Niềm vui thầm kín khi thấy người khác gặp nạn
Nó mang đến cho chúng ta những giây phút hân hoan của niềm vui tội lỗi. Nhưng thấy vui trước sự bất hạnh của người khác cũng là một cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết xã hội lại với nhau.
Tác giả: Tiffany Watt Smith
Nó luôn tiếp đất theo kiểu úp ngược: ‘Niềm vui ngút trời của schadenfreude luôn chứa đựng nỗi bứt rứt.’ Photograph: Ilka & Franz/The Observer
Nó mang đến cho chúng ta những giây phút hân hoan của niềm vui tội lỗi. Nhưng thấy vui trước sự bất hạnh của người khác cũng là một cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết xã hội lại với nhau.
Gần đây, tôi có tới cửa hàng nơi góc phố nhà mình để mua một ít sữa. Tôi thấy mình dừng lại trước mấy tờ tạp chí lá cải về người nổi tiếng. Bản năng đầu tiên của tôi, phòng trường hợp có ai đó muốn biết những suy nghĩ trong đầu tôi, là nghĩ rằng: “Ui, ai mà thèm mua mấy cái tạp chí kinh khủng này?” Rồi tôi cầm một tờ lên xem. Trong đấy nào là mỡ, nào là tăng cân rồi giảm cân, nào là lớp da chảy xệ trên cánh tay được khoanh bằng mực đỏ. Câu chuyện yêu thích của tôi là bài phỏng vấn một ngôi sao nhạc Pop, hoặc có lẽ là một người mẫu cũng nên, sống trong một ngôi biệt thự sang trong. Tôi là kiểu người thường ghen tị khi nghe đến biệt thự sang trọng của người khác. Nhưng lần này thì khác. Câu chuyện nói về việc cô ấy cô đơn nhường nào. Cô đơn sầu thảm sau vụ chia tay.
Tôi nhìn quanh quất và mang cuốn tạp chí đến quầy tính tiền. Có một cảm giác ấm áp chảy khắp ngực tôi. Tôi cảm thấy thật may mắn. Không, không phải thế. Tôi cảm thấy hả hê. Đây là một lời thú tội. Tôi khoái xem TV vào ban ngày. Tôi có hút thuốc, mặc dù về cơ bản tôi đã bỏ thuốc vào nhiều năm trước. Tôi thường trễ giờ, và thường viện lý do bằng mấy lời nói dối. Và đôi khi, tôi thấy vui khi người khác buồn.
Người Nhật có một câu nói như thế này: “Nỗi bất hạnh của người khác có vị như mật ong.” Người Pháp thì nói joie maligne, một niềm vui ma quỷ trên nỗi khốn khổ của người khác. Trong tiếng Đan Mạch, nó là skadefryd; trong tiếng Hebrew, simcha la-ed; tiếng Trung, xìng-zāi-lè-huò; tiếng Nga, zloradstvo; và với những người Melanesia sống trên hòn đảo xa xôi hẻo lánh Nissan Atoll ở Papua New Guinea, đó là banbanam. Vào hai thiên niên kỷ trước, người La Mã nói về malevolentia (ác tâm). Trước đó nữa, người Hy Lạp miêu tả nó bằng từ epichairekakia (nghĩa đen là epi, trên, chairo, hân hoan, kakia, ô nhục). Một nghiên cứu ở Würzburg, Đức được thực hiện vào năm 2015 cho thấy người hâm mộ bóng đá cười nhanh và tươi hơn khi đội bóng đối thủ sút hỏng một quả phạt đền so với khi đội nhà của họ ghi bàn. “Việc thấy người khác đau khổ có một điểm tốt,” triết gia Friedrich Nietzsche từng viết. “Đây là một câu nói khó nghe, nhưng đó là một nguyên tắc mạnh mẽ, mang tính con người, rất người.”
