Phát Huy Tiềm Năng Bằng Cách Trở Thành Người Học Tập Trọn Đời

phat-huy-tiem-nang-bang-cach-tro-thanh-nguoi-hoc-tap-tron-doi

Nhà trường không hẳn là nơi duy nhất cung cấp kiến thức cho bạn. Việc bạn hoàn thành giáo dục chính quy không có nghĩa là sự học của bạn kết thúc!

Trong khoảng 22 năm đầu đời, “công việc” chính của chúng ta là học tập. Phần lớn thời gian ta ở trên lớp để tiếp thu kiến thức mới. Sau đó, khi đã tốt nghiệp, ta có cảm giác giai đoạn học tập trong đời mình đã kết thúc và giờ đây đã đến lúc bước ra thế giới bên ngoài. Có bao giờ bạn cho rằng ý nghĩ đó lạ đời không? Rằng chỉ nên dành ¼ cuộc đời cho việc học, và sau đó trong ¾ quãng thời gian còn lại ta có thể tự mãn với những kiến thức mình học được.

Đó là một ý nghĩ sai lầm – nhưng nhiều người lại mắc phải, ít nhất là trong vô thức. Nhà trường không hẳn là nơi duy nhất cung cấp kiến thức cho bạn. Việc bạn hoàn thành giáo dục chính quy không có nghĩa là sự học của bạn kết thúc!

Nhiều người, có lẽ phần lớn, trong số những vĩ nhân trong lịch sử là những người tự học – họ nỗ lực tự trang bị kiến thức để học hỏi thêm hoặc thay thế cho giáo dục chính quy. Một ví dụ tuyệt vời cho điều này là tác giả Louis L’Amour. L’Amour là một trong những tác giả viết tiểu thuyết nam tính nhất và có nhiều tác phẩm nhất tại Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, ông đã liên tục cho ra đời trên 120 tiểu thuyết về đời sống phương Tây cũng như nhiều bộ sưu tập các câu chuyện và bài thơ ngắn. Điều làm cho tất cả các câu chuyện của Louis L’Amour trở nên đặc biệt hơn chính là việc hầu như ông hoàn toàn tự học.


Nhà văn Mĩ Louis L’Amour.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, L’Amour bỏ học khi ông 15 tuổi và trải qua 8 năm tiếp theo đi khắp miền Tây nước Mỹ làm những việc vặt trên các trang trại chăn nuôi gia súc, cánh đồng, nhà máy gỗ, và thậm chí là hầm mỏ. Để kiếm thêm tiền, L’Amour tham gia các trận đấu quyền anh nhỏ khắp đất nước và nổi tiếng là một đối thủ đáng gờm. Trong những năm 20 tuổi, L’Amour trở thành lính thủy đánh bộ và đi khắp thế giới bằng tàu hơi nước.

Trong suốt thời gian này, L’Amour hăng say đọc sách. Ngay khi đặt chân đến một thành phố mới, ông sẽ tìm thư viện ở nơi đó. Nếu thư viện ở xa, ông sẽ bỏ bữa để có đủ tiền đặt sách trong danh mục liệt kê. Ông cũng theo đuổi việc viết lách như một tài năng đang nảy nở, các ghi chép vội vàng trong những quyển sổ tay rẻ tiền mà lúc nào ông cũng mang theo bên mình.

Tất cả những trải nghiệm trong lúc đi từ nơi này đến nơi khác, tất cả những quyển sách đọc được, và những ghi chép đã đặt nền tảng cho sự nghiệp thành công sau này của ông. Nhưng ngay cả khi đã trở thành một tác giả nổi tiếng, L’Amour vẫn tiếp tục theo đuổi sự học và điều đó mang lại cho ông phần thưởng to lớn. L’Amour là ví dụ điển hình của cuộc sống thú vị mà ông tự tạo ra cho chính mình khi quyết tâm trở thành một người học tập trọn đời. (Nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn về sự tự học của L’Amour, hãy tìm hiểu quyển tự truyện của ông, Education of a Wandering Man). Nếu muốn phát huy hết tiềm năng của mình, bạn cần đón nhận tư duy học tập trọn đời. Bên dưới, tôi giải thích lý do vì sao bạn nên trở thành một người học tập cả đời và phương pháp thực hiện.

