Ô nhiễm sự chú ý - Điện thoại thông minh là loại thuốc lá mới
Ô nhiễm sự chú ý là khi một người không thể tập trung hay kiểm soát bản thân và gây ảnh hưởng đến sự chú ý và tập trung của những người xung quanh
Thỉnh thoảng tôi hay tham gia lớp kiểu quân đội tại một phòng gym gần căn hộ của mình. Huấn luyện viên đứng một chỗ và hò hét bắt bạn hít đất và squat thêm nhiều vào cho đến khi bạn muốn ói. Rồi bạn về nhà và phải rất cực khổ để ngồi vào toilet trong ba ngày tiếp theo.
Lớp ấy rất tuyệt. Tôi cực kỳ thích luôn. Tôi không bỏ lỡ một tuần nào cả.
Hôm nay, thật ra chuyện này gần như sáng nào cũng thấy, một số người, giữa những bài tập, chạy đến bên tường cầm điện thoại lên và kiểu tra… ờm, tôi chả biết họ có thể kiểm tra cái quái gì nữa. Email? Instagram? Snapchat mấy giọt mồ hôi cho mọi người thấy? Tôi chả biết.
Vấn đề là họ nghịch điện thoại.
Và huấn luyện viên tức lên, la lối bảo họ dẹp hết điện với chả thoại đi, và chúng tôi đều đứng đực mặt ra.
Chuyện này diễn ra hai hay ba lần trong lớp, lớp nào cũng thế, và vì lý do gì cũng được, hôm nay tôi đã quyết định nói ra suy nghĩ của mình với cô gái cứ dán mắt vào điện thoại khi tất cả chúng tôi đang tập hì hụi:
“Bộ chuyện gì đấy của cô không thể đợi 30 phút sao? Hay cô đang chữa ung thư hay gì?”
Độc giả chú ý: đây là một cách kết bạn rất tệ hại đấy.
Tôi rất bực. Nhưng “đờ mờ” các bạn. Tôi cảm giác mình làm đúng, rằng tôi đã nói ra điều mà hầu hết mọi người trong phòng đang thầm nghĩ.
Cùng ngày hôm đó, tất cả đều về nhà cả, khi đang đau đớn ngồi vào bồn toilet, tôi suy ngẫm lại sự việc trong đầu. Và tôi tự hỏi, “Tại sao tôi lại bận tâm đến thế!? Tại sao điện thoại nói chung lại khiến tôi bực bội? Tại sao tôi lại khó chịu khi vợ móc điện thoại ra trong lúc chúng tôi đang cùng đi dạo trên đường? Tại sao tôi ghét cay ghét đắng những ai nhiệt liệt cầm điện thoại quay phim hết nửa buổi hòa nhạc? Ủa làm vậy chi?”
Hay tôi mới là người có vấn đề?
Tôi biết tất nhiên là không. Ngày nay chúng ta ai cũng có mối quan hệ yêu/ghét kỳ lạ này với điện thoại. Cứ mỗi năm, chúng ta ngày càng dán mắt vào điện thoại nhiều hơn trước. Tuy vậy, cứ mỗi năm, có vẻ ta càng bực bội vì suốt ngày cắm đầu cắm cổ vào nó. Tại sao lại như vậy?
Ô nhiễm sự chú ý
Nếu bạn để ý, sự chú ý là thứ duy nhất mà ta thực sự sở hữu trong cuộc đời. Tài sản có thể ra đi. Cơ thể ta có thể bị tổn thương. Các mối quan hệ có thể đổ vỡ. Ngay cả ký ức và khả năng trí tuệ cũng mai một.
Nhưng khả năng đơn giản để lựa chọn chú tâm vào điều gì - nó sẽ luôn là của chúng ta.
Thật không may, với công nghệ ngày nay, sự chú ý của chúng ta bị lôi kéo theo nhiều phương hướng hơn ngày trước, khiến cho việc lựa chọn tập trung sự chú ý vào đâu trở nên khó khăn - điều quan trọng là - hơn bao giờ hết.
Trong quyển sách Deep Work của mình, Cal Newport cho rằng khả năng tập trung cao độ vào một dự án, ý tưởng hoặc nhiệm vụ duy nhất trong một thời gian không chỉ là một trong những kỹ năng quan trọng nhất để thành công trong thời đại thông tin, mà nó còn là một khả năng đang dần bị mai một trong con người hiện nay.
Nhưng tôi có thể đi sâu hơn nữa. Tôi khẳng định rằng khả năng tập trung và quán triệt sự chú ý cho những gì cần thiết là thành phần cốt lõi để sống một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh. Chúng ta đều có những ngày hay tuần (hay tháng hay năm) cảm thấy đầu óc phân tán - mất kiểm soát chính thực tại của mình, liên tục bị hút vào những hố sâu của thông tin vô ích và thị phi từ những cú bấm chuột và thông báo.
Để sống vui vẻ và lành mạnh, ta cần cảm thấy như thể ta kiểm soát được bản thân và sử dụng khả năng cũng như tài năng của mình một cách hiệu quả. Để làm được điều đó, ta phải kiểm soát được sự chú ý.