Chưa bao giờ thực sự có một từ tiếng Anh nào dành cho cái niềm vui bẩn thỉu này. Vào những năm 1500, một người nào đó đã cố gắng giới thiệu từ “epicaricacy” từ tiếng Hy Lạp cổ đại, nhưng không thành công. Chỉ có thể đi đến một kết luận: như một nhà báo trên tờ Spectator khẳng định vào năm 1926, “Không có từ tiếng Anh nào cho từ schadenfreude[1] bởi vì không có thứ cảm xúc nào như thế cả.” Ông ấy đã sai, dĩ nhiên rồi.
‘Nó là một phần của rất nhiều nghi thức chung của chúng ta, từ thể thao cho tới buôn chuyện’: model Siobhan at Hired Hands; make-up Grace Ellington; nails Naima Coleman. Photograph: Ilka and Franz/The Observer
Tôi là người Anh, và việc tận hưởng những rủi ro và đau khổ của người khác giống như là một phần văn hóa của tôi, cũng như trà túi lọc và nói chuyện về thời tiết vậy. “Chúng ta sống để làm gì ngoài việc làm trò cười cho hàng xóm của mình, và đến lượt ta lại cười nhạo họ?” ngài Bennet đã tuyên bố như vậy bằng thứ tiếng Anh tinh túy nhất trong tiểu thuyết, Kiêu hãnh và Định kiến. Không có gì gắn kết chúng ta mạnh mẽ hơn cái niềm vui tự thị khi một nghị sĩ bị bắt quả tang gian lận sổ sách. Chúng ta thậm chí còn không ác cảm với sự vui sướng trước đau khổ của người khác khi người phải trả giá là chính mình: như George Orwell từng nhận xét, chỉ duy người Anh là không những ăn mừng trước chiến thắng quân sự, mà còn cả trước thảm họa (“Tại thung lũng, tử thần cướp đi 600…”)
Chúng ta biết cách tận hưởng những thất bại. Nhưng nếu yêu cầu chúng ta gọi tên cái niềm vui này, thì ngôn ngữ của chúng ta sẽ rơi vào sự im lặng đạo đức giả của nó. Nó dời mắt đi chỗ khác và tỏ ra lúng túng. Và vì thế mà chúng ta sử dụng từ tiếng Đức. Từ schaden, có nghĩa là thiệt hại hoặc tổn hại, và freude, có nghĩa là niềm vui hoặc thỏa mãn: thiệt hại-niềm vui.
Chẳng có ai mà lại thích nghĩ về những thiếu sót của mình, nhưng cũng từ đó mà rất nhiều điều khiến ta là một con người được tiết lộ. Việc thích thú trước sự bất hạnh của người khác có thể nghe thật đơn giản – chỉ là một thoáng ác ý, chỉ là một khắc oán giận. Nhưng nhìn kỹ hơn và bạn sẽ bắt gặp phần ẩn giấu nhưng lại là quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta.
Khi tôi chú ý đến cái khoái cảm mà tôi có thể cảm thấy trước tai họa của người khác, tôi bị ấn tượng bởi sự đa dạng về hương vị và kết cấu của nó. Ở đó có niềm vui sướng trước sự kém cỏi – không chỉ với những người trượt tuyết ngã sấp mặt vào tuyết, mà còn cả những sai lầm ở mức độ khó tin: khi NASA làm mất một tàu quỹ đạo trên sao Hỏa trị giá 125 triệu dollar bởi vì một nửa đội sử dụng phép đo kiểu Mỹ[2] và những người khác thì dùng đơn vị mét (m). Rồi còn có cả sự thỏa mãn đầy tự mãn khi những kẻ đạo đức giả bị vạch trần: một chính trị gia vô tình tweet bức hình cậu nhỏ của ông ta đang chào cờ (ông ta định gửi nó trực tiếp cho thực tập sinh của mình). Và dĩ nhiên, còn có cả niềm vui chiến thắng trong lòng khi chứng kiến đối thủ của mình vấp ngã. Một ngày nọ, trong một quán café, một người đồng nghiệp hỏi tôi rằng tôi có được thăng chức lên vị trí mà tôi đang nhắm đến không. Không, tôi trả lời. Và tôi nhận ra, nơi khóe miệng anh ta, đường nét của một nụ cười tươi rói khó có thể nhận ra được trước khi nó cụp xuống thành sự thương cảm. Ôi, xui thật. A, đấy là tổn thất của họ, cái lũ ngốc ấy. Và tôi những muốn hỏi: “Ông vừa mới cười đấy à?” Nhưng tôi không làm thế. Bởi vì khi anh ta thất bại – như đôi khi anh ta vẫn vậy – tôi biết là mình cũng trải qua cảm giác hạnh phúc đầy cắn rứt lương tâm.