Vì Sao Nên Trở Thành Một Người Học Tập Trọn Đời?

1. Bạn sẽ kiếm tiền nhiều hơn

Cách đây 50-60 năm, bạn có thể hoàn thành chương trình đại học và có tất cả kiến thức cần thiết cho sự nghiệp sau này. Nhưng trong thị trường việc làm ngày nay, bạn không có may mắn đó. Những kỹ năng hàng đầu cách đây 50 năm có thể đã lỗi thời, và những công việc mà chúng ta sẽ làm trong vài thập kỷ tiếp theo có lẽ thậm chí chưa từng tồn tại. Nếu muốn tiếp tục cạnh tranh trong thị trường việc làm ngày nay và có khả năng kiếm nhiều tiền hơn, bạn cần trở thành một người tự học.

Trở thành một người học tập trọn đời không những có thể giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn trong những công việc truyền thống, mà sự tự học có thể giúp bạn tự mình làm chủ và bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Có vô số tấm gương trong lịch sử những nhân vật nổi tiếng, những người biết cách tạo ra những doanh nghiệp phát đạt mà không cần được đào tạo chính quy: Benjamin Franklin, Thomas Edison và Henry Ford… Vô số chủ doanh nghiệp vừa trở nên thành công cũng chưa từng có bất kỳ bằng cấp nào, đơn giản chỉ nhờ vào việc tự học những gì họ cần biết và không ngừng mày mò học hỏi.

2. Bạn sẽ trở nên thú vị và lôi cuốn hơn

Những người từng gặp Theodore Roosevelt luôn bị ấn tượng sâu sắc bởi khả năng trò chuyện của ông với bất kỳ ai về bất kỳ chủ đề nào có thể nghĩ ra. Các nhà khoa học bị mê hoặc trước kiến thức về những học thuyết phức tạp của Roosevelt, tầng lớp thượng lưu bị ấn tượng mạnh mẽ bởi những hiểu biết tài tình của ông về tác phẩm mới nhất của Oscar Wilde, và những chàng cao bồi miền Tây rất ngưỡng mộ sự am hiểu của “người đàn ông miền Đông” về cuộc sống hoang dã trên sa mạc. Theodore Roosevelt đã trở thành một người nói chuyện sinh động và lôi cuốn như thế nào? Bằng cách phát triển khả năng đọc nhanh và sau đó đọc ngấu nghiến những quyển sách như một con sư tử đói đang say sưa chén bữa ăn tươi ngon. Trong thời gian ở Nhà Trắng, mỗi ngày trước bữa sáng ông sẽ đọc một quyển sách. Nếu buổi chiều không có việc gì ở văn phòng, ông sẽ đọc thêm 2 hoặc 3 quyển sách nữa, cùng với những tờ báo và tạp chí mà ông thích. Theo ước tính của chính Theodore Roosevelt, cả cuộc đời ông đã đọc hàng chục ngàn quyển sách, bao gồm hàng trăm quyển bằng tiếng nước ngoài. Kết quả là ông có thể kết nối với bất kỳ ai, từ bất cứ ngành nghề nào, về những gì mà người khác thật sự quan tâm.

3. Bạn sẽ trở thành một lãnh đạo tốt hơn

Khả năng kết nối với người khác không những làm bạn trở nên thú vị hơn mà còn giúp bạn có sức ảnh hưởng hơn. Nền tảng kiến thức của bạn càng rộng lớn, bạn càng có thể hiểu được người khác, và càng có nhiều giải pháp hay hơn có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề và vượt qua những thử thách.

