Khoa học giải thích tại sao sự bất định khiến tâm trí chúng ta nặng nề đến vậy

khoa-hoc-giai-thich-tai-sao-su-bat-dinh-khien-tam-tri-chung-ta-nang-ne-den-vay

Cảm xúc xa xưa và mạnh mẽ nhất của con người ấy là nỗi sợ, đồng thời nỗi sợ xa xưa và mạnh mẽ nhất ấy là sợ những thứ bất định.

Trong một luận văn năm 1927, nhà văn huyền thoại về truyện kinh dị H.P. Lovecraft đã viết, “cảm xúc xa xưa và mạnh mẽ nhất của con người ấy là nỗi sợ, đồng thời nỗi sợ xa xưa và mạnh mẽ nhất ấy là sợ những thứ bất định.”

Điều mà Lovecraft đã nhận ra — cũng như hàng nhiều thập kỷ nghiên cứu sau này chỉ rõ — là, não bộ của chúng ta rất dễ bị tổn thương trước những điều bất định. Có bằng chứng cho thấy rằng sự bất lực trong việc chịu đựng những thứ bất định là yếu tố chính tạo nên nhiều rối loạn lo âu, đồng thời chính sự bất định đã nhóm “những huyễn hoặc đáng sợ” khiến ta người bị hoảng loạn. Một vài nhà khoa học từng nói rằng sợ hãi trước những thứ bất định là nỗi sợ cơ bản của con người nói chung — nó là nền tảng của mọi thứ sợ hãi khác — và rằng khả năng vượt qua những thời điểm bất định là một trong những yếu tố then chốt nhất của một tinh thần minh mẫn, kiên trì.

Trong lúc thế giới phải vật lộn với cơn ác mộng kiểu Lovecraft mang tên Covid-19 và nhịp điệu cũng như những nghi thức của cuộc sống thường ngày ở Mỹ đã hoàn toàn bị gián đoạn, vẫn luôn có bài học nào đó ta có thể rút ra được từ những nghiên cứu về sự bất định, bao gồm cả các thức đương đầu với nó.

Theo một nghiên cứu vào năm 2014 trên tạp chí Nature Reviews Neuroscience, sự bất định có thể làm gián đoạn nhiều quá trình thần kinh mang tính thói quen hoặc tự động chi phối những hành động hằng ngày. Sự gián đoạn ấy khiến não bộ nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn sau đó những mâu thuẫn ấy sẽ khiến ta rơi vào một trong hai trạng thái: thờ ơ hoặc phản ứng thái quá với những trải nghiệm hay thông tin tiêu cực. Nói cách khác, sự bất định giống như một tên lửa đẩy cho nỗi lo vậy. Nó khiến người ta nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm, và cùng lúc họ thường sẽ hành xử theo cảm xúc để phản ứng lại với những mối nguy đó.

Jack Nitschke, đồng tác giả của nghiên cứu đó và giáo sư dự khuyết của Đại học Wisconsin, Madison, cho biết, “Sự bất định là gốc rễ của lo lắng bởi lẽ sự lo lắng luôn là vì tương lai”. Nitschke cũng giải thích rằng, não bộ có khả năng hình dung ra những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra. Và sự bất định càng lớn — đặc biệt nếu còn được kết hợp thêm với những giả thiết u ám — thì não bộ càng có khả năng suy nghĩ, và mường tượng ra những kịch bản xấu nhất.

Đấu tranh với sự bất định

Trong vài trường hợp thì, việc này còn khó khăn hơn là đối mặt với nỗi sợ tồi tệ nhất của một con người đấy. Một nghiên cứu năm 2008 trên tạp chí Cancer Nursing chỉ ra rằng, trong số những người phụ nữ bị nghi mắc ung thư vú thì, sự lo lắng của họ lên tới mức cao nhất tại thời điểm ngay trước, chứ không phải sau lúc được chẩn đoán. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khoảng thời gian lấy mẫu sinh thiết khối u chính là lúc họ lo lắng nhất. Ông Michelle Newman, giám đốc phòng nghiên cứu về lo lắng và trầm cảm tại đại học bang Pennsylvania (không liên quan tới nghiên cứu này), cho biết, trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác thì, “việc có được câu trả lời đồng thời có định hướng để tập trung sẽ khiến người ta có cảm giác được kiểm soát mọi chuyện tốt hơn, và theo nhiều nghĩa, nó sẽ tốt hơn so với sự bất định”.

