Những mối quan hệ độc hại

nhung-moi-quan-he-doc-hai

Chúng phát xuất từ đâu? Nguyên nhân nào khiến con người bị chìm đắm trong đó mà vẫn không biết? Làm thế nào để thoát ra khỏi một mối quan hệ độc hại, trở về với trạng thức bình thường của một con người?

Bài viết của TS. Lê Nguyên Phương

 

Phần 1: Nghiện bị ngược đãi

Chúng phát xuất từ đâu? Nguyên nhân nào khiến con người bị chìm đắm trong đó mà vẫn không biết? Làm thế nào để thoát ra khỏi một mối quan hệ độc hại, trở về với trạng thức bình thường của một con người?

Thời gian vừa qua, tôi có dịp điều trị cho một số thân chủ bị trầm cảm. Những cơn trầm cảm này lại thường được kích phát bởi một mối quan hệ độc hại, trong đó người họ yêu là những kẻ bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần.

Nếu nhẹ thì chỉ thường xuyên tranh luận cãi vã, nặng thì bị phủ nhận mọi ý kiến, phán đoán và giá trị của bản thân. Thế nhưng mối quan hệ đó chỉ là mặt nổi tảng băng của rối loạn tâm lý. Khi đi tới tận cùng nguyên nhân các chứng trầm cảm này, tôi có thể thấy bóng dáng của những chấn thương thuở thiếu thời vốn gây ra bởi cha mẹ.

Vòng xoáy của ngược đãi và ân ái

Tại sao một người lại có thể yêu một người dù người này đã khiến cuộc sống kể cả thân xác và tinh thần của họ bị xáo trộn, tổn thương, và trầm cảm? Người yêu của họ thủ thỉ bằng những lời khen tặng đường mật và những hứa hẹn về tương lai, thế rồi lại xen kẽ là những thời khắc lãnh đạm, hắt hủi, hay thậm chí ngược đãi. Người này không đem đến cho họ cảm giác bình yên hay tự tin mà trái lại, là cảm giác bất an và mặc cảm. Có bao giờ những nạn nhân của mối quan hệ độc hại tự hỏi tại sao họ lại không thể chấm dứt mối quan hệ với một người đối xử không công bằng, không tôn trọng, và không nhất quán như vậy? Thậm chí mối quan hệ này còn khiến họ dẫn đến ý nghĩ tử tự để chấm dứt nỗi đau.

Một ca tự tử gần đây tại Hoa Kỳ được cả truyền thông Việt Nam đăng tải, cho thấy một thí dụ u ám của của những quan hệ độc hại như vậy. Alexander Urtula, sinh viên đại học Boston, đã tự sát sau 18 tháng “yêu đương” cô Inyoung You, vì bị cô này đã liên tục hành hạ thể xác lẫn tâm lý. Trong thời gian một năm rưỡi sống trong địa ngục này, Alexander đã bị Inyoung liên tục thao túng, thậm chí đẩy vào những tình huống không kém phần bị “tẩy não” tương tự như các giáo phái [cult] như bị buộc cách ly khỏi gia đình, bạn bè, kể cả những người quen ở đại học Boston.

Inyoung You, sinh viên trường Boston College, bị kết tội là nguyên nhân gây ra vụ tự sát của bạn trai.

Những quan hệ độc hại như thế này thường khởi đầu như thế nào? Đầu tiên là sự thu hút mãnh liệt mang tính chất lệ thuộc với người đối diện, bất chấp những linh cảm và dự đoán về những khác biệt và bất hạnh trong tương lai. Nạn nhân đón nhận sự quan tâm thậm chí ám ảnh, kể cả sự thái quá và bất cập của người họ yêu, rồi dần bị cuốn vào vòng xoáy của cảm xúc đỉnh cao và vực sâu, tập nhiễm những hành xử của người bạo hành. Việc bất đồng ý kiến, cãi vã thường xuyên xen lẫn những lời dối lừa và ngược đãi, là những lúc làm hoà với những lời yêu đương và ân ái tràn vẻ hạnh phúc được lặp lại theo một điệu khúc.

Trong vòng xoáy này, nạn nhân khó có thể nhận ra đó là một mối quan hệ độc hại khi họ đang “yêu” hay nói đúng hơn là “nghiện” nó. Tâm trạng chủ yếu của nạn nhân trong mối quan hệ độc hại là bất an và lo âu.  Khi xa cách sẽ lo âu và nghi ngờ bị phản bội, nhưng mỗi lần gặp nhau có thể là những giây phút “thăng hoa” tưởng như là hạnh phúc. Nạn nhân thường mang mặc cảm là mình không xứng đáng được tôn trọng, được nuông chiều, nên luôn thấy mình cần phải chăm sóc người kia nhiều hơn. Sau mỗi lần xung đột, nạn nhân vẫn tiếp tục tranh cãi cả với bóng hình của kẻ ấy trong đầu. Mỗi ý định mỗi lời nói, nạn nhân đều dường như nghe người kia phản bác, chế giễu, công kích, để nạn nhân phải biện hộ, bào chữa, bảo vệ những quan điểm và ý kiến của mình. Tương tự, sau mỗi lần hoà giải yêu đương, “cuốn phim ngôn tình” tiếp tục quay chiếu trong tâm thức khiến cho nạn nhân ngây ngất đắm chìm trong mộng tưởng.

