Những người bạn đời trừng phạt ta vì đã yêu họ

Chúng ta có thể nghĩ rằng điều ai cũng khao khát là tình yêu, và rằng phản ứng tự nhiên khi được yêu thương là sự biết ơn.
Chúng ta có thể nghĩ rằng điều ai cũng khao khát là tình yêu, và rằng phản ứng tự nhiên khi được yêu thương là sự biết ơn. Nhưng thực tế của các mối quan hệ lại phức tạp hơn nhiều. Với một số người, tình yêu – dù trong tưởng tượng thật ngọt ngào – lại trở nên khiếp sợ khi nó trở thành hiện thực. Và phản ứng chính của họ khi được yêu có thể không phải là dịu dàng hay đón nhận, mà – kỳ lạ thay, song lại theo một logic đầy bóng tối – là sự tàn nhẫn.
Nói một cách đơn giản: có những người từng bị đối xử nghiệt ngã trong tuổi thơ (và con số này không hề nhỏ) – khi được ai đó yêu thật lòng, họ bắt đầu đối xử với người yêu theo đúng cách mà họ từng bị cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng đối xử: bằng sự dè bỉu, lạnh nhạt, coi thường, thậm chí là tàn ác. Phản ứng của họ giống như một lớp ký ức chồng lên hiện tại – nơi họ tái hiện lại những khoảnh khắc đau đớn nhất thời thơ ấu. Khác chăng là bây giờ, nạn nhân không còn là họ – mà là người bạn đời. Còn họ, vô thức, đã trở thành kẻ gây tổn thương.
Hilma af Klint, The Swan (No. 17), 1915
Nếu bạn yêu một người như thế, ban đầu họ có thể xuất hiện với bao điều tốt đẹp. Họ ấm áp, tinh ý, nhận ra những điều nhỏ bé nơi bạn, khiến bạn buông bỏ lớp phòng vệ và đánh thức những khao khát tuổi thơ trong bạn. Nhưng rồi, ngay khi bạn bắt đầu yêu họ, một điều gì đó bên trong họ – thứ mà ngay cả chính họ cũng chưa hiểu rõ – bắt đầu chuyển động. Họ không còn đến đúng giờ. Họ không trả lời tin nhắn. Họ không hỏi han gì về cuộc sống của bạn. Họ bỗng phát hiện ra những người bạn mà họ phải dành thời gian cho. Công việc trở thành ưu tiên tuyệt đối. Tệ hơn, họ có thể bắt đầu ve vãn người khác. Nếu bạn buồn, họ sẽ trở nên cứng rắn. Họ sẽ bảo rằng bạn đang “tưởng tượng ra vấn đề” và “quá phụ thuộc”. Họ nói bạn “phiền phức”. Sau khi khiến bạn rối bời về cảm xúc, họ lại đứng lùi ra xa và lạnh lùng hỏi: “Sao em không ổn định hơn một chút?”.
Điều gì đang thực sự diễn ra? Có thể bạn không biết – và họ cũng vậy – rằng người bạn đời của bạn đang mang trong mình một hệ thống nghi ngờ sâu sắc về tình yêu, được hình thành từ những trải nghiệm thời thơ ấu – trước khi họ kịp mười tuổi. Họ hoài nghi rằng sự mong manh (của họ, và của bạn) là điều ghê tởm. Rằng việc thể hiện nhu cầu là đáng xấu hổ. Rằng con người không đáng tin và sẽ bỏ rơi bạn vì một người khác (có thể là anh, chị em của họ ngày trước). Rằng khao khát tình yêu là điều nhục nhã. Rằng người khác chẳng quan tâm thực sự đến mình. Rằng bản thân họ – nếu hiện ra trọn vẹn – là không thể yêu nổi.
Họ thấy ở bạn hình ảnh của chính mình ngày xưa – những phần họ buộc phải giết chết trong lòng để sống sót đến tuổi trưởng thành: sự trần trụi, đói khát yêu thương và bất lực. Giờ đây, bạn trở thành “kẻ yếu đuối” mà họ từng bị gán ghép. Và họ, vô thức, chống lại âm vọng của sự mong manh bằng cách đối xử với bạn bằng chính sự nghiêm khắc, thờ ơ, lạnh lùng – mà ngày xưa cha mẹ từng cho rằng sẽ “rèn giũa” nên một con người cứng cáp. Họ kéo bạn đi qua – trong hình thức rút gọn – mọi đau đớn họ từng phải chịu đựng suốt mười năm đầu đời: cảm giác bị chê là quá phiền, không thú vị bằng ai đó khác, và không được cần đến. Nhu cầu yêu thương của bạn đánh thức những khao khát bị chôn sâu trong họ – và họ đáp lại bằng sự tàn nhẫn.
Nếu bạn lập một danh sách đơn giản về tất cả những cảm giác mà người ấy khiến bạn phải trải qua, rồi lập một danh sách khác cho những gì cha mẹ họ từng khiến họ cảm thấy – bạn có lẽ sẽ thấy hai danh sách gần như giống hệt nhau.
Thường thì, sẽ không có cách nào khiến người từng tử tế và rộng lượng với bạn nhận ra rằng giờ đây họ đang hành xử một cách… tàn nhẫn. Nếu việc nhận ra dễ dàng đến thế, họ đã không cần phải diễn lại vở kịch đau buồn này.
Và có thể, bạn buộc phải rời đi. Điều đó sẽ không dễ, bởi bạn – giống như họ ngày xưa – cũng đã bị cuốn vào một ảo tưởng rằng mình xứng đáng với những tổn thương ấy. Nhưng khi bạn đang phải chiến đấu cho chính sự lành mạnh của mình, hãy luôn nhắc mình một điều đơn giản nhưng quan trọng: Tình yêu đích thực không bao giờ gây tổn thương. Tình yêu thật sự luôn bao dung với những điều yếu đuối. Tình yêu thật sự, là lòng tử tế vô biên.
Nguồn: PARTNERS WHO PUNISH YOU FOR LOVING THEM | The School Of Life