Nỗi sợ bị bỏ rơi và làm sao để nhận ra và xoa dịu nó? (phần 2)
Một số người mang theo nỗi sợ bị bỏ rơi thường hành xử theo những cách như muốn trừng phạt, luôn bực bội và tức giận khi người họ quan tâm không để ý tới nhu cầu của họ hay trấn an họ
Như ở phần 1 mình đã viết: rất nhiều người lớn lên với những nỗi sợ hãi mơ hồ xung quanh việc bị bỏ lại, bị chối bỏ trong các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân,… Đối với một số người khác, những nỗi sợ hãi bị bỏ rơi này sẽ không mạnh mẽ cho đến khi họ bước vào mối quan hệ yêu đương. Khi gặp một ai đó mà họ yêu thương và cảm thấy không muốn mất đi, bỗng dưng mối quan hệ đang suôn sẻ của họ đột nhiên xuất hiện cảm giác ngập tràn bất an và sợ hãi rằng người họ yêu sẽ xa cách, sẽ phớt lờ hoặc thậm chí bỏ rơi họ (Dù người kia không hề thể hiện bất cứ dấu hiệu nào như vậy!)
Mỗi người đều có những trải nghiệm cảm xúc khác nhau khi mang nỗi sợ này. Tuy vậy, hầu hết họ đều mang theo nỗi lo lắng tột cùng trước những suy nghĩ rằng sẽ bị một người quan trọng chối bỏ mình. Những nỗi ám ảnh này thường đột ngột bùng nổ trước một người mà ta chỉ mới hẹn hò buổi đầu tiên; hay người yêu lâu năm bỗng dưng hơi lơ là, xa cách.
Thậm chí ở những trường hợp nghiêm trọng, người đó còn cảm thấy bị “hành” bởi những cảm xúc từ hội chứng sợ ở một mình, sợ cô đơn (autophobia: nỗi sợ phải ở một mình cô độc ở giữa căn phòng dù mình luôn thân thuộc, một nỗi lo lắng bất an khiến người đó cảm thấy họ cần một ai đó ở bên cạnh, chỉ ở gần họ để họ cảm thấy an toàn. Thậm chí chỉ cần nghĩ đến việc chỉ ở một mình cũng khiến họ thấy căng thẳng và rối bời. Người mắc autophobia còn đôi khi nhận định bản thân bị chối bỏ, hay bị người khác ko quan tâm đến ngay cả khi người đó đang ở bên cạnh họ).
Theo Joyce Catlett - đồng tác giả của cuốn sách “ Compassionate Child Rearing”: Một số người mang theo nỗi sợ bị bỏ rơi thường hành xử theo những cách như muốn trừng phạt, luôn bực bội và tức giận khi người họ quan tâm không để ý tới nhu cầu của họ hay trấn an họ - những điều mà họ cảm thấy người kia cần phải mang lại cho họ để họ cảm nhận được cảm giác an toàn. Tác giả còn nói rằng: những người ấy thường tin rằng nếu như họ không bày tỏ và hành xử sự lo lắng và giận giữ của mình thì người kia sẽ không phản hồi lại nhu cầu mà họ cần.
Tuy nhiên, ở những người với những mối liên kết khác với người chăm sóc từ lúc nhỏ, cụ thể là gắn kết luôn bất an - lo lắng (Theo Attachment Theory của J.Bowlby), họ sẽ sợ hãi và miễn cưỡng khi bày tỏ cảm xúc của mình, hay chần chừ với việc giận giữ với người kia vì sợ sẽ bị mất đi mối quan hệ hoặc bị từ chối. Từ đó, họ có xu hướng kìm nén cảm xúc của mình, cách này có thể khiến những suy nghĩ bị dồn nén và tích tụ và cuối cùng sẽ bùng phát rất mạnh mẽ khó kiểm soát.
Cho dù người mang nỗi sợ bị bỏ rơi này thuộc nhóm luôn bày tỏ và hành xử muốn điều khiển, lôi kéo người kia ở lại bên cạnh mình; hay dùng cách vâng lời, im lặng chịu đựng để giữ mối quan hệ. Thì việc nhận ra những mâu thuẫn bên trong mình, giải quyết những cảm xúc này như một chiếc chìa khóa mở cánh cổng bình yên, giúp họ được thực sự trải nghiệm cảm giác lành mạnh trong một mối quan hệ.