4. Bạn sẽ trở nên độc lập và thành thạo

Lúc còn nhỏ, một điều mà tôi ngưỡng mộ ông mình là tất cả những điều tuyệt vời mà ông biết. Ông luôn tìm tòi học hỏi, và dường như biết mọi thứ. Cách săn bắn, cách đóng móng ngựa, cách làm vườn (ông trồng nho), cách làm những chiếc bánh xếp thơm ngon. Thậm chí sau khi về hưu, ông luôn học hỏi những điều mới mẻ và có được những kỹ năng mới. Ví dụ, ông học cách phục hồi những chiếc xe ngựa kiểu cổ và những chiếc máy hát cổ. Thật vậy, ông làm việc này thuần thục đến mức ông bắt đầu phục hồi máy hát cổ như một công việc kinh doanh phụ.

Nhờ những kỹ năng đa dạng của mình, khi có đồ dùng nào đó bị hỏng hoặc cần hoàn thành việc gì đó, ông có thể tự làm lấy. Ông không phải gọi và trả tiền cho chuyên gia làm việc đó thay mình. Nếu không biết cách làm, ông sẽ đến thư viện, mượn vài quyển sách về vấn đề đó, và tìm hiểu.

5. Việc học hỏi trọn đời giúp não bộ luôn khỏe mạnh

Henry Ford từng nói, “Bất cứ ai ngừng học tập chính là người già cỗi, dù ở tuổi 20 hay 80. Bất cứ ai tiếp tục học hỏi sẽ vẫn mãi trẻ trung. Điều tuyệt vời nhất trong đời là giữ cho trí tuệ luôn tươi trẻ.” Gần 100 năm sau, khoa học đã công nhận giá trị lời nói của Henry Ford. Margie E. Lachman, nhà tâm lý học thuộc Đại học Brandeis chuyên về sự lão hóa cho biết, “Giáo dục dường như là liều thuốc tiên có thể mang lại cho chúng ta một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh trong suốt giai đoạn trưởng thành và thậm chí giúp ta sống lâu hơn. Nghiên cứu của bà cho thấy một người lớn tuổi càng có nhiều kiến thức – dù có theo cách chính quy hay không — thực hiện những bài kiểm tra về nhận thức tốt hơn so với những người lớn tuổi khác có ít kiến thức hơn.

Việc học những điều mới mẻ cũng có thể giúp tránh những căn bệnh của tuổi già như bệnh đãng trí và Alzheimer. Một nghiên cứu cho thấy những người già hơn vẫn nhạy bén trong nhận thức và hiếu kỳ về thế giới xung quanh thì khả năng mắc bệnh đãng trí và Alzheimer thấp hơn 2,6 lần so với những người không rèn luyện tư duy của mình.

6. Bạn sẽ hài lòng với cuộc sống hơn

Trong quyển Drive, Dan Pink cho rằng chúng ta cần 3 yếu tố để cảm thấy có động lực và hài lòng với cuộc sống: sự tự chủ, sự tinh thông và mục đích. Việc trở thành một người học tập trọn đời đáp ứng cả 3 nhu cầu tâm lý này.

Khi là người tự học, thì bạn – chứ không phải cha mẹ, giảng viên, cũng không phải cấp trên — phải lựa chọn những gì mình sẽ học. Thay vì là người tiếp thu kiến thức thụ động, bạn sẽ chủ động chọn kiến thức mình tiếp thu. Nói cách khác, bạn tự chủ. Khi học những kỹ năng mới, bạn sẽ tận hưởng cảm giác tích cực đến cùng sự tinh thông. Và bạn sẽ cảm thấy có lại mục đích sống khi lập mục tiêu cho công cuộc tự học của mình.