Yêu và nghiện kẻ bạo hành mình

Việc dùng chữ “nghiện” là vì loại quan hệ này thường phản ánh từng giai đoạn hưng phấn hân hoan của cặp tình nhân đam mê cuồng nhiệt bởi chất dẫn truyền thần kinh Dopamine ngập tràn vùng nhân não, xen lẫn với những giai đoạn trầm cảm nặng nề khi xa cách hay xung đột, khiến cho liều Dopamine gần chạm đáy. Nạn nhân của một mối quan hệ độc hại luôn chờ đợi một đợt sóng Dopamine mới với những lời âu yếm ca tụng lẫn vuốt ve của người bạo hành.  Sự chờ đợi căng thẳng cũng khiến não tiết ra chất Adrenaline, một chất gây hưng phấn trong phản xạ Đánh/Tránh của hệ thần kinh giao cảm. Não của nạn nhân trong quan hệ độc hại nghiện cả Adrenaline lẫn Dopamine, “kiên nhẫn” chịu đựng kẻ bạo hành để chờ đợi một đợt sóng Dopamine ân sủng mới.

Tệ hại hơn nữa, những ân sủng này thường là bất ngờ, không có lịch trình rõ ràng thường lệ, mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào cơn ngẫu hứng của kẻ bạo hành. Lịch trình gia cố biến thiên này theo nghiên cứu của ngành tâm lý học hành vi lại là phương pháp hiệu quả nhất để làm một cá nhân gia tăng hành vi muốn có, trong trường hợp này là sự lệ thuộc vào kẻ bạo hành. Cũng như một con bạc trong sòng bài, những lần thắng bất ngờ không theo thời gian cố định lẫn số lần thua thắng cố định, lại có khả năng kích thích con bạc làm con thiêu thân bám lấy sòng bài lâu dài nhất. Tương tự, nạn nhân trong một mối quan hệ độc hại dần dần trở nên lệ thuộc kẻ bạo hành, không chỉ thời gian và sức khoẻ, mà còn cả lòng tự trọng và danh dự.

Làm thế nào để biết bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại? Điều đó xảy ra khi bạn thường xuyên nghi ngờ mọi suy nghĩ, quan điểm, giá trị, và kể cả cảm xúc của mình vì người bạn yêu luôn phủ nhận và chứng minh bạn sai lầm. Bạn luôn cảm thấy phải có trách nhiệm chấp nhận và tha thứ cho mọi hành vi người bạn yêu và tự phủ nhận mọi sự tức giận dù chính đáng của bạn.  Bạn phải liên tục tự biện hộ cho hành vi của người bạn yêu với chính bạn, cả những người thân hay bạn bè biết về mối quan hệ của bạn. Bạn tự mang sứ mạng “cải tạo” người bạn yêu với thương cảm về bối cảnh của người ấy, hy vọng người đó sẽ thay đổi, mừng rỡ với một chút tiến bộ và làm ngơ với mọi hành vi tiêu cực mới. Nếu dùng truyện cổ tích để so sánh, bạn nguỵ tín rằng với nụ hôn tình yêu của bạn, con cóc sẽ trở thành công chúa hay hoàng tử và sẽ sống với bạn hạnh phúc suốt đời.

Ngoài việc là nạn nhân chiến tranh, tù nhân trại tập trung, v.v,, họ thường đã là những đứa trẻ bị bỏ bê, bạo hành, và xâm hại thân thể, cảm xúc, hay tình dục dai dẳng suốt thuở ấu thơ.

Phần 2: Chấn thương và chữa lành

Điều đau đớn nhất là nhiều bậc cha mẹ không ngờ được rằng chính mình lại là người tạo ra những con thiêu thân đâm đầu vào ngọn lửa trông dường đẹp đẽ nhưng ẩn chứa mầm khổ đau và có thể cả chết chóc này.