Đôi khi thật dễ để chia sẻ niềm vui của chúng ta, như là chia sẻ những meme về bài phát biểu từ chức của một chính trị gia đáng ghét. Khó hơn nhiều là việc nhận ra cảm giác nhẹ nhõm đi cùng với tin tức xấu về bạn bè và người thân thành đạt của mình. Chúng đến đầy tình cờ, những cơn khoái cảm bùng nổ đầy khó hiểu này, cuốn theo nó cả sự xấu hổ. Và chúng khiến ta lo lắng – không chỉ vì ta sợ rằng việc thiếu lòng trắc ẩn nơi ta nói lên một điều gì đó thật tồi tệ về mình – mà bởi vì chúng chỉ ra rõ ràng sự đố kỵ và tự ti của ta, và cái cách mà ta chộp lấy sự thất vọng của người khác để cảm thấy tốt hơn về mình.
Khi ông anh trai của tôi đưa lũ trẻ nhà ông ý đi hưởng một kỳ nghỉ hè tuyệt vời ở Mỹ, tôi đã cảm thấy rất tệ vì tôi chưa bao giờ đưa con mình đi bất kỳ nơi nào bởi việc ấy quá vất vả và quá tốn tiền. Và rồi tôi đọc được dòng trạng thái trên Facebook ông ấy: trời mưa.
Ối! Cần thẩn bạn không trượt vỏ chuối kìa. Photograph: Ilka & Franz/The Observer
Ngày nay, cái sự vui trên nỗi đau của người khác luôn hiện diện quanh ta. Nó tồn tại trong cách chúng ta làm chính trị, trong việc chúng ta đối đãi với những người nổi tiếng, trong những thước phim ghi lại những cú ngã được đăng lên mạng. Nhưng những niềm vui bá đạo này luôn ập đến cùng với sự khó chịu. Các nhà đạo đức học từ lâu đã căm ghét việc vui trên nỗi đau của người khác. Triết gia Arthur Schopenhauer gọi nó là “một dấu hiệu không thể sai được của một trái tim hoàn toàn xấu xa và vô giá trị sâu sắc về mặt đạo đức,” là đặc điểm tồi tệ nhất trong bản chất con người. (Ông cũng nói rằng bất kỳ ai bị bắt gặp đang vui trên nỗi đau của kẻ khác nên bị khai trừ khỏi xã hội loài người. Và điều này khiến tôi toát hết cả mồ hôi hột.)
Tôi dần tin rằng Schopenhauer đã sai. Khi từ schadenfreude lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản tiếng Anh vào năm 1853, nó đã gây ra sự phấn khích lớn. Đây có lẽ không phải là ý định của RC Trench, vị Tổng giám mục Dublin, người lần đầu nhắc đến nó trong Nghiên cứu về Từ ngữ. Với Trench, sự tồn tại đơn thuần của từ này là xấu xa và đáng sợ, ‘một bản ghi thê lương về sự xấu xa mà sự thiên tài của con người đã phát minh ra.”