Và tôi nghĩ đó là lý do vụ điện thoại di động ở phòng gym khiến tôi bực đến thế. Mấy bài tập ấy khó vật vã ra. Chúng đòi hỏi tôi phải tập trung và sử dụng không chỉ kỷ luật thể chất mà còn cả kỷ luật tinh thần nữa. Và gián đoạn mỗi 10 phút vì có người cần phải email sếp hay nhắn tin cho bạn trai khiến tôi bị phân tâm. Và tệ hơn, điều đó khiến tôi bị phân tâm trong khi tôi không muốn thế.
Ô nhiễm sự chú ý là khi một người không thể tập trung hay kiểm soát bản thân và gây ảnh hưởng đến sự chú ý và tập trung của những người xung quanh.
Và với sự bùng nổ của các thiết bị thông minh và internet hiện diện khắp mọi nơi từ Timbuktu đến cái mông của mẹ bạn, ô nhiễm sự chú ý đang ngày càng xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà ta không hề hay biết.
Đó là lý do ta thấy khó chịu khi trong bữa tối một người bắt đầu nhắn tin trước mặt mình. Đó là lý do ta thấy bực bội khi có người móc điện thoại ra trong rạp chiếu phim. Đó là lý do ta trở nên tức tối khi có người kiểm tra email thay vì tập trung xem trận bóng.
Sự mất tập trung của họ ảnh hưởng đến khả năng tập trung (vốn đã rất mong manh) của chúng ta. Tương tự như hút thuốc lá thụ động gây tổn thương phổi của những ai xung quanh người hút thuốc, điện thoại thông minh gây tổn thương đến sự chú ý và tập trung của những người xung quanh người dùng điện thoại thông minh. Nó gián đoạn các giác quan của chúng ta. Nó ép chúng ta tạm ngưng cuộc trò chuyện và tăng cường suy nghĩ một cách không cần thiết. Nó khiến ta mất đi luồng suy nghĩ và quên đi điểm quan trọng mà ta đang xây dựng trong đầu. Nó xói mòn khả năng kết nối và hiện diện với người khác, và cùng lúc đó hủy hoại sự thân thiết giữa hai người.
Nhưng sự so sánh với thuốc lá chưa kết thúc ở đó. Có bằng chứng cho thấy chúng ta đang gây ra tổn thương lâu dài cho trí nhớ và độ chú ý của mình. Cũng như cách hút thuốc là phá nát sức khỏe lâu dài của bạn dưới dạng một chuỗi những bộc phát hưng phấn, liều dopamine đến từ điện thoại đang gây hại đến khả năng hoạt động về lâu về dài của não bộ bằng việc nhận hàng chục lượt thích cho bức ảnh đồ ăn mà bạn vừa chụp được.
Giờ thì nghe có vẻ như tôi đang làm quá. Cứ như tôi đã có một buổi tập gym như cớt và đang giận cá chém thớt lên hàng trăm hàng ngàn độc giả trên internet.
Nhưng tôi đang rất nghiêm túc. Tôi nghĩ việc này đang hủy hoại chúng ta nhiều hơn ta tưởng tượng.
Tôi đã để ý những năm qua, việc ngồi xuống và viết một bài như thế này trở nên khó khăn hơn so với ba hay bốn năm trước. Và đó không chỉ là do số lượng phân tâm tăng lên từng năm, mà cả khả năng kháng cự lại những phân tâm ấy cũng đã sa sút đến mức tôi thường không cảm thấy kiểm soát được sự chú ý của bản thân mình nữa rồi.
Và điều này khiến tôi sợ chết đi được. Không phải tôi chán ghét người phụ nữ ở phòng gym không thể cầm cự được mà kiểm tra tin nhắn mỗi 10 phút. Tôi chán ghét việc tôi đang trở thành người như thế, người đàn ông trong phòng gym không thể cầm cự được mà kiểm tra tin nhắn mỗi 10 phút.
Và tôi chắc rằng mình không phải người duy nhất.
Vài năm qua tôi đã gặp những người cực kỳ lo lắng liệu họ có thể kiềm chế xem điện thoại trong những tình huống xã hội. Họ đem điện thoại vào các cuộc trò chuyện như cách một số người đem chó lên máy bay. Đó là một lối thoát luôn sẵn sàng nếu việc đối mặt với suy nghĩ và cảm xúc của người đối diện trở nên quá căng thẳng.
Tôi bắt đầu chú ý nhiều người cảm thấy họ cần phải luôn kiểm tra email hoặc tin nhắn để có được cảm giác là một nhân viên tốt, cần cù. Chuyện gì cũng không màng, dù là buổi độc tấu violin của con cái, hay trong xe hơi khi dừng đèn đỏ, hay đang giữa giấc ngủ vào nửa đêm thứ bảy. Họ cảm thấy mình luôn phải nắm bắt từng mẩu thông tin được ném về phía mình, nếu không họ sẽ thất bại.