Một khoảng thời gian bất định, dù chỉ rất nhỏ mà thôi, cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn. Đó là một trong những lý do khiến mọi người khó có thể không coi bản tin hoặc lướt Twitter. Ví dụ khác, một nghiên cứu về ách tắc giao thông đã chỉ ra rằng sự bất định mà những người lái xe cảm nhận thấy đã đẩy mức độ căng thẳng và giận dữ lên quá cao.

Những chuyến xe bus, chuyến tàu hỏa, chuyển bay bị hoãn cũng khiến người ta phải chịu những bực bội kiểu này. Một nghiên cứu vào năm 2014 về các tài xế xe bus nước Mỹ đã nhận thấy rằng báo trước cho mọi người thời gian chờ xe chính xác tới từng phút là cách hiệu quả để giảm thiểu căng thẳng, lo lắng. Dù thời gian chờ có thể khá lâu, xong nhờ việc giảm thiểu những yếu tố bất định, những người tham gia sẽ cảm thấy bớt mệt mỏi hơn.

Cái cảm giác ấy khó chịu tới mức nhiều người sẵn sàng chấp nhận kịch bản xấu nhất nếu có thể loại bỏ nó đi cơ đấy. Newman nói, “Đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát, nghiên cứu đã chỉ ra rằng họ thường co xu hướng đưa ra những quyết định bất lợi cho bản thân về lâu dài, đơn giản vì những quyết định ấy khiến họ thoát khỏi sự bất định hiện tại”. Một nghiên cứu khác vào năm 2011 trên tạp chí Behavior Therapy lại chỉ ra rằng những người lo lắng thường chọn những tỷ lệ cược thấp với khoản tiền nhận được nhỏ hơn mỗi khi cá cược — thay vì cố gắng tăng cả hai thứ — nếu việc làm đó có thể giảm thiểu thời gian chờ đợi kết quả khoản cược của họ. Cơ bản là, những người lo lắng sẵn sàng trả một cái giá nào đó để lẩn tránh sự bất định.

“Sự bất định giống như một tên lửa đẩy cho nỗi lo vậy. Nó khiến người ta nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm, và cùng lúc họ sẽ hành động theo cảm xúc để phản ứng lại với những mối nguy đó”.

Loại bỏ những tác động

Người khác nhau sẽ phản ứng với bất định theo những cách khác nhau. Thật không may là, nhiều người lại thích sử dụng những chiến lược tồi tệ đấy.

Newman nói rằng những người phải khổ sở vì sự bất định lại thường phản ứng bằng cách lo lắng. Họ thường nghĩ rằng lo lắng sẽ giúp mình ứng phó tốt hơn với điều có thể xảy đến.

Điều này cực kỳ sai lầm. Cô bảo, “Chúng tôi mới hoàn thành nghiên cứu về quan sát tác động của sự lo lắng đối với việc giải quyết các vấn đề. Chúng tôi nhận ra rằng đối với tất cả mọi người, chứ không chỉ là những ai mắc chứng rối loạn lo âu nói chung thì, lo lắng không đem lại hiệu quả gì cho lắm”. Càng chìm đắm trong lo lắng, họ càng mất tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của bản thân và thường thì giải pháp mà họ đưa ra sẽ càng tệ hại mà thôi.

Nitschke cũng đồng ý rằng lo lắng sẽ chẳng giúp ích được gì. “Nếu bạn định dành ra sáu hoặc bảy giờ mỗi ngày để lo lắng về coronavirus, bạn sẽ tạo dựng và càng củng cố những liên kết nơ ron dành cho hoạt động đó”, ông nói. Hoặc, nếu lo lắng, bạn sẽ chỉ càng thêm lo mà thôi.