Những người bạn thời Victoria của ông đã tiếp nhận từ này với những cung bậc vui thích khác nhau, từ sự vui vẻ cho tới việc chứng minh mình là đúng, từ cảm giác thắng lợi cho tới nhẹ nhõm. Vào những năm 1890, nhà vận động vì quyền động vật Frances Power Cobbe đã viết một bản tuyên ngôn có tiêu đề Schadenfreude, xác định cảm xúc đó là sự khát máu của những thằng bé hành hạ lũ mèo hoang chỉ để cho vui.
Chúng ta vẫn liên kết những mức độ khác nhau của niềm vui với từ này, có lẽ không rõ nghĩa gốc chính xác của nó là gì, hoặc phạm vi của nó nằm ở đâu. Nhưng khi nhìn vào cách mà từ này được sử dụng trong tiếng Anh thì ta có thể xác định những chủ đề lặp đi lặp lại. Vui trên nỗi đau của kẻ khác thường được coi như là một môn thể thao dành cho khán giả – tận hưởng bất hạnh của người khác một cách cơ hội hơn là hả hê trước nỗi đau mà bạn tự gây ra cho mình. Ta thường nghĩ về nó như là một cảm xúc ngấm ngầm, và không có gì là lạ ở đây. Ta có thể không chỉ lo lắng về việc mình có vẻ ác ôn, nhưng niềm vui trên nỗi đau của kẻ khác trong ta cũng phơi bày cả những thiếu sót của mình nữa – sự nhỏ nhen của ta, sự ghen tị của ta, cảm giác kém cỏi trong ta.
Một đặc điểm khác của việc vui trên nỗi đau của kẻ khác là chúng ta thường cảm thấy mình có quyền làm vậy khi nỗi đau có thể được hiểu như một sự trừng phạt – một sự trừng phạt thích đáng vì đã ngạo mạn hoặc đạo đức giả, hoặc vì đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, ta tận hưởng cảm giác mình ưu việt hơn về mặt đạo đức (thường chỉ ở một khoảng cách an toàn). Vào năm 2015, mục sư người Mỹ Tony Perkins nói rằng lũ lụt được Chúa gửi đến để trừng phạt nạn phá thai và kết hôn đồng giới. Và rồi ngôi nhà của ông ta đã bị ngập lụt và ông ta phải sơ tán bằng canoe. Ngay cả kênh BBC luôn chính trực vô tư cũng thích câu chuyện này, chụp những bức ảnh ngôi nhà ngập lụt của ông ta từ trên không bên cạnh cuộc phỏng vấn gây tranh cãi “Chúa đang cố gắng gửi tới chúng ta một thông điệp.”
Vui trên nỗi đau của người khác thường được xem là niềm vui sướng trước những sự khó chịu và hớ hênh hơn là trước những thảm kịch và cái chết. Nhưng đây không phải là một nguyên tắc bất di bất dịch, và bối cảnh đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta sẵn lòng chứng kiến những minh tinh, hay những người từ quá khứ xa xôi chịu đựng nỗi kinh hoàng mà sẽ khiến cho ta hoảng sợ nếu như nó xảy ra ở thời nay hoặc với bạn bè mình. Tất cả những cảm xúc này là điều mà các nhà tâm lý học gọi là “nhận thức” – nói cách khác, nó không chỉ đơn giản là phản ứng phản xạ với các tác nhân bên ngoài, mà còn là một quá trình phức tạp đòi hỏi chúng ta phải đánh giá và phán đoán mối quan hệ của mình với thế giới xung quanh và điều chỉnh lại phản ứng của mình cho phù hợp.
Đôi khi chúng ta đánh giá sai, và niềm vui trên nỗi đau của người khác khiến chúng ta cảm thấy bối rối về mặt đạo đức. Có một tập phim trong The Simpsons mà Homer thấy điên tiết trước việc người hàng xóm hoàn hảo Ned Flanders của mình mở một cửa tiệm, The Leftorium. Với cơ hội được hình dung ra ba điều ước, Homer tưởng tượng rằng việc kinh doanh của Ned sẽ đổ bể. Đầu tiên, anh ta thấy cửa hàng vắng khách, rồi túi tiền của Flanders cạn sạch, rồi Flanders phải cầu xin nhân viên pháp chế. Chỉ tới khi Homer tưởng tượng ra bia mộ của Flanders, lũ trẻ nhà Flanders khóc thút thít cạnh đó, thì anh ta mới dừng lại. “Quá xa rồi,” anh ta nói, và nhanh chóng quay lại với cảnh cửa hàng phá sản.