Cha mẹ, dù rất đau khổ khi nhận ra điều đó, vốn không vô can khi đã vô tình “lập trình” con cái của mình vào những quan hệ tình cảm tệ hại khi con bước vào tuổi yêu đương. Đó là vì những bạo hành của cha mẹ đã gây ra cho con cái những chấn thương kéo dài đến tuổi yêu đương của chúng. Tương tự như quan hệ tình yêu nam nữ, quan hệ tình yêu giữa cha mẹ và con cái có thể một mối nối kết mang tính chất chấn thương với cả hai bên lệ thuộc vào nhau, và vô tình hay hữu ý gây đau khổ cho nhau.

Chấn thương vì bị bạo hành từ nhỏ

Mặc dù sự phát triển của ngành tâm lý học tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn phôi thai, trong các năm qua những người biết ít nhiều về ngành học này đều đã nghe nói đến hội chứng Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý mà trong nước thường gọi gọn là Sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, việc rơi vào một mối quan hệ độc hại lại có liên quan đến một loại rối loạn chấn thương khác: Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Mặc dù còn mới mẻ và chỉ được tổ chức Y tế thế giới công nhận qua tài liệu Phân loại quốc tế về bệnh tật. Nhiều bác sĩ tâm thần học trên thế giới từ đầu thập niên 1990 đã công nhận và chẩn đoán chứng rối loạn này.  (Nhưng Hội Tâm lý học Hoa Kỳ với cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần, phiên bản thứ năm [Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition — DSM-5] lại không công nhận).

Ngoài việc là nạn nhân chiến tranh, tù nhân trại tập trung, v.v,, họ thường đã là những đứa trẻ bị bỏ bê, bạo hành, và xâm hại thân thể, cảm xúc, hay tình dục dai dẳng suốt thuở ấu thơ. Trẻ lớn lên với Rối loạn căng thẳng phức hợp sau chấn thương tâm lý bởi cha mẹ bạo hành, thường mang những tính cách tiêu cực như đánh giá bản thân và thế giới một cách tiêu cực; phân ly với một hay toàn phần cảm giác, cảm xúc, hay ký ức của mình; gặp khó khăn trong việc điều hoà cảm xúc và trong quan hệ với người chung quanh; và đặc biệt là bị ám ảnh về người bạo hành và mối quan hệ bạo hành từ sợ hãi phục tùng, đến thịnh nộ phục thù.

Mối nối kết mang tính chấn thương với người yêu là kẻ bạo hành được hình thành khi còn nhỏ, nếu cha mẹ cũng là kẻ bạo hành. Mối quan hệ này được trẻ nhập tâm như một nếp hành vi trong mọi quan hệ nối kết khác, đặc biệt là quan hệ với người yêu, vợ hay chồng, và sau này là con cái. Từ thuở sơ sinh, người mà trẻ gắn kết những yêu thương đầu tiên chính là mẹ rồi đến cha. Nếu chính những người này lại là kẻ bạo hành, trẻ sẽ liên hệ yêu thương với bạo hành. Không chỉ đơn giản khi không vâng lời thì bị đòn roi mắng chửi hay hất hủi bỏ rơi, khiến cho trẻ cảm thấy bị lạc lõng hay tủi nhục. Trẻ trong những gia đình bị bạo hành bởi những bậc cha mẹ không kiểm soát được các cảm xúc tiêu cực quá độ, vì cũng mang trong mình những nội kết chấn thương, sẽ không thể tiên đoán được khi nào mình sẽ được kéo vào lòng âu yếm vuốt ve và khi nào sẽ bị ruồng rẫy đánh đập.

Sống trong nỗi lo sợ thường trực, trẻ chỉ biết phục tùng và cố gắng làm vui lòng cha mẹ vì sợ hãi, chỉ chăm chăm làm vừa lòng sự độc đoán khắc nghiệt để làm vui lòng họ thì mới nhận được tình yêu và sự chấp nhận. Khi lớn lên trẻ sử dụng công thức hay khung mẫu tình yêu có điều kiện này với tất cả người chúng hình thành quan hệ yêu thương, làm hài lòng kẻ bạo hành để nhận được tình yêu, hay ngược lại, muốn được yêu thì phải chấp nhận bị bạo hành. Hay cực đoan hơn khi biên giới giữa nhân và quả không còn được duy trì: người nào bạo hành mình mới là người yêu mình, có yêu mới bạo hành.

