Phương pháp vòng lặp kép và cách thức giải quyết vấn đề
Chris Argyris là nhà tâm lý học người Mỹ với các nghiên cứu liên quan tới những hoạt động trong tổ chức, từ cấu trúc tổ chức, hệ thống kiểm soát, hành vi của các lãnh đạo cấp cao, cách tương tác giữa nhân viên hay sau này là quá trình học tập của cá nhân
Chris Argyris là nhà tâm lý học người Mỹ với các nghiên cứu liên quan tới những hoạt động trong tổ chức, từ cấu trúc tổ chức, hệ thống kiểm soát, hành vi của các lãnh đạo cấp cao, cách tương tác giữa nhân viên hay sau này là quá trình học tập của cá nhân và tổ chức. Cùng với triết gia Donald Schön, Chris Argyris đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển nhận thức về quá trình học tập, thay đổi trong tổ chức (organizational learning) bằng nghiên cứu của mình và phát minh ra các thuật ngữ học tập vòng lặp đơn (single-loop learning) và học tập vòng lặp kép (double-loop learning). Nhận thức về 2 phương pháp này và áp dụng cách thức học tập vòng lặp kép sẽ giúp cả tổ chức và cá nhân tối ưu hóa quy trình học tập, thay đổi của mình, hiểu được nguyên nhân và tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề cản trở quá trình học tập.
Argyris và Schön bắt đầu với lý thuyết hành động, cho rằng trong mỗi người có 1 bản đồ tư duy ảnh hưởng tới hành vi của họ trong những tình huống nhất định. Dù ít người nhận thức được sự tồn tại của bản đồ này nhưng chính nó sẽ định hướng cho hành động của họ chứ không phải những lý thuyết mà họ nói. Sự khác biệt giữa lý thuyết và hành động này được Argyris và Schön gợi ý bằng 2 lý thuyết hành động – theories in use và espoused theory. Sự khác biệt giữa 2 thuyết này dựa trên sự khác biệt giữa những gì chúng ta làm (hành động) và những gì chúng ta nói với người khác chúng ta sẽ làm (lý thuyết).
- Theory-in-use (lý thuyết thực tiễn) là lý thuyết khiến chủ thể thực sự hành động dựa trên những giả định về bản thân, người khác, môi trường… Mối quan hệ của nó với hành động cũng giống như việc áp dụng ngữ pháp trong bài viết.
- Espoued theory (lý thuyết đồng thuận) là những gì chúng ta nói với người khác rằng chúng ta sẽ làm hoặc chúng ta muốn người khác nghĩ rằng chúng ta sẽ làm.
“Khi chúng ta hỏi người khác rằng anh ta sẽ hành xử thế nào trong những tình huống nhất định thì câu trả lời đưa ra thường là lý thuyết đồng thuận. Đó là cách anh ta giao tiếp với người khác và thể hiện bổn phận của mình với yêu cầu được đưa ra. Nhưng trên thực tế thì lý thuyết kiểm soát hành vi của anh ta lại là lý thuyết thực tiễn” – Argyris và Schön.
Khi những gì chúng ta dự định và kết quả thực sự trùng khớp nhau thì lý thuyết đồng thuận trở thành lý thuyết thực tiễn. Nhưng khi chúng không khớp nhau, Argysis và Schön gợi ý rằng chúng ta sẽ có 2 cách thức phản ứng, đó chính là lúc ra đời định nghĩa về vòng lặp đơn và vòng lặp kép.
- Phương pháp vòng lặp đơn là khi chúng ta cố gắng khắc phục vấn đề bằng cách tìm ra phương thức hành động khác. Các giá trị, mục tiêu, kế hoạch hay quy tắc… vẫn giữ nguyên.
- Phương pháp vòng lặp kép là khi chúng ta tìm ra nguyên nhân thực sự đằng sau vấn đề, có thể nghi ngờ, đặt câu hỏi và thay đổi các giá trị, mục tiêu, kế hoạch hay nguyên tắc…
Mô hình phương pháp vòng lặp đơn và vòng lặp kép
Điều này có nghĩa là thay vì chỉ cố gắng sửa đổi hành động để đạt được mục tiêu như trong phương pháp vòng lặp đơn, chúng ta nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân cốt lõi phát sinh vấn đề và khắc phục từ đó. Với tổ chức, đó có thể là các chính sách, quy chuẩn; với cá nhân, nó có thể là các giả định, động cơ mà chúng ta dựa trên nó để đưa ra các kế hoạch, mục tiêu. Phương pháp vòng lặp kép đòi hỏi chủ thể phải có khả năng:
- Tự nhận thức bản thân để biết được đâu thực sự là nguyên nhân bởi sai lầm thường nằm trong chủ thể.
- Dũng cảm chấp nhận sai lầm.
- Hành động hợp lý để sửa đổi.
Nghiên cứu của Chris Argyris tập trung khám phá cách các tổ chức có thể nâng cao năng lực của mình nhờ vào phương pháp học tập vòng lặp kép. Ông chỉ ra rằng phương pháp này rất cần thiết khi tổ chức thực hiện những quyết định trong bối cảnh không chắc chắn hoặc thường xuyên thay đổi.
Nguồn: https://banchihoa.wordpress.com/2016/06/10/phuong-phap-hoc-tap-vong-lap-kep-va-cach-thuc-giai-quyet-van-de/