Những câu hỏi đặt ra về cách thức và lý do tại sao chúng ta lại tận hưởng nỗi đau của người khác – điều gì là chấp nhận được, điều gì là “quá xa” – đã được đề cập trong một số tác phẩm triết học và văn học vĩ đại nhất trong suốt 2000 năm qua. Nhưng có thể nói rằng chưa bao giờ tính cấp bách để hiểu về việc vui sướng trên nỗi đau của kẻ khác lại lớn như ngày nay.
Vào tháng 12 năm 2008, môt độc giả của tờ New York Times than thở rằng chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên vàng của việc thấy vui trên nỗi đau của kẻ khác.” Những cụm từ tương tự cũng xuất hiện từ đó trên blog và trang kế trang của ban biên tập. Thành thật mà nói, chúng ta không thể biết được rằng liệu ta có thật sự trải qua niềm vui trên nỗi đau của kẻ khác trước đây hay không. Nó chắc chắn có vẻ là một đặc điểm hiển nhiên hơn trong cuộc sống tập thể của chúng ta ngày nay, bởi vì những gì từng được che giấu hoặc được truyền đạt bằng mấy tiếng cười khẩy thoáng qua bên chiếc bình lọc nước giờ đây được lưu giữ mãi mãi trong những cái “like” và “share” trên con rắn độc kỹ thuật số.
Đã có một sự bùng nổ của nghiên cứu. Trước năm 2000, hiếm khi nào một bài báo học thuật lại được phát hành với cụm từ “vui trên nỗi đau của khác” trên đầu đề. Giờ thì ngay cả một cú nhấp chuột cũng cho thấy hàng trăm kết quả, từ sinh học thần kinh tới triết học và nghiên cứu về quản lý. Điều gì đã thúc đẩy sự quan tâm nhường ấy? Không có gì phải nghi ngờ, nó một phần được thúc đẩy bởi nỗ lực của chúng ta nhằm tìm hiểu cuộc sống trong thời đại internet, nơi mà việc cười nhạo những người khác, trước đây thường được xem là không phù hợp về mặt xã hội, giờ trở nên ít rủi ro hơn. Cũng quan trọng không kém, theo quan điểm của tôi, là sự cam kết không ngừng tăng lên của chúng ta đối với sự đồng cảm. Ngày nay, cái khả năng để hòa mình vào nỗi đau của người khác được đánh giá cao – và như vậy là đúng. Việc đặt mình vào hoàn cảnh của người khác đã tác động tới khả năng của chúng ta trong việc dẫn dắt người khác, làm cha mẹ, trở thành một người bạn đời và người bạn tử tế. Và khi mà sự cảm thông càng trở nên quan trọng, dường như niềm vui trên nỗi đau của kẻ khác càng trở nên thâm độc hơn.
Không phải chỉ có những nhà đạo đức thời Victoria mới chùn bước trước nó. Ngày nay, những người theo chủ nghĩa nhân văn cũng cảm thấy khó xử. Vui trên nỗi đau của kẻ khác từng được gọi là “bóng tối của sự cảm thông,” cho rằng cả hai về cơ bản là xung khắc nhau. Nhà tâm lý học Simon Baron-Cohen đã chỉ ra rằng những kẻ thái nhân cách không chỉ tách rời khỏi nỗi đau khổ của người khác mà thậm chí còn thích thú với nó: “Người Đức có một từ dành cho điều này,” Baron-Cohen viết. Với tất cả sự xoắn quẩy này, có một thắc mắc nhỏ được đưa ra là vậy thì khi nào thì vui trên nỗi đau của kẻ khác có vẻ là đúng, và khi nào thì nó có vẻ rất sai.
