckhalter luôn đốt hết tiền của mình trước ngày lĩnh lương hàng tháng. Nhưng rồi anh ấy đã tìm ra một giải pháp: chuyển sang hít heroin. Loại thuốc phiện này mặc dù bị cấm nhưng nó rẻ và có thể mang lại hiệu quả cao tương đương oxycodone với chỉ một phần tư chi phí.
Buckhalter sau đó đã thêm cả MDMA và Adderall, những loại ma túy tổng hợp vào thú chơi của mình, không quên pha chúng với rượu và cần sa. Vào những thời điểm tận cùng trong trại cai nghiện, anh ấy còn nghiện thêm cả Xanax, loại thuốc benzodiazepine có tác dụng kiềm chế sự lo lắng của anh ấy.
Buckhalter đã thử mọi phương pháp điều trị có sẵn: chương trình cai nghiện nội trú tại các trại cai nghiện, chương trình ngoại trú tại nhà kết hợp với nội trú, thuốc điều trị opioid như suboxone và buprenorphine, chương trình tư vấn và gặp mặt ẩn danh giữa những nhóm nghiện ma túy và nghiện rượu…
Đôi khi, anh ấy tỏ ra tỉnh táo trong nhiều ngày, cá biệt có lần không động tới ma túy trong hàng tháng. Nhưng rồi kết quả cuối cùng luôn giống nhau. Buckhalter quay trở lại với ma túy, hơn nữa còn dùng quá liều. Có một lần anh lao ô tô vào hàng rào và gọi điện cho mẹ mình để nói lời trăn trối cuối cùng. Có lần, ma túy khiến anh ấy sốc và bất tỉnh ngay giữa sảnh sân bay.
Gia đình Buckhalter đã cố gắng hỗ trợ anh ấy nhiều lần, nhưng cuối cùng họ vẫn đuổi anh ấy ra khỏi nhà vì sợ đứa con có thể làm hại chính bản thân mình. "Nó có thể bị tống vào tù hoặc chết quách đi ở đâu đó. Tôi chấp nhận điều đó. Tôi chấp nhận tất cả", Rex, bố của Buckhalter nói. "Tôi chỉ cầu nguyện với Chúa rằng nó không làm tổn thương thêm ai khác".
Bản thân Buckhalter, trong những năm cuối của tuổi 20 cũng có thể nhìn thấy trước kết cục của mình. "Tôi chưa bao giờ muốn tự sát, nhưng tôi cảm thấy ổn với việc dùng thuốc quá liều và không tỉnh dậy một lần nào nữa. Tôi ổn với điều đó, bởi vì tôi không nghĩ rằng mình có thể sống một cuộc sống bình thường mà không có những hỗn loạn mà tôi đã gây ra.
Vì vậy tôi tự nhủ bản thân mình sẽ không sao đâu nếu một ngày nào đó không thức dậy nữa. Trên thực tế, nhiều khi tôi còn cho rằng đó là một ý tưởng hay là đằng khác".
Năm 2017, với tham vọng xây dựng một trung tâm chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới, Viện Khoa học Thần kinh Rockefeller tại Đại học Tây Virginia chào đón một vị tân giám đốc. Đó là giáo sư bác sĩ Ali Rezai, một nhà phẫu thuật thần kinh nổi tiếng mới chuyển đến từ Đại học Bang Ohio.
Bác sĩ Rezai là một chuyên gia trong lĩnh vực điều hòa thần kinh, đặc biệt là với thủ thuật cấy ghép chip vào hộp sọ để tạo ra các kích thích não sâu.
Kích thích não sâu là một thủ thuật nằm trong bộ phương pháp điều hòa thần kinh, một thuật ngữ định nghĩa mọi nỗ lực thay đổi hoạt động thần kinh trong não bộ theo chủ ý của bác sĩ để chữa trị cho bệnh nhân của mình.
Về mặt kỹ thuật, các loại thuốc trị liệu thô sơ và kỹ thuật sốc điện trong những thập kỷ trước được tính là một hình thức điều hòa thần kinh. Các loại thuốc như Prozac chống trầm cảm cũng vậy và nhiều người cho rằng liệu pháp tâm lý cũng là một hình thức điều hòa thần kinh mặc dù nó có tác dụng chậm.
Ngày nay, với các thiết bị tinh vi hơn và nhiều kiến thức hơn về não bộ, điều hòa thần kinh được thực hiện với các điện cực nhỏ được cấy vào các tiểu phần thích hợp của não bộ. Nó được gọi là máy tạo nhịp não, có tác dụng truyền các xung điện để thay đổi hoạt động của não bộ một cách có kiểm soát.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt kích thích não sâu cho nhiều bệnh lý, bao gồm trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và động kinh. Nhưng kết quả ấn tượng nhất mà nó đã đạt được là trên các bệnh rối loạn vận động, đặc biệt là bệnh Parkinson.