Hãy thử tìm kiếm những thông tin mới hữu ích có thể giúp bản thân lật ngược tình hình xem nhé. Một nghiên cứu vào năm 2009 trong BMC Public Health chỉ ra rằng người ta chỉ có thể xử lý được một lượng thông tin nhất định thôi, và khi đón nhận quá nhiều thông tin mới, họ có thể bị bối rối và càng cảm thấy bất định. “Việc quá tải thông tin có thể khiến khả năng xử lý thông tin của nhiều người bị rối loạn” – tác giả của một nghiên cứu có liên quan vào năm 2008 chỉ ra rằng những bệnh nhân ung thư đi tìm kiếm thông tin trên mạng thường càng thêm “thất vọng và bối rối”.

Về Covid-19, Newman chỉ ra rằng phần lớn thông tin hiện có đều là những phỏng đoán dựa trên kiến thức hoặc dự báo về kịch bản xấu nhất thôi. Bà bảo, những người dành nhiều thời gian để tiếp thu mọi thứ có thể về virus này thường sẽ cảm thấy bối rối hoặc hoảng sợ hơn là có được thông tin.

Vậy thì, ta có thể làm gì để chống lại ảnh hưởng đó cơ chứ? Cả Newman và Nitschke đều nói rằng tập trung vào hiện tại giúp ta giảm thiểu sự bất định và xua tan nỗi lo mà nó gây ra. Nitschke khuyên rằng, “Hãy làm những việc khiến bạn cảm thấy thích thú ấy. Hãy lôi cuốn sách mà bạn muốn đọc hoặc coi Netflix hay trò chuyện với người bạn của mình qua điện thoại ấy — làm điều gì khiến tâm trí của bạn tập trung vào hiện tại thôi”.

Đây cũng có thể là thời điểm tuyệt vời để thử tập thiền mà. “Tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và ấp ủ lấy nó, có thể khiến chúng ta quên đi nỗi lo và những điều có thể, hoặc chẳng thể nào xảy ra”, Newman nói. Chánh niệm là một phần trong truyền thống văn hóa và triết lý của phương Đông và nhiều văn hóa trong số đó — đạo Phật chẳng hạn — khuyến khích con người ta hãy “buông bỏ” những thứ mà mình chẳng thể nào kiểm soát nổi.

Cuối cùng, bà nói rằng, khi dành ra một khoảng thời gian, địa điểm nhất định cho sự lo âu, ta có thể ngăn nó chiếm dụng phần thời gian còn lại trong ngày của mình. Ví dụ nhé, bạn có thể dành ra 20 phút mỗi tối ngồi trên ghế để ngẫm nghĩ về những tin tức mới nhất liên quan tới Covid-19. Bà bảo, “Nên chọn cùng khoảng thời gian vào mỗi ngày tại địa điểm không liên quan gì đến công việc hay giải trí hết”. Bạn sẽ không muốn não bộ của mình kết nối không gian làm việc hay giường nghỉ của mình với sự lo lắng đâu.

“Vào bất cứ thời điểm nào, chúng ta đều phải chịu đựng sự bất định ở mức độ nào đó mà thôi”, bà nói thêm. Hãy để não bộ của bạn bận rộn với những công việc, với hoạt động của gia đình, với việc giải trí hoặc những thứ không liên quan tới điều đã gây ra nỗi bất định. Đó sẽ là cách hay nhất để giảm thiểu nó hết mức đấy.


 

Tác giả: Markham Heid

Nguồn: Science Explains Why Uncertainty Is So Hard on Our Brain

Người dịch: Vũ Cường – Chia sẻ trên QRVN

https://quoravn.com/khoa-hoc-giai-thich-tai-sao-su-bat-dinh-khien-tam-tri-chung-ta-nang-ne-den-vay/

menu
menu