Cảm giác hài lòng đi cùng sự học trọn đời không dừng lại ở đó. Càng hiểu biết nhiều về thế giới, bạn càng đắm mình vào đó, và càng trải nghiệm được nhiều cấp độ sâu sắc hơn. Dù đi du lịch, trò chuyện, tham quan bảo tàng, xem phim, hay đọc sách, “thư viện” kiến thức của bạn sẽ giúp bạn tạo ra những mối quan hệ mà nếu không có nó thì bạn sẽ không bao giờ nhận ra. Càng học hỏi, bạn càng nhận ra mình đã bỏ lỡ biết bao điều quan trọng và ý nghĩa chỉ vì tác giả/diễn giả cho rằng kiến thức nền tảng đó, kiến thức văn hóa đó, là điều hiển nhiên.

7. Bạn sẽ “người” hơn

Như phát biểu nổi tiếng của Robert Heinlein:

Một con người nên có khả năng thay tã, lên kế hoạch xâm chiếm, mổ một con lợn, lái một chiếc tàu, thiết kế một tòa nhà, viết một bài thơ ngắn, cân đối sổ sách, xây một bức tường, sắp xếp xương, an ủi những người sắp lìa đời, nhận lệnh, ra lệnh, hợp tác, làm việc một mình, giải phương trình, phân tích một vấn đề mới, bón phân, lập trình máy tính, nấu một bữa ăn ngon, đấu tranh hiệu quả, hy sinh dũng cảm. Còn sự chuyên môn hóa thì dành cho loài côn trùng.”

Những Rào Cản Nhận Thức Phổ Biến Trong Việc Trở Thành Người Học Tập Trọn Đời

Mọi người thường đưa ra những biện minh giống nhau khi không nhận trách nhiệm học tập trọn đời mà thay vào đó lựa chọn một cuộc sống chỉ toàn lướt Internet và xem ti-vi một cách thiếu cân nhắc.

1. Thời gian

Tôi hiểu bạn bận rộn. Tôi chắc chắn thật khó tưởng tượng có thể moi đâu ra thời gian cho việc tự học khi một ngày của bạn đã chật kín với công việc và gia đình. Nhưng đây là vấn đề: Là một người học hỏi trọn đời, bạn không có thời hạn cuối trong sự học của mình. Bạn có thể tận dụng tất cả thời gian mình muốn và học vào bất cứ lúc nào bạn thích. Do đó, bạn không cần dành nhiều tiếng đồng hồ trong một ngày để đọc sách hoặc thực hành. Thỉnh thoảng chỉ cần 30 phút liên tục trong nhiều tháng trời cũng sẽ mang lại kết quả. Hơn nữa, theo kinh nghiệm của tôi, khi chủ động ưu tiên việc học, đến cuối cùng tôi thường tìm ra thời gian để học (nghĩa là trước đây tôi đã lãng phí thời gian làm những việc khác).

Có đủ những kiểu thời gian rảnh mà bạn có thể biến thành cơ hội học tập. Nghe sách nói trong lúc di chuyển thay vì nghe những bài hát nổi tiếng nhất thập niên 80, 90 và bây giờ. Hãy mang theo một quyển sách hay để đọc trong lúc chờ gặp bác sĩ thay vì lật quyển tạp chí thể thao Sports Illustrated đã xuất bản cách đây 2 năm.

2. Tiền

Rào cản này chỉ tồn tại nếu bạn nghĩ mình cần những lớp học chính thức để học điều gì đó. Bạn không cần. Nhờ vào sự kỳ diệu của Internet, bạn có thể học bất cứ điều gì (và thậm chí tham gia vào những lớp bậc đại học) theo tiến độ của mình, hoàn toàn miễn phí..

3. Thông tin

Giống như tiền, rào cản này gần như không còn tồn tại nhờ có Internet. Có thể có một số kỹ năng sẽ cần những hướng dẫn trực tiếp riêng biệt, nhưng việc tìm kiếm những người đó cũng dễ dàng hơn nhiều nhờ các trang web.

