Phép lưỡng phân của quyền kiểm soát - Bài thực hành quan trọng nhất của người Khắc kỷ
Bởi vì các ham muốn của chúng ta tùy thuộc ở ta, cho nên chúng ta có thể huấn luyện cho mình DỪNG ham muốn những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Theo các nhà Khắc kỷ, phần lớn mọi thứ không phụ thuộc vào chúng ta, hay nói cách khác là nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Hành động và ý kiến của người khác, sức khỏe của chúng ta, danh tiếng của chúng ta và lượng của cải mà ta tích lũy, là những ví dụ về thứ không phụ thuộc nơi ta. Những thứ này có thể bị ảnh hưởng theo cách này hay cách khác thông qua hành động của chúng ta, nhưng rốt cuộc thì chúng là những thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Những thứ tùy thuộc vào chúng ta, hay hoàn toàn thuộc tầm kiểm soát của chúng ta, là những thứ bắt nguồn từ tâm trí của ta–chẳng hạn như ý kiến, đánh giá, niềm tin, ham muốn và các mục tiêu của chúng ta.
Người Khắc kỷ tin rằng đau khổ và bất hạnh nảy sinh do con người để cho hạnh phúc của họ phụ thuộc vào những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ và khi làm như vậy họ tự biến mình thành nô lệ. Epictetus, một người sinh ra đã là nô lệ, mãi về sau trong cuộc đời ông mới trở thành người tự do, nói rằng:
“Bậc đạo sư của nhân loại là người có thể tiếp nhận hoặc buông xả bất cứ điều gì mà phàm phu truy cầu hay tránh xa. Nhân cách được giải phóng sau đó cho phép ông ấy chẳng ước muốn gì, chẳng phủ nhận gì, vì những điều đó đều phụ thuộc vào người khác; nếu không đạt được như vậy thì ông ta cũng chẳng khác gì một nô lệ mà thôi.” (Enchiridion, Epictetus)
Để từ bỏ thân phận nô lệ do ta tự gây ra, chúng ta phải ‘thờ ơ’ tất cả những thứ không nằm dưới sự kiểm soát của ta, và đặt hạnh phúc của ta dựa hoàn toàn vào những thứ ‘tùy thuộc ở ta’. Thí dụ, bởi vì các ham muốn của chúng ta tùy thuộc ở ta, cho nên chúng ta có thể huấn luyện cho mình DỪNG ham muốn những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Đại đa số mọi người không làm việc này, mà thay vào đó họ mù quáng theo đuổi những thứ bên ngoài như giàu sang, quyền lực hay thỏa mãn nhục dục, tin rằng chỉ có cách đạt được những thứ ấy thì họ mới thấy hạnh phúc. Epictetus đã so sánh cá nhân mù quáng này với con người đã đạt được tự do nội tâm:
Mỗi khi anh thấy ai đó nắm giữ quyền lực chính trị, hãy suy ngẫm điều đó cùng với sự thật rằng bản thân anh chẳng cần thứ quyền lực ấy. Mỗi khi anh thấy ai đó giàu sang, hãy quán niệm về những điều anh đang có. Bởi vì nếu anh không có thứ gì để khỏa lấp vào chỗ thiếu đó, anh sẽ rơi vào đau khổ; nhưng nếu anh không có ham muốn được giàu sang, hãy nhận ra rằng anh đang sở hữu một thứ to lớn và quý giá hơn. Một người khác có một người vợ kiều diễm, còn anh thì chẳng thiết tha gì với việc có một cô vợ xinh đẹp. Anh có nghĩ những điều này là nhỏ nhặt không? Những người này - người giàu có, kẻ quyền quý, và người sống với cô vợ xinh đẹp - phải trả cái giá bao nhiêu để có được khả năng xem nhẹ tiền tài, quyền lực và những người phụ nữ họ mê thích và chiếm hữu? (Enchiridion, Epictetus)
Vấn đề với việc khiến hạnh phúc của ta phụ thuộc vào những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta đó là khi thiếu những thứ đó, chúng ta sẽ đau khổ, và nếu không thì khi chúng ta có chúng, ta thường sẽ quá lo lắng về khả năng mất chúng đến nỗi ta sẽ không tận hưởng được chúng.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là các nhà Khắc kỷ không ủng hộ việc một người nên tránh xa tất cả những thứ không tùy thuộc vào chúng ta. Mà nói đúng hơn là, những thứ như sức khỏe, giàu sang, thanh danh, thức ăn ngon và tình yêu và khoái cảm tình dục, tất cả những điều này và thêm những điều khác nữa là những thứ mà người Khắc kỷ sẽ tận hưởng nếu chúng đến với ông ta. Song người Khắc kỷ không bám chấp vào chúng và hạnh phúc của ông ta không lệ thuộc vào chúng. Điều này có nghĩa là người Khắc kỷ không những sống một cuộc đời tràn đầy niềm vui và bình thản khi thiếu vắng chúng, mà khi những thứ ngoài thân ấy được trao cho ông ta thì ông ta vẫn có khả năng tận hưởng chúng mà không lo sợ về chuyện mất chúng. Như Seneca đã nói:
“Không ai có quyền năng để đạt được bất kỳ thứ gì anh ta muốn, nhưng anh ta có quyền năng để không thèm khát thứ mà mình không có, và vui vẻ tận hưởng những thứ đến với mình.” (Lucius Seneca, Lá thư từ một kẻ Khắc kỷ)