Hơn thế nữa, những gắn kết thiếu lành mạnh trong quá khứ với người chăm sóc mình thuở bé cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách người đó chọn người yêu trong tương lai. Ví dụ như, nếu họ từng cảm thấy bị ngó lơ, bị “bơ” nhu cầu cảm xúc hay thể chất bởi bố mẹ hoặc người chăm sóc khi nhỏ, họ có xu hướng chọn người có vẻ tập trung quá mức vào mình hoặc xa cách với họ. Người ta luôn có vẻ không để ý đến, nhưng ta luôn vô thức nhận thấy một sự chú ý cực độ vào những người ta gặp trong tương lai - những người có điểm tương đồng với một ai đó quan trọng trong kí ức của ta. Hoặc đôi khi, họ như đang tìm cách tìm kiếm những cảm xúc thân thuộc thời thơ ấu, mà trong số đó là những nỗi đau.
Những người sợ bị bỏ rơi không những vô thức chọn những người bạn đời có dấu hiệu ít-sẵn-sàng mang lại hạnh phúc cho họ hơn, mà họ đôi khi còn tự bóp méo người đó trong suy nghĩ của chính mình. Họ tự viết ra những điều không có thật về người kia, và tin rằng họ có khả năng cao sẽ bị người kia từ chối và bỏ rơi.
Theo như bài phần 1 hay những bài viết về các vấn đề tâm lý khác, mình có nhắc đến lòng tự trọng thấp, và những ảnh hưởng của nó lên cách người ta hình thành những nỗi đau và biến nó thành đau khổ thực sự trong các mối quan hệ. Và lấy ví dụ như trong bộ phim The Perks of Being a Wallflower (2012):
Charlie: Vì sao những người tốt lại thường hẹn hò với những kẻ không ra gì?
Billy: Người ta sẽ chấp nhận kiểu tình yêu mà họ nghĩ nó xứng đáng với họ!
Và việc ta nhìn nhận hay chọn người ở cạnh thực sự có mối liên kết với cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình.
Ở Việt Nam, nhiều người từ nhỏ đã quen với việc phải luôn hết mực khiêm tốn, phải biết mình ở đâu đến mức họ nhầm tưởng rằng họ không được quyền tự hào; và không nên quá tự hào về những điều mà mình làm được. Điều đó thể hiện qua việc từ chối những lời khen, họ xua tay khi được ai đó khen rằng họ có chất giọng hay, hay vội vàng chối bỏ khi được khen làm một điều gì đó tốt.
Vậy nhưng, nghiên cứu từ Dr. Kille và các đồng sự (2017) cho thấy cho thấy việc khó khăn khi đón nhận lời khen có liên quan tiếp đến lòng tự trọng thấp. Và thậm chí rất nhiều người xung quanh mình vẫn ngại ngùng khi được ai đó khen thành quả của mình, vì từ nhỏ họ đã đã thấy bản thân mình chưa đủ cố gắng, và chưa đạt đủ thành tựu.
Trong câu chuyện ở trên, một cô gái được nhìn nhận là “tốt” và “xứng đáng với những điều tốt đẹp” lại lựa chọn yêu thích một người không tốt với họ. Thậm chí bản thân mình họ coi thường, bị lạnh nhạt và không được coi trọng, họ vẫn ở lại và chờ đợi hơi ấm hờ hững từ người mà họ đã chọn. Họ chấp nhận một tình yêu “lúc có lúc không”, một hơi ấm mập mờ và nghĩ rằng như thế là đủ.
Bởi vì lòng tự trọng chạm đáy, họ cho phép mình chịu đựng và sống chung với những cảm xúc không lành mạnh. Họ chọn ở lại bên cạnh những người khiến họ thấy đau khổ, nhưng cùng lúc cũng như quen thuộc với cảm giác đó và khó dứt bỏ những cảm giác tựa như luôn là một phần của chính mình đó.
LÀM SAO ĐỂ GIÚP AI ĐÓ XOA DỊU BẢN THÂN KHỎI CẢM GIÁC SỢ HÃI BỊ BỎ RƠI?