4. Vị trí

Đây chỉ là vấn đề khi bạn nghĩ mình cần tham gia vào một lớp học chính thức. Bạn không cần. Bạn có thể học tại nhà, trong ô-tô, hoặc trong ga-ra. Cứ cho là, có thể có một số trường hợp đặc biệt mà bạn sẽ cần ở một nơi nào đó để có thể học một kỹ năng mới (ví dụ, bạn không thể học cách trượt tuyết ở Oklahoma), nhưng những trường hợp đặc biệt đó thường là những trường hợp ngoại lệ.

Làm Thế Nào Để Trở Thành Người Học Tập Trọn Đời

1. Nuôi dưỡng tư duy phát triển

Có lẽ yếu tố kìm hãm bạn học những điều mới mẻ là niềm tin cho rằng bạn không thể học những điều mới mẻ. Nhưng khoa học thần kinh và tâm lý học đã chỉ ra rằng đây là niềm tin sai lầm. Bộ não của chúng ta vẫn còn rất dẻo dai và dễ uốn nắn trong những năm tháng tuổi già, bạn có thể tạo ra những kết nối mới giữa các tế bào thần kinh và học những điều mới mẻ dù đã 80 tuổi.

Để trở thành người học tập hiệu quả cả đời, bạn cần chấp nhận lối tư duy phù hợp với cách bộ não chúng ta thật sự hoạt động. Nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford phát hiện mọi người có một trong hai “lối tư duy” – cố định hoặc phát triển. Những người có lối tư duy cố định tin rằng trí thông minh và tài năng của họ là bẩm sinh và cố định. Họ không nghĩ mình có thể tiến bộ bằng cách rèn luyện và nỗ lực. Những người có tư duy phát triển (hay tư duy cầu tiến) tin họ có thể tự cải thiện bản thân qua việc rèn luyện và thực hành.

Bạn cần nuôi dưỡng tư duy phát triển. Bạn rèn luyện tư duy đó bằng cách nào? Sau đây là vài gợi ý của Dweck:

* Đọc những nghiên cứu chứng minh sự phát triển và sự tiến bộ là điều có thể
* Phát triển khả năng phục hồi nhanh
* Thử những điều mới mẻ
* Nghiên cứu và rút ra những bài học từ người khác bằng một tư duy phát triển

2. Thay đổi suy nghĩ về việc học

Học tập không nhất thiết phải ngồi trong không gian lớp học chính quy. Trên thực tế, hầu hết những thứ hữu ích mà bạn biết có lẽ được phát hiện một cách không chính thức từ gia đình, bạn bè, và phương pháp thử - sai xưa nhưng hiệu quả. Để trở thành người học tập trọn đời, hãy từ bỏ ý nghĩ mình cần đăng ký một lớp học để thật sự học một điều gì đó. Cơ hội học tập hiện hữu xung quanh bạn. Hãy nhớ rằng việc học không bị giới hạn trong phạm vi sách vở – có được những nhóm kỹ năng thực tế cũng là một phần quan trọng trong việc học.

3. Thiết lập mục tiêu

Bạn muốn học gì? Bạn muốn học vào lúc nào? Mỗi năm, hãy đặt ra mục tiêu cho bản thân về những kỹ năng và kiến thức mà bạn mong muốn có được. Mỗi năm, tôi thường đặt ra cho bản thân 3 mục tiêu quan trọng trong việc học. Ví dụ, mục tiêu năm nay của tôi là

1) học cách tạo ra những video hấp dẫn cho blog,
2) học cách điều khiển súng ngắn trong những tình huống tự vệ,
3) học cách nấu món bò hầm

Ngoài 3 mục tiêu quan trọng đó, mỗi ngày tôi luôn có mục tiêu học hỏi điều mới lạ dù bằng cách đọc sách hoặc nói chuyện với người khác. Để đảm bảo vợ chồng có thêm những chuyện khác để thảo luận vào giờ ăn tối (ngoài trang blog!), Kate và tôi chơi trò “Hôm nay anh/em đã học được gì?” (Thật ra chúng tôi nói, “Có chuyện gì kể cho anh/em nghe không?” Đó là cách nói vắn tắt của chúng tôi thay cho câu, “Hôm nay anh/em có đọc hay nghe điều gì thú vị không?”) Mỗi ngày, cả hai đều thử học điều gì đó mới lạ để chia sẻ cho nhau trong bữa ăn tối.