Hơn 200.000 bệnh nhân Parkinson trên khắp thế giới đã được cấy máy kích thích não. Một số bệnh nhân đến bệnh viện với những cơn run dữ dội và xuất viện trong trình trạng khỏi hoàn toàn. Bản thân bác sĩ Rezai đã thực hiện 2.600 ca phẫu thuật cấy ghép kích thích não sâu ở Mỹ.
Và khi đến Đại học Tây Virginia, đặt tại tiểu bang có số lượng người nghiện ma túy tử vong nhiều nhất nước Mỹ, ông đã tìm thấy cho mình một thử thách. Bây giờ, ông muốn đưa thủ thuật thích thích não sâu tiến sang một lãnh địa mới: điều trị chứng nghiện ma túy.
Về mặt lý thuyết, việc bắn tín hiệu điện chính xác vào những tiểu phần não có thể mang lại nhiều lợi ích cho người nghiện: Nó sẽ kích thích giải phóng dopamine tự nhiên, làm giảm cảm giác thèm ma túy.
Nó có thể cải thiện khả năng ra quyết định và hạn chế sự bốc đồng bằng cách can thiệp vào mạch điện kết nối hạt nhân accumbens với các phần khác của não bộ. Và nó có thể đảo ngược những thay đổi thể chất đối với não do nhiều năm sử dụng ma túy gây ra.
Nhưng không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra khi các điện cực thực sự được đưa vào bên trong não của một người nghiện ma túy. Và giống như một số loại thuốc và phẫu thuật khác, ngay cả các bác sĩ cũng chưa rõ lý do chính xác tại sao nó hoạt động.
Ngược lại, rủi ro của ca phẫu thuật xâm lấn này là rất lớn, nó có thể dẫn đến chảy máu trong não, nhiễm trùng, gây ra vấn đề trí nhớ hoặc thậm chí tử vong. FDA chỉ đồng ý cấp phép cho bác sĩ Rezai thực hiện thủ thuật này trên những trường hợp bất khả kháng – một người nghiện ma túy nặng, lâu năm, thất bại trong mọi phương pháp điều trị khác và đối mặt với nguy cơ tử vong hiển hiện trước mặt.
Cùng thời điểm bác sĩ Rezai đang gặp khó khăn trong việc tuyển chọn tình nguyện viên, Buckhalter lại đang tham gia chương trình cai nghiện ma túy toàn diện tại một khoa khác trong trường đại học. James Mahoney, một nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng, đã giới thiệu anh với nhóm nghiên cứu của bác sĩ Rezai.
"Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng sẽ có chút do dự. Sau nhiều tuần nói chuyện với gia đình và bạn gái mình, tôi quyết định làm điều đó", Buckhalter nói. Nhưng bản thân bố mẹ anh khi được nghe giới thiệu về thủ tục phẫu thuật này đã rất kinh hoàng. Nó khiến Buckhalter thay đổi quyết định.
"Tôi đã ký bản chấp thuận, nhưng rồi chỉ vài ngày sau đó, tôi gọi điện cho họ và nói "Tôi không muốn làm điều này nữa"", anh nói. Điều này chứng minh một điều rằng dù cho anh ấy là một con nghiện nặng, bố mẹ Buckhalter cũng không bao giờ muốn bán con mình cho khoa học.
Quyết định cuối cùng hóa ra lại được đặt vào tay Buckhalter. "Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại, một vài lần, và tôi quyết định mình sẽ làm nó. Một lý do là vì bác sĩ Rezai. Tôi đã tìm hiểu về thành tích của ông ấy và thành tích ấy đã tự nói lên điều đó".
Hơn 2.600 ca phẫu thuật kích thích não sâu đã được bác sĩ Rezai thực hiện trong suốt sự nghiệp của ông. Nó đã giúp rất nhiều bệnh nhân Parkinson, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và cả Alzheimer. Năm 2014, bác sĩ Rezai đã tạo ra một điều thần kỳ khi phục hồi được cử động chân tay cho một người đàn ông bị liệt bằng thủ thuật cấy ghép chip vào não bộ.
"Nhưng đó không phải là thành công của một mình tôi", bác sĩ Rezai nói. "Đó là một thủ thuật rất phức tạp, nhưng chúng tôi có một đội ngũ bác sĩ tài năng và toàn diện".
Và thế là vào ngày 1 tháng 11 năm 2019, Buckhalter được đưa lên bàn mổ. Ca phẫu thuật kéo dài trong 7 tiếng đồng hồ và anh hoàn toàn tỉnh táo trong hầu hết khoảng thời gian. Đó là đặc trưng của các cuộc phẫu thuật não. Các bác sĩ chỉ gây mê bệnh nhân của mình để tránh cơn đau trong lúc khoan xuyên qua sọ của họ.
Sau đó, bệnh nhân được đánh thức dậy trong lúc các bác sĩ thao tác với não bộ của họ. Bởi bên trong não không có dây thần kinh, nó không tạo ra cơn đau. Và trong lúc các bác sĩ thăm dò để tìm ra vùng não mà họ cần can thiệp, sự tỉnh táo của bệnh nhân sẽ giúp họ biết khi nào họ dò trúng đích.