Tất nhiên, những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần quá nghiêm trọng thì việc gặp các chuyên gia tâm lý và tiếp cận trị liệu là điều cần thiết. Ngoài ra, việc tự chẩn đoán hay phán xét các dấu hiệu là một điều không chắc chắn và không nên tự áp dụng nếu chưa rõ ràng về nó. Những thông tin mình chia sẻ với mục đích thấu hiểu, giải đáp, mang một cái nhìn nào đó cho mọi người về những sự việc liên quan đến tâm lý. Và nhìn nhận như thế nào là phụ thuộc vào người đọc.
“Tâm lý học luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thời thơ ấu và tuổi vị thành niên có liên quan mật thiết như thế nào với việc định hình tính cách của mỗi người, quan trọng hơn tất cả những giai đoạn nào khác. Nếu như bạn không yêu bản thân mình, việc này giống như bạn có một tâm hồn trống rỗng và thiếu tình cảm bên trong, khi bạn yêu một người trước khi bạn yêu chính mình, bạn sẽ đòi hỏi họ phải lấp đầy khoảng trống đó, liên tục đòi hỏi người đó phải cho bạn quá nhiều sự quan tâm. Điều này chính là cách nhanh nhất có thể giết chết một tình yêu. “ Trích từ sách: “ Living La Dolce Vita” của Raeleen D’Agostino Mautner
THẤU HIỂU VÀ HỌC CÁCH YÊU THƯƠNG BẢN THÂN
Theo các nghiên cứu từ thuyết gắn bó nói trên, kết quả chỉ ra rằng không phải chỉ những vấn đề thời thơ ấu khiến một người mang theo cảm giác sợ bị bỏ rơi, mang theo những hành xử tiêu cực lên một mối quan hệ; mà là cách họ nhìn nhận những chuyện đã xảy ra và mức độ họ thấu hiểu những chuyện đó.
Là một con người, chúng ta không phải là những nạn nhân vô vọng của quá khứ. Nhưng chúng ta THỰC SỰ CẦN phải đối diện với những quá khứ đó để tạo ra một liên kết lành mạnh hơn trong cuộc sống tương lai.
Theo Dr. Lisa Firestone (https://www.drlisafirestone.com/about-lisa-firestone/) :
Một trong những cách hiệu quả để một người dần vượt qua được những gắn kết thiếu an toàn trong quá khứ, khiến họ mang theo nhiều cảm xúc tiêu cực khi trưởng thành chính là diễn giải và thấu hiểu câu chuyện của chính mình. Thật khó nếu phải nói một người chưa từng hiểu gì về mình phải ngồi lại và làm quen lại từ đầu, học lại về bản thân mình.
Liệu bạn biết gì về bản thân mình? Liệu bạn có hiểu được tại sao họ lại là chính mình của hiện tại? Điều gì đã khiến bạn thay đổi như vậy? Sự kiện nào trong cuộc sống có liên hệ mật thiết đến những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống của họ? Phân tích xem liệu bạn có thể thay đổi những chuyện đã xảy ra hay không? Nếu không, liệu bạn có muốn đánh đổi những thứ trong hiện tại chỉ vì những thứ họ đã mất đi vĩnh viễn hay không?
Khi một người ngồi lại, nhìn nhận vào sâu bên trong và quan sát quá trình những kí ức ấy diễn ra và tác động lên họ; khi họ hiểu về quá khứ của mình, họ sẽ ít cảm thấy dữ dội hơn khi cảm giác bị bỏ rơi dâng lên. Hoặc thậm chí sau khi hiểu rõ nỗi đau cũ, họ vẫn có khả năng bình tĩnh trong các tình huống cảm xúc dâng trào tốt hơn trước rất nhiều. Thực sự rất dài khi phải nói về việc thấu hiểu bản thân, vì đôi lúc việc này có thể kéo dài cả đời. (Mng hãy đọc qua phương pháp inner child therapy mà mình đã post nhé!)