4. Tìm nguồn học tập

Khi đã thiết lập mục tiêu, đã đến lúc thu thập những nguồn học tập. Hãy tìm hiểu nhanh trên Google để xem thông tin nào sẵn có trên mạng. Sau đó, đi đến thư viện – dường như tôi luôn tìm thấy những kiến thức chuyên sâu và chất lượng hơn trong sách vở so với những bài viết trên mạng. Nếu đó là một kỹ năng cần đến sự hướng dẫn đặc biệt, hãy bắt đầu tạo ra một danh sách gồm những nơi và những người có thể đưa ra sự hướng dẫn.

5. Đặt câu hỏi

Học tập hiệu quả đòi hỏi sự tham gia chủ động. Bạn không thể chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Trong lúc đọc và nói chuyện với các chuyên gia, hãy đặt câu hỏi.

6. Tìm đội nhóm

Mặc dù bạn có thể một mình theo đuổi nhiều mục tiêu học tập, đôi khi có một nhóm người học cùng sẽ giúp ích cho bạn. Bạn cùng nhóm có thể đưa ra những góc nhìn và những nguồn học tập mà bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến. Hơn nữa, bạn thường nhận được thông tin phản hồi có tính xây dựng trong nhóm, mà nếu học một mình thì bạn sẽ không có được.

Để tìm một nhóm bạn học cùng, hãy bắt đầu từ những người mình quen biết. Có thể bạn có một số bạn bè muốn học kiến thức giống như bạn. Hãy bắt đầu những buổi thảo luận và thực hành hàng tuần với họ. Nếu bạn không tìm được người bạn nào có cùng mục tiêu học tập, hãy tìm trên các trang web. Thường sẽ có một nhóm trên mạng tập trung vào mục tiêu học tập như bạn. Dù họ không tương tác sôi nổi như những nhóm gặp gỡ trực tiếp, về mặt xã hội những hội nhóm trên mạng cũng có thể mang đến một môi trường học tập tuyệt vời.

7. Thực hành, thực hành, thực hành

Đừng chỉ đọc hay nghe kiến thức. Hãy cố tìm cách áp dụng vào thực tế. Nếu bạn đang học về nghệ thuật, hãy tham quan bảo tàng và thử nhận biết bức tranh nào thuộc vào thời kỳ Lãng Mạn. Nếu bạn đang học cách sinh tồn nơi hoang dã, mỗi tháng hãy đi về miền hoang dã và áp dụng những kỹ năng sống trong đó. Nếu bạn đang học cách viết code, thì hãy viết code.

8. Truyền thụ những gì bạn đang học

Một trong những quyển sách mà trước giờ tôi yêu thích nhất là The Seven Habits of Highly Effective People của Stephen Covey. Một trong những kỹ năng mà Covey dạy trong quyển sách này là để thật sự học điều gì đó bạn cần truyền thụ nó. Theo Covey, khi dạy, ta thật sự có động lực để nghiên cứu tài liệu vì ta muốn đảm bảo mình hướng dẫn người khác đúng đắn. Giảng dạy cũng buộc ta phải xem xét một khái niệm bằng quan điểm của một người mới bắt đầu, điều này có thể mang đến sự sáng tỏ và kiến thức mà chúng ta đang thiếu. Hơn nữa, chỉ việc dõng dạc nói với ai đó cũng có thể giúp bạn củng cố những tư tưởng nhờ “hiệu ứng trình bày”.

Khi bạn học những điều mới mẻ, hãy truyền thụ lại cho người khác. Viết blog là một cách hay để dạy lại những gì bạn đang học. Nhiều kỹ năng tôi có được trong 5 năm qua đến từ việc chọn viết về một chủ đề.