Những đứa trẻ không có một mẫu mực về yêu thương lành mạnh, khi suốt cả tuổi trẻ chỉ nhìn thấy mối quan hệ không lành mạnh của cha mẹ chúng đối với nhau và của cha hay mẹ đối với mình, sẽ phải đè nén sự giận dữ và tổn thương để tự nguỵ tín rằng, chúng vẫn đang có những bậc cha mẹ tốt lành. Đây cũng là một cơ chế tự vệ của trẻ để chúng bảo vệ khỏi những khổ đau và tuyệt vọng trầm trọng hơn. Chúng chôn vùi cảm xúc chân thực của mình bằng cách tự nhủ rằng mình không được quyền có những cảm xúc phản ứng tự nhiên, rằng mình hư hỏng và vô giá trị khiến cho cha mẹ không thể yêu thương mình. Chúng dần dà tin rằng, chúng không đáng được mọi người yêu thương vì bản chất của chúng vốn xấu xa và lỗi lầm. Được yêu trở thành một ân sủng từ người yêu, vì thế phải luôn luôn hành xử “tốt” để có tình yêu, vì nếu không thì đáng bị trừng phạt vì bản chất “tệ hại” của chính mình. Mua một vật gì, nói một câu, cười một nụ cũng len lét nhìn về người yêu xem người ấy phản ứng thế nào để câu xin lỗi luôn chực chờ ở cửa miệng và thái độ phục tùng sẵn sàng trong nụ cười mơn trớn.

Ngưỡng cảm xúc bị tổn thương, thay đổi

Việc nhập tâm nếp hành vi này không chỉ đơn giản là sự thay đổi về nhận thức. Bị bạo hành lâu dài ngay từ khi não bộ đang còn phát triển, những thay đổi về cấu trúc lẫn chức năng của các phần trong não cũng sẽ xảy ra. Ngoài vùng nhân não đã kể trên, các vùng kiểm soát cảm xúc đặc biệt là sợ hãi như hạch hạnh nhân [amygdala] và ký ức như hồi hải mã [hippocampus] cũng sẽ bị biến đổi.  Ký ức bị đánh mất, cảm xúc bị phóng đại, và hệ thần kinh giao cảm dễ bị kích hoạt. Vì thế việc hình thành những mối quan hệ yêu đương khi trưởng thành của trẻ không chỉ là vấn đề nhận thức lệch lạc, mà còn là ngưỡng cảm xúc bị thay đổi.  Ở một số trẻ khi trưởng thành, ngưỡng cảm xúc thấp trở nên dễ khóc dễ cười, dễ tức giận lẫn xúc động cộng với việc khao khát được yêu thương vốn không được nhận từ cha mẹ, khiến cho trẻ dễ rung động và nảy sinh tình cảm với mọi hành động chăm sóc của người khác phái. Ở một số trẻ khác, với ngưỡng cảm xúc quá cao, chúng lại trở nên “vô cảm” với mọi mối quan hệ bình yên êm đềm, không nhận diện được đó là tình yêu mà chỉ cảm thấy buồn chán, vô vị khi gặp những người yêu nhẹ nhàng và trầm tĩnh. Chúng chỉ thích tìm đến và nối kết với những người đem lại cho chúng những cảm xúc mãnh liệt, cho dù chúng là nạn nhân của những hành vi bạo hành đó.

Làm sao để một người có thể thoát ra một mối quan hệ độc hại?  Bạn không thể nói thẳng với người đó, vì nhận thức và cảm xúc của nạn nhân đã thay đổi khiến cho mọi lời khuyên bảo hay phê bình đều được xem như sự tấn công vào mối quan hệ “thần thánh” của họ với kẻ bạo hành với những lý luận như, “chỉ những người trong cuộc mới hiểu”, “không ai nhìn ra những mặt tốt và đáng yêu của bạn ấy”, hay “họ ganh tức với tình yêu tuyệt vời của mình”. Những nỗ lực tách rời lứa đôi nếu có của người khác chỉ càng làm cho tình cảm hai người thêm gắn bó bền chặt, theo lối “đôi ta chống lại cả thế giới”.

Con đường thoát ly khỏi mối quan hệ độc hại cũng là con đường chữa lành những chấn thương trong quá khứ, đi kèm với sự tỉnh thức khách quan. Nó đòi hỏi nạn nhân dừng lại chú tâm soi chiếu toàn bộ suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của chính mình trong mọi mối quan hệ, và xác định được tương quan nhân quả giữa vô minh và khổ đau. Nó cũng đòi hỏi sự nhẫn nại với cô đơn khi từ chối tiếp tục mối quan hệ với kẻ bạo hành, giai đoạn cai nghiện để hướng đến tự do giữa người và người, giữa chính mình và cảm xúc của chính mình.

Cũng như bao cơn nghiện ngập khác, bạn không thể trông chờ cơn nghiện buông tha cho bạn, mà chính bạn phải buông bỏ cơn nghiện. Bạn cần ngưng tìm kiếm món phần thưởng tình cảm trong canh bạc mà bạn phải đánh đổi bằng cả sinh lực lẫn danh dự, tinh thần lẫn tự trọng. Và hãy tin rằng khi bạn tìm được sự bình an và phẩm giá của chính mình, vị hoàng tử hay công chúa chân chính sẽ đến với bạn, để cùng bạn vượt qua bao gian lao trong cuộc đời này.

 

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương

menu
menu