Tôi nhận thấy bạn bè không còn có thể cùng nhau ngồi lại xem hết một bộ phim (hay là một tập phim của chương trình dài kỳ) mà không móc điện thoại ra vài lần. Nhiều người không thể vượt qua một bữa ăn mà không để điện thoại bên cạnh dĩa.
Điều này diễn ra ở khắp nơi, và vì thế nó đang trở thành chuyện bình thường ở huyện. Sự chú ý bị xói mòn đang trở thành chuyện bình thường, sự chú ý được xã hội chấp nhận, và chúng ta đều đang trả giá.
Tương lai
Tôi có một ước mơ, các bạn à. Tôi có một ước mơ về một thế giới mà mọi người có thể ngồi lại trò chuyên thật lâu, thật dài mà không cảm thấy cần mua vui cho bản thân bằng thú vui tức thời đến từ màn hình nhựa phát sáng.
Tôi có một ước mơ về một thế giới nơi con người nhận thức được không chỉ là sự chú ý hạn chế của mình, mà còn là sự chú ý quý giá của người khác và những kẻ ngu ngốc kia sẽ không nhắn tin trong rạp chiếu phim, hoàn toàn phá tan bầu không khí của cảnh phim căng thẳng.
Tôi có một ước mơ các thiết bị sẽ được liệt vào dạng thi thoảng bổ sung vào cuộc sống, chúng không phải là hoàn toàn thay thế cuộc sống. Con người sẽ nhận ra những thông tin liên tục và tức thời đều có một cái giá tiềm ẩn đi kèm, cũng như những lợi ích hiển nhiên.
Tôi có một ước mơ về một thế giới mà con người nhận thức được sự chú ý là một tài nguyên quan trọng, một thứ cần được tu dưỡng và làm mới, cần được xây dựng và trân quý, chúng như cách họ chăm sóc cơ thể hay giáo dục của mình. Và việc tu dưỡng sự chú ý sẽ giải phóng cho họ. Không chỉ giải phóng khỏi màn hình, mà còn là giải phóng khỏi những bốc đồng vô thức.
Tôi có một ước mơ việc tôn trọng sự chú ý sẽ lan rộng ra đến thế giới xung quanh, đến bạn bè và gia đình và sự thừa nhận rằng thiếu khả năng tập trung không chỉ gây hại đến cá nhân, mà còn gây hại đến những mối quan hệ và khả năng gìn giữ và duy trì sự thân thiết với người khác.
Tôi có một ước mơ những người phụ nữ này sẽ không xem cái điện thoại quái quỷ của họ khi tôi đang thực hiện bài burpee số 327 vào thứ tư tới. Vì Chúa, nếu bạn đi tập gym, thì lo mà tập gym đi.
Và khi điều ấy xảy ra, và khi ta cho phép sự tự do lên ngôi, khi ta để nó ngự trị ở mọi ngôi làng mọi xóm thôn, mọi tiểu bang và mọi thành, ta sẽ có thể tiến nhanh đến cái ngày mà mọi đứa trẻ của Chúa, người da đen và người da trắng, người Do Thái và người không phải Do Thái, người theo đạo Tin Lành và người theo đạo Thiên Chúa, sẽ có thể chung tay hát vang bài ca tôn giáo của người Mỹ da đen: “Cuối cùng cũng tự do! Cuối cùng cũng tự do! Tạ ơn Chúa toàn năng, chúng ta cuối cùng cũng được tự do (khỏi điện thoại thông minh)!”
(OK, tôi có lẽ đã đạo văn đoạn cuối, nhưng lần sau khi bạn chụp tấm selfie trong bữa tối, hãy tự hỏi, Dr King sẽ muốn gì?)
Ghi chú:
1. This pretty much describes my entire career: writing what other people are thinking but afraid or unwilling to say. Sometimes it makes me look like an asshole, but on the net average, it’s a positive thing.↵
2. Deci, E. L., & Ryan, R. M. (2008). Self-determination theory: A macrotheory of human motivation, development, and health. Canadian psychology/Psychologie Canadienne, 49(3), 182.↵
3. See this study from 2010: Killingsworth, M. A., & Gilbert, D. T. (2010). A wandering mind is an unhappy mind. Science, 330(6006), 932–932. Basically, they interrupted thousands of people randomly throughout their days (via notifications on their iPhones, ironically) and asked them 1) how happy they felt, 2) what they were doing, and 3) what they were thinking about. They found that it pretty much didn’t matter what people were doing; if their minds were wandering and they weren’t focusing on whatever task was right in front of them, they were less happy at that moment and in the near future. What’s more is that 47% of the time, people said their minds were wandering. This was 2009-2010, when smartphones were tiny and sucked and our attention spans were like Rambo compared to today. Just imagine how bad it must be now.↵
4. See The Shallows: What the Internet Is Doing to Our Brains by Nicholas Carr.↵
Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng
Nguồn: https://markmanson.net/smartphones?utm_source=facebook&utm_campaign=social-posts&utm_medium=social&utm_content=2017-04-13