Bác sĩ Rezai luồn sợi dây kim loại với đầu nhọn chứa 4 điện cực bằng hợp kim platin-iridi thông qua lỗ mở sọ. Trong lúc đó, ông chiếu cho Buckhalter xem những hình ảnh về các loại thuốc phiện khác nhau và đo lại các tín hiệu sinh học phản hồi ra từ não bộ của anh ấy.
Tín hiệu này được dùng để xác nhận khi nào điện cực đi đến vùng nhân accumbens, vị trí cơn nghiện bắt đầu xuất hiện. Sau đó, bác sĩ Rezai luồn một sợi dây dẫn vào bên trong cổ Buckhalter, nối tới một chiếc máy tạo nhịp được cấy bên dưới xương đòn trái của anh ấy.
Cỗ máy này có thể giao tiếp không dây với một máy tính bảng bên ngoài, thiết bị mà bác sĩ Rezai sử dụng để cài đặt điện áp, tần số, các cực tính và thời gian của các xung mà nó phát ra để đi tới não bộ của Buckhalter.
Các xung điện do máy tạo nhịp sinh ra kích thích hạt nhân accumbens của Buckhalter tiết dopamine, làm giảm cảm giác thèm thuốc và khiến anh ấy bình tĩnh lại mỗi khi muốn có ma túy.
"Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải điều chỉnh được mạch phần thưởng, hoạt động dựa trên chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Nếu bệnh nhân không thèm dopamine nữa, họ sẽ kiểm soát được hành vi của mình tốt hơn", bác sĩ Rezai nói.
Điều đó có nghĩa là Buckhalter sẽ vẫn phải tham gia chương trình cai nghiện, bao gồm các buổi tư vấn tâm lý, chia sẻ và nói chuyện. Anh cũng vẫn cần sự trợ giúp từ phía gia đình. Nhưng lần này, kết quả đã khả quan hơn hẳn.
Sau cuộc phẫu thuật, Buckhalter bắt đầu đếm số ngày mà anh từ bỏ được ma túy. Con số bắt đầu từ 100, phá kỷ lục những lần cai nghiện trước đây của anh. Rồi 200, 300, 500 và đến nay đã được hơn 600 ngày. Sự tỉnh táo liên tục của Buckhalter được xác nhận bằng xét nghiệm nước tiểu.
"Những cơn thèm thuốc của tôi trước đây rất mạnh, và chúng không bao giờ biến mất", Buckhalter nói. "Tôi vẫn thường bị ám ảnh về chúng. Nhưng bây giờ, mọi thứ chỉ còn là một suy nghĩ thoáng qua".
Với sự tiến bộ của mình, Buckhalter đã tìm được cho mình một công việc. Bây giờ, anh đang làm cố vấn cho một trại cai nghiện ở Morgantown. Nhiệm vụ của Buckhalter là giúp đỡ 15 người đàn ông khác cũng từng nghiện ma túy như anh.
Công việc tư vấn bắt đầu từ những câu hỏi mà bản thân Buckhalter từng không thể tự trả lời được: Làm thế nào để tìm được một công việc? Cách xin cấp lại căn cưới? Làm thế nào để được chăm sóc sức khỏe?
Bây giờ, chàng cựu vận động viên ưu tú cũng quay trở lại chơi trong một đội bóng chày mềm ở Morgantown. Đội bóng được lập ra dành cho những người đang cai nghiện, mà chỉ một khoảng thời gian trước, họ đã phải vạ vật với liều thuốc cuối cùng của mình bên dưới những gầm cầu dành cho người vô gia cư.
Vài tháng trước, khi đi ngang qua một trong những địa điểm đó, Buckhalter còn giúp cứu sống một người phụ nữ đang sử dụng ma túy quá liều. "Trước đây, chẳng có điều gì có thể mang lại niềm vui cho tôi ngoài ma túy. Nhưng bây giờ, tôi đã cảm thấy chỉ cần được sống mỗi ngày là đã mãn nguyện lắm rồi", anh nói.
Mười chín tháng qua cũng là khoảng thời gian mà ông Rex tận mắt chứng kiến sự tiến bộ của con trai mình. Người đàn ông mô tả với gia đình ông "mỗi ngày bây giờ đều như ngày Giáng sinh vậy". Con trai ông giờ đang lo lắng về điểm tín dụng của mình hay làm thế nào để đi làm đúng giờ thay vì tìm ma túy ở đâu đó.
"Cảm ơn Chúa vì họ đã chọn con trai tôi", ông nói về cuộc phẫu thuật của bác sĩ Rezai. "Gia đình tôi không thể hình dung nổi mình đã bị đẩy đến điểm cùng cực như thế nào. Nhưng bây giờ, ở phía cuối đường hầm quả là đã có những tia sáng".
Pháp luật & Bạn đọc