Tuy nhiên, vui trên nỗi đau của kẻ khác cũng có những lợi ích nhất định – một chiến thắng nhanh chóng giúp giảm bớt cảm giác tự ti hoặc sự ghen tị; một cách để gắn kết thông qua sự thất bại của người đồng nghiệp kiêu căng. Nhưng nó cũng là một minh chứng cho khả năng linh hoạt về mặt cảm xúc của chúng ta, khả năng của chúng ta trong việc cùng lúc nắm giữ những suy nghĩ và cảm xúc có vẻ trái ngược nhau. Dostoyevsky đã biết đến niềm vui trên nỗi đau của kẻ khác và sự đồng cảm không phải là/hoặc phản ứng trước điều này, nhưng ta vẫn có thể cảm thấy cả hai cùng một lúc. Trong tác phẩm Tội Ác và Trừng Phạt, khi Marmeladov được đưa về khu chung cư anh sống trong tình trạng người bê bết máu và bất tỉnh sau một vụ tai nạn, toàn bộ cư dân đã tụ tập xung quanh. Họ trải nghiệm, như Dostoyevsky viết, “cái cảm giác thỏa mãn nội tâm lạ kỳ mà nó luôn tự mình xuất hiện, ngay cả trong những người gần gũi và thân quen nhất với nạn nhân, khi một ai đó chịu đau đớn bởi một tai nạn bất ngờ; một cảm giác mà không một ai trong số chúng ta có thể chống lại, cho dù cảm giác thương xót và đồng cảm nơi ta có chân thành đến đâu.”
Có lẽ chúng ta đang sống trong thời đại thấy vui khi người gặp họa, và sợ rằng cái cảm xúc này đang dẫn chúng ta đi lạc lối. Nhưng cũng như tất cả những cảm xúc khác, việc lên án nó chỉ tổ khiến bạn càng lạc lối hơn. Điều mà chúng ta thật sự cần là nghĩ lại về những gì mà cái cảm xúc ác ý này gây ra cho chúng ta, và nó cho ta biết những gì về mối quan hệ của ta với bản thân và với những người khác.
Vui trên nỗi đau của kẻ khác có thể mang vẻ phản xã hội. Tuy nhiên, nó là một nét đặc trưng của nhiều nghi thức chung được yêu thích của chúng ta, từ thể thao cho đến việc buôn chuyện. Nó có vẻ như thù hằn con người, nhưng nó rõ ràng là liên quan đến rất nhiều việc mang tính con người trong cái cách chúng ta sống: cái bản năng đối với sự công bằng và công lý; nhu cầu về cấp bậc và việc tìm kiếm chỗ đứng trong đó; ham muốn được thuộc về và bảo vệ các nhóm mà giúp chúng ta an toàn khi là một phần trong đó. Nó có vẻ như trịch thượng và hạ thấp phẩm giá, nhưng nó cũng nói lên nhu cầu của chúng ta về việc đánh giá cao những nỗ lực vô lý của mình nhằm chứng tỏ rằng ta nắm quyền kiểm soát trong trong một thế giới mãi mãi vượt khỏi tầm tay của ta. Nó có vẻ như cô lập và chia rẽ, nhưng nó chứng tỏ nhu cầu của chúng ta để không cảm thấy cô đơn trong những nỗi thất vọng của mình, để tìm kiếm sự khuây khỏa trong việc là một phần của cộng đồng những kẻ thất bại.
Vui trên nỗi đau của kẻ khác, tinh tế và hoàn toàn xấu xa, là một khiếm khuyết. Nhưng nó là một khuyết điểm mà tất cả chúng ta cần phải đối mặt nếu ta thật sự muốn hiểu về cuộc sống trong thế giới hiện đại.
