Chọn ta hay chọn thế giới?

chon-ta-hay-chon-the-gioi

Chúng ta không nên chỉ chăm chút phát triển bản thân, đôi khi ta phải quay sự chú ý của ta ra thế giới rộng lớn

Khi chúng ta gục ngã trước những vấn đề về tâm lý: Trầm cảm, lo âu, rắc rối trong tình cảm, những gì ta thường được nhận đó những lời khuyên thâm thúy và tử tế rằng chúng ta nên dành thời gian cho bản thân. Khi chúng ta đến gặp bác sĩ, chúng ta sẽ đựợc kê cho những viên thuốc nhằm để “tái hòa nhập” lại với xã hội.

Giải pháp này có vẻ như hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng có những lúc chúng ta đã hơi quá vội vã tìm kiếm một giải pháp cá nhân để sửa chữa bản thân thay vì nhìn ra thế giới với những câu trả lời vượt xa suy nghĩ của ta. Có lẽ rằng đôi khi cội nguộn của những rắc rối này nằm ở chỗ mà những người tự chủ, điềm đạm và khiêm nhường không ngờ tới, chính là Hệ thống mà chúng ta đang chung sống.

Hãy nói về sự lo âu trước. Đau khổ làm sao khi chúng ta phải “bệnh lý hóa” bản thân để rồi trở thành nạn nhân của tình trạng căng thẳng, luôn muốn chạy trốn. Cứ ngỡ đó như là một căn bệnh, nhưng khi ta nhìn đời bằng con mắt tinh tường hơn, một câu hỏi sẽ lóe lên trong đầu ta: “Không phải chính cuộc sống quay cuồng đang đẩy ta tới vực thẳm của sự lo âu sao?”.

Ta có thể nói về trầm cảm theo cách tương tự. Nó xảy ra sâu thẳm ở trong ta nhưng một phần nào nguyên nhân gây ra nó hẳn phải nằm ở đâu đó ngoài kia, không phải lúc nào cũng do mất cân bằng chất trong não ta. Có thể nguyên nhân nằm ở công việc không cho ta được cảm hứng sáng tạo-thứ mà tất cả mọi phàm nhân đều cần; hoặc trong sự biến mất của các cộng đồng mà thay vào đó là sự ra đời của các cá thể hiện đại, tràn ngập trong những đô thị khổng lồ và rỗng tuếch của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hay những khoảng cách di chuyển đặt gánh nặng lên các mối quan hệ và lấy đi thời gian của ta giành cho bản thân; và trong nền văn hóa quảng cáo cổ xúy cho ghen tị và so sánh.

Khi nói về các mối quan hệ, không phải lúc nào lỗi đều là ở ta. Chúng còn nằm ở cái ảo tưởng rằng tình yêu muốn đẹp phải điên, phải dành cả thanh xuân cho nửa kia, và rằng nửa kia của ta phải là người bạn chí cốt, người bạn tâm giao, người tình hoàn hảo và một người phụ huynh mẫu mực, rằng ta sẽ luôn cảm thấy rạo rực khi ở gần họ và những lúc ta cảm thấy bực tức, chán nản hay không chung thủy thì đó chính lúc ta “ấm đầu”, không bình thường. Xã hội hiện đại còn đặt tên nó là “Bệnh sợ cam kết”. Trái ngược với những kì vọng của chúng ta, mọi thứ thường kết thúc trong đổ nát, cũng giống như chính ta vậy.

Chúng ta đến lúc nào đó hãy thành thật chấp nhận với bản thân rằng nói chung không phải mọi khó khăn trong cuộc sống đều xuất phát từ cá nhân, đôi khi nguyên nhân bắt rễ từ chính trị, tư tưởng hay chính ý nghĩa tồn tại. Vì vậy giải pháp của chúng ta phải vượt xa hơn những viên thuốc để có thể cảm thông và thấu hiểu được thách thức mà mọi loài trên trái đất đang phải đối mặt. Chúng ta không nên chỉ chăm chút phát triển bản thân, đôi khi ta phải quay sự chú ý của ta ra thế giới rộng lớn

Yue Ying dịch

Nguồn

http://www.thebookoflife.org/should-we-work-on-ourselves-or-on-the-world/

menu
menu