Dù mối gắn kết và những ảnh hưởng của nó lên một người khi trưởng thành có thể không thể thay đổi được hoàn toàn, nhưng ta có thể cải thiện bằng cách học được những cảm xúc mới từ một mối quan hệ lành mạnh. Thay vì bị điều khiển bởi những cảm xúc cũ, khiến bạn cảm thấy rằng một sự nguy hiểm đang đến gần và bạn phải phản ứng để không bị dính vào cảm xúc đau đớn ấy nữa, ví dụ như việc sợ bị bỏ rơi; việc tạo nên một gắn kết an toàn mới như mối quan hệ lành mạnh với bản thân; hay với đối tác yêu đương lành mạnh;.. có thể khiến họ xác định được sự sợ hãi đến từ đâu? Nó có thực sự đến từ mối quan hệ hiện tại hay chỉ là kí ức cũ đến từ một cơ chế phòng vệ mà não bộ luôn quen thuộc từ lúc bé? Và liệu nỗi đau, nỗi thống khổ khi bị bỏ rơi đó có đáng sợ như vậy ở hiện tại hay không - khi mà bạn không còn là một đứa trẻ không nơi nương tựa nếu bị bỏ rơi - mà là một người lớn độc lập và có thể sống cho chính mình?
Nhiều người có vẻ như luôn hiểu lầm về việc yêu thương bản thân. Họ nghĩ rằng yêu bản thân là làm theo những điều mà người “có vẻ hạnh phúc” hay làm, ví dụ như: mua sắm, du lịch sang chảnh, nhà hàng sang trọng, hay tạo ra một vẻ ngoài hào nhoáng cho bản thân. Không phải thế! Yêu bản thân là cho phép bản thân mình được làm những điều mình thực sự tận hưởng, thực sự muốn làm, chứ không phải làm theo những điều mà người khác cho là mang lại niềm vui. Đối với nhiều người, niềm vui của họ là được ngồi trên bãi biển, là được cắm trại bên một cánh rừng, là giao lưu với những người bạn có cùng sở thích sưu tập truyện tranh,… chứ không phải ai cũng yêu thích giao du với người có địa vị cao, thích mua hàng hiệu
DÙNG LÒNG TRẮC ẨN LÊN BẢN THÂN MÌNH
Ngoài ra, các nghiên cứu còn đề xuất những cách để tự vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi:
Đối xử tốt và có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với bản thân (Self-kindness): thay vì luôn chống đối, chỉ trích và phán xét bản thân, hãy học cách tử tế và lắng nghe chính mình. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực sự rất khó, nhưng là một điều cần thiết cho một tâm hồn thanh thản.
Phương pháp LÒNG TRẮC ẨN với bản thân được phát triển bởi Dr. Kristin Neff là phương pháp tự nói chuyện với chính mình, tự giúp bản thân mình thay đổi dòng suy nghĩ và nhìn các tình huống stress, đau khổ bằng một ánh mắt vị tha hơn. Đây là phương pháp có nhiều bài khác nhau, dưới đây là ví dụ 1 bài trong số đó:
Bạn sẽ đối xử với người bạn của bạn như thế nào? (Hãy mang giấy và bút để viết ra câu trả lời của bạn)
- Hãy nghĩ về một khoảng thời gian mà bạn của bạn hoặc một người thân yêu của bạn gặp chuyện khó khăn và họ nói với bạn rằng họ rất ghét bản thân, họ cảm thấy bản thân vô dụng và không biết làm gì để cứu vãn họ.
Họ làm sai một điều gì đó khiến họ không ngừng nghĩ về nó.
Họ đánh mất một cơ hội hay một mối quan hệ mà họ luôn trân trọng, khiến họ tự khiển trách bản thân và nghĩ rằng họ kém cỏi, tự ti.
Bạn sẽ làm gì và nói gì với người đó trong tình huống này?
Hãy viết ra những gì mà bạn sẽ nói với họ lúc này, và viết cả giọng điệu bạn sẽ dùng để an ủi họ.
- Bây giờ, hãy nghĩ về một vấn đề nào đó khiến bạn đau khổ, một chuyện luôn dày vò bản thân bạn mà bạn luôn muốn tránh né hoặc luôn lấy nó ra để chỉ trích chính mình. Những lúc như vậy, bạn nói gì với chính mình? Bạn dùng giọng điệu như thế nào?