Bị loại: Trung vệ Toni Kroos của đội tuyển Đức phản ứng trước trận thua của đội anh trước tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2018. Photograph: Roman Kruchinin/AFP/Getty Images
Đức bị loại khỏi World Cup 2018
Trong hầu hết các kỳ World Cup, người ta có thể tin tưởng vào việc đội Đức sử dụng lối chơi hiệu quả đến tàn nhẫn của họ để tiến sâu. Nhưng năm nay thì khác, khi họ gục ngã ở rào cản đầu tiên sau thất bại thảm hại 2-0 trước đội tuyển Hàn Quốc. Phản ứng của thế giới – từ việc kênh Fox Sports Brasil tweet từ ‘HA’ 37 lần liên tiếp tới tờ Sun dùng cả trang bìa để định nghĩa từ ‘schadenfreude’ – diễn ra ngay lập tức và đầy vui mừng. Họ có thể sẽ giành cúp lần sau…
Mọi câu trả lời cho mọi tweet của Piers Morgan
Piers Morgan tweet về Meghan Markle, và ai đó trả lời, ‘Ôi, Piers, ông im đi.’ Piers Morgan tweet về Ryder Cup, và ai đó trả lời, ‘Im đi, Piers.’ Piers Morgan tweet về thời gian chất vấn đại biểu quốc hội, và ai đó trả lời, ‘Ông là thằng đần vô dụng.’ Piers Morgan tweet về bệnh béo phì, và ai đó trả lời, ‘Có lẽ ông muốn mất vài chúc ký đấy, đồ mập.’ Nó diễn ra đều đặn, và nó là thứ duy nhất mang đến cho tôi niềm vui trong trò đùa về thế giới này.
Charlie cắn tay con
Một trong những video được lan truyền đầu tiên, Charlie Bit My Finger là bài học trong sách giáo khoa về việc vui trên nỗi đau của kẻ khác. Một clip vào năm 2007 về một cậu bé nhét ngón tay mình và miệng của nhóc em, rồi bị cắn cho đến khi cậu ta phát khóc, đây là một bản tóm tắt tổng quát về một câu chuyện được nén trong 55 giây. Đầu tiên, có sự tuyệt vọng phô trương để thu hút sự chú ý đã dẫn đến việc cậu bé đưa ngón tay vào mồm em trai mình. Rồi sau đó là tiếng cười của Charlie. Nhóc ta thích thú trước sự khó chịu của anh trai mình hơn cả chúng ta nữa. Đó chính là schadenfreude (thiệt hại-niềm vui) trong nhiều chiều khác nhau. Đó chính là metafreude (siêu-vui).
Brexit
Đừng nhầm lẫn, chứng kiến một quốc đảo nhỏ bé trải qua cơn suy thoái do việc đặt nhầm chỗ quyền đế quốc, mất hết khái niệm về vị trí thực sự của nó trên thế giới và rồi dần dần tự bắn vào đầu mình khi đưa ra một quyết định tồi tệ là điều hài hước nhất từng diễn ra trong lịch sử. Nó giống như là việc tất cả các video của You’ve Been Framed đều được gộp vào làm một vậy. Ha ha ha. Ha ha ha ha ha. Ô, khoan đã …
Nghe người khác phát âm sai từ ‘schadenfreude’
Skandenfrond. Shaydafrood. Shaffdelnude. Tất cả những ai không thể phát âm từ schadenfreude xứng đáng nhận mọi lời chế nhạo mà bạn có thể tập hợp được, chỉ vì thực tế là chính bạn cũng không biết phát âm từ ấy thế nào cho tới khi bạn 36 tuổi.
[1] Schadenfreude: (danh từ) sự sung sướng trên đau khổ của kẻ khác
[2] Người Mỹ dùng đơn vị đo inch
Dịch bởi: Hương Đào
Thăm blog người dịch tại đây: https://huongtdao.wordpress.com/2022/12/17/niem-vui-tham-kin-khi-thay-nguoi-khac-gap-nan/