9. Tự kiểm tra

Nhận được thông tin phản hồi trong lúc học tập là rất quan trọng, và kiểm tra là cách tốt nhất để làm điều đó. Là một người tự học, có thể bạn sẽ không đối mặt với những bài kiểm tra chính thức, do đó bạn sẽ cần tự kiểm tra mình. Cách bạn kiểm tra chính mình sẽ phụ thuộc vào những kỹ năng và kiến thức mà bạn đang cố gắng đạt được. Nếu đang học bắn súng, bài kiểm tra của bạn có thể là bảng ghi điểm súng trường của quân đội Mỹ; nếu đang học tiếng Tây Ban Nha, bài kiểm tra của bạn có thể là đi đến cửa hàng tạp hóa Mexico tại địa phương và nói chuyện với nhân viên thu ngân chỉ bằng tiếng Tây Ban Nha.

Các nguồn để học cả đời

Như tôi đã đề cập ở trên, có vô số nguồn miễn phí trên mạng để bạn học mỗi ngày. Dưới đây là một vài nguồn tuyệt vời nhất:

  • Blinkist: Blinkist giống như website SparkNotes cho các cuốn sách phi hư cấu (non-fiction). Từ kinh doanh, cho đến triết học, lịch sử và nhiều hơn nữa, Blinkist cho phép bạn đọc mô tả các cuốn sách mà có thể lĩnh hội trong 15 phút!
  • Coursera: Coursera hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên khắp thế giới để cung cấp các lớp học trực tuyến miễn phí. Bạn có thể tham dự các lớp học thuộc nhiều lĩnh vực như khoa học máy tính, tâm lý hay toán học…
  • OpenStudy: OpenStudy là một mạng lưới học tập xã hội cho phép bạn kết nối với các cá nhân khác có cùng mục tiêu học tập giống bạn.
  • Khan Academy: Tôi cực kỳ yêu thích Khan Academy. Bạn có thể tìm thấy hơn 4.000 video bao trùm nhiều chủ đề từ đại số cho tới tài chính, lịch sử.
  • Duolingo: Website miễn phí để học tiếng nước ngoài.
  • Code Academy: Học code miễn phí với các bài tập có tính tương tác.
  • edX: Đại học Harvard và MIT đã hợp tác cùng nhau để tạo ra những khóa học trực tuyến miễn phí, tương tác. Bạn có thể tìm thấy các khóa học về mọi chủ đề.
  • Udacity: Udacity giống với Coursera và edX. Các lớp học bậc đại học miễn phí.
  • CreativeLive: Tôi mới phát hiện ra CreativeLive cách đây vài tuần. Đây là một ý tưởng rất thú vị. Bạn có thể theo dõi live stream của các khóa học đang được dạy miễn phí, nhưng nếu muốn theo dõi khóa học bất cứ lúc nào bạn muốn thì bạn phải trả phí. Các khóa học tập trung nhiều vào các chủ đề kinh doanh và sáng tạo như videography và online marketing.
  • TED: TED chứa đựng rất nhiều bài diễn thuyết và bài giảng không chỉ của các giáo sư mà còn của những con người thú vị từ khắp nơi trên thế giới và từ nhiều tầng lớp khác nhau. TED Talks còn hơn cả những bài giảng học thuật, thường khá hài hước và tập trung vào những chủ đề và ý tưởng thú vị. Dưới 20 phút cho mỗi bài nói chuyện nên chúng rất tuyệt vời cho những ai có khoảng chú ý ngắn hạn (short attention span).
  • iTunes U: iTunes U cho phép bạn tải xuống hàng ngàn bài giảng miễn phí dưới dạng podcast của các chuyên gia hàng đầu thế giới.

 

Dịch: https://www.ubrand.global/courses/phat-huy-ti-m-nang-b-ng-cach-tr-thanh-ng-i-h-c-t-p-tr-n-d-i

Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2013/03/18/how-and-why-to-become-a-lifelong-learner/

menu
menu