Hãy viết ra giấy những gì bạn luôn nói với bản thân trong tình huống bạn cô đơn, đau khổ và bế tắc. Viết cả giọng điệu bạn sẽ dùng để nói với bản thân.
- Đem 2 tờ giấy bạn đã viết ra và so sánh xem, bạn có nhìn thấy sự khác biệt không?
Nếu hoàn toàn khác, vậy nghĩ xem điều gì làm bạn nói với người bạn hoặc người thân của bạn khác biệt với cách bạn đối xử với bản thân?
- Bây giờ, hãy viết ra những điều mà bạn nghĩ sẽ thay đổi nếu bạn nói và an ủi bản thân cùng một cách và cùng một giọng điệu bạn dùng để an ủi người khác. Và hãy nghĩ về điều đó bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đang đau khổ và cô đơn.
Tại sao không thử đối xử với chính bản thân bạn giống như một người bạn thân và xem thử điều gì sẽ thay đổi bên trong bạn?
CẢI THIỆN LÒNG TỰ TRỌNG: NHẬN DIỆN LÒNG TỰ TRỌNG CAO
“Lòng tự trọng” là sự tôn trọng và sự thừa nhận mà ta dành cho bản thân mình. Một người có lòng tự trọng cao, họ không chỉ yêu thích bản thân mình mà còn thừa nhận những gì thuộc về chính mình như tính cách, năng lực, nền tảng gia đình, điểm mạnh điểm yếu và có cái nhìn tích cực về bản thân.
Họ tin rằng bản thân mình có khả năng học hỏi, có khả năng tiến bộ, có thể đạt được điều mình mong muốn. Lòng tự trọng cũng giúp một người nhìn nhận được thái độ của người khác đối với mình; cách người khác hành động, cách người khác bày tỏ cảm xúc với mình là phù hợp hay không.
Hãy chấp nhận những lời khen: cho dù là lời khen từ người khác hay lời khen dành cho chính mình. Nghiên cứu cho thấy việc khó khăn khi đón nhận lời khen có liên quan tiếp đến lòng tự trọng thấp.
Cho bản thân bạn được nghỉ ngơi: hãy thử vị tha cho những điểm yếu, những sai lầm và quá khứ của bản thân. Không có ai là hoàn hảo và thực sự yêu mọi thứ về mình. Bất cứ khi nào bạn bắt đầu chỉ trích hay đặt nặng vấn đề cho mình, hãy tự ngẫm rằng bạn đã thực sự công bằng với mình hay chưa?
Hãy tìm điểm đặc biệt của chính mình: công nhận gía trị bằng những cách đơn giản nhất như những đặc điểm cơ thể, tính cách, những gì bạn đang có, học vấn, những kỉ niệm bạn đã trải qua,… Hãy viết những điều bạn đã làm ra một tờ giấy và đọc lại mỗi khi bạn thấy mình vô dụng, ko có giá trị.
Tài liệu tham khảo:
Branden, Nathaniel. How to raise your self-esteem: the proven action-oriented approach to greater self-respect and self-confidence. Bantam, 2011.
Brogaard, B. (2017, August 14). Abandonment anxiety. Retrieved from https://www.livestrong.com/art.../177374-abandonment-anxiety
Kille DR, Eibach RP, Wood JV, Holmes, JG. Who can't take a compliment? The role of construal level and self-esteem in accepting positive feedback from close others. Journal of Experimental Social Psychology. 2017;68:40-49. doi:10.1016/j.jesp.2016.05.003)
Wright, B., & Edginton, E. (2016, August 22). Evidence-based interventions to promote secure attachment. Global Pediatric Health, 2016(3). doi: 10.1177/2333794X16661888
Swann, W. B., Jr., Chang-Schneider, C., & Larsen McClarty, K. (2007). Do people's self-views matter? Self-concept and self-esteem in everyday life. American Psychologist, 62(2), 84–94. https://doi.org/10.1037/0003-066X.62.2.84
Joyce, C. Fear of Abandonment. Link: https://www.psychalive.org/fear-of-abandonment/
https://self-compassion.org/exercise-1-treat-friend/
Photo: Sanatli bi blog on pinterest
Tác giả: NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG
PSYCHOLOGICAL FACTS - TÂM LÝ HỌC VIỆT NAM